Phân tích cuộc đối thoại giữa hồn và xác để làm rõ bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba

Vào những thập niên 80 của thế kỉ XX, trên sân khấu kịch Việt Nam không bao giờ thiếu vắng đi những tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông đã để lại cho nền văn học những kịch bản mang đậm yếu tố thời đại và sức nóng bỏng của những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Trong đó, "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt" là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của ông, cuộc đối thoại giữa hồn và xác đã thể hiện rất ấn tượng bi kịch bị tha hóa của Trương Ba.

Cuộc sống trong chiến tranh đã vô cùng kham khổ, song cuộc chiến mới chống lại những kẻ thù khác thời hậu chiến lại là một hành trình dài và gian nan hơn nhiều. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, văn học có xu hướng dân chủ hóa, tập trung đi sâu vào khai thác những mâu thuẫn của con người trước cám dỗ, sự "mất thăng bằng" trong xã hội, những vấn đề phức tạp mà con người cần phải đối diện. Mượn nguyên tác từ một câu chuyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã thay đổi cốt truyện và từ đó, biến đổi nó để phù hợp với dụng ý truyền tải thông điệp cho phù hợp với thời đại. "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt" vừa đem lại cho ta suy nghĩ sâu sắc về giá trị con người, vừa là lời cảnh tỉnh hãy sống sao cho ý nghĩa, sống là chính mình, sống sao cho lương thiện chứ không đơn thuần chỉ là sự tồn tại hữu danh. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác một lần nữa gợi cho ta nhiều suy ngẫm, đặc biệt đã làm nổi bật bi kịch bị tha hóa của nhân vật Trương Ba.

nhan-vat-truong-ba.jpg

BÀI VIẾT PHÂN TÍCH CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA HỒN VÀ XÁC ĐỂ LÀM NỔI BẬT BI KỊCH BỊ THA HÓA CỦA TRƯƠNG BA
Lưu Quang Vũ được coi là người viết kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Trên những sân khấu kịch trải dài từ bắc tới nam thuở đó không thể thiếu được bóng hình của kịch Lưu Quang Vũ. "Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt" là một trong những vở kịch đặc sắc nhất trong sự nghiệp của ông, đặc biệt cuộc đối thoại giữa hồn và xác đã phản ánh một cách đau lòng về bi kịch bị tha hóa của Trương Ba - người có nhân cách cao đẹp và tấm lòng thiện lương.

Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả đã phản ánh đúng bi kịch bị tha hóa trong khi hồn mình ở nhờ trong xác anh Hàng Thịt của nhân vật Trương Ba.

Trước hết, Trương Ba là người chết oan và vì vậy, ông được đền bằng cách sống nhờ trong xác anh Hàng Thịt. Tưởng như đó là niềm hạnh phúc vì được sống nhưng ai ngờ đó lại là khởi nguồn của mọi bi kịch trong cuộc sống sau này. Tâm hồn thanh khiết, cao sang không thể dung hòa với thân xác dung tục, tầm thường, cho nên đã có lúc Trương Ba bị xác thịt lấn lướt mà đánh mất đi sự cao sang vốn có. Cuộc tranh luận giữa hồn và xác xảy ra rất mãnh liệt và khó thỏa hiệp. Trương Ba thì ôm đầu, đau khổ đến cùng cực vì không muốn sống nhờ ở đợ trong thân xác tầm thường đó nữa, còn xác anh Hàng Thịt lại dùng những lời lẽ lấn lướt, sỉ nhục Trương Ba: nhờ có xác là cái bình chứa đựng linh hồn, nhờ xác mà Trương Ba được ngắm trời ngắm đất, được làm bạn với cỏ cây. Ban đầu, Trương Ba còn dùng những lời lẽ hùng hồn để vạch mặt sự thô bỉ của xác Hàng Thịt nhưng sau đó lại đuối lí dần trước lời của xác. Cuộc đảo ngôi diễn ra rất ngoạn mục: Trương Ba từ người chủ động bị dẫn vào thế bị động, xác Hàng Thịt từ kẻ bị ít lí lẽ đã trở nên lấn lướt trước hồn Trương Ba. Xác đã ngang nhiên vạch mặt những lúc Trương Ba không kiểm soát được những ham muốn tầm thường mang tính bản năng của xác thịt mà đành chiều theo chúng: "Khi ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đêm hôm đó, suýt nữa thì… Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì?" Những lời lẽ hết mực ti tiện đó như cắt thêm một vết vào lòng tự trọng của Trương Ba. Một con người mà đến tiên cờ Đế Thích cũng phải một lòng thờ kính nay lại bị vạch mặt trước một xác thịt ti tiện và tầm thường. Trương Ba đã không còn là Trương Ba của ngày trước, ông đã thay đổi, đã có những lúc bị ngã lòng trước những ham muốn tầm thường, nhỏ nhen, những bản năng vốn có của con người. Tâm hồn cao khiết chẳng còn cũng tạo cơ hội cho xác thịt khẳng định vị trí và tầm quan trọng của mình. Trương Ba đã đuối lí trước nó và chẳng thể nào làm gì hơn.

Không những thế, xác Hàng Thịt còn thừa nước đục thả câu, một lần nữa sỉ nhục Trương Ba: "Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao?". Những món ăn của phường đồ tể với tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, những thứ tầm thường đó Trương Ba đã không thể kìm chế. Vậy thì hóa ra "Trương Ba cũng tầm thường như xác thịt cả thôi, vậy mà còn lên mặt để chê bai xác thịt cơ đấy" - có lẽ Hàng Thịt đang muốn xoáy sâu vào điều này hay chăng? Trương Ba không còn là người thanh cao mà ai ai cũng quý trọng nữa, ông đã bị khuất phục trước những thứ tầm thường của phường đồ tể, bị những ham muốn nhất thời lay động. Bi kịch bị tha hóa của Trương Ba đến đây đã hiện lên rõ nét. Người đọc cay đắng và chua xót cho Trương Ba nhưng đồng thời cũng nhận ra một chân lí: Khi không thể kiểm soát mình trước những điều dung tục, tầm thường thì con người sẽ dễ bị khuất phục trước chúng, tự biến mình thành kẻ không có giá trị. Là người tự trọng, hơn ai hết Trương Ba thấu hiểu điều đó, và càng cảm thấy hổ thẹn hơn khi bản thân mình có lúc đã bị chúng khuất phục. Mang trong mình nỗi tủi nhục bị tha hóa, liệu Trương Ba có thể sống tiếp trong xác thịt nữa hay không?

Ban đầu xác thịt luôn là kẻ ở cửa dưới nhưng qua đoạn hội thoại đã hoán đổi vị trí ngoạn mục, lấn lướt hồn để rồi ung dung chiếm thế thượng phong. Điều đó càng đẩy cao trào kịch lên thêm bởi lẽ hồn Trương Ba đã hoàn toàn đuối lí trước những lí lẽ ti tiện nhưng lại rất hùng hồn và thuyết phục của xác Hàng Thịt. Qua đó, ta lại thấy ẩn hiện nỗi bi kịch bị tha hóa của nhân vật Trương Ba, nỗi đau đớn không ai có thể chia sẻ được. Đoạn trích cũng đồng thời gửi gắm những thông điệp sâu sắc: hãy biết kiểm soát bản thân mình trước những cám dỗ nhất thời, trước bản năng tầm thường để không bị chới với trước ranh giới của cao khiết và dung tục, để giữ gìn bản thân mình sao cho trong sạch, thiện lương.

Chỉ với một cuộc hội thoại nhỏ, Lưu Quang Vũ đã cho thấy khả năng viết kịch tài ba của mình. Không chỉ làm nổi bật bi kịch của Trương Ba mà tác giả còn khéo léo gửi thông điệp, những triết lí và suy ngẫm sâu sắc về con người. Có lẽ bởi vậy mà đến nay, kịch Lưu Quang Vũ vẫn thắp lên những ngọn lửa sáng lòa trong những nhà hát lớn để nhắc nhở lớp người đời sau.
-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    hàng thịt hồn trương ba da hàng thịt trương ba
  • Top