Nỗi bất an dưới những mái nhà

Chưa bao giờ câu chuyện gia đình lại được quan tâm và bàn luận nhiều như ngày nay. Các cặp đôi trẻ đang ngày càng lo lắng, thậm chí bi quan khi thấy mối liên hệ trong gia đình hiện đại… trở nên lỏng lẻo và tan vỡ nhiều hơn. Vì đâu nên nỗi?

Vòng quay của cuộc sống đang khiến con người xoay như chong chóng, như hụt hơi. Không suốt ngày chạy trên đường thì cũng cắm mặt vào màn hình vi tính, hoặc tiếp khách, tiệc tùng thâu đêm, hoặc mỗi khi rời công sở thì thành phố đã lên đèn. Tối về nhà thì mệt nhoài chỉ muốn ngủ, gặp nhau, tâm sự, chia sẻ chỉ mấy chục phút lúc bữa ăn cuối ngày hoặc cuối tuần cũng không đủ sưởi ấm được nỗi cô đơn bơ vơ ngay chính trong căn nhà của mình. Gia đình hiện đại của những người sản xuất kinh doanh lớn thì còn khắc nghiệt hơn nữa, vợ một dự án kinh doanh, chồng một dự án sản xuất… Cái áp lực công việc, áp lực kiếm tiền, áp lực của vươn lên làm người nổi tiếng và giữ bền danh tiếng vô tình giết chết cảm xúc ái ân đôi lứa, bào mòn tình yêu, dập tắt tình yêu thương thiêng liêng vợ chồng.

Áp lực của hai từ “Hiện đại”

Thời gian này, dư luận đang ồn ào bởi cặp uyên ương vàng của điện ảnh Việt - cặp đôi diễn viên Trương Ngọc Ánh và Trần Bảo Sơn vốn được bao nhiêu gia đình thần tượng giờ bỗng tuyên bố chia tay nhau. Lý do Trương Ngọc Ánh và Trần Bảo Sơn chia tay được đưa ra: “Chúng tôi đã không còn tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống và cả hai đều quá bận rộn với các dự án của mình”.

Nói vậy, thì biết vậy; chia tay vì “không tìm được tiếng nói chung thì dễ hiểu; còn nếu đúng là lý do “quá bận rộn” mà ai đi đường người ấy thì không mấy ai hiểu nổi. Chỉ khi nào biết được gia đình họ đang là nạn nhân của một xã hội hiện đại thì mới cắt nghĩa được cái lẽ tất yếu phải chia tay trong lịch sự mà đầy nước mắt ai oán nuốt vào lòng ấy.

Đừng quá ngạc nhiên khi nhận ra vợ chồng thời hiện đại đôi khi cứ như “vợ chồng Ngâu”. Đừng quá lạ lẫm khi cứ lâu dần mỗi người trong gia đình tự biến mình thành củ khoai tây, đựng trong sọt là sát bên nhau tạm bợ, đổ ra đất là rời ra lăn lông lốc. Thậm chí có gia đình, các thành viên còn như những ốc đảo rêu xanh hoang hóa… cũng chẳng có gì là sững sờ, khó hiểu. Buồn ơi! Chất lượng cuộc sống thì lên, mà chất lượng gia đình thì xuống.

Người vợ và người chồng trong gia đình hiện đại luôn tiến tới xu hướng độc lập kinh tế. Các chàng nàng đến với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc và đặc biệt là người con gái rất tự tin, chứ không như cái thời chị và mẹ về nhà chồng cứ rón rén, e lệ với của hồi môn khiêm tốn một vài chỉ vàng, cái xe đạp Thống Nhất, một cái va li quần áo cất giữ từ thời biết làm con gái. Nếu như gia đình truyền thống mang tính mở, tính cộng đồng hơn thì gia đình hiện đại lại đi theo xu hướng khép kín, thu vào vỏ ốc cá nhân. Trong căn hộ, ngôi nhà có không gian sống riêng, vợ một phòng, chồng một phòng, con cái dù còn nhỏ cũng mỗi đứa mỗi phòng riêng. Chính cái không gian vật chất sang trọng đóng khung khu biệt này đã kéo con người trở về với cái riêng cô độc bản năng thời tiền sử hoang dã trú ngụ trong hang.

Các thành viên gia đình trẻ hiện đại ít tâm sự, chia sẻ về những nỗi buồn, niềm vui, phiền muộn… cũng có nghĩa là ít quan tâm đến nhau, ít muốn cảm thông, thấu hiểu, thậm chí là… không chịu hiểu nhau. Xu hướng vợ chồng không ngủ cùng một giường đang là hiện tượng phổ biến. Mỗi người một thiên đường riêng ai thích chiếu trúc thì trải chiếu trúc, ai thích đệm Hàn Quốc thì nằm đệm Hàn Quốc, thích ôm ấp, âu yếm, thỏa mãn tình dục thì sang phòng của nhau rồi người nào lại về phòng người ấy.

Hầm trú ẩn cuối cùng

Xã hội hiện đại trong xu thế hội nhập toàn cầu thì văn hóa, lối sống Đông - Tây du nhập, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau. Các điểm nhấn lối sống nhanh, mạnh, gấp gáp đang hình thành rõ nét. Nhưng, cái nhìn thấy rõ nhất là xã hội công nghiệp tạo điều kiện cho các cá thể được sống với ý muốn và tự do cá nhân của mình. Bố mẹ rất ít can thiệp vào đời tư, ý thích, hướng nghiệp của con cái.

Người vợ có tiếng nói độc lập trong gia đình. Xu hướng người vợ chủ động ly hôn tỉ lệ tăng dần lên, có lẽ đến một ngày đẹp trời nào đó sẽ… áp đảo đàn ông. Thì cũng đừng quá ngạc nhiên khi ngày chủ nhật, chồng đi với bạn nhậu, vợ cũng đi với bạn trai hoặc gái ngồi ở một quán cafê sang trọng nào đó, nghe nhạc Trịnh, hoặc vắng chồng thì đóng cửa lại bật nhạc lên tự dạo gót vài ba điệu nhảy một mình với triết lý tự do muôn năm, hay khỏa thân tự ngắm nhìn mình trước gương.

Ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại Sophia Loren nói rằng: “Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái”. Nhưng, nghĩ lần hai là một chuyện, quyết đoán độc lập rời khỏi căn nhà đã hết tình yêu thương, hoặc còn tình yêu nhưng bất đồng lối sống lại là câu chuyện khác. Người vợ, người mẹ thời hiện đại nếu phải chia tay chồng, bao giờ cũng tìm cách nào đó để đứa con bớt khổ, được hưởng tình cảm của cha mẹ nhiều nhất, nhưng không có nghĩa là họ cứ chịu sống trong địa ngục trần gian đắng cay ở bên chồng.

Không! Người vợ trong gia đình hiện đại không chấp nhận là cái bóng dật dờ của người mẹ “nhẫn nại nuôi con, thờ chồng, suốt đời im lặng” như ngày xưa. Các mợ ấy, đóng sẵn cái va-li quần áo ở góc phòng, sẵn sàng bế con lúc 12 giờ đêm ra khỏi nhà để làm một người mẹ đơn thân, và đã đi là không bao giờ quay trở lại với cái ông chồng cũng như một ốc đảo xanh rêu. Số lượng những đứa bé có mẹ thì thiếu cha, có cha thì vắng mẹ đang ngày càng tăng cao.

Nhà thần học Martin Luther nói rằng: “Hãy để người vợ khiến chồng mình vui vẻ trở về nhà, và hãy để người chồng khi mình rời nhà sẽ khiến nàng nuối tiếc.” Sau những mệt nhoài bởi công việc mưu sinh và sức ép căng thẳng ngoài xã hội, người chồng và người vợ trẻ trở về nhà là chạy trốn vào cái “hầm trú ẩn” cuối cùng. Ai biết trú ngụ và biết làm cho người thân ở bên cùng ẩn nấp cảm thấy an lành thì sẽ không bị đánh bật ra khỏi cái gia đình có nguy cơ chao đảo, suy vong ấy.

Cùng đọc và chia sẻ nhiều hơn tại thatmah
 
Top