Nhắc đến Raspberry Pi, người dùng chắc hẳn không còn cảm thấy quá xa lạ với dòng máy tính nhúng này khi nó là một trong những thiết bị phổ biến nhất mỗi khi nhắc đến lĩnh vực này trên thị trường. Với mức giá tương đối rẻ, chỉ dao động trong khoảng 900 ngàn tới 1 triệu đồng, là người dùng đã có một thiết bị thuộc dòng Rapsberry Pi để phục vụ cho các dự án của mình. Điểm nhấn của thiết bị này không những chỉ nằm ở một mảng phần cứng được phát triển mạnh mẽ trải qua nhiều phiên bản khác nhau, và mới nhất là Raspberry Pi 3, mà bên cạnh đó còn là sự phát triển trong cộng đồng người dùng để hỗ trợ tốt nhất ngay cả khi bạn là người dùng mới đi chăng nữa thì cũng có thể tìm thấy được các giải pháp cơ bản đã được giải quyết từ những người đi trước. Đương nhiên, thị trường máy tính nhúng không đơn thuần chỉ có riêng một mình Raspberry Pi, mà điển hình là Raspberry Pi 3, khi bên cạnh đó, vẫn có không ít cái tên đến từ nhiều hãng sản xuất khác nhau, với mức giá thành cũng như chất lượng khác nhau. Và vì một lí do nào đó khiến bạn không thích Raspeberry Pi 3, thì cũng đừng cảm thấy quá lo ngại khi chúng ta vẫn có không ít sự thay thế với chất lượng ấn tượng sẽ được đề cập tới bên dưới đây
Asus Tinker Board
Giá tham khảo: 1,500,000 đồng
Là một cái tên tương đối mới trong danh sách của chúng ta ngày hôm nay, Tinker Board là chiếc máy tính giá rẻ tích hợp trên duy nhất một bảng mạch đến từ Asus. Bên cạnh một cái tên mang đậm ấn tượng, Tinker Board còn mang trên mình một phần cứng tuyệt vời để người dùng có thể trải nghiệm. Trong các thông số phần cứng được đưa ra, Tinker Board nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người dùng với bộ vi xử lí lõi tứ Cortex A7 hoạt động ở xung nhịp 1.8GHz, đồ họa Mail-T764, dung lượng RAM 2GB, giao tiếp với các ngoại vi thông qua 4 cổng USB 2.0 và xuất hình ảnh trực tiếp trên cổng HDMI. Cùng với đó, Tinker Board cũng đi kèm với nền tảng tùy chỉnh TinkerOS, được xây dựng trên nền Debian. Với Tinker Board, thiết bị này có thể hỗ trợ phát video chuẩn độ phân giải 4K cho các tập tin với bộ mã H.264 hay H.265. Ngoài ra, Tinker Board cũng mang đến khả năng giao tiếp không dây trên công nghệ Wi-Fi hay Bluetooth 4 thế hệ mới
Ngay từ thời điểm ra mắt, Tinker Board nhanh chóng đánh bại Raspberry Pi 3 trong hệ thống điểm benchmark, và điều này phải kể đến sự góp mặt không hề nhỏ của một dòng vi xử lí mạnh hơn và dung lượng RAM lớn hơn được tích hợp trong phiên bản máy tính này. Bên cạnh đó, Tinker Board hỗ trợ một cách ấn tượng trong khả năng đa phương tiện như hỗ trợ video 4K đã được đề cập đến ở trên, trong khi mà Raspberry Pi 3 Model B chỉ dừng lại ở chuẩn 1080p. Âm thanh trên Tinker Board cũng được hỗ trợ tối đa cao nhất trong việc phát 192k/24bit, thay vì 48k/16bit như trên Raspberry Pi 3. Dù rằng Tinker Board tiêu thụ năng lượng có phần lớn hơn so với Raspberry Pi 3, nhưng điều này dường như không phải là vấn đề quá lớn khi cả hai thường được sử dụng nguồn điện trực tiếp để hoạt động, trong khi Tinker Board mang đến một hiệu năng lớn hơn rõ rệt. Nếu bạn đang sử dụng Raspberry Pi 3 và muốn tìm kiếm một cái tên song hành, hay đang lựa chọn một chiếc máy tính giá rẻ tương tự như Raspberry Pi 3 trên thị trường, thì Tinker Board sẽ là một lựa chọn hấp dẫn không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện tại
Banana Pi M64
Giá tham khảo: 1,000,000 đồng
Banana Pi M64 là phiên bản 64-bit của dòng Banana Pi có thể hỗ trợ đa dạng các nền tảng từ Android, Debian, Ubuntu hay nhiều những cái tên khác. Điểm nhấn của Banana Pi M64 là được tích hợp một phần cứng ấn tượng với vi xử lí Allwinner 64-bit với 8 lõi, hoạt động ở xung nhịp 1.2GHz, đồ họa Mali 400 lõi kép, và dung lượng RAM 2GB. Mặc định, Banana Pi M64 đã được tích hợp sẵn 8GB bộ nhớ Flash trên thiết bị, nhưng người dùng hoàn toàn có thể mở rộng dung lượng sử dụng trong việc tích hợp thẻ nhớ microSD ngoài được hỗ trợ thông qua khe cắm riêng trên thiết bị. Banana Pi M64 giao tiếp với ngoại vi thông qua 2 cổng USB, 1 cổng USB-OTG và bộ nhận hồng ngoại IR. Dĩ nhiên, Wi-Fi và Bluetooth là hai thành phần không thể thiếu khi nhắc đến khả năng hỗ trợ không dây của sản phẩm. Cùng với Raspberry Pi 3 Model B thì Banana Pi M64 là cái tên khác trên thị trường hỗ trợ việc phát video độ phân giải chuẩn HD 1080p
Cả Banana Pi M64 và Raspberry Pi 3 Model B dường như không quá khác biệt nhau khi nói về khả năng xử lí của bộ lõi trung tâm, nhưng với một dung lượng RAM lớn hơn đã giúp cho Banana Pi M64 có phần nhỉnh hơn trong sự so sánh với Raspberry Pi 3 Model B. Đặc biệt hơn, với dung lượng 8GB bộ nhớ flash tích hợp sẵn tuy không quá lớn, nhưng nó cũng thuận tiện để người dùng có thể tương tác với chính Banana Pi M64 ngay sau khi mở hộp, trong khi Raspberry Pi 3 lại yêu cầu thẻ nhớ microSD trong việc lưu trữ khi cơ bản thiết bị này không có bộ nhớ flash tích hợp. Nếu bạn không quá quan tâm gì trong việc kết nối thiết bị ngoại vi ngoài chuột và bàn phím, thì Banana Pi M64 là một cái tên tốt với 2 cổng USB, trong khi với nhu cầu lớn hơn, thì Raspberry Pi 3 sẽ là một cái tên đáng để cân nhắc với 4 cổng USB
Odroid-C2
Giá tham khảo: 1,450,000 đồng
Odroid-C2 là cái tên mới nhất vừa được đem đến thị trường máy tính giá rẻ cách đây không lâu của hãng Hardkernel, một công ty công nghệ có tiếng đến từ Hàn Quốc. Xuất hiện trên thị trường chính thức từ năm 2016, Odroid-C2 là phiên bản sử dụng bộ vi xử lí lõi tứ Amlogic xung nhịp 1.5GHz, đồ họa Mali 450 và dung lượng RAM 2GB. Ngoài ra, Odroid-C2 còn hỗ trợ việc lưu trữ ngoài thông qua thẻ nhớ microSD, hay các ngoại vi trên 4 cổng USB, đầu giao tiếp hồng ngoại IR, HDMI cho việc xuất hình ảnh và cổng âm thanh 3.5mm tiêu chuẩn. Về nền tảng, Odroid-C2 có thể được sử dụng để chạy Android hay bất kì một bản phân phối nền tảng nào được xây dựng trên nhân Linux
Nhìn chung, cả Raspberry Pi 3 và Odroid-C2 đều được trang bị bộ vi xử lí lõi tứ với nhân ARM Cortex-A53, nhưng với một xung nhịp lớn hơn, cũng như dung lượng RAM tốt hơn đã giúp Odroid-C2 có phần mượt mà hơn trong các tác vụ xử lí đúng như những gì được thể hiện rõ ràng trong các thông số kĩ thuật về phần cứng. Một điểm nhấn khác chính là Odroid-C2 có thể hỗ trợ video định dạng 4K, trong khi con số này mới chỉ dừng lại ở Full HD 1080p trên Raspberry Pi 3. Dù vậy, với việc không có bất kì một Wi-Fi, Bluetooth hay cổng âm thanh 3.5mm tiêu chuẩn nào tích hợp trên Odroid-C2 đã giúp Raspberry Pi 3 kiếm lại được một số điểm khá lớn trong việc kết nối
BeagleBoard X15
Giá tham khảo: 5,250,000 đồng
Ra mắt vào giai đoạn cuối năm 2016, BeagleBoard X15 là sản phẩm mới nhất đến từ hãng khổng lồ trong công nghệ bán dẫn như Texas Instruments. BeagleBoard X15 được xây dựng trên dòng vi xử lí Sitara xung nhịp 1.5GHz với lõi ARM Cortex A-15, đồ họa PowerVR và dung lượng RAM 2GB. Với 4GB bộ nhớ tích hợp, BeagleBoard X15 có thể cài đặt trực tiếp hệ điều hành lên thiết bị cũng như lưu trữ các nội dung dữ liệu người dùng, bên cạnh sự hỗ trợ khả năng mở rộng thông qua khe cắm thẻ nhớ microSD. BeagleBoard X15 có một sự hỗ trợ đa dạng nền tảng khi người dùng có thể cài đặt cho nó bất kì một hệ điều hành nào từ Fedora, Android tới Ubuntu và nhiều cái tên khác. Trong khả năng đa phương tiện, BeagleBoard X15 hoàn toàn mạnh mẽ để hỗ trợ video Full HD 1080p với tốc độ khung hình 60fps, cũng như tương tác ngoại vi mạnh mẽ trên cổng giao tiếp USB 3.0
Thực sự mà nói, BeagleBoard X15 hoàn toàn là một con quái vật thực sự để có thể đánh bại được Raspberry Pi 3 trên nhiều phương diện khác nhau nhờ vào một vi xử lí mạnh mẽ và dung lượng RAM lớn hơn nhiều, chưa kể đến khả năng lưu trữ được tích hợp trực tiếp trong khi Raspberry Pi 3 hoàn toàn phụ thuộc vào thẻ nhớ microSD, thậm chí, BeagleBoard X15 với 2 cổng Ethernet có thể sử dụng để kết nối mạng hay chuyển giao mạng tốt hơn so với 1 cổng trên Raspberry Pi 3
Rõ ràng, với một tính năng vượt trội cũng như phần cứng ấn tượng như thế mà BeagleBoard X15 cũng có mức giá khởi điểm có phần khá chát hơn nhiều so với những cái tên trong danh sách ngày hôm nay. Điều đó làm cho BeagleBoard X15 không phải là sản phẩm để mọi đối tượng người dùng có thể dễ dàng hướng tới, nhưng nếu bạn cần nó trong công việc hay học tập với nhu cầu cao, thì rõ ràng đây không hề là một cái tên đáng để bỏ qua. Nếu bạn cần tìm đến một sự thay thế chất lượng đến từ Texas Instrument với mức giá rõ hơn trong cùng dòng sản phẩm, thì BeagleBone Black sẽ là một sự khởi điểm thích hợp hơn
OrangePi Plus 2
Giá tham khảo: 1,100,000 đồng
Orange Pi Plus 2 là phiên bản máy tính nhúng mã nguồn mở sử dụng vi xử lí lõi tứ H3 bên cạnh đồ họa Mali 400, hỗ trợ tốt cho OpenGL ES 2.0. Trong khả năng kết nối, Orange Pi Plus 2 có thể tương tác với mạng Internet đồng thời qua cổng Ethernet RJ45 hay Wi-Fi đều được. Orange Pi Plus 2 có thể phát video chuẩn độ phân giải Full HD với tỉ lệ khung hình tương đối ổn định tại 30fps. Khả năng giao tiếp ngoại vi của Orange Pi Plus 2 được đánh giá khá tốt với 4 cổng USB 2.0 và 1 cổng USB OTG, dù rằng không hề hỗ trợ chuẩn USB 3.0 nhưng điều này không quá ảnh hưởng gì tới khả năng làm việc của thiết bị. Và cũng như nhiều dòng máy tính nhúng khác, sự đa nền tảng hỗ trợ cũng là một trong những tính năng nổi bật của thiết bị với Android, Ubuntu, Debian hay nhiều cái tên khác
Orange Pi Plus 2 có lợi thế lớn hơn Raspberry Pi 3 trong dung lượng RAM sẵn có bên cạnh khả năng tích hợp bộ nhớ lưu trữ lên đến 16GB trong khi Raspberry Pi 3 không hề có điều này. Tuy nhiên, Raspberry Pi 3 cũng có ưu điểm khi so sánh với Orange Pi Plus 3 trong khả năng kết nối với công nghệ Bluetooth để có thể cạnh tranh trên thị trường
NanoPC-T3
Giá tham khảo: 1,320,000 đồng
NanoPC-T3 là thiết bị máy tính nhúng được phát triển bởi hãng FriendlyArm, tích hợp cho mình bộ vi xử lí 8 lõi đến từ Samsung hoạt động ở xung nhịp 1.4GHz, đồ họa Mali 400 và dung lượng RAM 1GB DDR3. NanoPC-T3 có thể hỗ trợ khả năng mở rộng dung lượng lưu trữ trên thẻ nhớ microSD, kết nối Wi-Fi, Bluetooth và microphone tích hợp trực tiếp trên thiết bị. NanoPC-T3 có thể hoạt động trên nền tảng Android 5.1, Debian, Ubuntu Core và được lưu trữ trên bộ nhớ 8GB tích hợp trên thiết bị cũng như được mở rộng thêm thông qua khe cắm thẻ nhớ microSD. NanoPC-T3 giao tiếp các ngoại vi bên ngoài của mình dựa vào 4 cổng USB 2.0, HDMI, và Ethernet. Chưa hết, khả năng tương tác đa phương tiện được đánh giá cao trên các cổng bổ sung như LVDS, LCD, MIPI-DSI và cổng âm thanh tiêu chuẩn 3.5mm
NanoPC-T3 có xung nhịp có phần cao hơn ở CPU so với Raspberry Pi 3 dù cùng dung lượng RAM. Về cơ bản, điều này không có ý nghĩa gì quá nhiều trong hiệu năng ngoại trừ sự tiện lợi đến từ dung lượng lưu trữ tích hợp 8GB
PineA64+
Giá tham khảo: 330,000 đồng
Khởi đầu là một dự án cộng đồng được quyên góp trên Kickstarter, nhưng PineA64 nhanh chóng được sự chú ý từ người dùng với việc hơn 1.4 triệu Dollars đã được đầu tư cho phiên bản đầu tiên của dòng máy tính nhúng này. Cùng sử dụng vi xử lí 64-bit lõi tứ xung nhịp 1.2GHz và đồ họa Mali 400, nhưng PineA64+ mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn trong các phiên bản với dung lượng RAM khác nhau thay đổi từ 512MB, 1GB đến 2GB tích hợp sẵn. Mali 400 GPU là dòng đồ họa hỗ trợ tốt OpenGL ES 2.0 trong việc tối ưu hóa khả năng phát video và giao tiếp với màn hình ngoài thông qua cổng HDMI. Hiện nay, PineA64+ cho phép người dùng cài đặt các nền tảng nhân Linux bao gồm Android, Ubuntu và Debian, trong khi Microsoft Windows đang được đội ngũ phát triển của công ty thử nghiệm và sẽ được hỗ trợ một cách sớm nhất trong thời gian sắp tới
Phiên bản dung lượng RAM 2GB của PineA64+ rõ ràng mang đến một lượng tốt hơn trong các tác vụ đa nhiệm so với Raspberry Pi 3 nhưng có mức giá khởi điểm cạnh tranh hơn nhiều. Bên cạnh đó, Mali 400 GPU của thiết bị này có thể phát video chuẩn định dạng 4K, trong khi với Raspberry Pi 3 thì con số này mới chỉ dừng lại ở Full HD 1080p. Tuy nhiên, Raspberry Pi 3 có ưu thế hơn trong việc giao tiếp bên ngoài nhờ vào sự tích hợp sẵn Wi-Fi và Bluetooth, cũng như số lượng cổng USB nhiều hơn. May mắn thay, người dùng PineA64+ cũng không phải mấy khó chịu với điều này khi các cổng mở rộng về Bluetooth hay Wi-Fi cũng có thể dễ dàng bổ sung cho PineA64+ thông qua cửa hàng của Pine64
Nano Pi M3
Giá tham khảo: 770,000 đồng
Nano Pi M3 là một phiên bản máy tính nhúng 64-bit khác có chất lượng tốt đến từ nhà sản xuất FriendlyARM. Cũng giống như NanoPC-T3, Nano Pi M3 cũng sử dụng cho mình bộ vi xử lí 8 lõi Cortex-A53 đến từ Samsung hoạt động ở xung nhịp 1.4GHz, dung lượng RAM 1GB và tích hợp sẵn kết nối không dây Wi-Fi và Bluetooth 4 trên thiết bị. Tương tự Raspberry Pi 3, người dùng sẽ không thấy bất kì một bộ nhớ flash lưu trữ nào tích hợp sẵn trên Nano Pi M3, mà thay vào đó là khe cắm thẻ nhớ microSD cho việc lưu trữ hệ điều hành và dữ liệu người dùng. Ở thời điểm hiện tại, Nano Pi M3 hỗ trợ các nền tảng nhân Linux bao gồm Android, Debian và các bản phân phối khác được phát triển trên nền nhân này
Nano Pi M3 được ra mắt như là một phiên bản giá rẻ của NanoPC-T3 và cạnh tranh với Raspberry Pi 3 trong các tính năng có phần tương đương của mình
PixiePro
Giá tham khảo: 2,860,000 đồng
PixiePro là thiết bị máy tính nhúng sử dụng dòng vi xử lí lõi tứ NXP i.MX6Q hoạt động với xung nhịp 1GHz cho phần lõi Cortex-A9 đồng thời được tích hợp sẵn bộ nhớ dung lượng RAM ở mức 2GB. Với PixiePro, người dùng có thể thực hiện giao tiếp ngoài thông qua các kết nối không dây bao gồm Bluetooth 4.2, Wi-Fi, EDR, NFC và GPS, hay các kết nối có dây trên chuẩn USB Type-A cũng như USB OTG, micro-HDMI và jack cắm âm thanh tiêu chuẩn 3.5mm. Không chỉ là hỗ trợ bộ nhớ gắn ngoài trên thẻ nhớ microSD, mà PixiePro với 2 đầu đọc microSD độc lập cho phép người dùng có thể phân chia một cách hiệu quả khả năng lưu trữ giữa dữ liệu và nền tảng, hay cài đặt đồng thời hai nền tảng cùng lúc trên một thiết bị duy nhất
So với Raspberry Pi 3, thì PixiePro là một bản nâng cấp đáng kể trong mặt tính năng mà phải kể đến với việc bổ sung một dung lượng RAM lớn hơn cùng ưu thế trong mặt dữ liệu đến tự khe cắm thẻ nhớ microSD kép, chưa kể đến sự có mặt của NFC và hệ thống định vị toàn cầu tiêu chuẩn GPS/GLONASS. Ngoài việc giao tiếp Wi-Fi để kết nối mạng, người dùng PixiePro cũng có thêm lựa chọn trong việc sử dụng các gói dữ liệu di động nhờ vào khe cắm SIM mặc định hỗ trợ tối đa UMTS/HSPA+ 3G, một điều mà Raspberry Pi 3 không hoàn toàn có kể cả trên phiên bản mới nhất của mình
Rõ ràng, PixiePro là một thiết bị nhắm đến trong việc phục vụ các nhu cầu hay dự án đòi hỏi cao, và vì thế mà nó cũng có một mức giá tương đối tương xứng, nhưng cùng hoàn toàn phù hợp trong các tính năng mà nó sẽ mang lại cho người dùng
Parallela
Giá tham khảo: 2,200,000 đồng
Parallela là một phiên bản thiết bị được thiết kế với kích thước nhỏ gọn chỉ bằng một chiếc thẻ tín dụng do Adapteva tạo ra. Dù nhỏ gọn như vậy, nhưng bên trong, thiết bị này tích hợp một hệ thống phần cứng bao gồm mạnh mẽ đến từ bộ vi xử lí lõi kép ARM A9 hoạt động song song với vi xử lí 16 lõi khác đến từ Epiphany và dung lượng RAM ổn định ở mức 1GB, hỗ trợ khả năng lưu trữ thông qua đầu đọc thẻ nhớ microSD, giao tiếp ngoại vi với USB 2.0, HDMI và Gigabit Ethernet
Parallela có thể hoạt động trên bất kì một bản phân phối nền tảng nào có nhân đến từ Linux, trong đó bao gồm cả Ubuntu. Adapteva, nhà phát triển chính thức của Parallela cho biết thiết bị này có thể hoạt động một cách độc lập như một chiếc máy tính giá rẻ chạy Linux thông thường, hay được nhúng trong một hệ thống lớn hơn, thậm chí là ghép nối song song với nhiều thiết bị tương đương khác trong việc tạo thành một máy chủ chính thức để người dùng truy cập
Với những cái tên khác được đề cập ở trên, Parallela là thiết bị mang phong cách thiết kế khác với phần còn lại của thế giới, và cũng vì thế mà cũng sẽ không có sự khách quan trong việc so sánh với Raspberry Pi 3 khi mặc định, Raspeberry Pi 3 nhắm đến phân khúc thị trường giá rẻ và dễ sử dụng đối với nhiều đối tượng người dùng khác nhau, trong khi Parallela lại mong muốn phục vụ người dùng ở một đối tượng cao cấp hơn vốn yêu thích việc các cỗ máy hoạt động song song cùng với nhau đến từ sự có mặt của bộ vi xử lí như Epiphany.
Theo BeeBom