Không ít những người sử dụng, dù mới hay đã có khá nhiều kinh nghiệm trong suốt một thời gian dài tiếp xúc với Android vẫn thường có một thói quen lướt qua những diễn đàn chuyên sâu về công nghệ để tìm kiếm những bài viết liên quan đến thủ thuật dành cho nền tảng này với mục đích duy nhất mang đến những trải nghiệm tuyệt vời và hoàn hảo trên những thiết bị mà chúng ta đang sở hữu trên tay và sử dụng hằng ngày cho nhiều mặt của đời sống.
Phần lớn trong số những thủ thuật đó đều là khuyên chúng ta nên dùng hay nên tùy chỉnh như thế này, thế kia. Nhưng liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng Android có những điểm nào không khuyến khích người dùng thực hiện hay không? Tất nhiên là có, chỉ có điều là nó không được giới thiệu một cách rộng rãi khi số lượng không thực sự nhiều. Và để thay đổi không khí một chút, thay vì tập trung vào những thủ thuật mới, chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua một số điều không nên làm trên bất kì một thiết bị Android nào, kể cả những siêu phẩm mạnh mẽ được ra mắt trong thời gian gần đây
Không nên từ chối việc đăng nhập tài khoản Google trên thiết bị
Cách đây hơn 10 năm trở về trước, Google chỉ được biết đến như là một công cụ tìm kiếm có phần hữu ích trên mạng Internet. Và vài năm sau, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt, khi vẫn còn đó sự xuất hiện của một công cụ tìm kiếm, nhưng bên cạnh đó, chúng ta còn được chứng kiến và sử dụng hàng loạt những tiện ích khác mang thương hiệu Google như dịch vụ xem video trực tuyến YouTube, thư điện tử Gmail, dịch vụ lưu trữ đám mây Google Drive… Tất nhiên, với việc là các dịch vụ được tạo nên dành cho những người dùng Internet, và vì thế mà tài khoản người dùng để đăng nhập và sử dụng là điều mà không phải chỉ riêng Google hướng tới.
Điểm mạnh của Google chính là việc tích hợp toàn bộ những tiện ích của mình vào một tài khoản người dùng duy nhất, và người dùng từ đó cũng có thể dễ dàng quản lý thông tin cá nhân hơn so với việc suốt ngày cứ phải ngồi nhớ tên tài khoản và mật khẩu với hàng tá những gì mà Google mang lại. Với những người sử dụng máy tính bình thường, việc không tạo tài khoản Google cũng chả ảnh hưởng lắm khi chúng ta vẫn còn không ít sự lựa chọn để thay thế với chức năng tương đương đến từ nhiều ông lớn khác, nhưng đối với những chiếc smartphone thì hoàn toàn ngược lại.
Với việc từ chối đăng nhập tài khoản Google cá nhân của mình vào thiết bị, đồng nghĩa bạn đã tự từ chối đi hàng loạt những tính năng mặc định vô cùng hấp dẫn mà nhà sản xuất này mang lại, trong đó có cả kho ứng dụng Google Play Store với số lượng đứng vào hàng nhất nhì hiện nay, cũng như hạn chế khả năng đồng bộ và sao lưu những dữ liệu quan trọng trong trường hợp thiết bị của bạn gặp vấn đề nào đó. Việc thiết lập này thật ra cũng không quá khó khi nó chỉ cần vì bước thao tác với vài phút đồng hồ, nhưng những gì bạn nhận được còn nhiều hơn như thế, và thật chẳng có lí do nào để từ chối điều này phải không nào?
Không nên cài đặt một phần mềm liên quan đến Battery Saver hay Task Killer nào
Có thể không ít người trong số chúng ta đều đã từng tìm đến sự giúp sức trong việc gia tăng thời lượng pin trên thiết bị bằng một phần mềm thứ 3 có mặt trên hệ thống kho ứng dụng Google Play Store. Thế nhưng, có một sự thật phũ phàng ngay bên trong đó chính là những ứng dụng Battery Saver như vậy thường không đem lại những hiệu quả như những gì được quảng cáo từ những nhà lập trình của nó, hay cách khác, các ứng dụng dạng này không hoạt động, chưa kể với việc chạy ngầm một cách liên tục trong quá trình mà hệ điều hành hoạt động khiến thiết bị phải cung cấp năng lượng cho nó nhiều hơn, và chẳng mấy chốc, Battery Saver nhanh chóng trở thành một cái tên khiến thiết bị bạn hết pin.
Cũng giống như các ứng dụng Battery Saver, thì các ứng dụng dạng Task Killer cũng không mang lại hiệu quả là mấy khi mặc dù, đồng ý rằng với mỗi ứng dụng cụ thể, hệ điều hành sẽ có sự phân bổ tài nguyên hệ thống một cách hợp lí sao cho nó hoạt động một cách ổn định, ngay cả khi mà bạn mở hàng loạt ứng dụng trên đó đi chăng nữa, thì cơ chế quản lý thông minh được tích hợp sẵn vẫn dư sức để đảm bảo hiệu năng tốt nhất có thể. Và vì thế, một Task Killer trở nên thừa thãi về tính năng, nhưng lại gây hao tốn tài nguyên hay năng lượng cho chúng.
Chính vì thế, đừng nên vội nghe vào quảng cáo và cài những ứng dụng Battery Saver hay Task Killer dạng này để rồi nhận ra sự sai lầm của mình sau đó. Thay vào đó, chúng ta nên cân nhắc một cách rõ ràng về liệu những gì nó mang lại có tương xứng với phần tài nguyên mà nó chiếm lấy để sử dụng hay không, và từ đó, bản thân mỗi người sẽ có những quyết định đúng đắn nhất
Không nên cài đặt quá nhiều phần mềm diệt virus trên cùng một thiết bị
Không phải chỉ riêng các bạn, mà ngay cả chính bản thân mình hồi trước sử dụng Android cũng đều có những suy nghĩ rằng càng nhiều ứng dụng diệt virus được cài đặt trên thiết bị thì khả năng bảo vệ trước những tác nhân không tốt bên ngoài sẽ được nâng cấp lên một cách tốt hơn. Nhưng cuối cùng, sự thật không phải như vậy.
Tại sao lại có điều này? Thứ nhất, không phải ứng dụng diệt virus nào cũng mang đến hiệu quả như nhau khi nó còn tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu liên quan đến những tác nhân đó được cập nhật một cách nhanh chóng như thế nào để kịp thời bảo vệ bạn. Thứ hai, với phần lớn các ứng dụng antivirus hiện nay, nó mang đến nhiều những tính năng tương đương nhau, cũng như khả năng diệt phần lớn giống nhau, nên chẳng may nếu có một con virus xâm nhập vào thiết bị, thì chả cần đến sự xuất hiện của hai hay ba phần mềm, khi mà một trong số đó đã nhanh chóng tiêu diệt nó trước khi mà kịp thời đi vào những thông tin được lưu trữ trên thiết bị.
Chưa kể, với việc cài quá nhiều những ứng dụng tương đương nhau, việc chiếm dụng bộ nhớ trong và tài nguyên hệ thống là điều khó tránh khỏi. Tính trung bình, cứ mỗi phần mềm antivirus chiếm khoảng 100MB chưa bao gồm cơ sở dữ liệu, thì chỉ cần vài cái tên có mặt trên thiết bị, bạn cũng đã mất khoảng 1GB, thậm chí là nhiều hơn cho chúng. Cộng thêm, việc tìm kiếm và diệt virus đòi hỏi thực hiện liên tục, và sẽ khó tránh khỏi việc các ứng dụng này chạy nền, đồng nghĩa số lượng ứng dụng sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ hao pin, và điều này chắc chắn rằng chẳng ai muốn chút nào.
Để sử dụng một cách hiệu quả nhất, bạn chỉ nên sử dụng một phần mềm antivirus có chất lượng trên thị trường, và nếu muốn thay thế chúng, thì trước tiên, bạn nên xóa sạch những gì liên quan từ các ứng dụng đang sử dụng trước khi cài đặt một cái tên khác.
Không nên cài đặt ứng dụng từ các nguồn không biết rõ
Android là một nền tảng có mã nguồn mở, và nó mang lại rất nhiều lợi thế cho người dùng, cũng như những mỗi hiểm họa tiềm tàng có thể đến bất kì lúc nào. Và thứ thể hiện rõ nhất trong vấn đề này có lẽ phải kể đến phần mềm. Người dùng thu lợi rất nhiều từ mã nguồn mở khi mà các nhà lập trình ứng dụng có thể tiếp cận một cách nhanh chóng các hàm API mặc định của Android, từ đó tạo ra các thuật toán, và tổng hợp chúng thành một ứng dụng phục vụ cho nhu cầu nào đó trong đời sống con người hay một trò chơi để cho chúng ta giải trí và đăng tải lên kho ứng dụng Google Play Store.
Nhưng, cũng với chính ứng dụng đó, với những nhà lập trình với mục đích xấu, nó sẽ là nơi chứa các mã độc có nhiệm vụ đánh cắp thông tin vì một mục đích thì chỉ có những người tạo ra chúng mới biết, và phần lớn trong số đó thường thì chẳng có cái nào tốt đẹp. Nguy hiểm hơn, nó dễ dàng xuất hiện trên chính kho ứng dụng Google Play Store và đặc biệt là nhái theo các ứng dụng nổi tiếng dễ khiến chúng ta bị nhầm lẫn và rơi vào chính cái bẫy được giăng sẵn.
Chưa hết, với một số ứng dụng có chất lượng trên Play Store sẽ đi kèm với một mức giá bỏ ra để sử dụng khá cao, trong khi nhiều người vẫn mang tâm lý sử dụng miễn phí, và đương nhiên, có cung sẽ đi với cầu khi những nhà lập trình viên dễ dàng lấy được mã của các ứng dụng đó và đăng tải lên các diễn đàn dưới dạng tập tin APK để cài đặt lên thiết bị. Vấn đề nào cũng có hai mặt khi một số những người có ý tốt thì các ứng dụng dạng này sẽ giúp chúng ta có thể trải nghiệm thử những tính năng cao cấp một cách miễn phí, nhưng còn lại, vẫn có những người lợi dụng nó để chèn công cụ đánh cắp thông tin. Và khi mà Google Play Store xuất hiện những ứng dụng như vậy khi đã có những rào cản về kiểm định, thì các APK này càng lộng hành khi nó chẳng có ai quản lý
Chính vì thế, để bảo vệ cho chính bạn, không nên cài đặt những ứng dụng đến từ các nhà sản xuất không rõ tên tuổi, cũng như hạn chế việc tải các ứng dụng trả phí bằng bộ cài APK được phát tán trên mạng khi những nguy cơ trong đó thì chẳng ai lường trước được
Không nên bỏ qua các gói cập nhật khi nó đã sẵn sàng
Chẳng có một thiết bị nào được gọi là hoàn hảo kể từ ngày nó chính thức lên kệ tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu đến lúc mà nó chấm dứt vòng đời của mình khi từ những thiết bị cao cấp đến tầm trung hay bình dân cũng đều có một số lỗi phát sinh liên quan đến hệ điều hành, tính năng đi kèm trong chính thiết bị. Đương nhiên, đã là một dòng sản phẩm, thì việc mà nó gặp phải không có gì quá là đặc biệt khiến chúng ta lo lắng quá mức khi nó chỉ ảnh hưởng tới những trải nghiệm trong quá trình sử dụng và sẽ được nhà sản xuất thiết bị chú ý đến, cũng như đưa ra những gói cập nhật bổ sung thay thế một cách thường xuyên cho các vấn đề này, hay đơn giản là cải thiện khả năng bảo mật trong chính hệ điều hành.
Nhiều người tỏ ra không thích với các gói cập nhật như thế này khi nó sẽ yêu cầu người dùng tải về và cài đặt khá tốn thời gian nên nhiều người có lựa chọn bỏ qua nó, và nghĩ rằng phiên bản hiện tại cũng đã đủ để sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, những tiện ích mà nó mang lại lớn hơn những gì chúng ta tưởng tượng, thậm chí bạn sẽ còn thấy pin bỗng trở nên tốt hơn, máy hoạt động nhanh hơn, hay giao diện đẹp hơn… Vì thế, việc bỏ qua những gói cập nhật như thế chẳng khác nào tự chính bạn từ chối bước vào một thế giới mà hiệu năng của chiếc smartphone bạn đang sử dụng được nâng cấp lên rất nhiều lần
Không cần thiết mang toàn bộ mọi thứ ra màn hình chính
Một thiết bị màn hình lớn hơn cũng không đồng nghĩa với việc bạn mang tất cả mọi thứ bạn muốn đặt ra đó, từ những biểu tượng ứng dụng đến các công cụ dưới dạng widget, khi nó chỉ mang đến một sự rối mắt không cần thiết, chưa kể với việc hoạt động của các widget một cách liên tục sẽ khiến máy bạn lúc nào cũng phải trong trạng thái cung cấp năng lượng cho chúng, khiến thiết bị nhanh chóng giảm thời lượng sử dụng pin, bên cạnh việc các tài nguyên khác của hệ thống như RAM hay CPU cũng vì thế mà bị đầy.
Thay vì cứ phải đem hết mọi thứ ra màn hình chính, sao chúng ta không thử xóa bớt chúng đi để xem hiệu quả của nó đối với hiệu năng của thiết bị lớn đến thế nào, chưa biết chừng bạn cũng có sự thay đổi trong phong cách khi nhận ra một màn hình đơn giản cũng đẹp và hiện đại không kém thì sao.
Không nên xóa những tập tin mà bạn không biết rõ về chúng
Trên Android, khả năng quản lý tập tin là một trong những tính năng mạnh mẽ nhất và khiến nó tiến sát đến những chiếc PC truyền thống để smartphone mang đúng nghĩa của nó. Với File Explorer, việc thêm, xóa, chia sẻ, quản lý các tập tin được lưu trữ trên thiết bị cũng như bộ nhớ ngoài như thẻ nhớ microSD mang một giao diện hoàn toàn trực quan và đơn giản, cũng như hiển thị một cách đầy đủ từ những bức ảnh bạn chụp, hay bài hát bạn lưu. Trong một số trường hợp sử dụng, chẳng mấy chốc mà thiết bị của bạn nhanh chóng bị đầy, và kế hoạch xóa bớt những thứ không cần thiết khỏi thiết bị để chừa chỗ cho những thứ mới hơn là một điều mà phần lớn những người dùng của nền tảng Android vẫn hay thường làm trong suốt quá trình sử dụng thiết bị
Tuy nhiên, không phải chỉ có những dữ liệu người dùng là thứ duy nhất được hiển thị trên trình quản lý tập tin trên nền tảng Android, mà bên cạnh đó, chúng ta còn có những tập tin liên quan đến hệ thống để đảm bảo sự hoạt động ổn định của chúng. Chính vì thế, mà việc xóa bớt những gì đang được lưu trữ là một vấn đề cần phải cân nhắc, và chỉ nên xóa những thứ mà chúng ta biết rõ là gì để tránh bất chợt bạn phải cài lại Android bởi một lí do thật sự chẳng đáng.
Không nên để thiết bị rơi vào tình trạng cạn pin
Với công nghệ sản xuất smartphone phát triển, thì công nghệ liên quan đến pin của thiết bị cũng kéo theo đó mà có những sự nâng cấp để gia tăng thời lượng nhưng thu gọn của kích thước nó xuống. Hiện nay, phần lớn lượng smartphone có mặt trên thị trường đang sử dụng viên pin Lithium-ion để cung cấp năng lượng cho chính nó. Khác với trước đây, Lithium-ion cho phép bạn sạc ở bất cứ thời điểm nào mà vẫn tránh hiện tượng chai pin chứ không cần phải đợi cạn kiệt pin của thiết bị rồi mới cắm sạc như trước đây. Tuy nhiên, Lithium-ion lại có những khuyến cáo khi mà chỉ đảm bảo tuổi thọ tốt khi không nên để nó cạn dưới 20-30% tổng dung lượng mà thiết bị báo do những lí do trong cấu tạo của sản phẩm. Chính vì thế, việc để nó xuống mức cạn kiệt thường xuyên là điều ngăn cấm nếu như bạn muốn chi một khoản tiền để mua thiết bị mới hay thay thế cho viên pin đã chết.
Bên cạnh đó, người dùng cũng hạn chế việc sạc với thời gian quá ngắn dưới 15 phút trong mỗi lần sạc khi mà dung lượng còn lại vẫn còn quá cao khi nó cũng có những ảnh hưởng nhất định đến tuổi thọ do đặc tính của Lithium-ion
Không nên thực hiện việc Root thiết bị khi mà bạn không có kiến thức rõ ràng về nó
Root từ lâu là một khái niệm quen thuộc với những người sử dụng Android khi cho phép người dùng chiếm quyền quản trị cao nhất của hệ thống với hàng triệu người sử dụng này, đồng thời cung cấp một loạt những tùy chỉnh can thiệp sâu vào thiết bị bên cạnh những cài đặt phổ thông được cung cấp ở phiên bản gốc. Bên cạnh đó, có rất nhiều những ứng dụng có mặt trên Google Play Store yêu cầu quyền root để có thể cài đặt và trải nghiệm trên Android. Chưa hết, ngoài những phiên bản Android đi kèm với từng thiết bị, người dùng vẫn thường xuyên tìm đến những phiên bản dành cho các thiết bị khác với các tính năng bổ sung, hay giao diện mới, hay cho phép xóa bớt ứng dụng bloatware mặc định cũng xuất phát từ quyền Root trên Android.
Nghe có vẻ thú vị, nhưng mà việc Root một thiết bị Android nào đó lại không đơn giản như bạn tưởng khi mà nó can thiệp quá sâu vào trong thiết bị, thậm chí là đến gần sát với lớp phần cứng, nên nó vì thế mà yêu cầu một kiến thức đa dạng về Android, kinh nghiệm tích lũy và độ tỉ mỉ, cẩn thận trong từng thao tác khi việc Root và cài một ROM khác đi kèm với việc bạn tự đánh mất quyền bảo hành của thiết bị. Chính vì thế, để an toàn nhất, bạn chỉ nên Root khi thực sự có một sự hiểu biết kĩ càng, còn không, bạn không nên đụng tới mảng này để tránh việc thiết bị trở thành một đống sắt vụn không hơn không kém, và trên thực tế, không ít những trường hợp này đã từng xảy ra.
Tổng kết
Android là một nền tảng hấp dẫn trong sự tùy chính của người dùng, nhưng bên cạnh những điều bạn vẫn thường làm, thì chúng ta cũng cần nên nhớ có những thứ không nên thực hiện trên chính thiết bị đang sử dụng để tránh việc hiệu năng sử dụng bị giảm đi một cách rõ rệt, chưa kể những vấn đề nghiêm trọng hơn đối với nó. Đương nhiên, có rất nhiều những điều không nên làm với một chiếc smartphone Android khác, nhưng trên đây là những điều mà phần lớn người dùng dễ mắc phải, và hẹn các bạn trong một dịp khác tốt hơn để trình bày một cách rõ ràng và chi tiết nhất từng điều không nên thực hiện trên Android, bên cạnh những thủ thuật bổ ích trên nền tảng này
Theo BeeBom
- Chủ đề
- android khong không nên làm làm nên