Vào chiều ngày hôm qua theo giờ Việt Nam, văn bản bằng tiếng Anh chính thức bao gồm tất cả các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được công bố rộng rãi đến người dân trên toàn thế giới. Văn bản gồm 30 chương này được đưa ra tròn 1 tháng sau khi 12 nước thành viên TPP đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng sau 7 năm đàm phán.
Việt Nam, cùng với Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru và Mỹ là những thành viên tham gia vào TPP. Mục tiêu chính của TPP đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng cường đổi mới sáng tạo, giảm đói nghèo, nâng cao mức sống của người dân, cải thiện thị trường lao động và bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Vì Vforum là một diễn đàn tin học công nghệ, nên mình sẽ chỉ tập trung tóm tắt lại những điều khoản chính của chương 14 – Electronic Commerce (hay Thương mại điện tử). Có thể nói thương mại điện tử (TMĐT) là một ngành đang phát triển rất mạnh ở nước ta và nếu như người dân cũng như các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không nắm bắt được các điều khoản của TPP liên quan đến lĩnh vực này, thì chúng ta chắc chắn sẽ thua ngay trên sân chơi nội địa, một khi TPP được Quốc hội cả 12 nước đồng ý thông qua.
Chương 14 mở đầu bằng việc khẳng định những nước thành viên TPP nhận thức rõ tầm quan trọng của TMĐT trong quá trình phát triển kinh tế. 12 nước đều nhất trí sẽ hạn chế tối đa những rào cản xuyên biên giới trong lĩnh vực này.
Điều 14.3 cho hay các nước tham gia đàm phán đồng ý gỡ bỏ thuế quan và các loại phí trong quá trình chuyền phát dữ liệu điện tử giữa người dùng ở một quốc gia thành viên (ví dụ Việt Nam) và người dùng ở một quốc gia thành viên khác (ví dụ Úc). Phí và thuế chỉ được áp dụng nếu như chúng đáp ứng đúng những điều khoản nhất định đã được ký kết của TPP.
Điều 14.4 cho hay các nước thành viên TPP cam kết không ưu tiên những sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước mình hay của các tác giả, nghệ sỹ, nhà sản xuất nội địa mà từ đó đặt ra rào cản với những sản phẩm đến từ nước ngoài. Việc này chỉ được áp dụng khi mà các sản phẩm điện tử (như nhạc, phim, truyện, sách online) đáp ứng đủ yêu cầu về bản quyền và sở hữu trí tuệ của nước sở tại. Một chú ý đặc biệt là điều 14.4 không bao gồm các sản phẩm phát sóng trực tiếp. Như vậy về lý thuyết, thì khi TPP được các Quốc hội chính thức thông qua, sản phẩm ca nhạc của một ca sỹ Việt Nam sẽ được chào đón như những sản phẩm khác của các ca sỹ tại Mỹ.
Điều 14.5 thì lại chú ý nhiều hơn vào thị trường nội địa của từng nước. Theo đó các chính phủ trong TPP nhất trí sẽ không tạo ra những rào cản đối với việc thanh toán điện tử và sẽ đơn giản hóa thủ tục cho những cá nhân, tổ chức muốn tham gia vào lĩnh vực này, với điều kiện họ đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ luật Sử dụng Truyền thông Kỹ thuật số do Liên hợp Quốc thông qua năm 2005 tại Mỹ. Như vậy, chúng ta cùng kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ sớm đơn giản hóa thủ tục và quy định để giúp các doanh nghiệp nội địa thâm nhập tốt hơn vào mảng thanh toán điện tử.
Theo bản thân mình thì điều 14.6 bao gồm một điểm rất thú vị: Chính phủ các nước thành viên không được chối bỏ tính hợp pháp của một chữ ký chỉ vì chữ ký này được để dưới dạng điện tử (ví dụ scan), ngoại trừ trường hợp luật pháp của nước sở tại có quy định khác. Điều này có nghĩa, nếu như bạn cần gửi đi một email có kèm chữ ký được scan của bản thân sang Nhật Bản, thì các tổ chức tại Nhật Bản sẽ không có quyền chối bỏ tính hợp pháp của chữ ký này chỉ vì nó được scan (tất nhiên nó phải đúng với cơ sở dữ liệu của họ).
Điều 14.7 cho hay 12 chính phủ trong TPP khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đưa ra những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng khi họ tham gia vào TMĐT, khỏi những nguy cơ như đánh cắp thông tin, lừa đảo qua mạng,... Trong khi đó điều 14.8 yêu cầu các chính phủ cần phải minh bạch và cương quyết trong những biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Như vậy là TPP đã giúp ích rất nhiều cho chính các doanh nghiệp công nghệ.
Điều 14.9 yêu cầu tất cả 12 nước thành viên phải đăng tải công khai lên Internet thông tin về chi tiêu của chính phủ. 12 nước đều phải chấp nhận rằng những văn bản về chi tiêu chính phủ dưới dạng điện tử có giá trị hoàn toàn ngang bằng với dưới dạng giấy thông thường. Điều 14.10 thì lại nhấn mạnh chính phủ cần ủng hộ và đơn giản hóa quyền truy cập Internet và những ứng dụng có liên quan của người dùng nếu họ muốn tham gia vào TMĐT.
Điều 14.11 cho biết tất cả các nước thành viên đồng ý cho phép việc chuyền phát dữ liệu giữa các quốc gia thông qua thiết bị điện tử như điện thoại di động, laptop, ngoại trừ trường hợp quốc gia bản địa có quy định khác. Điều 14.12 chỉ ra rằng một nhà cung cấp dịch vụ web (ví dụ ở Việt Nam) muốn có kết nối Internet toàn cầu sẽ có khả năng thương lượng trên cơ sở thương mại với những nhà cung cấp dịch vụ của các quốc gia khác (ví dụ như New Zealand). Điều này đồng nghĩa, các nhà cung cấp dịch vụ web và Internet của Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác sâu hơn trên quy mô quốc tế.
Điều 14.13 nhấn mạnh chính phủ một quốc gia không được phép yêu cầu một doanh nghiệp phải đặt máy chủ và các thiết bị phần mềm khác ở quốc gia đó thì mới cấp giấy phép kinh doanh. Điều này có nghĩa một doanh nghiệp ở Mỹ có thể có trụ sở ở Việt Nam nhưng máy chủ và các thiết bị phần mềm lại được cài đặt ở Chile. Tuy nhiên để đảm bảo an ninh mạng, điều 14.13 ủng hộ việc chính phủ đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp.
Điều 14.14 thì hứa hẹn sẽ giải quyết một vấn đề rất nhức nhối ở Việt Nam: tin nhắc rác. Theo đó các nhà cung cấp dịch vụ phải hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục nếu khách hàng của họ không muốn nhận những tin nhắn quảng cáo thương mại từ họ, đồng thời phải có sự đồng ý của khách hàng trong việc gửi những tin nhắn này. Những doanh nghiệp vi phạm cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc.
Điều 14.15 và 14.16 nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của các quốc gia thành viên trong việc phòng chống tội phạm mạng và giải quyết những vấn đề liên quan đến TMĐT. Điều này quả thực sẽ có lợi cho Việt Nam bởi lẽ lực lượng cảnh sát Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao của chúng ta còn mỏng và yếu so với các quốc gia phát triển như Úc và Mỹ.
Điều 14.17 bao gồm những quy định chung liên quan đến mã nguồn. Theo đó chính phủ một nước sẽ có quyền yêu cầu doanh nghiệp của một nước khác gửi cho họ mã nguồn một sản phẩm phần mềm nào đó, để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và buôn bán của sản phẩm phần mềm này ở nước sở tại. Tuy nhiên điều này không áp dụng đối với những sản phẩm phần mềm có ý nghĩa với an ninh quốc gia như quân sự, cơ sở hạ tầng.
Điều khoản cuối cùng 14.18 liên quan đến giải quyết tranh chấp khi có bất đồng xảy ra và có nhắc trực tiếp đến Việt Nam. Theo đó mục nhỏ số 2 cho hay khi bất đồng xảy ra giữa các quốc gia thành viên với Việt Nam, thì Việt Nam sẽ không chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề có liên quan ở các điều 14.4, 14.11 và 14.13. Tuy nhiên điều này chỉ áp dụng sau 2 năm kể từ ngày TPP được chính thức thông qua bởi các nước thành viên mà Việt Nam là một trong số đó.
Trên đây là sơ lược nội dung 18 điều trong chương 14 (TMĐT) của Hiệp định TPP mà các đại diện thương mại của Việt Nam cùng 11 nước thành viên đã nhất trí. Tuy nhiên cần nói rõ là hiện Quốc hội Việt Nam cũng như các nước khác chưa thông qua chính thức Hiệp định TPP. Nhiều chuyên gia thì đánh giá Hiệp định TPP sẽ đi vào hiệu lực trước đầu quý II năm sau.
Vị trí địa lý của 12 nước thành viên TPP trên bản đồ thế giới
Như vậy có thể nói Hiệp định TPP nói chung và chương 14 nói riêng sẽ giúp TMĐT của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên sức ép cạnh tranh sẽ đè nặng lên vai các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ sẽ rất khó cạnh tranh với các tên tuổi lớn ở nước ngoài. Chính vì thế người dân cùng với các doanh nghiệp cần hiểu rõ TPP và các điều khoản của nó để kịp thời ứng phó với những thách thức của ngưỡng cửa hội nhập này.
Hy vọng những thông tin tóm tắt trên của mình sẽ hữu ích cho các bạn và giúp các bạn hiểu được những lợi ích của bản thân về TMĐT khi TPP chính thức được thông qua. Đừng quên để lại comment để chia sẻ suy nghĩ của bạn về chủ đề này!
Nguyễn Mai Đức
- Chủ đề
- hiệp định thương mại điện tử tpp đàm phán