Phân tích nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu - 2 bài văn hay

Đọc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, có người từng nhận xét rằng: “Tác phẩm là những suy nghĩ da diết về chân lý nghệ thuật và đời sống”. Để gửi gắm những suy nghĩ ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng những nhân vật điển hình với những phẩm chất, tính cách riêng. Trong đó có nhân vật Phùng. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích nhân vật Phùng các bạn có thể tham khảo khi bắt gặp đề bài này.

Với mỗi người say mê và dành nhiều tình cảm cho văn chương nghệ thuật, nhân vật văn học lại mang một ý nghĩa, vai trò riêng. Có người coi nhân vật văn học giống như một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, ta không thể và không được đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống. Nhưng ngược lại, cũng có một số người lại cho rằng nhân vật văn học là sự tái hiện chân thực và mang đầy tính nghệ thuật về một nguyên mẫu ngoài đời sống để qua đó người viết gửi gắm một câu chuyện, một triết lý nhân sinh, đời sống sâu sắc. Nhưng nhìn chung, nhân vật văn học luôn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Với nhà văn Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng: “Viết văn là hành trình đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người”. Để thành công trên hành trình đó, nhà văn không thể thiếu sự đồng hành của những hình tượng nhân vật điển hình, đặc sắc. Nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được nhà văn viết năm 1983, thời điểm đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, con người phải đối diện với những phức tạp của cuộc sống đời thường, được coi là một nhân vật mang nhiều ý niệm tác giả. Để bài văn thêm ấn tượng và sâu sắc, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu phân tích nhân vật Phùng dưới đây. Chúc các bạn thành công!

nhan-vat-phung.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT PHÙNG TRONG “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA” – NGUYỄN MINH CHÂU LỚP 12
Nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Nhân vật xưa nay luôn có một vai trò vô cùng quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật chân chính, để tạo dựng thành công hình tượng nhân vật, nhà văn cũng phải đặt nhiều cái tâm, cái tài của mình vào đó. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, cây bút văn xuôi nổi bật Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Phùng để qua đó gửi gắm nhiều suy nghĩ, triết lý sâu sắc, ấn tượng.

Bên cạnh hình ảnh nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu còn dành nhiều tâm huyết và tình cảm của mình vào việc xây dựng hình tượng nhân vật Phùng để qua đó gửi gắm những triết lý sâu xa. Nhân vật Phùng trước hết là một người nghệ sĩ nhạy cảm, say mê với nghệ thuật và cuộc đời. Khi nhận nhiệm vụ của trưởng phòng giao phó, Phùng đã trở lại vùng biển miền Trung nhiều nắng gió để săn tìm một bức ảnh nghệ thuật chuẩn bị cho bộ lịch với một niềm tin vững vàng: nghệ thuật chính là cuộc đời và sáng tạo nghệ thuật là một hành trình gian lao đi tìm cái đẹp. Khi thu vào ống kính cảnh tượng chiếc thuyền ngoài xa, Phùng cảm thấy bối rối, sự xúc động nghẹn ngào cùng niềm hạnh phúc vỡ òa dường như khiến cho nhân vật cảm thấy trái tim mình đang có cái gì bóp thắt vào. Trong thoáng chốc, nhân vật thấy tâm hồn mình giống như những sợi dây đàn đang ngân lên những giai điệu đầy hứng khởi, mê say trước một vẻ đẹp thi vị.

Cùng với hình ảnh một người nghệ sĩ nhạy cảm, say mê cái đẹp, nhân vật Phùng còn hiện lên với nỗi trăn trở, âu lo, sự nặng lòng trước nghịch cảnh, nghịch lý đời thường. Đó là khi Phùng chứng kiến cảnh bạo lực của gia đình người đàn bà hàng chài. Trước cảnh tượng đó, Phùng ngạc nhiên đến sửng sốt vì cái xấu xuất hiện ngay sau cái đẹp trước mắt mình. Sau khi đứng há mồm ra mà nhìn vì quá ngạc nhiên, người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy vội vã vứt máy ảnh sang một bên để chạy ra can ngăn. Có lẽ rằng niềm vui sướng khi bắt trọn một cái đẹp vài phút trước giờ đã hoàn toàn tan biến, thay vào đó là nỗi lòng nặng trĩu niềm phẫn uất, xót thương khi tận mắt chứng kiến nghịch cảnh của đời sống. Ở đoạn truyện này, hình ảnh Phùng và bé Phát đứng ngơ ngác trên bãi xe tăng hỏng đã gợi mở ra trong liên tưởng người đọc những suy nghĩ mới mẻ. Phải chăng qua hình ảnh bãi xe tăng hỏng, Nguyễn Minh Châu muốn nhắc đến cuộc chiến chống ngoại xâm khốc liệt vừa đi qua. Và cảnh tượng bạo lực trên bãi xe tăng hỏng ấy cơ hồ mở ra một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại đói nghèo, chống cái cùng cực của cuộc sống mưu sinh hậu chiến tranh gian khổ. Chính câu chuyện của người đàn bà hàng chài đã cho Phùng cơ hội trở về với đời thường để lắng nghe và cảm nhận số phận, cảnh ngộ của những con người thời kỳ hậu chiến tranh, đón nhận một sự bừng ngộ trước những nguyên lý của đời thường: cái đẹp của nghệ thuật đích thực không bao giờ tách rời khỏi đời sống con người và người nghệ sĩ cần có một cái nhìn đa chiều khi tiếp cận cũng như phản ánh hiện thực đời sống.

Để có thể xây dựng thành công và sinh động hình tượng nhân vật Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng khéo léo và tinh tế. Phùng là một kiểu nhân vật tư tưởng nhà văn lựa chọn không phải để khắc họa ngoại hình hay tính cách, số phận mà qua nhân vật đó, nhà văn gửi gắm những nhận thức, đi sâu vào những nghĩ suy, chiêm nghiệm để góp phần làm nổi bật tư tưởng mình muốn gửi gắm. Cũng chính ở hình tượng nhân vật Phùng, ta cảm tưởng như nhân vật mang dáng dấp của chính tác giả đang đối thoại về những vấn đề nghệ thuật, nhân sinh thế sự. Những nét đặc sắc đó đã hội tụ làm sáng lên tinh thần dân chủ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” nói riêng và trong nền văn xuôi thời kỳ đổi mới nói chung.

Pautopxki từng nói: “Những nhân vật và những tính cách sinh động chính là tấm huân chương cao quý của nhà văn”. Với Nguyễn Minh Châu, có lẽ ông đã dành được rất nhiều tấm huân chương tinh thần đáng giá ấy bởi việc xây dựng thành công rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi của mình. Nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng là một trong số đó, hình ảnh nhân vật đã đóng góp thêm sự sâu sắc của tác phẩm và khẳng định bút lực tài hoa của tác giả.

-Nem-vfo.vn

nhan-vat-phung-chiec-thuyen-ngoai-xa.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT PHÙNG HAY CHI TIẾT NHẤT TRONG CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
Nhắc đến văn học hiện thực 1930- 1945, người ta nghĩ ngay tới Nam Cao như một cây đại thụ, làm thay đổi diện mạo của cả nền văn học. Còn nói tới văn xuôi sau năm 1975, ta không thể không nhắc tới Nguyễn Minh Châu – “người mở đường tinh anh và tài năng”, đưa văn học Việt Nam thoát khỏi “hành lang hẹp” mà tiến đến thế giới. Một trong những nhân vật làm nên dấu ấn và thành công cho tác giả chính là nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa”.

Sự thay đổi về hoàn cảnh lịch sử đất nước: từ tình trạng chiến tranh chuyển sang thời bình nhờ đại thắng mùa xuân năm 1975 cùng với yêu cầu đổi mới toàn diện của Đảng khiến người cầm bút cũng cảm thấy “không thể viết như trước được nữa”. Nhận thức trước được điều đó, Nguyễn Minh Châu đã có những bước đi đầu tiên, táo bạo và thành thực để đổi mới cách nhìn hiện thực, con người cùng cách thể hiện. “Chiến thuyền ngoài xa” năm 1983 là một trong nhữn bước đi khác của ông. Truyện chồng lấp hai câu chuyện, cuộc gặp gỡ của Phùng với cuộc sống thực bao trái ngang và câu chuyện bi kịch của người đàn bà Hàng Chài. Phùng đến bờ biển miền Trung để chụp một bức ảnh về cảnh biển trong sương sớm, không ngờ sau những khao khát Nhưng bình diện nổi lên hơn cả lại là câu chuyện về sự vỡ lẽ, những khoảnh khắc bừng sáng trong tâm thức của người nghệ sĩ khi phát hiện thấy chân lí đời sống không đơn màu như bức ảnh anh ta chụp được. Phùng đi từ ngơ ngác đến đau đớn từ đứng ngoài để ngắm anh ta đi sâu vào bên trong câu chuyện từ nhìn đến nghe, trải nghiệm. Đặt điểm nhìn vào nhân vật “tôi”- Phùng, tác giả đã thể hiện cái nhìn, quan điểm và tư tưởng của mình.

Phùng hiện lên trước hết là một người nghệ sĩ nhạy cảm và say mê với cái đẹp. Nhận nhiệm vụ của trưởng phòng giao phó, Phùng trở lại vùng biển miền Trung, mong muốn săn tìm được bức ảnh nghệ thuật cho bộ lịch với niềm tin: nghệ thuật chính là cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật chính là hành trình đi tìm cái đẹp. Khi thu vào ống kính cảnh tượng chiếc thuyền ngoài xa trong buổi sớm mờ sương, Phùng cảm thấy “bối rối, xúc động” và niềm hạnh phúc khiến nhân vật cảm thấy “trái tim như bóp thắt lại”. Nhân vật thấy tâm hồn mình như sợi dây đàn, bừng khởi trước vẻ đẹp của cuộc đời.

Không chỉ thế, có còn là người nghệ sĩ luôn trăn trở và âu lo trước những nghịch lí và nghịch cảnh đời thường. Đó là nỗi đau xót, phẫn nộ khi phải chứng kiến cảnh bạo lực. Phùng “ngạc nhiên, sửng sốt” trước cái ác, cái xấu phía ngay sau vẻ đẹp thi vị mình vừa thán phục, khiến anh “đứng há mồm ra mà nhìn”, “vứt ngay máy ảnh”, “chạy tới can thiệp” để chấm dứt cảnh phi lí và tàn nhẫn ấy. Niềm hạnh phúc trước cái đẹp tan biến, nhường chỗ cho nỗi hoang mang trước những nghịch lí và sự phẫn uất khi tận mắt chứng kiến những nghịch cảnh đời thường. Hình ảnh Phùng và bé Phác đều đứng ngơ ngác trước bãi xe tăng hỏng mở ra cho chúng ta những liên tưởng và suy ngẫm mới mẻ. Hình ảnh bãi xe tăng hỏng chính là hiện thân của cuộc chiến chống ngoại xâm vừa mới đi qua, nhưng nó không biến mất mà vẫn tồn tại trong cuộc sống nhân dân. Cảnh bạo lực ngay bên bãi xa tăng ấy phải chăng chính là cuộc sống đói nghèo, tăm tối còn bủa vây người dân trong cuộc sống mưu sinh. Đó mới chính là cuộc chiến cam go và lâu dài. Sự bừng tỉnh của Phùng trước những nghịch lí của đời thường: câu chuyện về người đàn bà hàng chài đã đưa Phùng trở về với mảnh đất của đời thường để lắng nghe và cảm nhận số phận, cảnh ngộ của những con người bình thường. Phùng là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện phũ phàng của vợ chồng người đàn bà hàng chái trên bở biển. Chồng đánh vợ một cách bài bản, con đánh cha, mẹ lạy con…Tất cả đều hiện ra trần trụi phi lí ngay sau bức tranh mù sương yên tĩnh êm đềm mà Phùng vừa mới phát hiện trong niềm hạnh phúc khôn cùng. Và với tư cách là người chứng kiến, quan sát Phùng, vai kể này giúp nhà văn câu chuyện chân thực, khách quan đồng thời giúp nhà văn bộc lộ được thái độ, suy tư. Nó gây chấn động mạnh mẽ tới Phùng. Trong giây lát anh đứng há hốc mồm ra mà nhìn. Con thuyền đi rồi, Phùng vẫn đứng đó ngơ ngác. Một cái gì tan hoang, đổ vỡ để lại những vết rạn trong nhận thức của Phùng. Cứ ngỡ là cái đẹp hóa ra lại là cái xấu. Ngỡ là cái tuyệt thiện hóa ra lại là sự bất thiện. Tưởng nó là đạo đức thanh lọc tâm hồn con người hóa ra nó lại là cái phi đạo đức.

Phùng, một mặt nào đó có thể coi là hiện thân của chính Nguyễn Minh Châu, để thể hiện những suy ngẫm và chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa văn học và đười sống cũng như sứ mệnh của người nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung. Thứ nhất, đó là nghệ thuật không chỉ đi tìm cái đẹp mà còn phản ánh cái thật, bản chất của hiện thực. Bởi “văn học không chọn cuộc sống làm đối tượng phản ánh mà chính cuộc sống chọn văn học để thể hiện mình”, và cuộc sống thì luôn có những mảng sáng và tối, người nghệ sĩ cần đào sâu vào những góc khuất trong cuộc sống. Vì thế, cái đẹp của nghệ thuật đích thực thì không bao giờ tách khỏi đời sống con người. Thứ ba, người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa chiều khi tiếp cận và phản ánh hiện thực cũng như con người.

Nhân vật Phùng được xây dựng theo một trong số những motip nhân vật khá quen thuộc của Nguyễn Minh Châu: nhân vật tư tưởng. Nhà văn không chú ý tới khắc họa ngoại hình, tính cách mà đặt nhân vật vào tình huống nhận thức để từ đó đi sâu vào những suy nghĩ, chiêm nghiệm; qua đó làm nổi bật lên tư tưởng mà người viết gửi gắm. Nhân vật Phùng cũng chính là hình ảnh nhà văn hiện lên đối thoại với độc giả về các vấn đề nhân sinh. Đó chính là tinh thân dân chủ của văn xuôi trong thời kì đổi mới.

Như vậy, nhân vật Phùng đã thể hiện được đầy đủ tư tưởng, giá trị của truyện cũng như những đổi mới của Nguyễn Minh Châu trong thời kì mới. Sự dịch chuyển trong điểm nhìn trần thuật: từ Phùng chuyển sang cái nhìn của người đàn bà khi ở tòa án, tạo ra những đối thoại chan chát, công khai và bình đẳng giữa các ý thức, các tư tưởng. Đó là đối thoại giữa ý thức của người cầm cán cân công lí như Đẩu, ý thức của người nhân danh cái Đẹp mà Phùng làm đại diện với ý thức của người lao động, của người mẹ, của người đang nếm trải nỗi lênh đênh không bờ bến trên biển đời đói nghèo. Chân lí thuộc về đâu? Nhà văn cho người đọc thẩm định, trả lời. Nhà văn, giờ đây chỉ đơn thuần là người kể chuyện, không có tư cách phán xét hay khẳng định bất kì điều gì. Những suy ngẫm, bài học đều thuộc vào quyền chủ động của bạn đọc.

Vì sao những năm tháng hòa bình mới lặp lại sau chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng tác phẩm của Nguyễn Minh Châu còn sống mãi? Bởi nó không sống dựa vào thời đại. Nó sẽ mãi sống cho đến khi văn học còn yêu cầu đổi mới và con người thôi day dứt, trăn trở về chính mình và cuộc sống.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chiếc thuyền ngoài xa nguyễn minh châu nhân vật phùng
  • Top