Phân tích đặc sắc nghệ thuật của “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải lớp 12

Leonit Leonop đã từng nói rằng: “Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một phát minh về hình thức, một khám phá mới về nội dung”. Cùng với những “khám phá mới về nội dung”, “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải còn có những “phát minh về hình thức” vô cùng đặc sắc. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết nhất phân tích đặc sắc nghệ thuật của “Một người Hà Nội” – Nguyễn Khải mà các bạn có thể tham khảo.

Để định nghĩa về một tác phẩm văn học có giá trị, mỗi người lại có một ý kiến riêng. Song, có lẽ phần đông sẽ đồng ý rằng đó là một tác phẩm thực sự sâu sắc về mặt nội dung tư tưởng và mang hình thức nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ, thú vị. Cùng một chủ đề, vấn đề khai thác, nhưng mỗi nhà văn lại có cách thể hiện khác nhau, ấn tượng và tinh tế. Nhiều năm trôi qua, cụm từ “người Hà Nội” luôn được người ta chú ý, dành cho nó một vị trí rất riêng, một tình cảm rất đặc biệt. Hà Nội là thủ đô, xưa nay được người đời coi là “khuôn vàng thước ngọc” cho mọi giá trị, chuẩn mực: từ vẻ đẹp con người đến vẻ đẹp cảnh quan, từ nét ăn nét mặc đến lối đi, cách sinh hoạt…Bởi vậy mà nhiều nhà văn say mê đi khám phá cái chất Hà Nội rất riêng ấy, họ viết về miền đất kinh kỳ, viết về con người thủ đô…Nguyễn Khải cũng viết về người Hà Nội, cô Hiền – một người phụ nữ Hà Nội điển hình mang trong mình những nét đẹp rất riêng. Người ta ấn tượng với “Một người Hà Nội” bởi cái nội dung sâu xa nhà văn gửi gắm, bởi những phát hiện mới mẻ nhà văn khám phá, và hơn nữa, đó còn là bởi sự đặc sắc trong nghệ thuật thể hiện. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết phân tích đặc sắc nghệ thuật của “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn thành công!


dac-sac-nghe-thuat-mot-nguoi-ha-noi.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT CỦA “MỘT NGƯỜI HÀ NỘI” CỦA NGUYỄN KHẢI
Nguyễn Khải được biết đến là cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. “Một người Hà Nội” là một tác phẩm văn xuôi nổi bật của nhà văn. Truyện ngắn được viết trong bối cảnh đất nước nhiều đổi mới, văn học có nhiều bước chuyển mình nên phải chăng đậm tính triết luận sâu sắc. Bên cạnh giá trị nội dung tư tưởng sâu xa, tác phẩm còn được đánh giá có về những đặc sắc nghệ thuật được nhà văn tinh tế vận dụng.

Nhà văn Nguyễn Khải tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình từ những năm 1950 và được người yêu văn chương và các nhà phê bình chú ý nhiều từ tiểu thuyết Xung đột (1959 – 1962). Chủ đề trong văn chương Nguyễn Khải khá phong phú, ông viết về nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới; về bộ đội, đất nước, nhân dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ; về những vấn đề chính trị - xã hội có tính thời sự và đặc biệt dành nhiều tâm huyết và trăn trở khi viết về đời sống tinh thần và tư tưởng của con người trước những đổi thay phức tạp của đời sống hiện đại. Đọc những sáng tác của Nguyễn Khải, ta thấy rõ khả năng phát hiện vấn đề và phân tích tâm lý sắc sảo của nhà văn. Nếu như trước năm 1978, văn ông đậm chất chính luận thì từ năm 1978 trở về sau này, văn ông lại đậm tính triết luận sâu xa. “Một người Hà Nội” trích từ “Hà Nội trong mắt tôi” được viết năm 1990, thời điểm đất nước bước ra khỏi khói lửa chiến tranh để trở về với cuộc sống hòa bình, văn học vì thế cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm này cũng là một khía cạnh được nhiều người yêu văn Nguyễn Khải đặc biệt quan tâm.

Đọc truyện ngắn “Một người Hà Nội”, qua câu chuyện nhà văn kể, chủ đề tác phẩm hiện lên rõ nét: đó là thể hiện sự trân trọng, ngợi ca và tin tưởng vào vẻ đẹp của con người và văn hóa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Qua đó, tác phẩm như thể hiện một nhận thức lại, một nhận thức mới của nhà văn về con người và đời sống. Còn về phương diện cốt truyện, tác phẩm gồm bảy đoạn với những phần ý nghĩa khác nhau. Đoạn truyện đầu tiên kể về cô Hiền trong chín năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đó là trong những năm Hà Nội giải phóng. Đoạn văn thứ tư kể về cô Hiền trong những năm cải tạo công thương, những năm chống Mĩ và thời điểm sau giải phóng. Và đoạn cuối cùng là câu chuyện của cô trong những năm đất nước đổi mới. Có thể tinh ý nhận ra rằng mạch truyện tác giả xây dựng theo trình tự thời gian – một cách xây dựng không mới. Cốt truyện vì thế lại được nới lỏng, chứa ít biến cố, sự kiện và được tổ chức thành một chuỗi các tình huống để từ đó nhân vật tự bộc lộ tính cách và số phận mình. Khi câu chuyện kết lại, như có một bức chân dung hoàn chỉnh về một người Hà Nội được phác họa lên.

Đọc truyện, ta thấy nhân vật xưng tôi và xưng tên – tên thật “Khải”. Cái tôi kể chuyện ở đây có phần trùng khớp với cái tôi tiểu sử tác giả. Lựa chọn ấy không chỉ giúp tạo độ tin cậy mà còn làm tăng màu sắc chủ quan, trở thành mảnh đất mỡ màu để phát triển tính trữ tình với những suy nghĩ, xúc cảm sâu xa. Nguyễn Khải đã khéo léo lách sâu vào đời sống tâm tư nhân vật và bộc lộ đời sống tâm tư của chính mình. Vừa phản ánh vừa tự bộc lộ, lối trần thuật kép ấy đã mở rộng biên độ cho một sự phản ánh mở rộng, để từ đó giúp mối quan hệ giữa độc giả và người kể chuyện thân mật, gần gũi hơn và tác phẩm tăng sự cởi mở và tính dân chủ. Những câu văn, hình ảnh, lối nói…tất cả đã góp phần tạo nên một nhịp kể chậm rãi, khoan thai. Giọng văn vì thế cũng suy tư, trầm lắng hơn, đậm chất chiêm nghiệm và tự trào.

Xây dựng nhân vật cũng là một trong những đặc sắc nghệ thuật nổi bật giúp cho “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải tạo nhiều ấn tượng với bạn đọc. Nhân vật cô Hiền có lẽ chính là nhân vật được nhà văn dành nhiều tình cảm để xây dựng, phác họa nhất. Qua mỗi đoạn văn – mỗi giai đoạn cuộc đời, cô Hiền lại có những câu chuyện riêng, qua câu chuyện ấy mà ta hiểu hơn về nét đẹp tâm hồn, tình cảm của một người Hà Nội hơn. Cô Hiền trong chín năm kháng chiến chống Pháp có cách ứng xử rất riêng với kháng chiến: “ở lại Hà Nội suốt chín năm”, “không tản cư nhưng cũng không tiếp tay cho kẻ thù”. Nguyễn Khải đã để cho nhân vật của mình xuất hiện một cách rất riêng với một ứng xử có lẽ là chưa từng có trong văn học kháng chiến. Nơi ở của cô Hiền rộng và sang, đối lập hẳn với quần chúng lao động. Cách ăn mặc của cô và cả chồng đều “sang trọng quá”: ông mặc áo ba – đờ - xuy, đi giày da; bà mặc áo măng tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. Trong ăn uống, cô Hiền không giống với số đông: bàn ăn trải khăn trắng, trên bàn có lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc giấy bạc và phải ngồi đúng chỗ. Những hình ảnh ấy, tất cả đã phác họa ra hình ảnh một người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, có điều kiện sống và có ý thức về giá trị sống – một cuộc sống phong lưu đẹp, sang. Cô Hiền trong những năm đầu giải phóng lại “chưa thật vui”, trong khi vui sướng là tâm trạng chung của đa số mọi người thời điểm đó. “Vui hơi nhiều, nói hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ!”, câu nói đó đã thể hiện sự tỉnh táo, thiết thực ở cô Hiền, cô không dễ bị cám dỗ bởi những hào quang nhất thời. Với quan điểm cho rằng chính phủ can thiệp vào việc của dân nhiều quá, Nguyễn Khải đã cho thấy nhân vật cô Hiền là người rất tự trọng và bản lĩnh, không muốn bị sai khiến hay can thiệp để mình trở thành con rối cho bất kỳ ai. Nhân vật “tôi”, khi kể về cô Hiền trong những năm cải tạo công thương, lại có cái nhìn vô cùng thú vị: cô có “gương mặt đặc biệt là tư sản, càng già lại càng rõ”, “một cách sống tư sản” nhưng lại không bóc lột ai cả. Cô mưu sinh bằng nghề bán hoa giấy – một lao động chân chính mang nét ung dung, nhẹ nhàng, khéo léo và vô cùng sắc sảo. Cô Hiền trong những năm chống Mỹ là người phụ nữ có tình thương con đầy trách nhiệm, rất mực tự trọng nên truyền cho con sự tự trọng, tự lực để con biết tự lập, không phải sống bám vào người khác dù là anh em tình thâm cốt nhục. Sau này, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, cô Hiền vẫn có những cái nhìn sâu sắc, lòng đầy rộng lượng, khiêm tốn và trẻ trung vì luôn đồng hành với thời cuộc, không lạc hậu, lạc thời. Nhân vật cô Hiền được xây dựng đã giúp tác giả tự nhận thức với tinh thần, ý thức phản tỉnh.

Bên cạnh những giá trị nội dung sâu sắc, những câu chuyện với bức thông điệp ý nghĩa, “Một người Hà Nội” còn tạo nhiều ấn tượng, suy ngẫm sâu xa trong lòng người đọc ở phương diện nghệ thuật. Những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm này không chỉ giúp truyện ngắn có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn học mà còn góp phần thể hiện cái tài hoa trong ngòi bút, cái tinh tế và mới mẻ trong cách nhìn con người và đời sống của nhà văn Nguyễn Khải.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    một người hà nội nghe thuat nguyễn khải
  • Top