Những gốc sấu trên phố Phan Đình Phùng
từ bao năm nay vẫn được quét vôi trắng.
Dạo quanh phố phường Hà Nội, nhiều người thấy không có gì phải ngạc nhiên rằng nhiều gốc cây được quét trắng vôi. Vậy mà đằng sau lớp vôi trắng này lại là cả một câu chuyện dài khác.
Giả như bạn có dịp đi vòng quanh khá nhiều nơi trên thế giới, có lẽ bạn sẽ không thấy ở đâu người ta quét vôi hay sơn trắng gốc cây hàng loạt như thế cả.
Có thể đây là một môn nghệ thuật, và nếu quả vậy, ta có thể thử nghiệm sơn quét đủ các loại màu đó đây trên các gốc cây, trong một thời hạn nhất định.
Nhưng khi hàng chục năm trời những cây này, ở trên các đường phố, có khi cả ở trong các công viên, rồi ở ven các hồ nước... đều được tô quét trắng đồng phục như thế, ta đành đặt ra một câu hỏi về sự "thể nghiệm nghệ thuật" này đến từ đâu.
----
Ai đã từng sống lâu ở Hà Nội thì cũng đều biết rằng xưa kia, trước một thời bom đạn, thì không hề có cái lệ nghệ thuật tô quét trắng xóa các gốc cây như vậy.
Cái lệ này nảy ra vào thời chiến.
Thời ấy đêm đến, nhất là khi có chiến sự, đèn đường không được bật lên. Xe cộ chạy trên các đường phố, hoặc trên các con đường liên tỉnh, hay dọc các quốc lộ, cũng không bật đèn nốt, để đảm bảo an toàn phòng không.
Và sáng kiến quét vôi trắng các gốc cây ven đường để làm mốc các lề đường đã tỏ hiệu nghiệm cho cái buổi thời chiến đó.
----
Hòa bình đã đến, từ hàng nhiều chục năm, các thế hệ trẻ chỉ còn vọng biết chiến tranh qua phim ảnh sách báo.
Nhưng nhiều gốc cây vẫn lặng lẽ được tô vẽ trắng xóa, như thể chúng chưa được phép sống trong thời yên bình.
Bạn vào thành phố, thật lạ lùng, những hàng cây mặc quần cộc trắng này cứ dàn trải ra khắp nơi như đang tập thể dục vậy.
Người ta có thể khéo chống, giải thích chữa lại rằng việc quét vôi trắng các gốc cây cũng diệt được một số côn trùng nhất định. Nhưng câu chuyện đó ăn nhằm gì với cảnh quan đời sống đô thị? Và chúng ta là những người khôn ngoan, có thẩm mỹ nhất hành tinh này chăng?
Hơn thế nhiều, cái thói quen rất đơn giản có vẻ như "không chết ai" này ấp ủ bên trong nó sự nguy hại khôn lường cho sự khai phóng tinh thần.
Người ta nghiễm nhiên chấp nhận một lối sống mòn mỏi trong những thói quen, mà không buộc mình phải tự đặt lại các câu hỏi. Rằng những thói quen đó, chúng từ đâu ra, ích lợi cho việc gì, vào khi nào? Chúng có còn lý do để tồn tại nữa không? Đã đến lúc phải bỏ chúng đi chưa, đã đến lúc phải xây dựng những nề nếp mới cho đời sống ngày hôm nay chưa?
Sự trì trệ ngưng đọng này của tinh thần là cái mà mỗi người trong cộng đồng phải nhìn ra như là trách nhiệm của chính riêng mình với đời sống của chính mình và của cộng đồng. Phải tiến lên từ bỏ cái tập tục coi những gì nằm cách qua tầm tay năm mươi phân của mình là "công việc của trời và của người trời".
----
Những gốc cây hôm nay thẹn thùng soi bóng mình bên hồ nước, chúng không muốn thấy mình còn phải bị tô quét trắng vôi.