Kết quả nghiên cứu mới đây ước tính một cơn địa chấn mạnh ở bờ nam Nhật Bản có thể kích hoạt cơn sóng thần cao hơn 34m.
Một trận động đất mạnh đến 9 độ Richter xuất phát từ rãnh Nankai, chạy dọc theo đảo phía đông Honshu đến đảo nam Kyushu, có thể tạo nên một bức tường sóng khổng lồ cao đến 34m. Trước đó, năm 2003, các chuyên gia Nhật Bản dự đoán độ cao của sóng thần không quá 20m. Báo cáo điều chỉnh, đã được đăng trên website của chính phủ Nhật, dựa trên cuộc nghiên cứu mới được thực hiện sau trận động đất khủng khiếp hồi tháng 3.2011, hủy hoại bờ biển đông bắc nước này và khiến khoảng 19.000 người thiệt mạng.
Thảm họa đôi kéo theo khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 đã buộc chính phủ nước này xem xét lại khả năng đối phó với thiên tai. Đợt sóng thần ngày 11.3.2011 đã đánh sập hệ thống điện tại nhà máy hạt nhân 40 năm tuổi, kéo theo thảm họa tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ Chernobyl vào năm 1986. Nhà máy Fukushima số 1 được thiết kế để chống chọi được sóng thần cao 6m, trong khi trên thực tế con sóng này cao khoảng 14m.
Một thông tin đáng lo khác theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản: một trận động đất giáng xuống vùng vịnh Tokyo có thể làm rung chuyển cả khu vực đô thị Tokyo-Yokohama, nơi tập trung hơn 33 triệu người. Và cường độ địa chấn có thể lên đến 7, mức cao nhất theo thang đo Nhật Bản. Theo báo cáo do Bộ Giáo dục công bố mới đây, hầu hết khu vực Tokyo sẽ bị chấn động khi cơn địa chấn mạnh 7,3 độ Richter diễn ra bên trong vịnh Tokyo. Giới hữu trách kêu gọi cư dân thủ đô nên chuẩn bị tinh thần trước những diễn biến xấu nhất do thiên tai gây ra, chẳng hạn như luôn trữ nước và lương thực trong nhà. Tờ Asahi Shimbun cũng liệt kê những vấn đề mà người dân có thể phải đối mặt khi động đất xảy ra, trong đó có tình trạng mất điện kéo dài, nguồn cung cấp nước bị gián đoạn (có thể gần 1 tháng), dựa trên các tính toán của các chuyên gia thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Nhật.
(H.N./TNOnline)