Phân tích nhân vật Đẩu để thấy sự thay đổi của nhân vật trước và sau khi nghe chuyện người đàn bà

Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, lúc đầu Đẩu giận dữ: “Ba ngày một trận nặng…chị nghĩ thế nào”. Sau khi nghe chuyện người đàn bà, nhân vật thấy “Một cái gì đó vỡ ra trong đầu vị bao công” và “gặp gỡ gã đàn ông để răn dạy. Phân tích nhân vật Đẩu để thấy sự thay đổi của nhân vật.

“Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”, đó là quan niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu về mối liên hệ giữa văn học và đời sống. Có lẽ bởi vậy mà văn chương ông rất thực, rất đời. Nhà văn gửi gắm cái “thực”, cái “đời” ấy qua các nhân vật của mình, trong đó có nhân vật Đẩu trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Để bài viết ấn tượng và sâu sắc hơn, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu dưới đây phân tích sự thay đổi của nhân vật Đẩu trước và sau khi nghe những tâm tư, trăn trở của người đàn bà hàng chài.

Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút văn xuôi tài hoa với nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn có thể chia làm hai giai đoạn chính. Trước năm 1980, ngòi bút Nguyễn Minh Châu tập trung hướng đến hình tượng người lính cùng đề tài chiến tranh cách mạng với cảm hứng sử thi và lãng mạn, tiêu biểu có thể kể đến tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng”. Từ năm 1980 trở về sau này, nhà văn được coi là “người mở đường tinh anh và tài năng” của nền văn học mới. Lúc này, cảm hứng thế sự đời tư cùng cùng hiện thực đa chiều, ngổn ngang của cuộc sống phức tạp đời thường lại là điểm thu hút bút lực, tâm lực nhà văn nhất. Nói về phẩm chất nhà văn, Nguyễn Minh Châu từng chia sẻ: “Tôi không thể tưởng tượng được một nhà văn lại không có tình yêu cuộc sống, nhất là tình yêu đối với con người. Đó vừa là một niềm hân hoan, say mê, vừa là nỗi đau đớn khắc khoải, vừa là nỗi quan hoài thường trực về những người xung quanh”. Có lẽ chính bởi tâm thức đó mà nhà văn đã dành trọn tình yêu thương, sự sẻ chia với những nhân vật trong tác phẩm của mình, qua từng câu chuyện của nhân vật mà gửi gắm những ý niệm nhân văn sâu sắc. Đẩu trong “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng là một nhân vật như vậy. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết sự thay đổi của nhân vật Đẩu trong tác phẩm các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn thành công!

su-thay-doi-cua-nhat-vat-dau.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH NHÂN VẬT ĐẨU TRƯỚC VÀ SAU KHI NGHE CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỂ THẤY SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT
Nguyễn Minh Châu từng nói: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Đọc truyện ngắn của ông, ta thấy nhà văn đã thực hiện thiên chức cao cả ấy một cách rất khéo léo và thành công. Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác giả đã phác họa hình ảnh nhân vật Đẩu có sự thay đổi suy nghĩ theo mạch truyện, một sự thay đổi đem lại cho người đọc nhiều chiêm nghiệm, nghĩ suy.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, quê ở làng chài ven biển vùng Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nghĩ về ông, có người chia sẻ rằng nhà văn đã “tưới đến cạn kiệt cả máu và mồ hôi của mình cho mảnh đất quê hương” này. Dẫu đến với văn chương khá muộn nhưng nhà văn lại từng bước khẳng định vị thế quan trọng của mình trong dòng chảy văn học hiện đại nước nhà, đem đến những tác phẩm văn xuôi giàu triết lý, suy tư. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được nhà văn viết năm 1983, thời điểm đất nước vừa bước ra khỏi khói lửa đạn bom, con người phải đối diện với vô vàn những phức tạp của cuộc sống đời thường. Bên cạnh nhân vật người đàn bà hàng chài, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, chân dung, nhận thức nhân vật Đẩu được nhà văn tái hiện vô cùng chân thực và ấn tượng từ đó khám phá ra sự thay đổi mạnh mẽ trong suy nghĩ của nhân vật này.

Nhân vật Đẩu là một nhân vật phụ trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” song những câu chuyện, những triết lý sâu xa cũng được nhà văn khéo léo gửi tới người đọc qua lời nói, hành động nhân vật. Đẩu là người bạn đồng hương và cũng là người đồng chí từng tham gia chiến đấu với Phùng, mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp và khát vọng chiến đấu vì tự do, hạnh phúc của nhân dân đất nước. Khi đất nước trở về những tháng ngày hòa bình, bắt đầu dựng xây một cuộc sống mới, Đẩu cũng mang một vai trò mới khi là Chánh án của Tòa án huyện vùng biển nơi Phùng tới công tác lần này.

Trở về từ chiến trường, Đẩu không chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do dân tộc nữa mà tham gia bảo vệ hạnh phúc của con người, của nhân dân xóm huyện thời bình. Khi thấy người đàn bà hàng chài ngày ngày bị chồng đánh đập dã man mà vẫn cam chịu nhẫn nhịn, Đẩu đã mời mụ lên tòa án huyện để khuyên giải mụ ký đơn ly hôn chồng. Điều đó đã thể hiện Đẩu là một con người hiểu biết luật pháp, sống hết mình, hết lòng vì công việc, nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm vô cùng cao. “Vị Bao công của cái phố huyện vùng biển ấy” có một trái tim nồng ấm tình thương, lòng nhân ái dành cho số phận con người, đặc biệt là người lao động. Sự bất bình vì cuộc sống chẳng mấy êm đềm của gia đình người đàn bà hàng chài và mong muốn người đàn bà ly hôn đã thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia và tinh thần sẵn sàng đấu tranh vì hạnh phúc của những con người bất hạnh ở nhân vật này.

Khi nói chuyện với người đàn bà hàng chài, nghe mụ trả lời câu hỏi đã nghĩ kỹ chưa của mình, Đẩu gật đầu, đứng dậy và “tự nhiên rời chiếc bàn đến đứng vịn vào lưng ghế người đàn bà ngồi giọng trở nên đầy giận dữ, khác hẳn với giọng một vị chánh án: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu. Chị nghĩ thế nào?”. Sự phân tích kỹ càng xen nỗi tức giận, căm phẫn ấy đã thể hiện sự quan tâm, sẻ chia ở Đẩu. Anh thật lòng mong muốn người đàn bà có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc và không phải ngày ngày gồng mình chịu những đớn đau về thể xác, tàn úa về tinh thần.

Nhưng ở những chi tiết tiếp theo trong cuộc trò chuyện ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để cho nhân vật của mình có một sự tự nhận thức sâu sắc sau khi nghe những tâm tư, suy nghĩ người đàn bà hàng chài thật lòng chia sẻ. Đứng trên cương vị là chánh án một tòa án huyện, hành động vũ phu của người chồng làm Đẩu rất căm phẫn, bất bình nhưng nếu đứng ngoài cương vị là một người đại diện cho luật pháp, những nghĩ suy của một người đàn bà lam lũ, từng trải đã làm Đẩu bừng ngộ. Có lẽ rằng anh đã quá nông nổi, quá thiếu sự thấu trải để hiểu rõ lẽ đời. Những lời người đàn bà hàng chài nói khiến cho “một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Sự vỡ lẽ ấy như vừa đánh thức trong tâm thức Đẩu những quan niệm về tình yêu, về hạnh phúc gia đình, về sự sẻ chia yêu thương…mang giá trị nhân bản sâu sắc. Đồng thời, qua những tâm tư, trăn trở của người đàn bà hàng chài, Đẩu cũng hiểu hơn về những nghịch lý của cuộc đời mà xưa nay mình đã nghĩ quá đơn giản, nhiều khi còn không hề nghĩ về nó.

Tuy không phải nhân vật trung tâm xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, nhân vật Đẩu vẫn hiện lên với đầy đủ những hành động, suy nghĩ rất đẹp. Qua sự thức nhận của tâm hồn Đẩu, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng gửi gắm những triết lý rất đời, rất thấm thía tới người đọc, để họ cùng nghĩ suy và chia sẻ với tác giả.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chiếc thuyền ngoài xa nguyễn minh châu nhân vật đẩu
  • Top