Những ngày đầu đông, thị trấn Nokia của đất nước Phần Lan trông thật nhỏ bé và yên bình. Một vài khu chung cư nằm xen giữa những lớp tuyết dầy. Bên cạnh con đường đầy sỏi đá là một vài cửa hàng nhỏ, khu ăn uống và một siêu thị giảm giá. Thật khó để tin rằng thị trấn nhỏ bé này là quê hương của Nokia – công ty mà đã cung cấp đến 40% sản lượng điện thoại di động toàn thế giới cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21. Nhiều người tin rằng Nokia đã giúp tạo ra một cuộc cách mạng của ngành công nghiệp điện thoại di động, đồng thời đưa Phần Lan trở thành một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới thời bấy giờ.
Giai đoạn 1998 – 2007, Nokia đóng góp một phần tư sản lượng kinh tế của Phần Lan. Đây là thời kì của một “phép màu kinh tế”, theo như nhận định của Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb. Tuy nhiên, sự đi xuống của Nokia cũng nhanh như sự đi lên của nó. Đà giảm tốc của “giấc mơ tăng trưởng Nokia” đã giáng một đòn mạnh lên kinh tế Phần Lan, tạo ra một cuộc khủng hoảng dài nhất trong lịch sử quốc gia châu Âu này.
Sự tàn lụy của đế chế Nokia đã tác động tiêu cực đến kinh tế của những vùng miền tại Phần Lan, nhất là những khu vực xung quanh ngôi làng Nokia – quê hương của công ty công nghệ cùng tên. 14-15% là tỷ lệ thất nghiệp tại Tampere, cách ngôi làng Nokia chừng 15 phút và đã từng là trụ sở nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Nokia, có lúc thuê tới 4 nghìn nhân viên. Kari Kankaala, Giám đốc phụ trách phát triển kinh tế và đô thị tại Tampere nhận định Nokia là nền tảng của tất cả mọi thứ: “Từ những người công nhân, những nhà thầu đến những trường đại học, tất cả đều phụ thuộc vào Nokia”.
Hiện nay, ngành nghề kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông của Nokia vẫn phát triển tốt và đóng góp vào kinh tế Phần Lan. Đối với những cựu nhân viên của Nokia, khi được hỏi, họ vẫn còn bất ngờ về quá trình từ một công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất điện thoại di động của Nokia đến việc bị Microsoft mua lại vào năm 2014. Và theo Mika Grundstrom, cựu Giám đốc nghiên cứu và phát triển, một trong những lý do dẫn đến sự tàn lụy của đế chế Nokia là sự ra đời của iPhone.
Kể từ năm 2007, vị trí ngôi vương của Nokia đã bị lung lay do sự trỗi dậy của điện thoại thông minh, nhất là sự ra mắt của iPhone vào năm đó. Theo ông Grundstrom, cuộc sống đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều từ khi iPhone ra đời. “Nokia đã gặp khó khăn lớn trong việc xác định xu hướng tiêu dùng của khách hàng, liệu rằng họ quan tâm đến sự tiện nghi, thời lượng pin hay kích thước khi chọn mua điện thoại. Trong khi pin iPhone chỉ dài 1 ngày, thì nhiều phiên bản điện thoại của Nokia có pin dài 1 tuần. Vậy thì làm thế nào Apple có thể bán một chiếc điện thoại như vậy đến người tiêu dùng?”, ông Grundstrom chia sẻ.
Nói về thương vụ sát nhập với Microsoft năm 2014, khi mà cái tên Nokia bị xóa sổ hoàn toàn khỏi thị trường, nhiều người vẫn có cái nhìn lạc quan. “Việc sát nhập với Microsoft đã đem đến cho nhiều cựu nhân viên Nokia một khoản tiền khổng lồ dưới dạng cổ phiếu, trong khi Microsoft đã thổi một làn gió mới đến cách thức kinh doanh và vận hành doanh nghiệp của công ty công nghệ Phần Lan này”, Giám đốc phát triển kinh tế và đô thị tại Tampere , ông Kari Kankaala cho biết.
Tuy nhiên, thời kì hậu Nokia không phải lúc nào cũng đen tối. Tuomas Kytomaa, một kỹ sư máy tính, người đã dành phần lớn cuộc đời làm việc cho Nokia và đang sở hữu một khu văn phòng kinh doanh được thiết kế lại từ một nhà máy bỏ hoang, cho rằng di sản mà Nokia để lại đó chính là tài năng và tinh thần kinh doanh khởi nghiệp. Mặc cho sự phát triển tương lai của ngành công nghệ Phần Lan có như thế nào, phần lớn mọi người đều đồng ý sự xuất hiện của một đế chế Nokia thứ hai là rất khó xảy ra: “Tình thế bây giờ đã thay đổi. Sự cải tiến, đổi mới không còn đến từ những doanh nghiệp lớn. Chúng sẽ đến từ những doanh nghiệp nhỏ, những công ty khởi nghiệp”, Kytomaa nhận định.
Nguyễn Mai Đức
Sửa lần cuối: