Những tính năng khiến Windows 10 Mobile vượt trội hơn so với Android

Kể từ lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2007 đến nay, nền tảng Android đã trải qua một thời kì phát triển vô cùng dài với không ít những phiên bản được tung ra từ Cupcake đến Marshmallow với hàng loạt những tính năng được bổ sung để biến nó trở thành một trong những cái tên hàng đầu ở mảng nền tảng dành cho di động, đối trọng với cái tên iOS nổi tiếng đến từ Apple

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có bất kì một cái tên nào khác đáng chú ý trong lĩnh vực này ngoài Android hay iOS. Bắt đầu lịch sử từ những năm 2010, Windows Phone của Microsoft là một trong những nền tảng phải nói là độc đáo và phá cách nhất trong số những hệ điều hành từng được tung ra. Và với Windows 10 Mobile được ra mắt một cách chính thức cách đây ít lâu, điều này càng được khẳng định một cách rõ ràng hơn nữa. Mặc dù vẫn còn đó những điểm yếu được kế thừa từ thời Windows Phone như thị phần thấp, kho ứng dụng chưa thật sự phong phú…. nhưng không thể nào phủ nhận được những gì mà nó đang có, thậm chí là được đánh giá cao hơn Android. Và chúng ta sẽ cùng điểm qua những sự vượt trội đó mà Windows 10 Mobile hiện đang nắm giữ.

Live Tiles

1-live-tiles.jpg

Có lẽ không cần giới thiệu quá nhiều khi Live Tiles là một điểm đặc trưng riêng biệt của dòng Windows Phone và tiếp tục được mang đến trên Windows 10 Mobile như là một lợi thế trong việc cạnh tranh với các nền tảng khác. Cũng với khái niệm màn hình chính Home, nhưng Microsoft mang đến một luồng gió hoàn toàn mới khi không phải đơn giản là các biểu tượng thông thường, mà đó là một vùng cho phép hiển thị thông tin liên quan đến các ứng dụng bạn đem lên Start Screen được cập nhật liên tục với không ít những hiệu ứng đi kèm khiến nó trông mới mẻ hơn trong mỗi lần sử dụng.

Không những thế, Live Tiles cho phép khả năng tùy chỉnh cao về kích thước của từng ô riêng biệt cho từng ứng dụng, và cách sắp xếp chúng trên màn hình sao cho cảm thấy tiện lợi nhất tùy thuộc từng người dùng, hay đơn giản hơn là nhóm các ứng dụng lại thành từng thư mục…

Trên Android, chúng ta cũng biết đến hệ thống các widget với chức năng được cung cấp gần như là tương tự, nhưng nếu so sánh với Live Tiles độc đáo của Windows 10 Mobile, thì các widget này có phần còn kém xa trong nhiều lĩnh vực

Universal Apps

2-universal-apps.jpg

Không những đơn thuần là một tính năng dành riêng cho Windows 10 Mobile, mà các ứng dụng Universal Apps còn có một ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái Windows 10 do chính Microsoft tạo ra. Được tạo nên từ kiến trúc căn bản là Universal Windows Platform, các ứng dụng dạng Universal Apps cho phép xóa bỏ mọi khoảng cách giữa các thiết bị sử dụng Windows 10 Mobile nói riêng và Windows 10 nói chung khi các ứng dụng dễ dàng chạy trên đó mà không cần phải viết lại hay chèn thêm bất kì một đoạn mã nào hỗ trợ, cho phép một ứng dụng nào đó hoàn toàn chạy trên những chiếc smartphone, tablet, PC hoàn toàn dễ dàng, tạo nên sự tương tác và đồng bộ ở mức tối ưu, và đây là điều mà Android vẫn đang phát triển.

Continuum

3-continuum.jpg

Nếu bạn đang có trong tay một chiếc smartphone sử dụng Windows 10 Mobile, đồng nghĩa bạn đang sở hữu một chiếc máy tính thu nhỏ với những tính năng không thua kém gì các PC truyền thống. Đây là điều mà Microsoft muốn nói với người dùng thông qua việc cung cấp tính năng Continuum vào cuối năm ngoái. Với Continuum, giờ đây, các thiết bị Windows 10 Mobile có thể kết nối với các màn hình ngoài, chuột, bàn phím… thông qua bộ công cụ hỗ trợ để biến nó thành một chiếc PC để bàn đúng nghĩa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ứng dụng Universal Apps sẽ được chạy trên một màn hình to hơn nhưng vẫn đảm bảo truyền tải theo đúng ý muốn người dùng, cùng với sự giúp sức của chuột và bàn phím khiến các công việc được thực hiện một cách đơn giản hơn so với bàn phím cảm ứng gốc trên các thiết bị này. Tuy nhiên thì hiện nay, Continuum vẫn còn hạn chế khi nó yêu cầu phần cứng thiết bị phải khá mạnh, và điều này chắc chắn sẽ được cải thiện trong tương lai.

Sự tích hợp Cortana vào sâu bên trong hệ thống

4-cortana(1).jpg


Được đặt tên dựa trên trí thông minh nhân tạo trong dòng game Halo nổi tiếng của Micrsoft, Cortana là cô nàng trợ lí ảo do chính hãng công nghệ Redmond này tích hợp vào nền tảng của họ sau hơn 1 thập kỉ nghiên cứu và phát triển. Bằng việc nhận diện giọng nói của người dùng, Cortana sẽ phân tích chúng và đưa ra những tính năng tương ứng theo đúng ý muốn của người dùng sử dụng, từ thực hiện cuộc gọi đến một số liên lạc trong danh bạ, đến tìm kiếm các nhà hàng xung quanh bạn đang đứng thông qua bản đồ số, tạo ghi chú, chỉ đường đến một địa điểm nào đó… và rất nhiều điều khác mà Cortana có thể làm được.

Mặc dù về cơ bản, Cortana là một ứng dụng trên chính nền tảng Windows 10, nhưng Microsoft đã có sự tích hợp sâu cô nàng này vào nền tảng của mình để người dùng có thể tương tác với những tính năng của hệ thống, và dù điều này không hề dễ dàng nhưng họ đã không phụ lòng sự mong đợi của người dùng của mình.

Với Android, họ cũng có Google Now, nhưng nếu so sánh giữa Cortana và Google Now, thì Cortana chiếm ưu thế hơn khi cô nàng đó có khả năng học hỏi thông qua suốt quá trình sử dụng của người dùng không khác gì một con người thực thụ để phục vụ ngược lại cho đời sống mỗi người, thay vì cứ phải phát triển theo một số tính năng nhất định, và đây cũng là tính năng mạnh nhất mà Cortana có. Đặc biệt hơn, chúng ta vẫn có thể sử dụng Cortana khi không có kết nối Internet, điều mà Google Now không thể.

Bảo mật cao

Open Source, hay còn hiểu nôm na là mã nguồn mở đã tạo cho Android một ưu thế không nhỏ khi xuất hiện trên thị trường di động. Với việc cho phép sự can thiệp khá sâu vào trong nền tảng để chỉnh sửa, các hãng OEM dễ dàng tạo ra những nền tảng mang đậm dấu ấn của họ và tối ưu hóa đến mức tốt nhất dành cho các thiết bị mà họ sản xuất ra, cũng như cộng đồng có thể tạo ra những bản ROM với sự tùy chỉnh ở mức sâu nhất nhằm mang lại một hiệu năng cực kì cao thay thế cho những hệ điều hành gốc. Dù vậy thì Open Source cũng có những mặt trở ngại cho riêng mình khi mà nó ẩn chứa những mối nguy hại ngay bên trong đó với những đoạn mã độc được chèn vào mà ít ai biết được, hay việc xung đột hệ thống nếu sự can thiệp đó không đúng cách….và hàng loạt những vấn đề khác ít ai có thể lường trước.

Còn đối với Windows 10 Mobile, việc Microsoft không công khai mã nguồn hay cho bất kì một bên thứ ba nào phát triển đã tạo nên lợi thế trong khả năng bảo mật, bên cạnh những tính năng liên quan đến bảo vệ an toàn dữ liệu được thêm vào và chống chịu trước các đợt tấn công từ các malware một cách hiệu quả và luôn được cập nhật thường xuyên

Bàn phím ảo mạnh mẽ

Với những nền tảng dành cho di động hiện nay, sự hỗ trợ bàn phím ảo ngay trên chính màn hình của thiết bị là điều không thể thiếu trước xu thế tràn ngập các thiết bị màn hình cảm ứng hiện nay, và đây cũng là phương pháp nhập dữ liệu cơ bản nhất với các thiết bị di động ở thời điểm hiện tại. Và cái tên đến từ Windows 10 Mobile còn vượt hơn mong đợi khi được nâng cấp một cách mạnh mẽ từ người tiền nhiệm của mình.

6-word-flow.jpg

Trên Windows Phone 8, bàn phím Word Flow của Microsoft là một trong những cái tên được đánh giá vô cùng cao, thậm chí nó còn được tổ chức Guiness xác nhận đây là bàn phím nhanh nhất dùng để nhập dữ liệu trong số các bàn phím ảo có mặt trên thị trường, đến mức mà Apple lẫn Google mong muốn đem Word Flow lên nền tảng của họ như là một sự thay thế hấp dẫn cho người dùng của mình. Đã nhanh, nay còn tốt hơn khi mà bàn phím này trên Windows 10 Mobile bên cạnh việc giữ nguyên những đặc trưng từ người tiền nhiệm, nó còn bổ sung thêm không ít những tính năng mạnh mẽ như sử dụng bằng giọng nói, hay chuyển qua chế độ sử dụng một tay trên tablet, và thêm nút điều hướng để điều chỉnh con trỏ dữ liệu bên cạnh các thao tác di chuyển truyền thống. Và nhất là khi mà Micrsoft vừa hoàn thành thương vụ với Swiftkey thì mọi thứ còn có cơ hội tiến xa hơn rất nhiều

Chế độ điều chỉnh bằng tay cho ứng dụng Camera mặc định

7-camera.jpg

Không thể phủ nhận rằng trong vài năm trở lại đây, công nghệ camera là một trong những mảng có bước phát triển mạnh mẽ từ phần cứng bên trong đến chất lượng của từng bức ảnh mà nó mang đến, thậm chí, giờ đây, những chiếc smartphone còn có thể được xem như một trong những công cụ hoàn hảo thay thế cho những chiếc máy ảnh DSLR cao cấp nhờ vào những đặc điểm của mình. Chất lượng là một chuyện, và sử dụng là một chuyện khác. Không những mang đến một chế độ sử dụng tự động Auto chất lượng, mà ứng dụng camera mặc định trên Windows 10 Mobile còn có thể hỗ trợ những người dùng chuyên nghiệp khi mang đến sự tùy chỉnh một cách mạnh mẽ trong các thông số của nó, từ ISO, khả năng cân bằng trắng, tốc độ màn trập, điểm lấy nét…. cho phép người dùng tạo nên những nghệ thuật thực sự trong các bức ảnh mà họ chụp.

Với Android, tính năng này không được hiện hữu sẵn trong ứng dụng mặc định mà họ mang đến khi người dùng muốn sử dụng nó đều cần phải có sự trợ giúp từ các ứng dụng bổ trợ hiện hữu trên kho ứng dụng riêng của nền tảng này.

Không có sự phân hóa trong nền tảng

Là một trong những nền tảng di động phổ biến nhất trên thị trường, sẽ chẳng khó hiểu cho lắm nếu như thị phần của Android hiện nay có không dưới hàng triệu thiết bị được sản xuất từ hàng loạt các OEM trên toàn cầu. Tuy nhiên, với sự đa dạng trong số lượng phiên bản, cũng như cấu hình mỗi thiết bị khác nhau mang đến hiệu năng khác nhau đã tạo nên sự phân hóa rõ rệt trong chính nội bộ Android. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Google đã tung ra đến Android 6.0 Marshmallow cho chính các thiết bị sử dụng Android, nhưng mà đến nay, thị phần của nó chưa có chiếm 2.3% khi mà ưu thế vẫn thuộc về những cái tên cũ hơn như Lollipop, KitKat, Ice Cream Sandwich, thậm chí là những cái tên cũ kĩ như Gingerbread vẫn còn tồn tại đâu đó và việc cập nhật hoàn toàn lên phiên bản mới nhất là điều không mấy dễ dàng, thậm chí Google cũng khá đau đầu trong lĩnh vực này.

Còn với Windows 10 Mobile của Microsoft, với việc chỉ có một phiên bản duy nhất xuyên suốt đã khiến cho sự phân hóa này không hề diễn ra, bên cạnh động thái hỗ trợ một phiên bản nào đó trong vòng 24-36 tháng đã tạo nên tiền đề để những người sử dụng của họ nâng cấp lên các hệ điều hành mới hơn, đương nhiên là nếu có thể thực hiện được.

Sự nâng cấp định kì

Windows 10 Mobile là một trong những nền tảng khác biệt nhất trong số những cái tên còn lại trong khả năng cập nhật từ phía Microsoft. Với việc được tung ra một cách liên tục những cập nhật mới, người dùng Windows 10 Mobile hoàn toàn yên tâm trong vấn đề bảo mật trước những tác nhân gây hại luôn được cập nhật thường xuyên vào hệ thống, hay sửa những lỗi thường gặp theo những ý kiến từ người dùng, cũng như bổ sung thêm những tính năng mới một cách định kì và thường xuyên hơn so với Android, và bạn có thể dễ dàng thấy rõ điều này khi những bản Build của Windows 10 Mobile hay Windows 10 được đưa ra không ít kể từ thời điểm mà nó ra mắt đến nay.

Theo BeeBom
 

Thống kê

Chủ đề
102,213
Bài viết
469,827
Thành viên
340,397
Thành viên mới nhất
aevaochoinao
Top