Những kiểu học "phản tác dụng" của sinh viên

Với những kiểu học này, rất có thể bạn đang phí thời gian mà không đạt được gì.
Ghi chép rất nhiều
Bạn không bỏ qua bất kì lời giảng nào của giáo viên. Bạn lĩnh hội những kiến thức cơ bản và những điều thầy cô nói thêm để mở rộng. Bạn tin rằng điều này sẽ khiến bạn đạt được điểm cao, hay thậm chí là trọn vẹn số điểm, bởi vì thầy cô hay cho ra đề thi có những câu nâng cao liên quan đến kiến thức bên ngoài, mà thường thì những điều này đã được giảng “đâu đó” trên lớp.
Bình luận: Nhiều bạn cứ mải miết ghi chép mà không nghe hết những phần quan trọng mà thầy cô lưu ý. Có nhiều bạn ghi hết trọn vẹn những nội dung mà thầy cô chiếu trên slide. Thật ra những phần đó có hết trong sách, nếu bạn chịu khó đọc trước ở nhà. Ghi chép có chọn lọc sẽ giúp bạn học hiệu quả và chất lượng hơn.
Thuộc bài
Bạn cho rằng những môn như Triết học, Lịch sử, Tư tưởng Hồ Chí Minh…cần phải thuộc lòng, và thế là bạn dành rất nhiều thời gian để học từng nội dung thật chi tiết, kĩ lưỡng. Bạn cảm thấy quá tải nhưng vẫn phải cố học, không bỏ sót phần nào.
Bình luận: Nội dung bài học ở những môn này rất rộng, nên nếu học thuộc, bạn có thể “trúng tủ” hoặc “tủ đè”. Lên đại học, thầy cô khuyến khích bạn phân tích và diễn đạt theo cách của mình dựa trên nền tảng kiến thức vừa học, hơn là việc “sao y” như trong sách. Có bạn chép y nguyên bài học, nhưng chỉ được điểm khá, nhưng bạn nào giỏi lí luận và biết cách học có chọn lọc, thì điểm sẽ cao hơn nhiều.
Giữ sách vở cẩn thận
Bạn cảm thấy thật tệ khi ghi chú chằng chịt vào sách, hoặc để sách bị nhàu nát… Một người học thực sự giỏi thì trước hết phải giữ gìn sách vở cho kĩ. Do đó, chữ trong tập của bạn rất đẹp, trình bày cẩn thận, và sách của bạn thì luôn trắng tinh, sạch sẽ.
Bình luận: Gạch đậm những phần trong sách hay ghi chú ngay bên cạnh những dòng tiêu đề sẽ khiến bạn tiếp thu bài nhanh hơn và nhớ lâu, cứ nghĩ đến nội dung đó là bạn nhớ ra ngay những gì bạn ghi chép. Trang trí trong tập cho đẹp để tạo hứng thú học bài là một điều tốt, nhưng nếu nó khiến bạn mất thời gian và quên chú trọng vào những kiến thức cốt lõi, thì kết quả cũng chẳng cao hơn.
Gần thi mới học để “nhớ lâu”
Nhiều bạn sinh viên cho rằng, kì thi gần kề sẽ là động lực cho họ “học hết mình”. Đó cũng là thói quen phổ biến của sinh viên, bình thường thì chẳng bao giờ động đến sách vở, gần tới ngày thi thì toàn trắng đêm để nhồi nhét kiến thức.
Bình luận: Sức khỏe của bạn sẽ bị tổn hại trầm trọng khi kì thi kết thúc. Đó là chưa kể, học dưới áp lực sẽ khiến bạn mất đi sự tập trung rất nhiều, dẫn đến tình trạng học qua loa, đại khái. Tốt nhất là nên học dần dần, mỗi ngày một ít, gần thi chỉ xem lại để ghi nhớ và củng cố.
Đăng kí nhiều tín chỉ để ra trường sớm
Quy chế học tín chỉ có thể giúp sinh viên ra trường sớm hơn nửa năm. Do vậy, khá nhiều bạn muốn hoàn thành việc học thật sớm nên đăng kí số tín chỉ tối đa và cật lực học đêm ngày. Vấn đề ở đây là họ nhiều tham vọng nhưng thiếu ý chí. Ban đầu thì còn rất hăng hái. Về sau bắt đầu nghỉ học nhiều, bỏ bê, chán nản…
Bình luận: Số lượng không bằng chất lượng. Nếu học nhiều mà kham không nổi, bạn vẫn nợ môn triền miên, phí thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng kết quả vẫn không như ý. Tốt nhất nên biết lượng sức mình, chậm mà chắc, bạn có động lực để học thì đó là một điều đáng hoan nghênh, nhưng nếu bạn hiểu sai mục đích hoặc đi chệch phương pháp, người bị ảnh hưởng nhiều nhất là chính bản thân bạn. Demi Twinkle
 
" Số lượng không bằng chất lượng. Nếu học nhiều mà kham không nổi, bạn vẫn nợ môn triền miên, phí thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng kết quả vẫn không như ý. Tốt nhất nên biết lượng sức mình, chậm mà chắc, bạn có động lực để học thì đó là một điều đáng hoan nghênh, nhưng nếu bạn hiểu sai mục đích hoặc đi chệch phương pháp, người bị ảnh hưởng nhiều nhất là chính bản thân bạn. " - thích câu kết bạn lấy (y)
 
Top