Sơ đồ tư duy “Sóng” chi tiết đầy đủ nhất - Xuân Quỳnh

Bài thơ “Sóng” là một khát vọng rất thành thật của Xuân Quỳnh - một nhà thơ tài năng và đi đầu trong phong trào thơ trẻ chống Mĩ. Bài thơ viết về chủ đề tình yêu, một chủ đề tiêu biểu cho phong cách thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Trong tác phẩm, Xuân Quỳnh đã mượn những đối cực phong phú và hình tượng sóng để bày tỏ khát vọng tình yêu của mình một cách đầy chân thành nhưng cũng rất táo bạo. Góp mặt trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, bài thơ đã góp những nét vẽ uyển chuyển, mềm mại, những câu từ nhẹ nhàng, lưu luyến trong hàng loạt những vần thơ thép chuyển dịch cả ngân hà. Để hiểu hết những dụng ý của tác giả quả không dễ chút nào. Nhưng nếu bạn sử dụng sơ đồ tư duy vào việc ghi nhớ kiến thức thì quá trình đó sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Phương pháp học tập bằng sơ đồ tư duy từ xưa đến nay đã không còn xa lạ gì đối với các bạn. Nó là một phương pháp học tập rất hiệu quả bởi sự tóm tắt ý ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo đủ ý, như vậy quá trình tiếp thu kiến thức và ghi nhớ của các bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với phương pháp ghi nhớ kiểu truyền thống. Hãy là một người học tập khôn ngoan, thay vì ngồi hàng giờ để nhồi nhét một trang kiến thức toàn chữ là chữ thì một trang giấy thưa được gạch ý cận thẩn nghe có vẻ khả quan hơn rất nhiều phải không nào? Hôm nay, chúng tôi sẽ đưa ra cho các bạn một sơ đồ tư duy bài thơ “Sóng” với phương châm: ngắn gọn, dễ hiểu. Hi vọng với sơ đồ mà chúng tôi cung cấp dưới đây có thể giúp các bạn hiểu hơn về khát vọng trong tình yêu của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.


so-do-tu-duy-bai-tho-song.jpg


SƠ ĐỒ TƯ DUY BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH CHI TIẾT
I, Tác giả, tác phẩm
1, Tác giả
- Xuân Quỳnh: 1944-1988
- Gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ chống Mĩ
- Cuộc đời tràn ngập bất hạnh, luôn khao khát mái ấm gia đình và tình mẫu tử

2, Tác phẩm
- In trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968). Bài thơ ra đời trong không khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi mà ở những liến tàu, sân ga đang diễn ra những “Cuộc chia li màu đỏ”.
- Hoàn cảnh sáng tác: Là kết quả của chuyến đi thực tế tại biển Diêm Điền – Thái Bình
- Đề tài: Tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh
- Phong cách: Là tiếng lòng của một tâm hồn giàu nữ tính, nhiều trắc ẩn; vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm, luôn da diết trăn trở lo âu trong khát vọng về hạnh phúc đời thường bình dị.
- Nội dung: Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để bày tỏ khát vọng tình yêu của mình một cách chân thành, táo bạo, đó là một tình yêu vừa mới mẻ hiện đại vừa có gốc rễ trong truyền thống dân tộc; rất mực nồng nàn tha thiết mãnh liệt mà lại đằm thắm thủy chung. Ta thấy được ở đây người phụ nữ nhạy cảm trong tình yêu, luôn lo âu trước hạnh phúc, luôn có những dự cảm không lành trước cuộc đời. Từ đó toát lên vẻ đẹp của một khát khao được dâng hiến, bất tử trong tình yêu.
- Kết cấu “sóng - em” là hai hình tượng xuyên suốt bài thơ, có lúc tách bạch để soi chiếu, có lúc hòa nhập làm một để cùng ngân nga cộng hưởng

II, Nội dung tác phẩm
1, Khổ 1
a, Hai câu đầu
* Nội dung: Mượn những đối cực phong phú của sóng để diễn tả một trái tim yêu đầy biến động.
* Nghệ thuật:
- Thể thơ 5 chữ, nhịp 2/3, tựa như nhịp sóng biển.
- 4 tính từ đối lập “dữ dội - dịu êm”, “ồn ào - lặng lẽ”, quan hệ từ “và”
=> Tạo kết cấu đối lập song hành. Khắc họa sinh động điểm tương đồng của nhịp sóng và trái tim yêu.
=> Hai câu thơ vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh một mặt biển với trăm ngàn con sóng. Khi biển bình yên, sóng lăn tăn gợn nhẹ. Khi bão tố, sóng cồn cào xô bờ tung bọt trắng xóa. Trái tim của người phụ nữ khi yêu cũng vậy!
b, Hai câu sau
* Nội dung: Mượn sóng để thể hiện khát vọng vươn xa trong tình yêu.
* Nghệ thuật: Hai câu thơ chứa đựng biểu tượng đa nghĩa. Có ít nhất hai cách hiểu về những câu thơ này. Nếu coi “sông” là chủ từ, thì ta có thể hiểu như sau: nếu sông không hiểu sóng, sóng sẽ đi tìm tri âm khác là biển. Nếu coi “sông” là trạng từ chỉ nơi chốn, ta có thể diễn đạt là: nếu ở sông, một không gian nhỏ bé chật hẹp, sóng không hiểu chính mình thì sóng sẽ tìm ra một không gian khác là biển rộng lớn để ở đó sóng tự khám phá chính mình.
2, Khổ 2
* Nội dung: Mượn quy luật của sóng để diễn tả quy luật tình cảm con người
* Nghệ thuật
- Đối lập: “ngày xưa – ngày nay”
- Từ khẳng định: “vẫn thế” => Vẻ đẹp bất biến, vĩnh hằng của sóng cũng như của những thế lực tự nhiên.
- Từ láy “bồi hồi” => Sự thường trực, rạo rực mãnh liệt, khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của cảm xúc yêu đương trong trái tim con người.
- Từ đa nghĩa: “Trẻ” => Ta có thể hiểu từ “trẻ” này đó là tình yêu thuộc về tuổi trẻ, hoặc tình yêu làm con người ta trẻ mãi. Đọc đến đây, ta bất giác nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
3, Khổ 3,4
* Nội dung: Mượn sóng để thể hiện khát vọng muốn lí giải những bí ẩn muôn đời của tình yêu.
* Nghệ thuật
- Đối lập: cái “tôi” nhỏ bé >< “trước sóng bể” => Tạo mạch suy tư sâu lắng.
- Điệp từ: “em nghĩ” + câu hỏi tu từ => Khát vọng được suy tư, lí giải. Thể hiện sự trăn trở và không ngừng tìm kiếm trong tình yêu.
- Sự chuyển hóa giữa “sóng - gió - em – anh” => Tạo vẻ đẹp biến ảo, bí ẩn, khó giải mã, khó chiếm lĩnh của tình yêu
4, Khổ 5 (Khổ duy nhất có 6 câu, thể hiện sự tràn đầy của nỗi nhớ)
* Nội dung: Sóng là biểu hiện của tình yêu và nỗi nhớ (bao trùm không gian, thời gian, cõi ý thức và vô thức)
* Nghệ thuật
- Điệp “con sóng” + tương phản => Khắc họa sự vận động của sóng cũng là sự vận động của nỗi nhớ. Đó là sự bồn chồn, rạo rực, đứng ngồi không yên, nhớ nhung xao xuyến khi đem lòng thương nhớ một người.
- Nhân hóa: “sóng nhớ bờ”
- Cường điệu hóa: Em nhớ anh đến mức “cả trong mơ còn thức”
5, Khổ 6,7,8
* Nội dung: Niềm tin vào tình yêu vững bền, vượt qua mọi thử thách, trắc trở của cuộc đời. Suy tư, trăn trở về sự hữu hạn của kiếp người, sự ngắn ngủi của cuộc đời, sự mong manh, khó bền của lòng người và những giá trị sự sống
* Nghệ thuật
- Điệp từ “dẫu” => Thái độ bất chấp.
- Cách nói ngược: “xuôi về phương Bắc” – “ngược về phương Nam”
=> Dẫu thế gian có biến thiên rời đổi thì em vẫn chỉ hướng về anh. Thể hiện sự chung thủy son sắt trong tình yêu. Dẫu cho mọi thứ đổi thay, lòng người thay đổi thì trái tim người con gái vẫn chỉ hướng tới người cô yêu thương và sẽ mãi như vậy.
- Biểu tượng: “đại dương” = cuộc đời.
- Số từ: “trăm, ngàn, muôn vời”
- Tính từ: “dài, rộng, xa” => Tạo ấn tượng về một cuộc đời rộng lớn, nhiều trắc trở và làm nổi bật sự suy tư, lo âu của nhân vật trữ tình khi phải một mình đối diện với cái vô cùng vô tận của vũ trụ.
- Điệp từ “vẫn” => Nhấn mạnh niềm tin.
6, Khổ 9
* Nội dung: Mượn hình ảnh những con sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã bày tỏ khát vọng được bất tử trong tình yêu.
* Nghệ thuật
- Câu hỏi tu từ: “Làm sao được tan ra” => Sự trăn trở, khắc khoải, khát khao được vĩnh viễn hóa tình yêu, được bất tử trong tình yêu, vượt thoát cảm giác cô đơn nhỏ bé của một cái tôi nhiều lo âu dự cảm.
=> Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng sống, khát vọng kết nối giữa cá nhân-cộng đồng để làm nên sức mạnh vĩnh viễn.

III, Tổng kết
Bài thơ đã mượn hình tượng “sóng” để thể hiện khát vọng cao đẹp trong tình yêu bằng ngôn ngữ giàu tính gợi cảm và nhịp ngắt linh hoạt. Qua đó thể hiện được tình yêu của tác giả, đó là một tình yêu chân thành nhưng không kém phần táo bạo, mãnh liệt nhưng cũng rất thủy chung.
 
  • Chủ đề
    sơ đồ tư duy song xuân quỳnh
  • Top