Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài thơ Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm

M. Gorki từng nói: “ Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình,… làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý”, văn học như ngọn đuốc chỉ đường, làm gia sư cuộc sống giúp độc giả không mất phương hướng. “ Đất nước” trích trong trường ca “ Mặt đường khát vọng” là chương mang ý nghĩa sâu sắc như thế.

Trường ca “ Mặt đường khát vọng” ra đời khi tác giả trực tiếp chiến đấu giữa khói lửa chiến tranh, những năm tháng khốc liệt ở chiến khu Bình Trị Thiên. Hơn bao giờ hết, cuộc chiến chính nghĩa cần sự góp sức của nhân dân trong đó có thế hệ trẻ. Vậy nên, đoạn thơ “ Đất nước”, ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm hướng tới thức tỉnh tuổi trẻ của những vùng đô thị tạm chiếm phía nam về đất nước, nhân dân và sứ mệnh thế hệ mình chống đế quốc Mỹ xâm lược, xuống đường đấu tranh vì lí tưởng đó. Khi làm bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân, ta cần phần hai từng đoạn từ hình thức: câu từ, nhịp điệu, giọng điệu… đến nội dung để cảm nhận khái quát, đầy đủ mạch tư tưởng đó xét trên phương diện chiều rộng địa lý, chiều dài lịch sử, chiều sâu tâm hồn. Trước khi đặt bút, các bạn có thể tham khảo bài viết sau để phát triển ý, các bạn nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt!

tu-tuong-dat-nuoc-cua-nhan-dan.jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH TƯ TƯỞNG ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TRONG BÀI THƠ “ ĐẤT NƯỚC”
Tư tưởng đất nước được coi là một hai dòng huyết mạch chảy xuyên suốt văn học Việt Nam. Từ sự tự tôn dân tộc đến ý chí quyết tâm giữ vững toàn vẹn lãnh thổ…Nhưng đến ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm, tư tưởng đó được nhìn ở khía cạnh đất nước của nhân dân một cách khái quát hơn trong chương V “ Đất nước” trích trường ca “ Mặt đường khát vọng”.


Những năm tháng kháng chiến cam go tại chiến khu Bình Trị Thiên, không khí sôi nổi của văn học cách mạng là chất xúc tác chắp đôi cánh của ngòi bút tác giả khi ông trực tiếp cầm vũ khí tham gia cuộc chiến chính nghĩa đó. Trước sự thâm độc của kẻ thù, dụ dỗ nhân dân vùng đô thị tạm chiếm, nhà thơ hướng ngòi bút thức tỉnh nhận thức của họ về tư tưởng đất nước của nhân dân và sứ mệnh thế hệ mình. Để tuổi trẻ xuống đường, trở thành nguồn lực lớn của cách mạng dân tộc. Khi đó, văn học thực hiện sứ mệnh cao cả trở thành thứ vũ khí đắc dụng trong công cuộc chiến đấu ác liệt.

Cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng khi nhà thơ nhận ra nhân dân lấy máu xương của mình tạo nên hình sông thế núi của đất nước:
  • “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
  • Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
  • Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
  • Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương
  • Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
  • Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
  • Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”

Hình ảnh con người xuất hiện giữa không gian thiên nhiên dài rộng. Những người vợ góp bằng năm chờ tháng đợi, sự thủy chung, là những vọng phu hóa đá giữa đời. Cặp vợ chồng góp bằng tình yêu nghĩa vợ tình chồng nên hòn Trống Mái- Bắc Trung Bộ. Người học trò góp bằng tháng năm miệt mài đèn sách, truyền thống hiếu học nên núi Bút non Nghiên- Nam Trung Bộ. Con voi, con cóc, con gà, gót ngựa cũng biến thành xứ sở quê hương. Sự đóng góp của nhân dân ở mọi người, mọi nơi, mọi cách trong khả năng và hoàn cảnh của mình để lại đất nước muôn hình, vạn vẻ. Khi đổ bóng xuống thơ ca gắn với cảm hứng ngợi ca non kì thủy tú nhưng Nguyễn Khoa Điềm gắn với cảm xúc, thức tỉnh vai trò của nhân dân trong việc tạo tác dáng hình đất nước. Đất nước là những cuộc đời đã hóa núi sông ta.

Nhà thơ cảm nhận tư tưởng đất nước của nhân dân trong chiều dài lịch sử dân tộc:
  • “Em ơi em
  • Hãy nhìn rất xa
  • Vào bốn ngàn năm Đất Nước
  • Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
  • Cần cù làm lụng
  • Khi có giặc người con trai ra trận
  • Người con gái trở về nuôi cái cùng con
  • Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”

Tác giả nói với “em” về bốn nghìn năm lịch sử lớp lớp, người người con gái, con trai ra đi, có giặc đàn bà cũng đánh, nhiều người không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ làm ra Đất Nước muôn đời. Câu thơ “ em ơi em” làm câu thơ mềm mại, giọng tha thiết tâm tình giúp nhà thơ nói nhữngđiều lớn lao mà không ồn ào, sáo rỗng. Nhà thơ nhắc tới người anh hùng trong lịch sử cả hữu danh và vô danh. Anh hùng hữu danh thì hữu hạn, có sử sách ghi danh, còn anh hùng vô danh thì vô hạn, ghi danh không xuể:
  • “Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta”
  • “ Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi”

Phải chăng nhân dân là ta trong quá khứ, ta là họ ở hiện tại và tương lai? Nhân dân lớn lao, cao rộng vừa gần lại vừa xa, vừa là biển người vừa là mỗi người trong đó có “anh” và “em”. Vậy cớ gì “anh, em” đứng lề cuộc đấu tranh diễn ra khắp cả nước?
  • Nhà thơ còn khám phá nên vai trò của người dân trong trang sử:
  • “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
  • Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
  • Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
  • Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
  • Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
  • Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
  • Có nội thù thì vùng lên đánh bại
  • Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”

tu-tuong-dat-nuoc-cua-nhan-dan-trong-bai-tho-dat-nuoc.jpg

Điệp từ “ họ” cùng biện pháp liệt kê, nhịp thơ nhanh, giọng sôi nổi, đầy nhiệt hứng. Nhân dân gắn với hình ảnh quen thuộc “ hạt lúa, lửa, giọng điệu, tên làng xã, đắp đập be bờ” trong công cuộc kiến quốc. Trên cả mặt trận vệ quốc “ chống ngoại xâm, đánh bại nội thù”. Vai trò của nhân dân được nhìn một cách toàn diện, sâu sắc.

Góc nhìn đa chiều của tác giả còn phát hiện tư tưởng đất nước của nhân dân thấm nhuần trong chiều sâu văn hóa tinh thần:
  • “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
  • Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
  • Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
  • Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
  • Đi trả thù mà không sợ dài lâu
  • Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
  • Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
  • Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
  • Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

Hình ảnh sáng tạo từ chất liệu dân gian gợi nhắc nét đẹp đắm say trong tình yêu “ yêu em từ thuở trong nôi”, đến chân lý quý trọng lối sống nghĩa tình “ Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Khắc sâu hình ảnh một dân tộc kiên gan bền chí trong chống quân thù “trả thù mà không sợ dài lâu”. Để đất nước ngàn năm là đất nước của ca dao, thần thoại, mang theo tiếng lòng, điệu tâm hồn trong sáng, lương thiện, nồng hậu của nhân dân.

Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhìn nhận một cách chân thực, sâu xa dưới mọi góc nhìn từ chiều rộng, chiều dại tới chiều sâu, mang lại sự gần gũi và tính thuyết phục nơi độc giả. Chương “ Đất Nước” trích trong trường ca “ Mặt đường khát vọng” khép lại nhưng âm vang còn thức tỉnh bạn đọc mọi thời đại về chân lý thiêng liêng, bất diệt đó.

-Thu Hường-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nguyễn khoa điềm tư tưởng đất nước nhân dân đất nước
  • Thống kê

    Chủ đề
    102,787
    Bài viết
    470,614
    Thành viên
    340,594
    Thành viên mới nhất
    RaymondUG
    Top