Bố của nhạc sỹ Quốc Trung là nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, NSND từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ văn hóa thông tin Việt Nam, ông là giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, ca sĩ nổi tiếng. NSND Trung Kiên là giọng ca nam cao nổi tiếng của giòng nhạc cách mạng với các bài hát nổi tiếng như "
Đất nước trọn niềm vui", "Phất cờ nam tiến"...Nhạc sỹ Quốc Trung được thừa hưởng tài năng âm nhạc của cha, chính vì lẽ này, Quốc Trung thừa sự tự tin để đứng vững trên con đường âm nhạc của anh và là người làm nghề khá cực đoan dẫn đến anh có nhiều phát ngôn khó hợp tai và nhiều người. Quốc Trung là chồng cũ của ca sĩ Thanh Lam, hai người có với nhau hai mặt con, Quốc Trung từng có thời gian bị nghi là cặp với "yêu nữ hàng hiệu" Vũ Hạnh Nguyên. Vừa qua, dưới cương vị hội đồng thẩm định của MTV VN MA, Quốc Trung đã phải xin lỗi Đức Tuấn vì trước đấy đưa ra một vài bình luận nhầm lẫn.
NSND Trần Hiếu - Ca sĩ Trần Thu Hà
Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu sinh ngày 23/4/1936 tại Tam Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây. Ông là cha đẻ của nữ ca sĩ Trần Thu Hà, là anh trai của nhạc sĩ Trần Tiến. Nghệ sĩ Trần Hiếu đi hát từ khi còn rất sớm, lúc ông mới 11 tuổi. Đến năm 1954, ông tốt nghiệp khoa thanh nhạc Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Sau đó ông về làm ca sĩ đơn ca tại Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương. Ông đã từng đi học ở Nhạc viện Sofia ở Bulgaria trong ba năm. Từ năm 1986 đến 1991, ông là diễn viên đơn ca ở Nhà hát Tuổi trẻ.
Trần Hiếu sở hữu một giọng nam trầm ít ỏi ở Việt Nam. Ông thể hiện nhiều ca khúc trữ tình, cách mạng với sự hài hước, duyên dáng và sâu lắng. Những ca khúc mang lại thành công cho ông đều là những ca khúc khó mà ít người có thể biểu diễn và nắm bắt được cái hồn như ông đã từng làm được. Một vài ca khúc thành danh như
Con voi (Nguyễn Xuân Khoát), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Lãnh tụ ca (Lưu Hữu Phước)... Ông còn đóng vai chính trong nhiều vở nhạc kịch của Việt Nam và nước ngoài như:
Người tạc tượng, Eugene Oneguine, Ruồi Trâu... Ông cũng đã đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới.
Khi nói về con gái thân yêu, nghệ sĩ Trần Hiếu luôn dành cho Trần Thu Hà một tình cảm nồng nàn xen lẫn cảm phục. Chính Trần Hiếu không nghĩ rằng nhờ nội lực và sự cố gắng không mệt mỏi mà con gái ông lại trở thành một trong 4 Diva lớn hiện nay của nhạc Việt. Trần Thu Hà lần đầu tiên khiến nhạc sĩ Trần Hiếu khóc chính là sau hậu trường của đêm diễn Nhật Thực, sau khi xem con gái diễn xong, Trần Hiếu lẳng lặng ra phần hành lang đứng một mình khóc ngon lành vì xúc động với những thành quả mà con gái đã đạt được. Ban đầu, Trần Thu Hà bị nhiều khán giả nhầm lẫn với phong cách của Mỹ Linh bởi mái tóc cắt ngắn nhưng sau thời gian "lửa thử vàng", Trần Thu Hà chinh phục được khá nhiều cái tai nghe nhạc khó tính bởi kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện mà vẫn tràn đầy cảm xúc.
Tháng 9 vừa qua, Trần Thu Hà trở về nước và tham gia ba đêm nhạc Không gian âm nhạc, nhân sự kiện về nước này, chị cũng cho ra tập thơ "Thập kỷ yêu" chứa đựng cảm xúc, suy nghĩ của chị trong suốt quá trình làm nghệ thuật và cả tuổi thơ. Hiện, Hà Trần đang mang thai và chờ ngày khai hoa, nở nhụy.
Nhạc sỹ Thuận Yến - Ca sĩ Thanh Lam
Nhạc sỹ Thuận Yến là tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, các sáng tác của ông ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước thời kỳ đổi mới khi đất nước mới thoát khỏi chiến tranh. Những sáng tác của ông khá lãng mạn và bay bổng. Thuận Yến có hai người con, Thanh Lam là con cả và DJ Trí Minh là con út. Mẹ của Thanh Lam là nghệ sĩ đàn dân tộc Thanh Hương. Sức khỏe của nhạc sỹ Thuận Yến hiện nay không còn được như xưa và ông gặp một số bệnh của tuổi già.
Thanh Lam là nữ ca sỹ tự do duy nhất được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2007. Cuộc sống của Thanh Lam có nhiều sóng gió bởi chị có cá tính dữ dội, âm nhạc của chị cũng vậy, thăng trầm theo cảm xúc và cuộc sống cá nhân của chị. Thanh Lam nhận được khá nhiều lời khen tặng như Người đàn bà hát, Nữ hoàng nhạc nhẹ bởi chị có chất giọng đầy cảm xúc, chất "điên" vì luôn chuyển mình sáng tạo trong âm nhạc. Thanh Lam từng kết hôn một lần trước khi đến với nhạc sỹ Quốc Trung. Thanh Lam hiện đang có hai cô con gái và một cậu con trai.
Nhạc sỹ An Thuyên - An Hiếu và Bông Mai
Nhạc sỹ An Thuyên là người đóng góp nhiều tác phẩm lớn cho kho tàng âm nhạc Việt Nam. Không chỉ có nhiều tác phẩm múa, sân khấu, điện ảnh, ông được biết đến nhiều nhất với các ca khúc mang âm hưởng dân ca, có sức sống mãnh liệt và để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Trong đó, phải kể đến các tác phẩm như
"Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà", "Khi xe tăng qua miền quan họ", "Hành quân lên Tây Bắc", "Thơ tình của núi”, “Neo đậu bến quê", "Huế thương", "Mẹ Việt Nam anh hùng", "Ca dao em và tôi", "Chú Cuội chơi trăng”... Hiện nhạc sĩ An Thuyên còn là Ủy viên Ban thư ký, Trưởng ban thanh nhạc Hội Nhạc sĩ VN, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (trước là trường Cao đẳng).
An Hiếu (đứng) cùng với Bông mai (ngoài cùng bên phải)
Nhạc sĩ An Thuyên có hai người con và đều nổi tiếng cả hai, bao gồm An Hiếu và Bông Mai. Bông Mai bộc lộ tố chất với âm nhạc từ rất bé, chị học piano từ năm 7 tuổi, 14 tuổi học múa vì được bố khuyên là không phù hợp với hát nhưng rồi chị lại chuyển hướng sang ca hát vì chị nghĩ ngọn lửa ca hát luôn cháy trong tâm khảm. Bông Mai cùng Xuân Nhị, Nguyệt Anh thành lập nhóm nhạc Con gái, ba cô gái để lại dấu ấn trong thị trường âm nhạc phía Bắc suốt những năm cuối thập niên 90 bởi phong cách nhạc nhẹ, êm ái như rót mật vào tai.
Tuy nhiên, ba năm sau, Bông Mai quyết rời nhóm, vào Nam ca hát và công tác giảng dạy trong trường nghệ thuật. Nhưng ít lâu sau, Bông Mai lại bỏ về Hà Nội và tham gia làm MC, biên tập viên âm nhạc cho VTV3. Khác với người em nổi tiếng trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông hơn, anh của Bông Mai, An Hiếu có công việc chính là giảng viên khoa âm nhạc dạy bộ môn đàn keyboard. Chính vì thế mà An Hiếu có phần im ắng hơn cô em. Ngoài công việc giảng dạy, An Hiếu còn sáng tác và là trưởng nhóm của ban nhạc Đồng Đội được thành lập từ năm 1998 gồm có bảy thành viên.
VNN