Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt: Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát v

“Vợ nhặt” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Kim Lân. Nhận xét về truyện, có ý kiến cho rằng: "Trong tác phẩm "Vợ nhặt", Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người". Dưới đây là bài viết bày tỏ ý kiến và bàn luận về ý kiến.

“Nếu như cấu tứ, mạch cảm xúc là điểm tựa để người đọc khám phá và tìm hiểu một bài thơ thì tình huống truyện chính là yếu tố tạo những bất ngờ và làm nên nét độc đáo cho câu chuyện.” Tình huống truyện được xem là yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của truyện ngắn. Không giống với tiểu thuyết, truyện ngắn chỉ kể lại một lát cắt cuộc sống nên sự kiện mà truyện ngắn phản ánh thường mang tính chất độc đáo, thậm chí là bất thường, éo le. Là nhà văn sở trường với nhiều sáng tác trên thể loại truyện ngắn, Kim Lân, trong tác phẩm “Vợ nhặt” đã xây dựng nên một tình huống độc đáo, éo le, qua đó, tính cách nhân vật được nổi hình nổi sắc và giá trị nội dung, tư tưởng được truyền tải trọn vẹn. Đánh giá về giá trị của tình huống truyện, có ý kiến cho rằng: "Trong tác phẩm "Vợ nhặt", Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người". Bài viết dưới đây là bài viết chi tiết bày tỏ ý kiến và bình luận về đánh giá này. Chúc các bạn thành công!
tinh-huong-truyen-vo-nhat.jpg
Đề bài chi tiết: Có ý kiến cho rằng: "Trong tác phẩm "Vợ nhặt", Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người". Từ việc phân tích tình huống truyện "Vợ nhặt", anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Bài làm
Kim Lân là cây bút chuyên về truyện ngắn. Các tác phẩm của ông thường tìm về với cuộc sống và con người nông thôn. “Vợ nhặt” là sáng tác thành công đã kết tinh những giá trị nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Nhận xét về truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: “Trong tác phẩm "Vợ nhặt", Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người". Ý kiến đã nêu lên chính xác giá trị của tình huống truyện đối với sự thành công của tác phẩm.

Tình huống truyện là bối cảnh diễn ra sự kiện đặc biệt mà thông qua đó, tính cách nhân vật và nội dung tư tưởng của tác phẩm được bộc lộ rõ ràng. Ý kiến là nhận xét về ý nghĩa của tình huống truyện đối với việc thể hiện tư tưởng của sáng tác và cũng là sự đánh giá về thành công của nhà văn khi xây dựng được một tình huống truyện đặc sắc.

Truyện được phát triển trên một tình huống truyện bất thường xoay quanh sự kiện Tràng nhặt vợ. Tràng là một nông dân ngụ cư nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch bỗng nhiên có vợ theo không. Bối cảnh của sự kiện là nạn đói khủng khiếp đang hoành hành, đè nặng lên kiếp sống nông dân khó nhọc, cái chết hiện diện khắp nơi và đe dọa sự sống của con người. Đây là một tình huống truyện độc đáo. Tính bất thường nằm ở những nghịch lý mà nhà văn đã khám phá ra. Người ta cưới vợ, còn Tràng thì “nhặt” vợ. Đám cưới của chàng thiếu tất cả những lễ nghi cần thiết lời, cầu hôn chỉ là một câu nói đùa vu vơ: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.”, sính lễ chỉ là bốn bát bánh đúc và “cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt”. Chỉ sau hai lần gặp gỡ, Tràng và người đàn bà xa lạ đã nên vợ nên chồng. Đám cưới mà cũng không hẳn là đám cưới, duyên để thành chồng thành vợ nghe sao mà hờ hững. Nhưng Kim Lân lại khám phá ra thứ tình cảm đong đầy thực sự sau đám cưới đột ngột, vu vơ ấy. Tình cảm ấm áp của người dân xóm ngụ cư mở lòng ra và chia sẻ với Tràng, tình mẹ nhân hậu bao dung của bà cụ Tứ khi mở lòng đón nàng dâu mới, tình cảm lứa đôi hé mở khi Tràng và người vợ hướng về nhau và hướng đến tương lai.

Sự bất thường còn hiện lên ngau từ bối cảnh diễn ra sự kiện Tràng đưa người vợ về nhà. Đám cưới của Tràng diễn ra trên nền cảnh đám ma. Tràng đưa vợ về nhà trong không gian u ám: “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường.”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Bóng đen của cái chết hiện ra trong chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh: “ Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.”. Quạ là động vật báo hiệu cái chết, sự xuất hiện của hình ảnh con quạ càng làm cái chết thêm đè nặng lên những phận người khó nhọc, tiếng gào “từng hồi thê thiết” nghe như tiếng khóc của những người còn sống cho cái chết của những người vì đói mà ra đi, nghe như là tiễn đưa họ về nơi yên nghỉ và cũng tựa như tiếng kêu cứu cho kiếp sống đói nghèo.

Tình huống truyện càng trở nên đặc biệt bởi nó chứa đựng những nghịch cảnh. Cả người trong cuộc và ngoài cuộc đều cảm thấy ngạc nhiên trước việc Tràng “nhặt” được vợ. Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy Tràng đi về cùng một người đàn bà lạ mặt. Bà cụ Tứ ngạc nhiên vì thấy người đàn bà lại trong nhà. Đến ngay cả Tràng cũng ngạc nhiên ngỡ ngàng: “Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế”. Sau ngạc nhiên, mọi người không biết nên buồn hay nên vui trước sự kiện trọng đại của cuộc đời Tràng, cảm giác xót xa thương cảm vì cái đói vừa làm hạ giá con người vừa là tác nhân se duyên cho những con người khốn khổ.

Thông qua tình huống truyện, nhà văn đã làm sáng lên khao khát chính đáng của con người. Trước hết, đó là khao khát được sống. Tại sao người đàn bà lại theo không Tràng, chẳng biết gia cảnh Tràng thế nào, tính tình Tràng ra sao, người đàn bà vẫn theo không về làm vợ? Có lẽ bởi người đàn bã đã đói lắm rồi. Thị tự ý thức được mình chăng thể cứ mãi vất vơ đầu đường xó chợ như trước nữa, thị phải tự đi kiếm cái ăn. Và Tràng chính là con đường mà người đàn bà đã lựa chọn để giai thoát mình khỏi nạn đói ấy. Khát vọng của con người qua tình huống truyện còn đẹp ở ước mơ lứa đôi, ước mơ về một mái âm gia đình đủ đầy. Tràng và người vợ nhặt tuy đến với nhau vu vơ nhưng khi đã về chung một nhà, cả hai đều cố gắng vun đắp cho cuộc hôn nhân ấy. Thị dọn dẹp nhà cửa vườn tược, còn anh chàng Tràng ngờ nghệch là thế “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy”. Chính khao khát hạnh phúc, khao khát về một gia đình thật sự đã làm cho hắn thấy hắn “nên người”, thấy “có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Còn bà cụ Tứ thì “giẫy những búi cỏ mọc nham nhở”, tươi cười gọi nồi cháo cám thành chè khoán như để tự cho mình niềm tin tưởng vào tương lai. Ý thức, ước mơ được chuyển hóa thành hành động, tất cả mọi người đều hướng mình về tương lai tươi sáng. Người mẹ xót thương con trai và con dâu, bà sợ “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không” nhưng bà vẫn động viên hai con. Hình ảnh đôi gà mà bà cụ Tứ nhắc đến trong bữa ăn chính là tương lai mà bà muốn hướng đến, là cảm giác đủ đầy không xa cho gia đình nhỏ ấm êm. Đoạn kết thúc vơi sự xuất hiện của lá cờ đỏ sao vàng hiện lên trong óc Tràng chính là hình ảnh của Đảng, của cách mạng, của giải phóng và của tự do. Ý thức về cách mạng đã bắt đầu nhen nhóm lên trong tâm tưởng những con người đang bị đói nghèo đè nặng, ý thức tự giải thoát đã thoáng trong đầu của họ. Đó chính là con đường duy nhất, là tương lai mà không chỉ Tràng, người vợ nhặt hay bà cụ Tứ hướng đến mà còn là của mọi kiếp sống khốn khổ đang khát vọng.

Đúng như ý kiến đã nhận xét, trong tác phẩm “Vợ nhặt”, nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo để qua đó làm sáng lên khát vọng chính đáng của con người. Đó là kết quả của xu hướng văn chương thời kì này khi văn học mở đường cho những kiếp nạn khốn khổ hướng đến tương lai tươi sáng và rực cháy khát vọng sống đúng nghĩa.

-QP-
 
  • Chủ đề
    kim lân tình huống truyện vợ nhặt
  • Top