Phân tích bi kịch tha hóa của Hồn Trương Ba, liên hệ bi kịch tha hóa của Chí Phèo

Đề bài Phân tích bi kịch tha hóa của Hồn Trương Ba, liên hệ bi kịch tha hóa của Chí Phèo. Qua đó nêu rõ nét độc đáo của mỗi nhà văn trong việc khám phá số phận con người.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Với những giá trị nhân văn sâu sắc hay cách lột tả chân thực nhất những bi kịch nhân vật Trương Ba phải đối mặt…tính đến nay, đây được xem là “vở kịch hiện đại duy nhất của Việt Nam tiếp cận được với sân khấu quốc tế”. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết nhất phân tích bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba, liên hệ bi kịch tha hóa của Chí Phèo từ đó phát hiện ra nét độc đáo của mỗi nhà văn trong việc khám phá số phận con người.

Bi kịch tha hóa là một bi kịch đớn đau của con người, một chủ đề đã được rất nhiều cây bút trăn trở và đưa vào tác phẩm của mình. Bi kịch tha hóa đại ý có thể hiểu là bi kịch của con người khi bị biến chất, mất đi những phẩm chất tốt đẹp của mình trước đó. Thế giới con người là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, văn học lại bắt nguồn từ đời sống, lẽ dĩ nhiên thế giới nhân vật trong văn học cũng đa dạng, phong phú như vậy. Sự tha hóa của con người khi đi vào văn học được mỗi nhà văn nhìn dưới một quan điểm và thể hiện nó một cách rất riêng. Đọc những sáng tác của Nam Cao – một cây bút điển hình cho xu hướng văn học hiện thực phê phán, ta có thể thấy bóng dáng những con người mang trạng thái “bị mất gốc, bị cắt đứt những giá trị Người, bị tách rời ra khỏi những chuẩn mực đạo đức xã hội…”. Trước Nam Cao, cũng đã có rất nhiều nhà văn viết về sự tha hóa của con người như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan…Những Tám Bính trong “Bỉ vỏ”, Long, Mịch, ông bà đồ Uẩn trong “Giông tố”, tất cả họ, vì những tác động của cả bên ngoài xã hội đến những biến chuyển trong tâm hồn đã thay đổi, đã tha hóa và cuộc đời chẳng khác nào một bi kịch đắng cay. Lưu Quang Vũ cũng viết về bi kịch tha hóa của con người, nhưng thay vì truyện ngắn hay tiểu thuyết, ông thể hiện nó qua hình thức kịch. Để bài viết của mình đủ ý và ấn tượng, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu chi tiết đầy đủ dưới đây phân tích bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba và liên hệ đến bi kịch tha hóa của Chí Phèo để từ đó thấy rõ nét độc đáo của mỗi nhà văn trong việc khám phá số phận con người.
truong-ba-va-chi-pheo.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH BI KỊCH THA HÓA CỦA HỒN TRƯƠNG BA, LIÊN HỆ BI KỊCH THA HÓA CỦA CHÍ PHÈO ĐỂ THẤY RÕ NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA MỖI NHÀ VĂN TRONG VIỆC KHÁM PHÁ SỐ PHẬN CON NGƯỜI.
Bi kịch, phải chăng đã có nhiều người băn khoăn tự hỏi nó là gì, nó có ý nghĩa gì mà tác động to lớn đến đời sống con người, đến tâm hồn người nghệ sĩ và văn chương đến vậy. Trong hằng hà sa số những bi kịch của con người, bi kịch tha hóa được rất nhiều cây bút xuất sắc của Việt Nam nhiều thời quan tâm và thể hiện rất tốt qua tác phẩm của mình, từ đó gửi gắm nỗi lòng, những bức thông điệp sâu sắc. Trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, nhân vật Trương Ba đã phải đón nhận rất nhiều bi kịch, trong đó có bi kịch tha hóa. Cảm nhận về nó khiến ta liên tưởng đến bi kịch tha hóa của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao và từ đó mà hiểu hơn sự độc đáo của mỗi nhà văn trong việc khám phá số phận con người.

Nói đến cái tên Lưu Quang Vũ, người ta nghĩ ngay đến một nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng, tài ba của thế kỉ XX. Gia tài văn chương của ông là một kho đồ sộ những vở kịch xuất sắc, để lại tiếng vang lớn trên sân khấu kịch trường và rung động mạnh mẽ, suy ngẫm sâu xa trong tâm hồn những con người yêu nghệ thuật. Tác phẩm tiêu biểu của Lưu Quang Vũ có thể kể đến như “Sống mãi tuổi 17”, “Nàng Xita”, “Mùa hè cuối cùng” hay “Tôi và chúng ta”…Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được bắt đầu viết năm 1981 nhưng đến tận năm 1984 mới ra mắt với công chúng. Tác phẩm dựa trên một cốt truyện dân gian nhưng với cái tài của mình, tác giả đã sáng tạo thành công những tình tiết truyện hấp dẫn, tạo dựng thành công nhân vật để qua đó gửi những thông điệp sâu cay, thấm thía. Đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thuộc cảnh VII – đoạn kết của vở kịch diễn là nỗi dằn vặt, đau khổ đến tột cùng của Hồn Trương Ba cùng với quyết định vô cùng cao thượng của ông: chọn cái chết, xin cho cu Tị được sống và trả xác cho hàng thịt.

Đọc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhân vật Trương Ba được xây dựng với hình ảnh một người làm vườn lành thiện và cao cờ. Chính bởi sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu mà ông chết oan. Đế Thích tình cờ biết chuyện và đã cho hồn Trương Ba nhập vào xác hàng thịt. Sau nhiều ngày trú trong cái thân xác kềnh càng, thô lỗ của anh hàng thịt thì dường như hồn Trương Ba cũng dần bị nhập nhiễng những thói quen tật xấu của hắn. Từ cảm xúc chán ngán, Trương Ba bắt đầu thấy sợ và muốn rời xa cái thân xác ấy, rồi cuối cùng ông bị tha hóa. Khi xác hàng thịt khẳng định chắc chắn rằng hồn Trương Ba không thể rời nó được, hồn Trương Ba còn kinh thường và lăng mạ xác hàng thịt rằng nó không có tiếng nói, âm u, đui mù, thấp kém và chẳng khác nào một con thú. Trái lại, xác hàng thịt lại ngang nhiên thừa nhận rằng mình có sự sống, có sức mạnh nhiều khi “át” cả tâm hồn cao khiết của hồn Trương Ba. Tiếp đó, xác hàng thịt không ngần ngại mà vạch mặt, chỉ tên những dục lạc tầm thường như tiết canh, khổ hũ, khấu đuôi và cả đàn bà. Những thứ có lẽ chẳng bao giờ Trương Ba khi sống quan tâm đến nhưng giờ lại khác.

Trong cuộc trò chuyện giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, xác hàng thịt không ngừng mỉa mai, chế giễu sự khuất lụy, yếu đuối chiều theo hoàn cảnh của hồn Trương Ba – một sự mỏng manh về bản lĩnh chưa từng xuất hiện ở con người Trương Ba trước đó. Xác hàng thịt tiếp tục tố cáo thói vũ phu, thô bạo, sự vô ơn, vong bội, thói giáo điều và đấu tranh, đòi hỏi được hồn Trương Ba tôn trọng. Lúc bắt đầu cuộc trò chuyện, Trương Ba ở thế chủ động nhưng càng về cuối lại càng đuối lý. Về xưng hô, nếu như lúc đầu đầy cao ngạo xưng “ta”, gọi xác hàng thịt là “mi”, “mày” thì đến cuối câu chuyện đã chuyển sang xưng “tôi” gọi “anh”. Sự chủ động lúc ban đầu giờ đã bị thay thế bằng thế bị động. Ngôi vị từ thế thượng phong đã chuyển xuống hạ đẳng. Rõ ràng, bi kịch của hồn Trương Ba là muốn thoát khỏi nhưng không thoát được và dần bị tha hóa, biến chất. Từ bi kịch tha hóa của Trương Ba, dường như Lưu Quang Vũ muốn dùng câu chuyện, nhân vật, ngôn từ nghệ thuật của mình để gửi gắm một bức thông điệp sâu sắc: con người chúng ta, dẫu không thể thoát khỏi hoàn cảnh thì cũng không được để hoàn cảnh chi phối. Nếu như yếu đuối chấp nhận thỏa hiệp, thì cái nhận lại chỉ là một bi kịch, với những rối bời trong cảm xúc, hành xử mà thôi.

Đọc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba bỗng gợi nhắc ta nhớ đến bi kịch tha hóa của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo vốn là một người nông dân lành thiện như bao người nông dân khác của làng Vũ Đại. Vì sự lẳng lơ của mợ Ba và thói ghen tuông vớ vẩn của Bá Kiến, Chí Phèo đã bị tống vào tù và trở thành một nạn nhân của cường quyền, bạo lực thời đó. Những ngày tháng trong tù đã tác động làm biến đổi một phần con người Chí. Từ một người lương thiện, hắn bỗng trở thành một tên côn đồ, lưu manh với diện mạo dữ tợn, làm khiếp sợ dân làng và bị họ xa lánh. Những ngày tháng sau khi ra tù quả thực khó khăn với Chí Phèo khi bị dân làng Vũ Đại coi là tên quỷ dữ, không ai quan tâm, không ai công nhận. Dần dần, chính chế độ thống trị bạo tàn, vô nhân tính, chính định kiến của người làng Vũ Đại ngày ấy đã đẩy Chí Phèo vào con đường đối mặt với bi kịch tha hóa, từ nhân hình đến nhân tính. Chí Phèo đâm thuê, chém mướn, gây ra những tội ác và cuối cùng trả giá cho nó bằng cái chết, một lựa chọn đớn đau để kết thúc bi kịch cuộc đời mình.

Nam Cao và Lưu Quang Vũ, hai cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam, với cái nhìn tinh tế và ngòi bút tài hoa của mình, đã tái hiện và thể hiện chân thực, sống động bi kịch tha hóa của con người, từ đó tác động mạnh đến suy nghĩ, cảm xúc của mỗi người đọc. Dẫu cùng viết về bi kịch tha hóa, mỗi nhà văn lại có những khám phá riêng về số phận con người. Về bản chất tha hóa, với Nam Cao bi kịch tha hóa đã đẩy con người từ lương thiện đến trở thành quỷ dữ. Còn Lưu Quang Vũ lại cho rằng bi kịch ấy đã biến một người lương thiện trở nên thô bạo, giáo điều, vô ơn, hèn nhát và từ đó đánh mất những giá trị sống tốt đẹp. Nhà văn Nam Cao đã phác họa ra một bi kịch dữ dội, kinh động cả xóm làng nhưng Lưu Quang Vũ lại xây dựng bi kịch diễn ra âm thầm, dai dẳng trong thẳm sâu tâm hồn con người. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó, dù là tốt hay xấu, bi kịch cũng vậy. Nguyên dân dẫn đến bi kịch của Chí Phèo là do tác động xấu của phong kiến và thực dân. Còn Lưu Quang Vũ lại để hoàn cảnh, số phận trớ trêu tạo ra một bi kịch cuộc đời. Những cách nhìn nhận, cách thể hiện khác nhau đã giúp hai tác giả tạo được dấu ấn riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam, đồng thời cũng khiến cho người đọc thêm tin yêu sức sống những tác phẩm nghệ thuật họ tâm huyết xây dựng hơn.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ đã cho người đọc những cảm xúc, suy nghĩ mới về bi kịch tha hóa của con người, đưa liên tưởng của họ nghĩ về bi kịch tha hóa của Chí Phèo. Những điểm giống và khác trong bi kịch tha hóa của hai nhân vật này đã giúp ta khám phá ra những nét độc đáo trong việc khám phá số phận con người của Nam Cao và Lưu Quang Vũ.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chí phèo hồn trương ba da hàng thịt trương ba
  • Top