Những chất phụ gia cần hạn chế.
Bởi trong thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm đóng gói, thường chứa những loại phụ gia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bạn. Những cuộc nghiên cứu về an toàn phụ gia thực phẩm đã được thực hiện nhiều trên động vật. Chúng đã chỉ ra một số chất phụ gia có thể gây ung thư. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để kết luận các chất trên cũng ảnh hưởng đến con người tương tự như đối với động vật, bởi đó vẫn là một vấn đề còn đang trên bàn tranh luận.
Dẫu thế, người tiêu dùng vẫn nên biết đến danh sách các chất phụ gia được xem là nguy hiểm để hạn chế nếu có thể được. Các chất nói trên bao gồm:
Muối diêm
Muối diêm là một trong 12 chất phụ gia nguy hiểm nhất, dùng để bảo quản, tạo màu và hương vị cho các sản phẩm từ thịt. Muối diêm thường được thêm vào thịt muối, jambon, cá xông khói, hotdog, thịt hộp để giữ hương vị và tạo màu đỏ. Chất này ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn, nhưng nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy nó có liên quan đến nhiều loại ung thư. Dẫu chưa có kết luận chính xác về ảnh hưởng trên cơ thể người, nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã khuyên nên hạn chế muối diêm trong thực phẩm
BHA và BHT
BHA và BHT là những chất chống oxi hóa. Chúng giữ cho dầu mỡ không bị ôi (oxi hóa) nhưng chúng có thể gây ra ung thư. BHA và BHT được tìm thấy trong ngũ cốc, sing-gum, khoai tây chiên và dầu thực vật.
Cấu trúc của BHA và BHT sẽ thay đổi trong suốt quá trình bảo quản thức ăn. Chúng có thể tạo thành một hợp chất phản ứng lại với cơ thể và không được bài tiết ra bởi cơ thể. Hiển nhiên chúng không phải được thêm vào để làm con người bị ung thư, nhưng với một vài người, vào một thời điểm nhất định thì đó lại là một nguy cơ.
Propyl gallate
Propyl gallate là 1 chất bảo quản nữa cần phải hạn chế. Nó là một chất chống oxi hóa, được dùng để giữ cho dầu mỡ không bị hôi, thường dùng kết hợp với BHA và BHT. Chất này thỉnh thoảng thấy trong các sản phẩm từ thịt, súp gà và kẹo cao su. Propyl gallate chưa được chứng minh là gây ung thư cho người nhưng các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó có liên quan đến ung thư.
Bột ngọt
Bột ngọt (MSG) là một loại axit amin làm tăng hương vị cho canh, rau trộn, khoai tây chiên, thực phẩm đông lạnh và thực phẩm trong nhà hàng. Các quán ăn châu Á thường dùng chất này. Để tăng vị ngọn của món ăn, bạn có thể sử dụng một chút bột ngọt nhưng nên giảm bớt lượng muối ăn dự kiến chêm vào món ăn.
Chất béo thể đồng phân
Chất béo thể đồng phân (trans fats) cũng nằm trong 12 chất phụ gia nên hạn chế bởi vì ăn nó quá nhiều sẽ dẫn đến bệnh tim. Trans fats đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra ung thư và là điều kiện lý tưởng để hình thành chứng đột quị, đau tim, bệnh mạch vành, suy thận. Nhà sản xuất đã phải điều chỉnh để giảm lượng trans fat trong thực phẩm và kê khai trên nhãn lượng trans fat. Nhưng thực phẩm trong nhà hàng, đặc biệt là những cửa hàng thức ăn nhanh vẫn chứa rất nhiều chất béo. Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta không nên ăn quá 2g trans fat mỗi ngày. Lưu ý việc ăn thịt và uống sữa không liên quan nhiều đến trans fat.
Aspartame
Aspartame, thường được biết đến với tên Nutrasweet và Equal, là một chất phụ gia được tìm thấy trong thực phẩm cho người ăn kiêng như món tráng miệng với hàm lượng calori thấp, có thể có trong gelatins, nước hoa quả và thức uống không cồn. Nó cũng được dùng để làm những gói đường hóa học.
Tính an toàn của aspartame là tâm điểm của hàng trăm cuộc nghiên cứu khoa học. Cơ quan quản lý thực, dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Hiệp Hội Dinh Dưỡng Hoa Kỳ (ADA) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng chất phụ gia này an toàn.
Ngược lại, Trung tâm khoa học vì lợi ích công cộng (the Center for Science in the Public Interest) cho nó số điểm thấp nhất trong bản báo cáo về phụ gia thực phẩm. Những cuộc nghiên cứu trên động vật cho rằng aspartame có liên quan đến ung thư.
Một phát ngôn viên của ADA - tổ chức ủng hộ tính an toàn của aspartame - nói rằng chất phụ gia này có thể ảnh hưởng sức khỏe một số người, đặc biệt đối với ai có bệnh PKU (phenylketonuria), là một loại bệnh rất hiếm, do sự lệch lạc của một gene khiến cơ thể không tạo ra được enzyme để khử bỏ chất phenalalanine.
(Theo monngon)