Phân tích và so sánh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ

“Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm văn xuôi đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Với những giá trị nội dung tư tưởng sâu sắc và sự đặc sắc, ấn tượng trong ngôn từ, hình ảnh, truyện đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Dưới đây là các bài văn mẫu chi tiết nhất phân tích và so sánh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ các bạn có thể tham khảo.

Tô Hoài – “hạt ngọc của văn học Việt” là một nhà văn tài năng với vốn hiểu biết phong phú, lối kể chuyện tự nhiên, sinh động và ngôn ngữ văn chương mang đậm tính khẩu ngữ. Truyện “Vợ chồng A Phủ” trong tập “Truyện Tây Bắc” đã thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của nhà văn: “chất dân tộc đậm đà và màu sắc trữ tình đằm thắm”. Đọc truyện, ta cảm tưởng như Tô Hoài đã dành rất nhiều thời gian để quan sát, quan sát một cách tỉ mỉ, tinh tế con người ngoài đời thực, đặc biệt là người lao động vùng cao nơi ông đi thực tế để có thể đưa hình ảnh họ vào tác phẩm của mình một cách chân thực và sống động nhất. Nhà văn từng nói rằng: “Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt”. Phải chăng một phần chính nhờ suy nghĩ đó mà Tô Hoài đã tâm huyết xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ. Từ những hình ảnh đó, ta khám phá ra những điểm chung và nét riêng đầy ý nghĩa ở nhân vật cũng như dụng ý nghệ thuật mà nhà văn khéo léo gửi gắm. Sau đây là những bài văn mẫu đầy đủ nhất cho đề bài này các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn thành công!

so-sanh-tam-trang-nhan-vat-mi.jpg

BÀI VĂN SỐ 1 PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH NHÂN VẬT MỊ TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN VÀ ĐÊM ĐÔNG CỞI TRÓI CHO A PHỦ


Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng chia sẻ: “Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa toàn thư mà không viện sĩ nào, không học giả nào có thể sánh được”. Vốn hiểu biết phong phú và cách nhìn, cách thể hiện tinh tế, tài hoa đã giúp Tô Hoài tạo nên những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, trong đó có truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ được nhiều người đặc biệt quan tâm và dành thời gian để cảm, để hiểu và khám phá ra những nét chung, điểm khác ở nhân vật.

Nhà văn Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, mất năm 2014, sinh ra và lớn lên tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Nội. Ông được coi là cây bút văn xuôi nổi tiếng với sức sáng tạo bền bỉ và phong phú với vốn tài sản văn học đồ sộ. Người ta biết đến và yêu mến ông với một loạt các tác phẩm như: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Truyện Tây Bắc”, “Mười năm”, “Vỡ tỉnh”, “Tào lường”…Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn, rút từ tập “Truyện Tây Bắc” viết năm 1953. Tác phẩm được nhà văn chắp bút viết sau chuyến đi thực tế cùng bộ đội lên giải phóng Tây Bắc trong tám tháng. Đó là khoảng thời gian quý báu nhà văn có cơ hội được tiếp xúc, chia sẻ và hiểu hơn kiếp sống tủi nhục cũng như những nét phẩm chất đáng trân quý của người lao động miền đèo cao thác ghềnh này. Truyện kể về cuộc đời của nhân vật Mị và A Phủ để qua đó phản ánh kiếp sống tủi hờn của người lao động dưới ách áp bức của chúa đất chúa mường, đồng thời ngợi ca nét đẹp tâm hồn họ và gửi gắm niềm tin vào khả năng tự giải phóng để đến với tự do, hạnh phúc. Đọc truyện, hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ được nhà văn thể hiện rất sắc nét và ẩn chứa nhiều ý nghĩa.

Trước hết, hình ảnh nhân vật Mị được nhà văn khắc họa chân thực, sinh động trong đêm tình mùa xuân. Mùa xuân, đó là mùa của những cảnh sắc mộng mơ, tràn đầy sức sống trong thơ Đoàn Văn Cừ:
  • “Chiều mạ vàng dãy núi dưới chân mây
  • Trăng sao bạc thêu màn trời gấm đỏ”
Mùa xuân, đó là mùa gắn với tình yêu non tơ vụng dại và khao khát đầy thơ ngây trong “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính:
  • “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
  • Tôi đợi người yêu đến tự tình
  • Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
  • Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”

Mùa xuân, trong cuộc đời mà trong thơ ca cũng vậy, luôn là mùa của chồi non lộc biếc, của thanh xuân tuổi trẻ, của những lễ hội vui tươi. Tô Hoài đã mượn thời khắc thanh xuân tươi đẹp của đất trời để khơi dậy nên thanh xuân của lòng người, sự háo hức mê say trong lòng Mị. Nhà thơ tiếp tục phác họa ra một khung cảnh thiên nhiên đậm sắc màu tươi sáng, ấm áp cùng đa dạng âm thanh. Đó là tiếng chó sủa quen thuộc của bản làng. Đó là tiếng cười trong trẻo, thơ ngây của lũ trẻ đang vui đùa. Đó còn là tiếng sáo văng vẳng nơi xa, lửng lơ bay trong không gian núi rừng thơ mộng. Cái thời gian, cái không gian ấy, tất cả vun tạo nên một bầu không khí yên bình, vui tươi và ấm áp đến lạ và đó cũng là cái nền sinh động để chân dung tâm hồn của nhân vật Mị được phác họa một cách chân thực và sống động nhất.

Sức sống tràn đầy của thiên nhiên đã làm phục sinh mọi giác quan trong Mị. Nếu như trước đây đôi mắt Mị chỉ thấy mông lung những thứ mờ mờ, trăng trắng thì giờ đôi mắt ấy đã đón nhìn những sắc màu tươi thắm, ấm áp của cuộc đời. Giờ Mị chẳng còn nghe thấy tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn trong những đêm không ngủ được khi nghĩ đến thân phận tủi nhục của mình mà bắt đầu mở lòng lắng nghe những âm thanh gọi mời của cuộc sống bên ngoài. Trong tiềm thức, Mị đang nhẩm thầm những điệu hát của một thời con gái đắm say mà bấy lâu bị cái khổ, cái cùng cực chôn chặt. Và Mị uống rượu, uống “ực” một cái. Một chữ “ực” nhà văn sử dụng vừa lạ vừa thể hiện cái khéo, cái tinh tế của tác giả. Mị uống “ực” bát rượu như đang cố nuốt cho sâu, vùi cho chặt những đắng cay tủi nhục thân mình phải gánh chịu bây giờ. Mị say, lòng Mị như sống về ngày trước, sống trọn vẹn với quá khứ mà không mảy may nghĩ gì đến thực tại.

Tâm hồn Mị phơi phới trở lại và ngập tràn niềm vui sướng. Mị nhận thức về tuổi trẻ, về khát vọng và quyền sống tự do. Sửa soạn đi chơi như là cái cách tìm đến ánh sáng ở Mị. Một loạt những câu văn ngắn khiến nhịp bỗng nhanh và dồn dập kết hợp với các động từ thể hiện hành động dứt khoát và quyết liệt của Mị - một con chim đang cố tháo cũi sổ lồng để đến với bầu trời cao xanh tự do của nó. Khi bị A Sử bắt trói lại, Mị vùng bước đi nhưng không được, rồi Mị nhớ lại người đàn bà đồng phận đã chết. Mị sợ hãi cựa mình xem mình còn sống hay đã chết. Hình ảnh đó đã khép lại cảnh đêm tình mùa xuân, để lại trong lòng người đọc những dư âm xúc cảm mãnh liệt về một người phụ nữ khi bị dồn đến đường cùng đang khát khao vượt thoát.

Trong đêm đông cởi trói cho A Phủ, mới đầu Mị còn thản nhiên khi nhìn thấy A Phủ bị trói. Nhưng rồi, nhớ lại cảnh từng bị đọa đày năm trước, Mị thấy thương thân, thương người và căm giận kẻ áp bức mình. Mị cởi trói cho A Phủ và “đứng lặng trong bóng tối”. Nhịp văn bỗng chậm lại làm người đọc căng thẳng khi nghĩ về phút giây quyết định cuộc đời Mị. Sau đó, Mị chạy nói với theo A Phủ: “A Phủ cho tôi đi! Ở đây thì chết mất!”. Chạy theo A Phủ nhưng thực chất Mị đang cố chạy trốn khỏi cái chết, cởi trói cho A Phủ nhưng thực chất Mị đang cố cởi trói cho chính mình, đang tự giải thoát cho mình bằng niềm khát khao tự do, bằng khát vọng sống mãnh liệt.

Đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ, cả hai đoạn truyện đều thể hiện Mị là một người con gái mạnh mẽ, bản lĩnh và có khát vọng sống mãnh liệt. Tuy nhiên, trong hai đoạn văn, nhà văn cũng xây dựng một vài nét khác. Trong đêm tình mùa xuân, khát vọng tự do ở Mị do ngoại cảnh tác động trong khi ở đêm đông cởi trói cho A Phủ, khát vọng đó xuất phát từ tự thân. Sự giải thoát ở nhân vật trong hai đoạn cũng có điểm khác nhau, đó là sự giải thoát chốc lát trong đêm tình mùa xuân và sự giải thoát cả cuộc đời trong đêm đông cởi trói cho A Phủ. Để xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Mị trong hai thời điểm đó, nhà văn đã sử dụng khéo léo nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật cùng ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân tộc. Rõ ràng, đọc hai đoạn văn, ta có thể thấy rõ sự chuyển biến ở nhân vật Mị. Sự chuyển biến trong tâm hồn và hành động ấy không phải mang tính bản năng mà là kết quả của sức sống tiềm tàng và khát vọng sống mãnh liệt.

Hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ đã góp phần tô đậm số phận cũng như phẩm chất nhân vật Mị. Qua những hình ảnh đó, nhà văn Tô Hoài cũng gửi gắm niềm tin vào khả năng tự giải phóng để đến với tự do của người lao động vùng cao, một lí do để ta thêm yêu mến hơn cây bút văn xuôi tinh tế này và trân trọng hơn một tác phẩm văn xuôi đặc sắc.

-Nem-vfo.vn

so-sanh-nhan-vat-mi-dem-tinh-mua-xuan-va-coi-troi-cho-a-phu.jpg


BÀI VĂN SỐ 2 PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH NHÂN VẬT MỊ TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN VÀ TRONG ĐÊM ĐÔNG CỞI TRÓI CHO A PHỦ
Nếu Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của người nông dân, Nguyên Ngọc là nhà văn của những anh hùng thì Tô Hoài là nhà văn của những phong tục tập quán. Những câu chữ, nhân vật của ông đều mang những nét rất riêng của những giá trị truyền thống, sức sống dân tộc. Có thể thấy qua hình tượng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là kết quả của chuyến đi thực tế năm 1953. Có thể nói: “đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên….” Chẳng những nhắc nhớ người nghệ sĩ ấy ngày quay trở lạ mà còn “phải đem trả cho những người thương ấy” “một tấm lòng mình, một cái gì làm hiện lại cả cuộc đời người Hmông trung thực, chí tình…”. Câu chuyện kể về cuộc đời Mị và A Phủ. Trong đó, nhân vật Mị, vì “cha mẹ ăn của bạc nhà giàu từ kiếp trước” nên kiếp này phải làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Sa chân vào chốn nhà quan, bị đọa đày về thể xác lẫn tinh thần, Mị tìm đến cái chết. Nhưng vì thương cha, Mị không đành lòng mà tiếp tục về làm thân trâu kiếp ngựa. Mị cứ sống như thế, nếu không có đêm tình mùa xuân…

Nhân vật Mị được đặt vào trong đêm tình mùa xuân- chất xúc tác để làm bừng thức sức sống tiềm tàng bên trong. Thời gian: mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng là khi trai gái mở hội lòng, từ đó mà gợi mở thanh xuân đời người. Không gian được tô sắc bởi màu đỏ của bí đỏ, màu vàng ửng của cỏ gianh, bởi những chiếc váy hoa sặc sỡ như những con bướm. Tất cả tạo nên không khí tươi mới và ấm áp. Rồi khắp không gian là tiếng cười ầm của trẻ em, tiếng sáo rủ bạn đi chơi, tiếng chó sủa xa xa, … thật đông vui. Không khí thì bình yên, vui tươi, ấm áp từ bên ngoài tràn vào lòng người. Đó chính là phông nền tự nhiên để đời sống tâm hồn Mị xuất hiện đầy sống động.

Sức sống bắt đầu từ sự hồi sinh của các giác quan. Mắt Mị “không còn mông lung”, nhìn thấy “mờ mờ trăng trắng” nữa mà biết nhận được các sắc màu tươi thắm của cuộc đời. Tai Mị đã không còn nghe tiếng chân ngựa đạp vách mà mở lòng lắng nghe âm thanh sống động của cuộc sống. Thân xác không còn héo hon mà rạo rực bởi men say rượu ngô. Từ đó mà những nhận thức mới được hồi sinh. Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi, bài hát đắm say đã rất lâu, ngủ rất lâu nay bỗng tìm về. Mị uống rượu, uống từng bát. Đó quyết không phải cách uống rượu của đàn bà vùng cao mà như muốn nuốt cho sâu, vùi cho chặt đáy lòng những khổ đau, buồn tủi. Men rượu ngấm, khơi dậy trong Mị những kí ức. Mị say, lịm mặt ngồi đấy, lòng Mị đang sống về ngày trước, sống một cách trọn vẹn như không mảy may thiết đến những đắng cay hiện tại. Rồi những cảm xúc hồi sinh trở lại, Mị thấy phơi phới một niềm vui hân hoan. Mị hồi sinh tiếp về nhận thức, về tuổi trẻ của mình: “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ”, về khát vọng: “Mị muốn đi chơi”, về quyền sống “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi” về cuộc sống của mình: “Mị và A Sử không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Những khát vọng được hồi sinh dẫn đến hành động: Mị sửa soạn đi chơi: “đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bơ bỏ vào đèn cho sáng”. Chỉ khi người ta không còn muốn sống chung với bóng tối, người ta mới tìm đến ánh sáng. Những câu văn ngắn cùng với sự lặp lại chủ ngữ Mị, các động từ hối hả, thái độ mạnh mẽ, dứt khoát của một con chim muốn tháo cũi sổ lồng. Rồi Mị vùng bước đi trong lúc bị trói. Sợi dây nghiệt ngã của số phận chỉ có thể trói được chân Mị nhưng không thể trói buộc được đôi cánh tâm hồn. Con chim dẫu chưa thoát ra khỏi cũi cao lồng hẹp nhưng tiếng ca của nó đã vang động đến tận trời xanh. Rồi khi nhớ về người đàn bà đồng phận, “Mị sợ quá, cựa quậy, xem mình còn sống hay đã chết”. Khi con người bị dồn đến cùng đường tuyệt lộ, đối diện với cái chết thì người ta lại càng tha thiết sống. Như cành cỏ héo khô chờ ngày kết thúc, Mị lại tràn trề sức sống, khát vọng sống.

Và sức sống tiềm tàng của Mị lên đến cao trào chính là trong đêm đông cởi trói cho A Phủ. Ban đầu, khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn “thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Vì Mị đã quá quen với cảnh áp bức, bóc lột trong căn nhà này ròi. Đó là hệ quả của chuỗi ngày bị đọa đày. Mị chạy theo A Phủ, nói: “A Phủ cho tôi đi”, “Ở đây thì chết mất”. Mị đã quyết định chạy trốn khỏi địa ngục, chạy trốn khỏi cái chết. Như vậy, hành động cởi trói cho A Phủ cũng là cởi trói cho chính mình. Mị giải phóng cho A Phủ bằng con dao nhỏ còn giải phóng cho mình bằng khát vọng sống. Khát vọng sống đã cứu Mị, mở đường cho Mị. Đó chính là niềm tin của Tô Hoài vào khả năng tự giải phóng để đến với tự do, đến với cách mạng của những người lao động vùng cao bằng năng lượng tự thân của chính họ.

Nhân vật Mị, từ nô lệ đã vượn tới tự do và tự chủ cuộc đời mình, từ bóng tối để bước ra ánh sáng, từ nỗi đau để tiến tới niềm vui, từ đợi ngoại cảnh tác động đến sử dụng nội lực tự thân để tìm lại chính mình. Từ đêm tình mùa xuân đến đêm đông là cả một quá trình vận động, hồi sinh sức sống của Mị. Từ tâm thức, tiềm thức đến hành động. Nếu ở đêm tình mùa xuân, khát vọng sống nương theo tiếng sáo thì ở đêm đông, nó lại được cháy lên bởi ngọn lửa. Đêm tình chính là tiền đề để có được hành động cắt dây cởi trói trong đêm đông, chính sự hồi sinh về giác quan, cảm xúc, hồi ức của đêm tình để tạo nên sự tái sinh cuộc đời mới ở đêm đông. Đó là quá trình vận động tâm lí rất tinh tế mà logic, tự nhiên được Tô Hoài miêu tả bằng ngòi bút miêu tả tâm lí sắc sảo. Nhưng sau tất cả, ta đều thấy được bản tính mạnh mẽ, khong chịu chấp nhận số phận, vượt thoát khỏi cuộc sống thực tại để sống là chính mình. Đó không phải là sự thay đổi của bản năng mà là kết quả tất yêu của sức sống tiềm tàng, của khát khao hạnh phúc. Cái hay của nhà văn là không chỉ dừng phản ánh hiện thực đương thời để nói những vấn đề nhất thời mà bởi ông đã nhìn và phản ánh được vấn đề muôn thuở của nhân loại, có tình nhân bản của văn học: sức mạnh lớn nhất, ánh sáng lớn nhất là ở tự thân mỗi người, do bản thân mỗi con người, không phải ở tha nhân hay cách mạng.

Bởi thế, “Vợ chồng A Phủ” đã đứng cao hơn các tác phẩm chỉ là sự minh họa giản đơn của những tư tưởng chính trị phục vụ cách mạng, mà nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian, mình nó “không thừa nhận cái chết”. Nhân vật dạy cho ta nhiều hơn chỉ là số phận của con người miền núi thời trước.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    a phủ cởi trói nhân vật mị vợ chồng a phủ đêm tình mùa xuân
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,576
    Thành viên
    339,851
    Thành viên mới nhất
    Đông Âu
    Top