Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt làm rõ: Văn học không phải đạo đức mà là sự ăn năn về đạo đức

Tiến sĩ Lê Ngọc Trà quan niệm: "Văn học không phải đạo đức mà là sự ăn năn về đạo đức". Phân tích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (Lưu Quang Vũ) để làm sáng tỏ

Văn chương cần và nên là liều thuốc giảm đau cho con người. Nhưng đó nhất định không phải là thứ thuốc ru ngủ, không “hát ta say mà lay ta thức”. Vì thế mà trong cuốn “Di cảo” của mình, Nguyễn Minh Châu đã khẳng định: Tác phẩm văn học trước hết viết ra không phải mục đích an ủi người đọc. Mục đích của văn học trước hết là nhằm đánh thức dậy cái ý thức bất mãn và hoài nghi với chính mình. Và những con người thỏa mãn như những trái cây khô bắt đầu sống lại đời sống tinh thần non tươi bằng cách đặt ra cho mình những câu hỏi: “Ta là cái gì?”, “Ta là ai?” để tự trả lời”.Cũng cùng quan điểm đó,Tiến sĩ Lê Ngọc Trà quan niệm: "Văn học không phải đạo đức mà là sự ăn năn về đạo đức". Ngay từ những năm đầu sau khi đất nước giải phóng, không chìm đắm trong niềm vui chiến thắng, Lưu Quang Vũ đã sớm nhận ra những mầm mống đạo đức để thức tỉnh con người, không phải bằng cách răn dạy, giáo điều mà chính là “thức dậy ý thức bất mãn với chính mình” qua “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Tác phẩm chính là minh chứng rõ nét cho ý kiến của tiến sĩ Lê Ngọc Trà. Sau đây là bài văn làm sáng tỏ điều đó, các bạn có thể đọc tham khảo. Chúc các bạn học tập thật tốt!

hon-truong-ba-da-hang-thit.jpg

BÀI VĂN MẪU CHỨNG MINH “VĂN HỌC KHÔNG PHẢI ĐẠO ĐỨC MÀ LÀ SỰ ĂN NĂN VỀ ĐẠO ĐỨC” QUA “HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT”
Nhà văn Ki Ju Lee chia sẻ rằng: “Ngôn ngữ không chỉ lưu giữ trong đầu mà còn in dấu trong tim”. Từ những xác hình trên trang viết, tự bao giờ, những con chữ đã bước vào trong hồn ta, chở nặng những vui buồn, dư vang và cả chút gì đó băn khoăn, day dứt, … Phải chăng, ngay từ khi cầm bút, nhà văn đã ý thức được, như nghệ sĩ Thuận nói: “Tôi viết văn không phải để yên lòng người đọc mà tôi viết để quấy rầy người đọc”.

“Đạo đức”, hiểu theo nghĩa hẹp là một bộ môn văn hóa, rộng hơn, là tất cả những điều, việc được coi là chuẩn mực, là tốt đẹp mà mọi người cần thực hiện theo. “Văn học” không phải là “đạo đức” – Lê Ngọc Trà đã phân định rạch ròi giữa hai lĩnh vực văn học và đạo đức, văn học không phải là loa phát ngôn để chỉ cho con người đúng – sai, phải – trái cũng như không chỉ đường cho con người phải đi, những hành động được và không được làm. Văn học là “sự ăn năn về đạo đức”. Đó là khi đối diện trước trang giấy, anh nhìn thấy gương mặt của chính mình mà thức tỉnh ý thức bất mãn với chính mình, những gì mình chưa biết, mình sai và để con người nhận thức, phản tỉnh với chính mình. Từ đó để tâm hồn họ “như những trái cây khô bắt đầu sống lại đời sống tinh thần non tươi”- được nuôi dưỡng để phong phú và tốt đẹp hơn. Đó mới là mục đích và lí do tồn tại của văn học.

Quan niệm văn chương truyền thống cho rằng: văn học để giảng giải đạo lí, chỉ ra điều phải trái, tốt xấu rạch ròi, là ánh sáng, kim chỉ nam cho cuộc sống con người:
  • “Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm
  • Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
  • (Nguyễn Đình Chiểu)
Văn học chân chính lại là một sự quấy rầy. Bởi nó không đưa ra đúng - sai mà để người đọc tự đi tìm sự thật, không ban phát chân lí mà là cuộc tìm kiếm chân lí. Bởi văn học không phải triết học, lịch sử nói về những điều luôn đúng mà là một cuộc đối thoại lớn, tranh luận đi tìm chân lí. Quan niệm nhà văn truyền thống: đó là người “biết tuốt”, là người quyền năng: chủ thể nắm giữ mọi chuyện, là người ban phát chân lí, lẽ phải và là người đau nỗi đau nhân loại để cất tiếng nói cảm thương, an ủi con người. Còn nhà văn trong xu thế hiện đại: là người đứng ngang hàng với người đọc, là một chủ thể bày tỏ quan điểm mình, mong muốn được đối thoại, được giao tiếp với người đọc về những vấn đề nhân sinh. Và nhà văn cũng là người thường nên cũng bất toàn, không biết hết. Đó là cách mà Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải đã quan niệm để kể những câu chuyện của mình. Ở một mặt khác, người đọc - là một phần của quá trình văn học, tham gia vào quá trình đó để đối thoại và đồng sáng tạo với nhà văn. Người đọc xưa thụ động tiếp thu chân lí, đôi khi lười nhác, không phát huy được vai trò chủ động tích cực để cùng kiến tạo.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không phải là “đạo đức” để giảng giải về đúng – sai trong cuộc sống. Lưu Quang Vũ chỉ vẽ lên trước mắt người đọc thực trạng xã hội bộn bề và phức tạp. Hiện thực trong mặt khuất của nó: Mối quan hệ giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, Đế Thích vừa cảnh báo, vừa phản tỉnh con người về những vấn đề thời sự đang diễn ra trong xã hội: Đó là lối sống tha hóa do chạy theo những ham muốn vật chất, thích hưởng thụ (xác hàng thịt) sẽ làm cho cuộc sống trở nên dung tục, tầm thường. Đó là lối sống giáo điều, xa thực tế, cực đoan, lấy cớ chỉ có tâm hồn là cao quý, đời sống tinh thần mới đáng quý (hồn Trương Ba) nên bỏ bê thân xác khổ sở, nhếch nhác. Đó là lối sống giả, tha hóa do không được sống thật là mình (bi kịch hồn Trương Ba). Đó là tình trạng quan liêu tắc trách, chủ quan, duy lí trí có thể xảy ra những sai lầm không thể sửa chữa được, ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng người vô tội: Thay vì điểm nhìn của tự sự cổ tích với lời mở đầu quen thuộc Ngày xửa ngày xưa có một người tên là..., vở kịch của Lưu Quang Vũ mở màn bằng không gian tiên giới - khung cảnh trên thiên đình - với sự xuất hiện của các quan nhà trời Bắc Đẩu, Nam Tào, Đế Thích. Do cung cách làm việc tắc trách, luộm thuộm của những đấng nắm quyền sinh quyền sát trong tay, và cũng muốn xong việc để kịp dự lễ khai tiệc bên đình Thái Thượng, sau cái tặc lưỡi và dưới ngòi bút oan nghiệt của Nam Tào, ông Trương Ba hiền hậu, tử tế, tốt bụng còn đang rất khoẻ mạnh, mặc dầu chưa tận số (khác với cổ tích) đã phải chết thay cho một tên bạc ác bất nhân, lừa thầy phản bạn, dối trá tham tàn... “Xen” kịch ngắn giàu tính thời sự này của Lưu Quang Vũ gợi nhớ về một thời chưa xa sinh mệnh của con người chất ngất nhiều nỗi oan khất bởi trên đầu họ là những thế lực, thậm chí là siêu thế lực cho ai sống mới được sống, bắt ai chết là phải chết... (trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Một vở kịch viết về số phận con người mà viết từ Thiên đình trước, chứng tỏ loạn sinh từ trên. Mà Ngọc Hoàng là tối thượng, làm sao thay đổi được Ngọc Hoàng? Những vấn đề Lưu Quang Vũ đề cập là những góc khuất phía sau mà ánh sáng hào hùng, tươi rói của chiến thắng, của tương lai vẫn chưa rọi đến, mà những con người dẫu có nhận ra cũng không dám lên tiếng. Vở kịch của Lưu Quang Vũ đã làm chấn động dư luận vì đã xoáy sâu vào vấn đề đời sống, cất lên tiếng nói thành thực nhất. Từ đó, thức dậy tiếng nói “ăn năn” với cuộc sống chính mình. Đặc biệt, khi đặt hiện thực trong tính đa chiều, đa diện của nó, tác giả để người đọc đối diện với những vấn đề “đạo đức”: Bi kịch xảy ra khi hồn Trương Ba được sống lại. Ở đây không hề có xung đột giữa sự sống và cái chết. Trong tư duy của Đế Thích và tiên thánh nói chung, được sống lại là hạnh phúc. Nhưng thực tế cho thấy điều khác hẳn: sống như thế nào mới quyết định đến hạnh phúc của con người. Nếu cứ để Trương Ba chết đi thì giá trị tố cáo chỉ dừng ở sự cẩu thả của Nam Tào và tiên bị lên án ở thái độ vô trách nhiệm. Nhưng để hồn Trương Ba sống lại, thì cả Đế Thích cũng bị lên án, nhưng lại bị lên án ở chỗ... có trách nhiệm trước sự vô trách nhiệm của đồng cấp. Mới hay làm điều tốt cho con người đâu phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho họ. Tư tưởng này là sản phẩm mà chủ nghĩa hậu hiện đại luôn khai thác. Đề xuất tính đa diện, đa nghĩa trong hành động kịch là cách nhà soạn kịch đưa người đọc xâm nhập sâu hơn vào những vấn đề phiền toái không dễ gì tháo gỡ của nhân sinh.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không phải “đạo đức” mà để cho con người thấy được gương mặt thật của chính mình, thấy được những góc khuất của mình để tự nhìn nhận và ăn năn: một phần là Hồn Trương Ba: hình ảnh của thế giới tâm hồn con người, tiếng nói của lí trí, những khát vọng tinh thần cao khiết. Một phần là xác hàng thịt: hình ảnh của thể xác con người, tiếng nói bản năng, vật chất, dục vọng tầm thường gắn với hoàn cảnh sống mà con người bị lệ thuộc. Tác phẩm như một chiếc gương mà khi soi vào đó, ta thấy được cả thực trạng – bi kịch của chính mình: trở nên xa lạ với xã hội, thế giới, với chính gốc nguồn của mình. Trong mắt người vợ, nhìn Trương Ba bây giờ là một người vô tâm, vị kỉ nên đã bỏ đỉ, báo trước cảnh tan đàn xẻ nghé.Trong mắt đứa cháu nội - Bé Gái, Trương Ba là một người thô vụng, phũ phàng, tàn nhẫn: chân to bè như cái xẻng, giẫm nát cây sâm quý mới ươm, tay làm gãy tiệt cái chồi non. Cháu nội không nhận ông, thậm chí nó còn xua đuổi ông. Đứa con trai cũng chẳng con tôn trọng bố mà bán đi mảnh vườn bố vẫn luôn yêu quý, nơi cất giữ một phần tâm hồn ông ở đó. Cô con dâu, người vốn rất yêu quý, cảm thông, thấu hiểu với bố nhưng chính chị cũng thấy lo sợ, hoang mang, đau xót khi thấy Trương Ba ngày một mất mát dần, lệch lạch, nhòa mờ dần. Vợ bất tín, con trai bất hiếu, cháu bất kính, con dâu cũng phai nhạt niềm tôn kính. Trương Ba sống giữa người thân mà như kẻ vô thân. Con người đã đứt lìa với cội nguồn của mình. Càng đau khổ hơn là khi con người trở nên xa lạ với chính mình - Bi kịch vong thân. Điều đó được Lưu Quang Vũ thể hiện đầy sinh động trong cuộc đối thoại nảy lửa giữa hồn và xác, qua bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba. Trong thể xác thô phàm đầy bản năng nhục dục của anh hàng thịt, hồn Trương Ba: Từ một người trước đây nhân hậu bỗng trở thành kẻ thô phũ; bản tính ngay thẳng, dần dần đổi khác: ham uống rượu, thích tiết canh, hay giáo điều, giả dối; trí tuệ cũng phai nhạt dần: Nước cờ giờ không còn sự cao tay, linh diệu, đến mức bạn cờ Trương Hoạt phải cay đắng thốt lên: “Bác Trương ạ, tôi không hiểu nổi. Lối đánh của bác khác hẳn ngày xưa…. Cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn, thô phũ. Mà cái nước ăn vừa rồi, nói xin lỗi bác, nó bần tiện làm sao!”. Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba chỉ có thể đau khổ, và càng khổ sở hơn nữa khi hồn không thể giải quyết được mâu thuẫn. Đây chính là thước đo bản chất bi kịch của hồn Trương Ba: Người ta chỉ thực sự bi kịch khi ý thức được bi kịch của mình. Đây chính là bi kịch lớn và ngày càng phổ biến của con người hiện đại: trở nên xa lạ với thế giới, với cuộc sống và sự vong thân lại diễn ra ngay trong chính thân thể của một người. Về điều này, có lẽ Lưu Quang Vũ đã gặp gỡ với tư tưởng của F. Kafka khi đặt bút viết truyện ngắn Hóa thân.

Văn học đã khơi dậy trong con người ý thức hoài nghi về chính mình, về những đức tin mình đã từng tin tưởng, những giá trị mình đã hằng theo đuổi. Chẳng có gì là đúng sai, tốt – không được tác giả khẳng định ở đây cả. Tất cả đều theo cảm nhận và nhìn nhận của người đọc để thức nhận và tỉnh ngộ. Nhà văn không phải nhà thông thái để chỉ đường để người đọc bước lên mà đốt lửa trong lòng mỗi người ý thức về chính mình. Đó mới chính là sứ mệnh của văn học và thiên chức của nhà văn. Vào những ngày đầu của thời kì đổi mới của văn học nước nhà, quan điểm của Lưu Quang Vũ bắt kịp với văn học thế giới. Bằng những tác phẩm kịch của mình, ông đã đem đến cho văn học Việt Nam luồng gió phục sinh mạnh mẽ. Những vở kịch có khả năng chấn động dư luận không chỉ vì đã xoáy sâu vào vấn đề đời sống, cất lên tiếng nói trừng phạt cái ác, cái xấu hủy hoại con người mà còn vì nội dung tư tưởng của nó đã đánh thức cảm nhận rất mới mẻ, hấp dẫn khẩu vị, làm hứng khỏi bữa tiệc tinh thần của “người xem, kẻ diễn”.


Văn học ra đời từ xa xưa nhưng vẫn làm bạn với con người đến ngày tận thế là bởi nó làm người ta đẹp hơn ngay từ trong tâm, làm cuộc sống tốt hơn ngay từ những điều nhỏ nhất.

-Hương Đoànn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    da hàng thịt hồn trương ba
  • Top