Phân tích nhân vật Tràng qua hai chi tiết để làm rõ sự thay đổi trước và sau khi nhặt vợ

Đề bài chi tiết: Trong "Vợ nhặt", trong quá trình Tràng nhặt vợ, hắn thấy chợn vì "thóc gạo này thân mình không lo nổi lại còn đèo bòng", sau hắn chậc lưỡi "chậc kệ". Sáng hôm sau, hắn lại thấy "...một niềm vui sướng, tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này". Phân tích nhân vật qua hai chi tiết để làm rõ sự thay đổi nhân vật.

Nhân vật là linh hồn, là chiếc chìa khoá vàng khai mở cánh cửa đến với những tư tưởng, thông điệp được nhà văn gửi gắm trong mỗi tác phẩm, đặc biệt là truyện ngắn. Trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân, nhà văn đã xây dựng một hệ thống nhân vật vô cùng độc đáo, trong đó có nhân vật Tràng. Sự thay đổi trong diễn biến tâm lý của Tràng trước và sau khi lấy vợ đã để lại nhiều ấn tượng thú vị trong lòng bạn đọc.

Có lẽ, đã biết đến Kim Lân thì một trong những tác phẩm không thể không nhắc tới chính là truyện ngắn "Vợ nhặt" - khúc ca về sự sống và khao khát hạnh phúc trong nạn đói kinh hoàng năm 1945. Trong tác phẩm, Kim Lân đã khéo léo xây dựng hình tượng nhân vật Tràng với diễn biến tâm lí vô cùng độc đáo. Nạn đói năm 1945 đã khiến cho hơn hai triệu người chết, tình hình đất nước rơi hẳn vào cảnh u ám, tối tăm: “Ta đi giữa đường dương thế/ Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây/ Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy/ Xác truỵ lạc rũ bên thềm lá phủ” (Văn Cao). Nhiều gia đình trở thành nạn nhân, rơi vào cảnh khốn cùng, bị đe dọa bởi miếng cơm manh áo, trong đó, có gia đình Tràng. Tràng là một thanh niên xấu xí, nghèo khổ, mưu sinh bằng nghề kéo xe bò thuê, cùng sống với mẹ già nơi xóm ngụ cư. Giữa lúc cái đói đang bám riết sự sống, Tràng dẫn về một người phụ nữ xa lạ, đúng hơn là một người vợ anh mới “nhặt” được bằng bốn bát bánh đúc và một câu nói nửa đùa, nửa thật. Trong suốt đoạn trích, ta có thể dễ dàng quan sát tâm trạng của Tràng qua sự kiện nhặt vợ: Tràng trước khi nhặt được vợ và sau khi nhặt được vợ. “Mới đầu anh Tràng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Nhưng sau đó, Tràng lại tặc lưỡi “Chậc, kệ!”. Và trong buổi sáng hôm sau, Tràng lại thấy "...một niềm vui sướng, tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này". Dưới đây là bài viết phân tích sự thay đổi của nhân vật thông qua hai chi tiết để các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt!
nhan-vat-trang-vo-nhat-su-thay-doi.jpg
BÀI VĂN PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRÀNG QUA 2 CHI TIẾT ĐỂ LÀM RÕ SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT TRONG VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN
Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn với đề tài quen thuộc là hình ảnh nông thôn và người nông dân, là nhà văn "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy" Trong đó, “Vợ nhặt” là một tác phẩm tiêu biểu minh chứng cho tài năng của Kim Lân. Và trong suốt những trang sách kể về tình huống nhặt vợ có một không hai trong nền văn học Việt Nam. Và trong tuyến nhân vật rất độc đáo mà Kim Lân đã xây dựng, nhân vật Tràng cùng diễn biến tâm lí đặc sắc đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc.

Trước khi nhặt được vợ, sự gặp gỡ giữa Tràng và thị chẳng có gì đặc biệt. Thâm chí, đó còn chẳng được gọi là một cuộc gặp gỡ hay một cuộc hẹn hò đúng nghĩa. Họ chỉ là những người lao động nghèo khổ, những người vật vờ đói khát trong thảm cảnh lịch sử. Chỉ tầm phơ tầm phào có hai bận như thế, Tràng và thị đã thành vợ thành chồng. Nhưng ai ngờ được: “Nói thế Tràng cũng được là nói đùa, ai ngờ thị về thật”. Tràng thật sự thấy lo lắng cho cuộc hôn nhân quá đỗi bất ngờ: “Mới đầu anh Tràng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Nhưng sau đó, Tràng lại tặc lưỡi “Chậc, kệ!”. Tràng dù là một chàng trai có phần ngờ nghệch nhưng cũng biết suy tính đến tương lai. Đó là tấm lòng nhân hậu, vô tư, thuần khiến đối với những người đồng cảnh ngộ. Biết là cuộc sống thật khó khăn nhưng giúp được người phụ nữ này đã là cứu được một mạng người. Nhưng hơn hết, điều thôi thúc Tràng có lẽ chính là khao khát về một cuộc sống hạnh phúc. Chính khát khao đó đã gạt bỏ đi nhưng lắng lo, ngại ngần về những thiếu thốn, khó khăn. Đó không phải là một quyết định sai trái hay bồng bột, mà Tràng lựa chọn hạnh phúc vượt lên trên thử thách của cuộc sống khốn cùng.

Sáng hôm sau, cảm nhận đầu tiên của Tràng là: “Trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Tràng cảm động khi thấy hình ảnh mẹ và vợ dọn dẹp lại nhà cửa, cảm động nghe tiếng chổi sàn sạt trên sân. Sự yêu thương nảy nở từ bên trong: “Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”. Tràng bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của sự sống, suy nghĩ về cuộc đời ở tương lai. Sau khi nhặt được vợ, tâm trạng Tràng có sự thay đổi rõ rệt. Có ai ngờ được làm câu hôn ngờ nghệch đã thay đổi tâm trạng và số phận của những con người trong gia đình đói khổ. Đời sống tinh thần chuyển những gam màu u ám, chết chóc sang ấm áp và hi vọng. Trong hoàn cảnh khốn cùng, Tràng vẫn khao khát hạnh phúc, có ý thức tạo dựng mái ấm gia đình. Tràng hôm nay đã thực sự khác với Tràng hôm qua. Một cuộc hôn nhân đã khơi dậy biết bao nhiêu cảm xúc thầm kín bên trong, bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp chưa có điều kiện bộc lộ. Cảnh đời tối tăm, sự đói khát dường như đã tạm lùi để còn lại là niềm vui sướng miên man: “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt ve dọc sống lưng”. Hạnh phúc đã thực sự làm thay đổi mọi thứ. Tràng không phải là người vô tư, nông cạn mà vô cùng sâu sắc và hiểu đời. Tràng đã ý thức được việc lấy vợ là hệ trọng cả đời, ý thức được sự thay đổi tinh thần của mình. Chính hạnh phúc đã đánh thức bổn phận, trách nhiệm của Tràng. Và hình ảnh của lá cờ đỏ phấp phới và những đoàn người đi cướp kho thóc trong tâm trí Tràng như một sự giác ngộ về cách mạng, về một tương lai tự giải phóng. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng mà trong hoàn cảnh đói kém đương thời, không phải ai cũng có được.

Bằng ngòi bút xây dựng tâm lí nhân vật độc đáo, Kim Lân đã khắc hoạ được vẻ đẹp ẩn sâu trong những người dân lao động bình thường, chất phác. Họ mang tấm lòng nhân hậu và khát khao hạnh phúc ngay trong cảnh khổ đau, vươn lên khỏi cái khổ đau mà hướng mình về tương lai tươi sáng.

-M-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    kim lân nhân vật tràng sự thay đổi vợ nhặt
  • Top