(vfo.vn) Từ ngày 28/11 đến 30/11 tại GEFE 2022, Schneider Electric cùng hơn 100 doanh nghiệp tham gia tọa đàm với Thủ tướng Chính phủ về kinh tế xanh.
Theo nguồn tin Schneider Electric, các tòa nhà tiêu thụ 30% năng lượng của thế giới và chịu trách nhiệm cho 40% lượng phát thải CO2. Thậm chí, tại các thành phố lớn, 70% khí phát thải carbon đến từ việc xây dựng và vận hành các tòa nhà. Việc xây dựng các tòa nhà xanh cần thiết để tiến đến mục tiêu phát triển nền kinh tế trung hòa carbon. Tuy nhiên, toàn cầu chỉ có 10% tòa nhà được trang bị công nghệ khử carbon, 2% tòa nhà tích hợp công nghệ khử carbon kỹ thuật số và 1% đạt trung hòa carbon.
Nguồn tin Schneider Electric còn cho biết Việt Nam cũng chỉ mới ghi nhận 233 công trình xanh xanh - bằng 1/2 Thái Lan và rất khiêm tốn so với 5.000 công trình xanh của Singapore; càng chưa có tòa nhà nào giảm phát thải ròng bằng 0 (net-zero), dù thành lập Hiệp hội Công trình Xanh Quốc gia vào 2007, gần như cùng thời điểm với các nước khác.
Ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình xanh hóa các tòa nhà mới và hiện hữu. Đầu tiên, các chủ đầu tư quan tâm nhiều đến giá trị tài chính như chi phí xây dựng, mà bỏ qua các lợi ích về phát triển bền như môi trường, xã hội v.v. Thứ hai, cơ chế chính sách về công trình xanh đã có, nhưng việc áp dụng còn hạn chế. Thứ ba, chưa nhiều các nhà phát triển bất động sản đưa chiến lược bền vững vào giá trị thương hiệu.
Tại GEFE 2022, ông Lâm cũng làm rõ bài toán lợi ích cho các chủ đầu tư và các nhà lập pháp. Cụ thể, việc làm mới các tòa nhà hiện hữu để đạt được tiêu chuẩn xanh đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu net-zero đến 2050 của quốc gia. Chi phí đầu tư làm mới cho các tòa nhà hiện hữu chỉ cần thời gian hoàn vốn khoảng 8-10 năm. Đối với các tòa nhà mới, chi phí thiết lập các tiêu chuẩn xanh chỉ chiếm tối đa 4-6% tổng chi phí đầu tư và sẽ ngày càng ít hơn nhờ công nghệ ngày càng hiện đại hơn.
Để đẩy nhanh tốc độ, ông Đồng Mai Lâm đã chia sẻ hệ giá trị tòa nhà xanh (Building Value Framework) và những giải pháp thúc đẩy phát triển tòa nhà xanh tập trung vào 2 mảng chính là điện hóa và số hóa. Ví dụ về số hóa: hệ thống quản lý tự động hóa tòa nhà, hệ thống quản lý năng lượng…), và điện khí hóa: trạm sạc xe điện, bộ lưu trữ điện UPS, hệ thống quản lý năng lượng mặt trời (microgrid).
Thông tin được cung cấp bởi Schneider Electric
- Chủ đề
- schneider electric