Những tính năng mới trên phiên bản Android O

0-android-o-vforum.jpeg

Không phải bây giờ người ta mới được chứng kiến những gì sẽ có mặt trên Android O khi mà 2 tháng trước, phiên bản thử nghiệm đầu tiên dành cho nhà phát triển của hệ sinh thái di động lớn nhất này đã được xuất hiện, và trong sự kiện Google I/O 2017 mới đây thì Google mới chính thức đưa ra nhiều thông tin hơn về phiên bản mới nhất tiếp theo của hệ sinh thái này tới toàn thế giới. Không chỉ dừng lại ở đơn thuần là một phiên bản chỉ được dành cho lập trình viên, Android O đã xuất hiện như một bản thử nghiệm mang tính cộng đồng rộng rãi hơn được phân phối và người dùng trên các thiết bị Nexus và Pixel đã hoàn toàn có thể tiếp cận, cài đặt cũng như trải nghiệm những gì mới nhất mà phiên bản này mang lại. Cũng như những tiền lệ trước đây, so với Android Nougat, Android O cũng có những bước tiến rõ rệt về sự thay đổi cũng như sự bổ sung thêm các tính năng dành cho người dùng. Và để có một cái nhìn cận cảnh hơn về Android O, trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm qua những tính năng chủ yếu của nền tảng này trên các phương diện về trải nghiệm, giao diện người dùng và các tính năng liên quan về nền tảng ẩn trong cốt lõi của phiên bản

Những thay đổi trong mặt trải nghiệm

Trong khoảng thời gian gần đây, Google cho rằng các thiết bị di động như smartphone đang có một tốc độ thay thế các máy tính truyền thống chậm hơn hẳn so với những ngày đầu tiên mà dòng thiết bị này ra mắt. Điều này đến từ việc các thiết bị smartphone không được có kích thước quá lớn, và khi mà điều này đang dần đạt tới mức giới hạn cũng kéo theo hiệu năng từ đó trên các tính năng đa nhiệm cũng không thể mở rộng hơn được nhiều. Chính vì vậy mà sự thay đổi trong mặt trải nghiệm là điều mà Google đang thử để thay đổi chính điều này để hạn chế sự giới hạn kể trên. Và trên thực tế thì Google đang thực hiện điều đó trên Android O như thế nào?

Chế độ Picture-in-Picture

Đa nhiệm là tính năng gần như không thể thiếu đối với một chiếc smartphone khi cho phép người dùng mở nhiều ứng dụng hơn trong cùng một thời điểm, và trong vài năm nay, sự quan trọng của nó cũng đã làm gia tăng những sự cải tiến mà Google áp đặt lên tính năng này trên các phiên bản Android khác nhau. Với Android Nougat, Google chính thức giới thiệu chế độ đa nhiệm thông qua việc phân chia màn hình cho các ứng dụng chạy song song, trong khi với Android O, hãng công nghệ này có bước chuyển khá lớn khi không còn cố định mọi thứ nữa với chế độ Picture-in-Picture hoàn toàn mới

1-picture-in-picture-android-o-vforum.jpg

Theo đó, với các ứng dụng sẵn có hiện nay như YouTube, Google Duo, Netfix, người dùng có thể nhấn nút Home để kích hoạt chế độ Picture-in-Picture dành riêng cho các ứng dụng này. Bằng cách vào chế độ trên, ngay trên màn hình sẽ xuất hiện một cửa sổ động cho phép người dùng hoàn toàn tự do trong việc thực hiện các tinh chỉnh, thay đổi kích thước, vị trí của nó. Đồng thời với cửa sổ động được khởi chạy dành cho các ứng dụng trên, người dùng sẽ hoàn toàn có thể sử dụng đồng thời một tác vụ khác có mặt trên smartphone nhưng vẫn xem được tất cả những gì có trên cửa sổ động đó. Về cơ bản, điều này không khác gì Split-Screen trên trình đa nhiệm cũ, với sự tinh chỉnh được áp dụng nhiều hơn để thuận tiện hơn tùy thuộc vào khả năng sử dụng của người dùng. Dù vậy, với việc là một tính năng mới mà Picture-in-Picture chưa thật sự được tương thích rộng rãi với các ứng dụng xuất phát từ bên thứ 3 và đội ngũ phát triển ứng dụng cần phải làm nhiều hơn trong việc tích hợp tính năng này để cung cấp đến cho người dùng của họ

Notification Dots

2-notification-dot-android-o-vforum.jpg

Không chỉ là sự thay đổi lớn trong mặt đa nhiệm, Google cũng mong muốn có những bước tiến trong việc tích hợp khả năng thông báo trên các smartphone kể từ phiên bản Android O. Theo đó, mỗi khi có sự thay đổi nào bên trong bât kì một ứng dụng nào được cài đặt, thì ngoài việc nó hiển thị một cách mặc định trên trung tâm thông báo Notification Center như trước đây, thì nó cũng có thêm lựa chọn trong việc hiển thị dưới dạng dấu chấm ngay trên biểu tượng ứng dụng. Điều này cho phép người dùng có thể truy cập đến các thông báo trên từng ứng dụng mong muốn một cách nhanh hơn so với phải duyệt toàn bộ. Bằng việc nhấn và giữ biểu tượng ứng dụng ở ngoài màn hình, các thông báo sẽ được hiển thị ngay trên đó dưới dạng một widget động, và bằng thao tác vuốt từ trên widget cũng sẽ hỗ trợ xóa các thông báo không những trên đó mà còn đồng bộ với cả Notification Center của nền tảng

Tự động điền theo mẫu với Auto-fill trên tài khoản Google

3-auto-fill-android-o-vforum.jpg

Auto-fill (tự động điền) là một trong những tính năng mà chúng ta thường thấy cũng như sử dụng trên trình duyệt Google Chrome để hoàn thành nhanh một mẫu điền nào đó với các nội dung tương tự đã thực hiện trước đó. Dù là một tính năng tiện ích đã xuất hiện trên Google Chrome các phiên bản từ khá lâu, nhưng phải chờ đến Android O thì Google mới có sự xác nhận chính thức về việc mở rộng tính năng này trong việc hỗ trợ các ứng dụng khác. Điều này cho phép người dùng có thể tương tác nhanh hơn với các ứng dụng bên thứ 3 được cài đặt một cách độc lập trên thiết bị nếu đã từng dùng nó trên Google Chrome. Chẳng hạn như bạn đăng nhập với tài khoản Twitter trên Google Chrome và các thông tin về mẫu điền được lưu vào đó, thì sau khi bạn sử dụng ứng dụng Twitter lần đầu trên thiết bị Android với cùng tài khoản Google được thiết lập, thì các thông tin tương ứng sẽ được nhanh chóng chuyển tiếp từ trình duyệt và tự động thêm vào ứng dụng để người dùng tự động đăng nhập mà không cần phải mất công nhập lại mọi nội dung nữa. Tính năng này nhìn chung sẽ rất hữu ích với các thiết lập trên một chiếc smartphone mới với cùng tài khoản Google hay sau khi chúng ta thực hiện khôi phục lại toàn bộ cài đặt đã thực hiện trên cùng thiết bị

Lựa chọn kí tự thông minh hơn với Smart Text

4-smart-select-android-o-vforum.jpg

Với người dùng smartphone, việc phải thực hiện lựa chọn kí tự để sao chép luôn là một nỗi khổ mà không phải ai cũng hiểu. Điều này đến từ việc phải thao tác hoàn toàn bằng tay trên màn hình cảm ứng với các nội dung hiển thị luôn nhỏ hơn những gì bạn có thể dễ dàng chạm chính xác chưa kể bạn phải lựa chọn đúng những nội dung cần thao tác sau đó. Và theo những gì mà Google thu được từ phía người dùng cho biết, thì phần kí tự mà họ thường xuyên phải sao chép nhất chủ yếu xoay quanh số điện thoại, tên và địa chỉ bên cạnh những yếu tố khác tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng khác nhau của người dùng. Chính vì thế mà Google với việc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo đã tạo ra tính năng Smart Text Selection trên Android O để khắc phục những vấn đề này. Bằng việc nhấn chọn đôi vào số điện thoại, tên, địa chỉ, email, nền tảng sẽ nhanh chóng nhận diện được nội dung để tạo vùng lựa chọn phù hợp nhất có thể. Bên cạnh đó, tính năng này cũng sẽ mang đến các lựa chọn tiếp theo phù hợp với ngữ cảnh về mặt nội dung vừa được chọn, chẳng hạn như thể hiện bản đồ hay mở trình quay số nếu bạn vừa chọn địa chỉ hay số điện thoại tương ứng. Thật tiện lợi và hiệu quả hơn với việc cứ phải chọn rồi hủy để lấy được chính xác nội dung như trước đây

Tự động kích hoạt tính năng Wi-Fi khi gần các điểm truy cập được lưu sẵn

5-wifi-connect-android-o-vforum.jpg

Có thể nói là thật sự khó khăn để kể ra được một cách chính xác số lần bạn bị trừ một khoảng kha khá về chi phí trong việc sử dụng dữ liệu di động trên các kết nối 3G hay 4G tại những điểm quen thuộc như nhà riêng hay văn phòng chỉ với lí do đơn giản là bạn quên mất việc phải kích hoạt các thiết lập Wi-Fi trên thiết bị. Chính vì thế mà nhiều người đã lựa chọn giải pháp cho vấn đề này chính là việc luôn để kết nối Wi-Fi luôn ở trạng thái bật, dù rằng đây chưa thực sự là một sự lựa chọn hoàn hảo khi mà điều này cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác mà trước tiên là việc thiết bị sẽ ngốn pin nhiều hơn mỗi giờ trong việc duy trì điều này. Tuy nhiên với Android O, có lẽ vấn đề này sẽ có hướng khắc phục hiệu quả hơn với tính năng mới cho phép chính những thiết bị Android có thể tự động chuyển qua sử dụng Wi-Fi một cách hoàn toàn tự động nếu nó được đặt trong tầm vực phủ sóng của các kết nối đã được lưu lại trước đó. Không chỉ hạn chế một cách tốt đa chi phí phải trả cho các nhà mạng, mà với việc tiết kiệm pin tối ưu, đây rõ ràng là một giải pháp nhận được nhiều sự chú ý nhất trong bản cập nhật Android lần này

Đương nhiên để có thể sử dụng tính năng trên, thì người dùng cần cho phép thiết bị sử dụng vị trí hiện tại vì cơ bản nó được xây dựng với nền tảng được dựa trên đó. Trong Android O, người dùng có thể thiết lập tính tự động của tính năng này thông qua các cài đặt trong Network and Internet -> WiFi -> WiFi Preferences

Tối ưu hóa khả năng tìm kiếm trong Settings

6-settings-search-android-o-vforum.jpg

Google lần đầu mang đến hệ thống khả năng tìm kiếm tích hợp dành cho hệ thống Settings trên Android kể từ phiên bản Lollipop 5.0 trong việc hỗ trợ người dùng một cách tốt hơn trong việc điều hướng tới các trang thiết lập tính năng tương ứng trên nền tảng. Với Android O, một lần nữa tính năng này được tối ưu hóa trong việc mang đến nhiều lựa chọn hơn trong khả năng tìm kiếm trên hệ thống Settings. Ngoài việc trả về các cài đặt tương ứng theo cụm từ khóa được người dùng yêu cầu, lựa chọn bổ sung này sẽ mang đến thêm nhiều thông tin hiển thị hơn về đường dẫn tương ứng nơi mà bạn có thể thực hiện theo cách thông thường. Bên cạnh đó trước đây, nếu bạn muốn xem thông tin liên quan đến các ứng dụng đã được cài đặt trên thiết bị, thì người dùng không có quá nhiều lựa chọn khi cần phải tự động tìm đến khu vực ứng dụng trên Settings và tìm kiếm thủ công. Tuy nhiên điều bất tiện này cũng sẽ được giải quyết một cách hiệu quả trong việc có thể hiển thị ngay trên thanh tìm kiếm của Settings như đối với một tùy chỉnh chính thức trên tính năng này

Thêm nhiều thao tác trên hệ thống nhận dạng vân tay

Với những người dùng trên các thiết bị Nexus hay Pixel với cảm biến vân tay, thì người dùng vốn đã có thể sử dụng các thao tác trên hệ thống nhận dạng này trong việc kích hoạt các tính năng như vuốt xuống để có thể mở thanh thông báo. Và với Android O, điều này sẽ được mở rộng khả năng tương thích cũng như tính năng một cách rộng rãi hơn trên việc bổ sung thêm các thao tác trên cả phương ngang và phương dọc một cách đa dạng. Mặc dù đến thời điểm hiện tại thì chưa hề có sự rõ ràng nào về việc sẽ có các tính năng này được hỗ trợ, thế nhưng dù là gì đi nữa thì chắc chắn một điều rằng nó sẽ nhận được sự đón nhận không hề nhỏ từ phía người dùng khi họ có thể sử dụng một cách hiệu quả hơn hệ thống cảm biến này thay vì chỉ dừng lại ở việc mở khóa hay nhận dạng danh tính.

Trên hết, không giống như bất kì một tính năng nào khác trước đây, hệ thống phương hướng thao tác trên cảm biến nhận dạng vân tay hoàn toàn độc lập với chiều quay của thiết bị, đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng thiết bị theo phương dọc hay phương ngang thì cách thức bạn sử dụng cảm biến vân tay cũng không hề thay đổi

Những sự thay đổi trong mặt giao diện người dùng

Mặc dù Android O được xây dựng dựa trên những nền tảng từ các phiên bản Android trước đó, và không mang đến quá nhiều những điểm nhấn nào nổi bật trên mặt giao diện người dùng, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa Android O hoàn toàn giống với tất cả những gì mà Android Nougat hay Android Marshmallow thể hiện khi bên trong đó, vẫn có những sự khác biệt dù nhỏ nhưng đủ để cải thiện không ít trong mặt trải nghiệm của người dùng

Sự thiết kế lại Quick Settings

7-notification-shade-android-o-vforum.jpg

Một trong những thay đổi dễ dàng nhận thấy nhất trên giao diện người dùng của Android O chính là nằm ở trên vùng thông báo của nền tảng. Các thông báo và Quick Settings giờ đây được đồng bộ hóa với nhau hoàn toàn trên một phông nền màu xám, thay vì sự phân hóa độc lập trong mảng màu đen và trắng giữa hai tính năng. Bên cạnh đó, các tính năng liên quan đến việc sắp xếp các lựa chọn trên Quick Settings, thay đổi hồ sơ người dùng, hay đường tắt để mở Settings cũng có sự thiết kế lại để đặt ngay bên dưới vùng thông báo để người dùng trên các thiết bị, nhất là với những thiết bị có kích thước màn hình lớn có thể dễ dàng truy xuất vào các tính năng kể trên hơn

Khả năng thay đổi biểu tượng ứng dụng trên Pixel Launcher

Android là một nền tảng đa dạng trong khả năng tùy chỉnh, và các biểu tượng ứng dụng cũng không là ngoại lệ trong vấn đề này khi mà Google cho phép người dùng toàn quyền thay đổi chúng theo các launcher được cài đặt hay từ các gói biểu tượng khác nhau được đăng tải, nhưng sự tùy chỉnh này trước đây thường bị giới hạn khi nó không cho phép thực hiện điều này với chính các tính năng được đi kèm với nền tảng. Tuy nhiên với Android O, sự giới hạn này cũng được lược bỏ đi khá nhiều với việc mở ra khả năng thay đổi hình dáng biểu tượng dành cho các tính năng mặc định. Mặc dù người dùng vẫn không hoàn toàn được tự do trong việc thay đổi cách nhìn cho chúng theo các gói biểu tượng được cung cấp, thế nhưng việc mở ra khả năng thay đổi hình dáng cũng phần nào tạo ra một tương lai tốt hơn trong vấn đề này trên các phiên bản kế sau, và đây thực sự là một nước đi khá đúng đắn từ phía Google trên chính Android O của họ

Nhấn giữ để truy cập Widget của ứng dụng

Kể từ phiên bản Android 7.1, Google mang đến một danh mục ngữ cảnh được hiển thị bằng việc nhấn giữ trên màn hình thiết bị tương tự như với 3D Touch trên iOS đang thực hiện. Về cơ bản, điều này mới chỉ dừng lại ở việc thao tác trên các biểu tượng ứng dụng chứ chưa hề mở rộng ra toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên với Android O, thì người dùng giờ đây có thêm quyền truy cập vào widget của ứng dụng cũng với thao tác kể trên đối với các biểu tượng ứng dụng trên màn hình. Và chẳng hạn như đối với một ứng dụng có nhiều dạng widget khác nhau, người dùng có thể nhanh chóng lựa chọn được widget mà mình mong muốn, thay vì phải tìm kiếm giữa cả đống widget khác nhau trong việc tùy chỉnh với giao diện thiết bị như trước

Chế độ Night Light có thể tùy chỉnh được

Night Light là chế độ mới trên Android Nougat cho phép người dùng lọc bỏ bớt ánh sáng xanh được tạo ra bởi màn hình thiết bị nhằm gia tăng sức khỏe cho mắt cũng như ít gây đến những ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ của người dùng ngay cả khi sử dụng thiết bị trước khi đi ngủ. Ở Nougat, người dùng không có thực sự quá nhiều những sự tùy chỉnh đối với tính năng này khi Night Light trên phiên bản này mới chỉ dừng lại ở việc cho phép người dùng bật hay tắt tính năng trên. Thế nhưng với Android O, nó được mở rộng khá nhiều, mà trong đó là phải kể đến sự xuất hiện của thanh trượt để tùy chỉnh được cường độ ánh sáng xanh tương ứng trên chế độ Night Light để phù hợp nhất với ý muốn của người dùng thay vì phải áp đặt họ vào trong một thiết lập được cấu hình sẵn bên trong nền tảng

Kiểm tra nhanh chóng quyền cấp phép truy cập vị trí

Location Permission (quyền cấp phép truy cập vị trí) là một tính năng thường được sử dụng bởi nhiều ứng dụng khác nhau trong việc lấy thông tin từ hệ thống GPS trên thiết bị để nhận biết được vị trí chính xác của người dùng đang đứng. Dù là một tính năng không thể thiếu với nhiều ứng dụng, nhưng không hẳn lúc nào cũng thích hợp để mọi thông tin về vị trí của người dùng đều được khai thác một cách liên tục nhất là khi chưa biết được chính xác các ứng dụng đó có thật sự an toàn hay không. Kể từ Android Marshmallow, người dùng đã có thể thực hiện thay đổi quyền cấp phép cho các ứng dụng độc lập. Dù vậy, điều này còn thực sự tương đối phức tạp khi nó phải trải qua nhiều bước để thực hiện trong các tính năng tương ứng được chôn khá sâu trong hệ thống Settings. Tuy nhiên với Android O, điều này được thay đổi khá nhiều với việc mà Google tạo ra đường tắt tới việc thay đổi quyền cấp phép về vị trí ngay trong trang tùy chỉnh của tính năng Location trên Settings để người dùng có thể tinh chỉnh tốt hơn so với việc phải mất nhiều thao tác trên từng ứng dụng như trước

Các thay đổi khác trong mặt nền tảng

Ngoài các thay đổi về giao diện, tính năng, thì mỗi phiên bản Android bên cạnh đó cũng mang đến không ít sự thay đổi được gọi là nền tảng như bảo mật, thời lượng pin, cải thiện về hiệu năng được đặt ngay bên dưới mà ít người dùng có thể biết được. Đương nhiên, Android O cũng không hẳn là một ngoại lệ trong vấn đề này, nhưng Google thực sự đã có thay đổi gì với các vấn đề này trên phiên bản Android kế tiếp của mình?

Bảo mật với Google Play Protect

8-google-play-protect-android-o-vforum.jpg

Bảo mật luôn là một vấn đề lo ngại lớn nhất của Google đối với nền tảng Android của họ để có thể cạnh tranh với một cái tên như iOS vốn chú trọng hàng đầu trong việc bảo mật người dùng. Với sự ra mắt của Google Play Protect trên Android O, Google thể hiện rõ ràng sự mong muốn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa Android với đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình ở thời điểm hiện tại. Hằng ngày, Google phải thực hiện việc kiểm tra các ứng dụng hiện đang có mặt trên từng thiết bị Android trên thế giới cũng như là với kho ứng dụng Play Store của mình để kiểm tra độ an toàn của chúng với người dùng trước khi loại bỏ chúng nếu có bất kì một dấu hiệu bất thường nào xảy ra. Và thay vì làm việc một cách âm thầm, thì giờ đây, Google muốn mang điều này tới cộng đồng một cách rõ ràng hơn với việc ra mắt Google Play Protect. Theo đó, người dùng Google Play Protect có thể khởi chạy ứng dụng để có thể kiểm tra chính các ứng dụng họ cài đặt để xem nó có gây hại gì cho mình hay không và đưa ra những quyết định phù hợp hơn sau đó

Tăng tốc khởi động hệ điều hành và mở ứng dụng

9-boot-time-android-o-vforum.jpg

Android O mang đến nhiều sự thay đổi về hiệu năng không chỉ đến từ ứng dụng, mà còn là nằm ở chính nền tảng mà Google cung cấp. Theo những gì mới nhất được Google xác nhận, Android O sẽ cho phép tốc độ khởi động nền tảng trên các thiết bị nhanh hơn gấp 2 lần so với các phiên bản Android khác được cung cấp cho cùng thiết bị đó. Đương nhiên tốc độ khởi chạy ứng dụng cũng theo đó mà có những thay đổi rõ rệt hơn trước đây, và mặc dù không có sự so sánh chính thức, nhưng theo Google, nó cũng sẽ tỉ lệ thuận với những gì mà nền tảng làm được bên trong đối với toàn bộ ứng dụng được cài đặt chứ không riêng gì các ứng dụng gốc có sẵn

Wise Limits

Dù là chạy trực tiếp trên màn hình thiết bị hay chạy ngầm, thì nó cũng sẽ có sự tiêu tốn trong mặt dữ liệu mạng cũng như tài nguyên hệ thống để cung cấp cho sự hoạt động trên. Trong khi với các ứng dụng trực tiếp, mọi thứ có thể dễ dàng được kiểm soát hơn thì các tác vụ chạy ngầm lại không như vậy. Người dùng khi đó sẽ rất khó để có thể biết được rằng liệu có chính xác bao nhiêu tác vụ chạy ngầm trên thiết bị nếu không có những thủ thuật riêng ngoại trừ việc nhận thấy rõ ràng nhất chính là sự suy giảm về hiệu năng cũng như thời lượng pin vì thế mà tụt giảm nhanh hơn trên các tác nhân này. Chính vì thế mà Google muốn làm giảm đi tối đa sự mất kiểm soát trên đối với người dùng để cho ra mắt tính năng Wise Limits. Về cơ bản, tính năng này cho phép nền tảng giới hạn một cách có thể thấy được sự tiêu tốn tài nguyên mà ứng dụng cần sử dụng để hạn chế tới mức tối đa sự hao tốn pin cũng như nâng cao hiệu năng trên thiết bị một cách tốt hơn, và dù chưa có thông tin chính thức nào về nó, thì Wise Limits cũng sẽ là tính năng được nhiều người đón nhận bởi nó khắc phục được vấn đề phải nói là nan giải nhất đối với nền tảng này

Dự án Treble

Sự phân mảnh trong phiên bản gần như là một đặc trưng cơ bản nhất mỗi khi nhắc đến nền tảng được cài đặt trên hơn 1 tỷ thiết bị này khi bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những chiếc máy chạy Android Ice Cream Sandwich đã khá lỗi thời đến những cái tên mới nhất sử dụng Android Nougat. Điều này khiến cho việc phát hành các bản vá hay các bản nâng cấp trở nên thật sự khó khăn so với việc chỉ xuất hiện một phiên bản duy nhất, và Google chưa bao giờ im lặng về vấn đề này kho họ luôn chấp nhận sự tồn tại của nó tính đến thời điểm hiện tại. Thế nhưng, Google cũng có cho mình những động thái riêng trong việc chấm dứt các vấn đề kể trên từ rất lâu về trước, và dù rằng nó chưa thật sự hiệu quả, nhưng điều này sẽ tồn tại chắc chắn không lâu trên một giải pháp hoàn toàn mới được đưa ra thông qua dự án mang tên Project Treble

Theo Google, Project Treble sẽ là một phần quan trọng kể từ phiên bản Android O với mục tiêu cung cấp các bản nâng cấp Android trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết để nó có thể tiếp cận người dùng cũng như loại bỏ sự phân mảnh chủ yếu đến từ việc chậm chân trong việc phát hành các bản nâng cấp tương ứng lên các nền tảng mới hơn. Mặc dù Project Treble đã được nhắc đến trong thời gian dài trước đây với các thông tin chi tiết có phần tương đối đầy đủ, thế nhưng với bản thử nghiệm đầu tiên được đưa ra dành cho Android O, thì nó cũng đi kèm với các sự thay đổi bổ sung mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một cách rõ ràng hơn trong các bài viết chuyên sâu hơn đối với tính năng này

Nâng cấp driver đồ họa trực tiếp thông qua Google Play Store

Khả năng nâng cấp trực tiếp driver về mặt đồ họa từ Play Store là một trong những bước đi đầu tiên để đưa Project Treble đến đúng với mục đích đưa ra ban đầu của mình. Điều này cho phép các nhà phát triển vi xử lí có thể đưa ra các bản nâng cấp của họ tới các linh kiện của mình trực tiếp tới tay người dùng một cách nhanh hơn thay vì phải thông qua các nhà phát triển thiết bị tạo dựng các phiên bản cấu hình trước khi tung nó ra như bản cập nhật dành cho các thiết bị của họ với hàng tá các phiên bản khác nhau dành cho dòng thiết bị khác nhau mà họ đang có. Dù là một tính năng hấp dẫn, thế nhưng nó cũng có những vấn đề về sự giới hạn khi ở thời điểm hiện tại, tính năng này mới chỉ có thể được hoạt động trên các thiết bị được tích hợp sẵn với nền tảng Android O chứ chưa hề có sự thông báo chính thức nào nó cũng là phương pháp được ứng dụng trên các phiên bản tiền nhiệm trước đó của hệ sinh thái Android

Hệ thống xác thực bằng SMS được tổ chức một cách hợp lí hơn

Hệ thống xác thực bằng SMS là một trong những tính năng mang tính bắt buộc trong các vấn đề liên quan đến vấn đề bảo mật được yêu cầu bởi các ngân hàng, các dịch vụ nhắn tin khác nhau cũng như chính từ phía nhà phát triển Google. Mặc dù là một tính năng vô cùng quan trọng, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, hệ thống này vẫn chưa thật sự có sự hoàn thiện trong mặt tính năng khi đôi khi vẫn còn gây khó khăn cho người dùng mà chủ yếu nằm trong hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất, nó yêu cầu quyền truy cập vào các ứng dụng để có thể đọc các tin nhắn mỗi khi mà mã xác thực được trả về thiết bị từ hệ thống máy chủ của dịch vụ tương ứng đang sử dụng, và dù muốn hay không thì đó cũng thực sự là một vấn đề liên quan đến bảo mật dễ dàng để có thể khai thác một cách triệt để. Bên cạnh đó, hệ thống mã xác thực trả về đôi khi không hề thân thiện lắm với người dùng, và tùy theo các dịch vụ sử dụng mà nó được tạo nên từ các kí tự hoa và thường, mã số và thậm chí là các kí tự đặc biệt khác, và đôi khi, nó lại yêu cầu người dùng phải nhớ một cách rõ ràng chính các mã này để nhập vào ứng dụng đang đòi hỏi. Dĩ nhiên, các tin nhắn với mã xác thực cũng khiến cho khu vực chứa tin nhắn gửi đến cũng đầy ắp và hỗn loạn nếu người đó có sử đụng dồng thời nhiều dịch vụ xác thực tập trung liên quan đến điện thoại

Android O là phiên bản Android được xây dựng trong việc nhắm đến khả năng giải quyết các vấn đề kể trên trong việc giới thiệu tính năng trên ứng dụng đang được phát triển với tên gọi PendingIntent. Một cách đơn giản nhất, tính năng này cho phép khi một ứng dụng yêu cầu mã xác thực gửi qua tin nhắn, nó sẽ tự tạo một thẻ token đặc biệt để các tin nhắn chưá mã được gửi thẳng đến ứng dụng tương ứng mà không cần trung gian thông qua người dùng. Chính vì thế mà người dùng cũng sẽ hạn chế việc xem các tin nhắn xác thực xuất hiện trong các hòm thư đến của mình, cũng như hạn chế sự rườm rà trong các thao tác nhập mã bằng tay đôi khi gây ra sự bất tiện như trước đây

Theo BeeBom
 

Thống kê

Chủ đề
100,754
Bài viết
467,588
Thành viên
339,851
Thành viên mới nhất
Đông Âu
Top