Phân tích ý nghĩa trong sự thay đổi của nhân vật Phùng qua 2 đoạn trong Chiếc thuyền ngoài xa lớp 12

Phân tích đoạn đầu" Có lẽ suốt đời... trong ngần của tâm hồn" và đoạn cuối " Những tấm ảnh tôi mang về...hòa lẫn trong đám đông" để làm rõ ý nghĩa trong sự thay đổi của nhân vật Phùng.

Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống. Mỗi một tác phẩm là một bức thông điệp mà nhà văn chiêm nghiệm về cuộc đơi và con người.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, cũng là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời kì sau. “Chiếc thuyền ngoài xa”của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn, xuất bản năm 1987. Năm 1983, đó là một thời điểm khá đặc biệt khi cuộc chiến tranh chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, chúng ta trở về muôn mặt của đời thường. Và cũng trong thời điểm này, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới, cho nên cuộc sống có nhiều điều bất ngờ thú vị, có sức hút đối với văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Minh Châu.“Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Trong giai đoạn này, qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn đã bộc lộ sự chuyển biến quan trọng trong sáng tác: từ phong cách mang đậm tính chiến đấu, chuyển sang cảm hứng thế sự, cảm hứng nhân sinh, ngòi bút của nhà văn hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và bình yên. “Chiếc thuyền ngoài xa” thực sự là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Đồng thời giúp nhà văn gửi gắm được những thông điệp nghệ thuật quan trọng. Dưới đây là bài làm mẫu hy vọng có thể giúp đỡ các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn thành công!

su-thay-doi-nhan-vat-phung.jpg

Nhân vật Phùng có sự thay đổi khá lớn trong suy nghĩ

BÀI VĂN MẪU SỐ 1: PHÂN TÍCH ĐỂ LÀM RÕ Ý NGHĨA TRONG SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT PHÙNG QUA ĐOẠN ĐẦU: “CÓ LẼ SUỐT ĐỜI… TRONG NGẦN CỦA TÂM HỒN” VÀ ĐOẠN CUỐI “NHỮNG TẤM ẢNH TÔI MANG VỀ… HÒA LẪN TRONG ĐÁM ĐÔNG” TRONG CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
Nguyễn Minh Châu là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới. Tuy ông đến với văn học khá muộn nhưng bằng tài năng và tâm huyết, Nguyễn Minh Châu đã dần thể hiện được vai trò của mình. Một trong những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu được bạn đọc biết đến nhiều nhất đó là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Trong truyện nghệ sĩ Phùng- nhân vật chính của truyện đã bộc lộ sự vận động về mặt tư duy. Đến với đoạn đầu “có lẽ suốt đời… trong ngần của tâm hồn” và đoạn cuối “những tấm ảnh tôi mang về… hòa lẫn trong đám đông” chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về điều này.

“Chiếc thuyền ngoài xa” là câu chuyện kể về hành trình nhận thức của nhân vật Phùng trong một lần được cấp trên giao cho nhiệm vụ chụp một bức ảnh để thêm vào bộ lịch tết. Trong lúc tác nghiệp, người nghệ sĩ không chỉ may mắn bắt được cảnh đẹp mà còn bắt gặp được cảnh tượng, con người khiến cho tâm tư nghệ sĩ trăn trở. Chính bởi vậy, từ khởi đầu và kết thúc hành trình nhận thức, nhân vật Phùng đã bộc lộ rõ sự thay đổi về mặt tư duy theo chiều hướng tích cực.

Đến với vùng biển với mục đích bắt được những khoảnh khắc tuyệt mĩ để có một bộ ảnh đẹp, người nghệ sĩ tài hoa đã bỏ thời gian chờ đợi một cảnh đắc và trời không phụ lòng người, một cảnh đắc xuất hiện và mang lại cho người nghệ sĩ một sự tâm đắc, tự hào, xúc động. Theo cái cánh mà người nghệ sĩ miêu tả cảnh chiếc thuyền ngoài xa, ta cũng cảm nhận đôi phần về sự xúc động của anh: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích…” Bức tranh được miêu tả thật đẹp, mà theo như Phùng, nó đẹp như một “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” khiến cho anh chàng phải “trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào?”. Có lẽ đây là một cảm xúc dễ hiểu của một người vốn có tâm hồn nghệ sĩ được chiêm ngưỡng một cảnh theo anh là “toàn bích” đến như thế. Nghệ thuật thì không dùng lí trí để đánh giá, người ta thiên về sự cảm nhận. Cái đẹp thì vừa có chuẩn mực lại vô chuẩn mực. Đối với cảnh chiếc thuyền ở ngoài xa xuất hiện trong một buổi bình minh đẹp tuyệt dưới con mắt của người nghệ sĩ trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết với nghề, đây thực sự là một niềm xúc động. Thậm chí nhân vật Phùng xúc động đến mức suy ngẫm ra những triết lí sâu xa: “Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn”. Có thể thấy, trong mắt người nghệ sĩ lúc này, cái đẹp là thuần túy. Vẻ đẹp của cảnh đắc đã lấn át toàn bộ lí trí và tình cảm của người nghệ sĩ khiến anh nghẹn ngào xúc động và dường như không còn để ý đến bất cứ thứ gì khác vào thời điểm đó. Tuy nhiên đây là sự khởi đầu của cuộc hành trình nhận thức của người nghệ sĩ. Đây là lúc nghệ sĩ Phùng đang vô cùng tâm đắc với cảnh đẹp mình vừa bắt trọn vào ống kinh, cũng tự hào vì ngỡ mình ngộ ra chân lí “cái đẹp là đạo đức”. Thế nhưng chỉ vài giây sau đó, trước mắt anh, không còn là hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa đẹp như đi ra từ bức họa thời cổ mà là cảnh bạo lực gia đình, chồng đánh vợ, con chống lại cha,… Rồi câu chuyện ở tòa án huyện khiến cả Phùng và Đẩu phải trầm ngâm thở dài.

Trải qua bao nhiêu đó chuyện, có lẽ “cái đạo đức” được ngộ ra ở nhân vật Phùng cũng đã đổi khác. Nhìn cách mà anh cảm nhận về bức ảnh chụp được ở cuối câu chuyện, người đọc thấy một nghệ sĩ Phùng hoàn toàn khác so với chàng nghệ sĩ trẻ cảm thấy “bối rối”, “bị bóp nghẹt” trước cảnh chiếc thuyền toàn bích ở xa. Tấm ảnh mà nghệ sĩ Phùng chụp được quả là một tấm ảnh có giá trị, nó được treo ở những nhà sành nghệ thuật nhưng có lẽ, đa phần người ta chỉ nhìn thấy cảnh mà lúc đầu nghệ sĩ Phùng nhìn thấy, một chiếc thuyền ngoài xa đang dần lộ diện dưới màn sương mỏng và ánh bình minh. Nhưng đối với người trong cuộc, đã chứng kiến nhiều chuyện xung quanh chiếc thuyền, nhân vật Phùng đã có cái nhìn khác: ảnh đen trắng, không màu nhưng ngắm kĩ nghệ sĩ Phùng lại thấy “màu hồng của ánh sương mai”, khi nhìn lâu hơn, anh lại thấy từ một tấm hình tĩnh vật hiện ra một người đàn bà đang bước ra. Tất cả những cảm nhận của người nghệ sĩ đã từng trải qua sự trải nghiệm về đời sống xung quanh bức ảnh không còn là cảm nhận ban đầu khi mới chụp tấm ảnh. Sự cảm nhận của anh không chỉ nằm trên hình ảnh sẵn có mà còn là trải nghiệm, kí ức, sự thấu hiểu, thậm chí sự ám ảnh.

Phải chăng nhận thức về cái đẹp trong tư duy của nhân vật Phùng đã thay đổi. Cái đẹp mà anh nhìn thấy không còn là cái đẹp của cảnh vật vô tri, cảnh mơ hồ ở ngoài xa mà là cảnh đẹp ở gần, trong những con người mà anh tiếp xúc, trong những đạo lí đơn giản đời thường mà trước nay anh chưa từng biết đến. Và có lẽ chăng “bản thân cái đẹp cũng là đạo đức”, người ta nếu không nhận ra được bản chất của cái đẹp mà chỉ mơ hồ với vẻ đẹp bề ngoài, đó cũng là vô đạo đức. Sự thay đổi này thể hiện một nỗ lực đào sâu vào đời sống, vào tâm hồn bên trong con người của những nghệ sĩ tâm huyết thời kì đổi mới.
Sự thay đổi trong tư duy của nhân vật Phùng cũng chính là sự nhận thức mới mẻ của nhà văn về nghề, về đời. Nếu trước năm 1980, Nguyễn Minh Châu tha thiết với đề tài người lính, luôn “đặt nhân vật của mình trong bầu không khí vô trùng” (Nicolin) thì sau 1980, ông đã trở thành một trong những người mở đường tinh anh và tài năng của văn xuôi Việt Nam hiện đại với cảm hứng thế sự đời tư và bút pháp dân chủ đối thoại. Nhân vật của ông không phải là một cái loa phát thanh tư tưởng, chính nhân vật cũng đang đi tìm tư tưởng cho chính mình. Thông qua câu chuyện nhận thức của Phùng, tác phẩm gửi đi thông điệp của đời sống: Phải có cái nhìn đa chiều để khám phá vẻ đẹp bên trong của một sự việc, một con người.

Đúng như cách mà Nguyễn Minh Châu quan niệm về xứ mệnh nhà văn đó là phải “đi tìm hạt ngọc ẩn giấu bên trong con người”. Có lẽ ông đã xây dựng nên một nhân vật Phùng với những diễn biến tâm lí khá trùng khớp với chính mình để qua đó bộc lộ khát vọng nhận thức đúng đắn về người, về đời.
_TN_
 
  • Chủ đề
    chiếc thuyền ngoài xa nguyễn minh châu nhân vật phùng
  • Top