Phóng viên tờ The Telegraph đã có chuyến ghé thăm thực địa tại trại tị nạn Calais Jungle để thấu hiểu hơn những khó khăn mà người tị nạn đang gặp phải và cách mà smartphone đang giúp họ hòa nhập vào cuộc sống mới tại châu Âu.
Trại tị nạn Calais Jungle tọa lạc tại biên giới Anh – Pháp và là điểm dừng chân lý tưởng cho những người muốn chạm tay vào ước mơ nhập cư. Khoảng 150 người tị nạn tìm cách đến được Calais Jungle mỗi đêm, trong khi đã có tổng cộng 11 người phải bỏ mạng tính đến cuối tháng 9 năm ngoái. 12 triệu Bảng là số tiền mà chính phủ Anh đã bỏ ra để tăng cường an ninh tại khu vực biên giới giữa nước này và Pháp.
Mặc dù là một trong số ít các trại tị nạn được trang bị máy phát điện, nhưng điều kiện sống tại Calais Jungle vẫn rất tồi tàn. Được xây dựng từ những tấm gỗ ván đơn sơ, trần và tường tại Calais Jungle được che lấp bằng các tấm thảm và chăn mềm. Theo phóng viên tờ The Telegraph, thì căn phòng mà những người tị nạn đang trú ẩn có mùi không khác gì “gà rán”.
Những người tị nạn chủ yếu đến từ vùng Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà chiến tranh và xung đột quân sự đang tàn phá cuộc sống của họ. Trên đường vượt biển Pháp để đến Anh, nhiều người trong số họ đã có được những chiếc SIM điện thoại của Anh. Chia sẻ với phóng viên, những người nhập cư cho hay trong khi việc mua SIM tại Pháp yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân và địa chỉ, thì tại Anh không có những yêu cầu như vậy. Hơn thế nữa, dữ liệu di động tại Anh là rẻ hơn và SIM cũng được chào bán tại một số cửa hàng xung quanh các trại tị nạn.
Philipp Roehl, CEO của mạng di động giá rẻ BeachSIM có trụ sở tại Berlin chia sẻ smartphone là một trong những công cụ quan trọng nhất cho người tị nạn. Họ dựa vào GPS như là một công cụ định vị trong chuyến hành trình đầy gian khó đến châu Âu, trong khi dữ liệu di động và kết nối Internet cho phép họ gọi điện về gia đình thông qua các ứng dụng như WhatsApp, Viber hay Skype. Còn các mạng xã hội như Facebook và Twitter lại có vai trò riêng của nó. Những người tị nạn đến trước coi các trang này là một kho tàng thông tin cập nhật về điểm đến hay cảnh báo nguy hiểm cho những người đến sau.
Có nhiều lý do khiến nước Anh trở thành điểm đến lý tưởng cho những người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi: môi trường sống tốt, cơ hội việc làm rộng mở và phúc lợi xã hội cao. Đối với những con người này, thì smartphone trở thành công cụ duy nhất giúp họ giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở trong nước. Nhận thức được điều này, tổ chức từ thiện Shropshire Loves Community Interest của Anh đã phân phát miễn phí 9,000 chiếc SIM điện thoại cùng chăn màn, bàn chải và thuốc đánh răng đến tay những người tị nạn.
Tuy nhiên kể cả khi trong tay đã có những chiếc SIM, hành trình gọi điện về gia đình của những người nhập cư vẫn còn đó những khó khăn. Phóng viên tờ The Telegraph kể lại “Trại tị nạn được tọa lạc gần đường cao tốc vì thế sóng điện thoại ở đây rất kém. Rất dễ gặp cảnh những người tị nạn phải chạy ra đường lớn để có một hoặc hai vạch sóng”.
Ngoài sóng yếu, thì không có ổ cắm điện để sạc điện thoại cũng là một vấn đề lớn. Calais Jungle chỉ là một trong số ít các trại tị nạn được trang bị máy phát điển và ổ sạc, còn tại các khu vực khác, người nhập cư đang phải xếp hàng dài để được sử dụng ổ sạc. Nhiều tổ chức từ thiện đang cân nhắc việc xây dựng thêm trạm biến áp và ổ điện sử dụng năng lượng mặt trời tại các trại tị nạn để giúp đỡ cho cuộc sống của những con người kém may mắn, nhưng việc này tốn rất nhiều thời gian.
Sự trỗi dậy của những tổ chức khủng bố, bất ổn chính trị và nghèo đói đã đẩy cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu lên đến đỉnh điểm. Thống kê cho hay hơn 1 triệu người tị nạn đã đặt chân đến châu Âu trong năm 2015, chủ yếu đến từ các quốc gia như Syria, Pakistan, Iraq, Somalia, Sudan, Nigeria. Trước tình hình này, nhiều quốc gia bao gồm Anh, Đức hay Đan Mạch đã công bố siết chặt kiểm soát biên giới và trao trả lượng lớn người nhập cư về nước của họ.
Và trong khi đó, những người tị nạn vẫn kiên nhẫn chờ đợi để hiện thực hóa giấc mơ nhập cư trên những vùng đất hứa.
Nguyễn Mai Đức