Trong thế giới smartphone, nhất là đối với nền tảng Android, có rất nhiều quan niệm đã tồn tại từ rất lâu và được truyền miệng cho nhau từ người này qua người khác như là kinh nghiệm không thể nào bỏ qua khi sử dụng nền tảng này. Không có ai có thể trả lời được rằng nguồn gốc của chúng bắt đầu từ đâu, nhưng tất cả đều có điểm chung, đó là trở thành những quan niệm đã gắn liền với người dùng. Mặc dù trong đó có những điều tương đối là đúng, nhưng phần lớn còn lại là hoàn toàn sai lầm, và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những quan niệm nào đã từng “bị lầm tưởng” là đúng trong thời một thời gian dài.
Chỉ nên sử dụng sạc pin đi kèm với thiết bị
Nếu điều đó hoàn toàn là sự thật thì hãy tưởng tượng đến ngôi nhà, hay văn phòng của chúng ta trở thành một nơi sưu tầm những cục sạc pin với số lượng lớn như thế nào, và dĩ nhiên là chúng ta cũng sẽ có một kho những thiết bị không thể sử dụng được. Tuy nhiên thì quan niệm trên hoàn toàn không phải sai hoàn toàn, mà chỉ có một phần rất nhỏ sự thật nằm bên trong đó.
Dòng điện, công suất, và điện áp của nguồn cung cấp, mà ở đây là bộ sạc sẽ tác động chính thức đến việc sạc thiết bị của chúng ta. Mỗi cục sạc do những nhà sản xuất tạo ra, mặc dù có các thông số trên có thể là khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung được dùng với mục đích nạp pin cho thiết bị, đồng nghĩa với việc mà bạn có thể sử dụng cáp USB kết nối thiết bị của mình với bất cứ cục sạc nào mà không hề có chuyện gì xảy ra, ngoại trừ thời gian bạn chờ chỉ là bao lâu mà thôi.
Tuy nhiên không đồng nghĩa là bạn có thể mua bất cứ bộ sạc nào trên thị trường về và kết nối với thiết bị của mình. Đối với các hãng lớn như LG hay Sony…, họ có những sự đảm bảo an toàn một cách tối đa cho tất cả người dùng sử dụng các thiết bị do họ tạo nên, trong đó có cả cục sạc, và đương nhiên là sạc pin qua các thiết bị như thế, dù không đúng chủng loại cũng hoàn toàn yên tâm. Thế nhưng còn các cục sạc trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc cũng như xuất xứ, thì bạn không nên sử dụng chúng cho thiết bị của mình, vì nguy cơ của chúng là rất cao, và đã có rất nhiều vụ cháy nổ xuất phát từ những cục sạc như vây.
Hình nền màu đen sẽ giúp tiết kiệm pin hơn
Có phần đúng và không đúng trong quan niệm này. Đối với phần lớn những thiết bị sử dụng màn hình LED, bao gồm cả công nghệ Super AMOLED và OLED, thì việc sử dụng hình nền màu đen sẽ mang lại một hiệu quả tương đối cao cho thời lượng pin khi chúng không cần quá nhiều năng lượng cho những điểm ảnh như thế, mặc dù thiết bị vẫn phải bật đèn nền để hiển thị, nhưng nó không quá quan trọng khi bạn có quyền để điều chỉnh độ sáng theo ý muốn. Trong khi đó những tấm nền màn hình khác thì hoàn toàn ngược lại, khi màu đen gây ra việc hao tốn nhiều hơn, nhất là với công nghệ làm màu đen trở nên chân thật thì việc sử dụng một hình nền đa màu sắc lại mang lại sự tiết kiệm tốt hơn nhiều.
Cấu hình cao hơn mang đến hiệu năng tốt hơn
Khi mà các nhà sản xuất thiết bị (OEM) tung ra một thiết bị mới với cấu hình cao hơn, chẳng hạn như 4GB RAM cùng với camera 21MP đồng nghĩa là sự thông báo về một chiếc máy có hiệu năng tốt hơn, camera cho chất lượng ảnh chụp tốt hơn so với những gì chúng ta có được trên các thiết bị chỉ vỏn vẹn vài megapixels. Tuy nhiên thì điều đó không đúng hoàn toàn.
Thử so sánh một chút về HTC One M9. Tại thời điểm ra mắt, HTC One M9 là một cái tên đình đám trên thị trường với bộ vi xử lí 8 lõi Snapdragon 810 mạnh nhất hiện nay, và được quảng cáo như là một trong những thiết bị mạnh mẽ nhất trên thị trường. Tuy nhiên trong cuộc thử nghiệm về hiệu năng ở khả năng xử lí đơn lõi so với LG G2 với Snapdragon 800 đã có 2 năm tuổi thì tất cả đều bất ngờ khi mà LG G2 lại dành chiến thắng ở lĩnh vực này.
Hoặc là trong những tác vụ đòi hỏi việc vận hành với lõi kép thì HTC One M9 cũng tỏ ra thua kém với Snapdragon 805 có mặt trên Google Nexus 5 hay Samsung Galaxy S5 Plus. Có rất nhiều lí do cho rằng việc so sánh hoàn toàn khập khiễng khi mà HTC One M9 có tới 8 lõi xử lí trong Snapdragon 810, nhưng khi mà so sánh với những vi xử lí tương đương, thì kết quả cũng không hề khả quan hơn chút nào.
Hiệu năng mà chúng ta tìm thấy được trên một thiết bị nào đó không hề đơn giản là chỉ là phần cứng mạnh mẽ, mà đó còn là sự hoạt động nhịp nhàng giữa các thành phần cấu tạo nên thiết bị, điều đó càng được thể hiện một cách rõ ràng qua những thiết bị dù đã tương đối cũ, tầm 2-3 năm tuổi nhưng vẫn có thể đáp ứng một cách mượt mà những tác vụ thông thường nhất mà không gặp những trở ngại nào quá lớn, chưa kể là màn thể hiện của nó còn vô cùng tốt nữa.
Kế đến, một điểm được nhấn mạnh ở phần cứng được đem lên một chiếc smartphone chính là số megapixels (MP) của camera. Sự nâng cấp của phần cứng luôn đi kèm với sự nâng cấp số MP trên camera. Nhưng đôi khi thì con số này hoàn toàn vô nghĩa trong nhiều trường hợp.
Ở đây, chúng ta có những bức ảnh chụp từ 4 thiết bị khác nhau: iPhone 6 (góc trên bên trái), Nexus 5 (góc trên bên phải), OnePlus 2 (góc dưới bên trái), và Sony Xperia Z3 Compact (góc dưới bên phải). Tất cả đều được chụp cùng thời điểm, với điều kiện về độ sáng hoàn toàn tương đương, chụp ở tỉ lệ khung hình 4:3, và những cài đặt được đặt lên mức tối đa tùy theo mức mà các nhà sản xuất mang đến.
Việc so sánh được thực hiện đơn giản nhất là giữa ảnh chụp bởi iPhone 6 và Sony Xperia Z3 Compact. Trong khi iPhone 6 chỉ sở hữu một ống kính camera khiêm tốn với 8MP thì Sony Xperia Z3 Compact lại may mắn khi có ống kính cao cấp từ Sony với 21MP, mức giới hạn có thể tìm thấy trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android, và kết quả khá là dễ thấy khi không có sự khác biệt nào quá lớn về độ nét hiển thị, ngoại trừ việc màu sắc có thể có chút chênh lệch do thuật toán xử lí giữa hai hãng này là hoàn toàn khác nhau, mặc dù 13MP là con số không hề nhỏ.
Bằng mắt thường, chúng ta không có thể nào nhìn thấy sự chênh lệch nhau giữa hai bức hình do mắt chúng ta cũng chỉ có một giới hạn nào đó. Sự khác biệt chỉ được tìm thấy khi thực hiện phóng lớn chúng tầm 20 lần để xem chi tiết được thể hiện mà thôi.
Việc sạc pin quá lâu sẽ gây hại cho thiết bị
Việc này chỉ gần như là đúng trên các thiết bị không phải là smartphone vốn từng xuất hiện trong khoảng thời gian rất lâu trước đây, và tất nhiên là không đúng ở thời điểm hiện tai. Đúng như cái tên của nó, các smartphone rất thông minh, đến mức là biết được khi nào pin sẽ đầy, đồng thời việc ngắt nguồn điện nạp vào, nhằm đảm bảo an toàn một cách tối đa, kể cả khi mà bạn sạc thiết bị có quá 100% hay là qua đêm đi chăng nữa, tất cả đều không gây nguy hiểm gì.
Khôi phục cài đặt mặc định đồng nghĩa với việc xóa sạch toàn bộ dữ liệu
Thông thường, trước khi chúng ta bán, hay cho thiết bị mà mình sử dụng, công việc đầu tiên mà tất cả mọi người thường làm, chính là khôi phục mặc định thiết bị. Công việc này không chỉ giúp cho thiết bị chúng ta trở lại trạng thái gần như mới như lúc vừa mở hộp, và còn giúp xóa đi phần lớn dữ liệu có mặt trên máy, tuy nhiên thì không phải là tất cả.
Những dữ liệu trên chỉ bị ẩn đi và sẽ bị ghi đè lên trong những lần sử dụng tiếp theo, tương tự với nguyên lý hoạt động của các ổ cứng mà chúng ta đang có trên PC cũng như laptop, và bằng một số thủ thuật, thì việc lấy lại chúng là điều có thể. Thông thường việc này không hề đơn giản và trong nhiều trường hợp, những người dùng thông thường sẽ không quan tâm đến vấn đề này cho lắm, ngoại trừ những kẻ xấu, hay còn gọi nôm na là những hacker sẽ lợi dụng chúng làm điều bất chính. Cách tốt nhất là chúng ta sử dụng tính năng mã hóa Encrypt device để có thể xóa hoàn toàn những gì chúng ta đang lưu trữ.
Theo Android Pit
- Chủ đề
- android lầm tưởng quan niệm smartphone