Những điều cần biết trong điều trị hen suyễn

Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mãn tính. Một điều vô cùng quan trọng trong kiểm soát là tránh các yếu tố khởi phát suyễn, đồng thời sự hiểu biết về bệnh, điều trị cũng như điều chỉnh lối sống sinh hoạt có thể giúp kiểm soát suyễn tốt.

Những yếu tố khởi phát cơn suyễn

- Thú nuôi
- Không khí ô nhiễm: khói thuốc lá, bụi, khói thải từ xe cộ,nhà máy
- Nấm, phấn hoa
- Thay đổi thời tiết
- Cảm lạnh và nhiễm siêu vi
- Thay đổi cảm xúc: căng thẳng, lo âu, buồn phiền
- Vận động, tập luyện thể thao
- Dị ứng thức ăn, thuốc

Không thể tránh hoàn toàn các yếu tố khởi phát. Tuy nhiên, một số trẻ bị suyễn sẽ mất dần triệu chứng theo thời gian khi chúng lớn lên. Một số khác thấy triệu chứng trở nên nhẹ hơn. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng các tổn thương ở đường dẫn khí không biến mất và triệu chứng suyễn có thể xuất hiện trở lại sau này. Nhưng một khi đã xác định được tác nhân nào có thể gây ra cơn suyễn cho trẻ thì có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng suyễn của trẻ và giúp kiểm soát suyễn tốt.

lua-chon-buong-hit-tot(1).jpg

Thuốc điều trị suyễn

Có hai loại thuốc chính trong điều trị suyễn: thuốc cắt cơn (reliever) và thuốc dự phòng (preventer), có tác dụng hoàn toàn khác nhau. Hầu hết thuốc suyễn được sử dụng ở dạng thuốc hít vì đây là một cách sử dụng thuốc rất hiệu quả giúp thuốc đi thẳng vào phổi.

Thuốc hít có thể ở dạng phun sương ( khí dung) tức sử dụng máy khí dung hay máy xông mũi họng hoặc dạng bột khô. Thuốc hít dạng bột khô nên sử dụng với buồng đệm (babyhaler) giúp thuốc dễ sử dụng và hiệu quả hơn.

- Thuốc dự phòng dạng hít

Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường thở, giảm phù nề và ngăn cản phản ứng nhạy cảm với tác nhân gây suyễn giúp trẻ sẽ ít có khả năng lên cơn suyễn khi tiếp xúc với tác nhân gây suyễn. Tuy nhiên không phải tất cả các trẻ bị suyễn đều phải dùng thuốc dự phòng. Tùy theo các triệu chứng suyễn của trẻ và lứa tuổi mà bác sỹ sẽ có chỉ định dùng thuốc dự phòng hay không và dùng loại thuốc nào phù hợp với trẻ.

Thuốc dự phòng chứa steroid dạng hít, có nhiều loại steroid hít nhưng chúng có cùng một tác dụng:

+ Giảm nguy cơ bị cơn suyễn nặng

+ Tác dụng bảo vệ của thuốc chỉ xuất hiện sau một khoảng thời gian dùng thuốc, vì vậy thuốc cần phải được sử dụng liên tục mỗi ngày, thường là buổi sáng và buổi tối, ngay cả khi trẻ không có cơn suyễn.

+ Khi trẻ bắt đầu dung thuốc, có thể mất khoảng 14 ngày thì chúng ta mới thấy được tác dụng của thuốc là cải thiện triệu chứng suyễn.

Ít gặp các tác dụng phụ của thuốc vì thuốc dự phòng dạng hít đi thẳng vào phổi và tác dụng tại chỗ. Một số tác dụng phụ có thể gặp như trẻ bị đau họng, khàn tiếng và tưa miệng lưỡi. Để hạn chế các tác dụng phụ này, trẻ nên súc miệng và đánh răng sau khi hít thuốc. Sử dụng buồng đệm (buồng hít) là một cách hiệu quả tránh các tác dụng phụ.

- Thuốc cắt cơn suyễn tác dụng nhanh dạng hít

Thuốc cắt cơn suyễn là thuốc mà trẻ có thể sử dụng ngay lập tức khi bắt đầu có triệu chứng suyễn. Thuốc nhanh chóng làm giãn các cơ quanh đường dẫn khí giúp đường thở mở rộng hơn, và trẻ sẽ dễ thở hơn. Vì vậy mỗi trẻ bị suyễn nên luôn luôn có sẵn thuốc cắt cơn bên cạnh mọi lúc mọi nơi.

Thuốc cắt cơn dạng hít an toàn và hiệu quả, có ít tác dụng phụ. Một vài loại thuốc cắt cơn dùng ở liều cao hoặc dạng siro có thể làm tăng nhịp tim, run cơ hoặc làm trẻ khó chịu kích thích. Tuy nhiên các tác dụng phụ này thường ngắn thoáng qua, tự hết sau vài phút hoặc vài giờ.

- Những thuốc điều trị khác

Ở một số trường hợp suyễn không kiểm soát tốt với điều trị thuốc dự phòng chứa steroid đơn thuần, các bác sỹ sẽ cân nhắc việc điều trị phối hợp thuốc dự phòng steroid dạng hít với thuốc cắt cơn tác dụng kéo dài hoặc với thuốc dự phòng non-steroid dạng viên.
Một đợt uống ngắn ngày (3-5 ngày) thỉnh thoảng cần thiết sử dụng trong điều trị cơn suyễn cấp. Thuốc có hiệu quả tốt trong việc cải thiện triệu chứng suyễn nặng.


Siêu Thị Y Tế tổng hợp
 
  • Chủ đề
    bệnh hen suyễn
  • Top