Sơ đồ tư duy Việt Bắc - Tố Hữu chi tiết đầy đủ lớp 12

“Việt Bắc” là một bài thơ được đưa vào trong chương trình Ngữ văn lớp 12, là một trong số những tác phẩm viết trong thời kì Cách mạng mà các bạn học sinh phải học và tìm hiểu. Ấy vậy nhưng so với các tác phẩm khác thì đoạn trích này đối với các bạn học sinh lại rất khó học không phải bởi vì nó khó hiểu rõ mà bởi nó dài. Dù chỉ là đoạn trích, nhưng số lượng câu thơ nhiều, khiến kiến thức chia ra trong bài bao la, khó nắm bắt được dễ dàng. Để giúp các bạn khắc phục tình trạng hoang mang này, chúng tôi đã dẫn ra một sơ đồ tư duy đoạn trích “Việt Bắc” trong sách giáo khoa 12 với 2 phần kiến thức trọng tâm chính thường được đưa vào đề thi nhiều nhất. Hi vọng rằng, sơ đồ tư duy này có thể giúp các bạn khái quát bài học một cách dễ dàng nhất, giúp các bạn nhanh nắm bắt được bài học để có thể đạt điểm cao trong các kì thi cũng như không lúng túng trước các đề bài về tác phẩm “Việt Bắc” của Tố Hữu. Chúc các bạn thành công.

so-do-tu-duy-viet-bac-to-huu.jpg

SƠ ĐỒ TƯ DUY VIỆT BẮC
A, CHẤT HÙNG CA
I, Ân tình Cách mạng
1, Lời người ở lại (Việt Bắc)
- Xưng hô “mình - ta” gần gũi quen thuộc, đi về trong những câu hát huê tình thương nhớ mà ta vẫn hay nghe được sử dụng trong bài thơ, với giọng điệu ngọt ngào, trìu mến.
- Điệp cấu trúc câu, điệp câu hỏi tu từ theo hình thức tăng tiến:
+ “Mình về mình có nhớ ta”: Lời ướm hỏi nhẹ nhàng, xa xôi
+ “Mình về mình có nhớ không”: Chứa đầy nỗi băn khoăn thổn thức, khắc khoải, bồn chồn, khao khát được nghe câu trả lời
=> Mối tình hết sức sâu nặng đậm đà.
- Thời gian: 15 năm (1941 - 1954)
=> Thời gian ấy là từ cuộc kháng Nhật cứu nước, từ những ngày gian khổ hi sinh nhưng thắm tình đượm nghĩa đến những ngày cùng nhau ra trận để làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.
=> 15 năm ấy không còn là thời gian vật lí vô tình, vô nghĩa vô danh trôi chìm trong quên nhớ mà đã là thời gian của tình cảm thiết tha mặn nồng ân nghĩa.
- “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”: Câu thơ nhắc về không gian có cây có núi, có sông có nguồn - một không gian rộng lớn mênh mang mang một linh hồn Việt Bắc, núi non vời vợi, cây cối trập trùng, sông nước mênh mông.
=> Cách diễn đạt gần gũi gần với lời nói dân gian, nhắc ta nhớ tới câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”.
=> Câu thơ không chỉ là lời nhắc mà còn là lời nhắc nhở về một tình cảm thủy chung son sắt.
2, Lời người ra đi (Cách mạng)
- Từ láy: “bâng khuâng, bồn chồn, tha thiết”
=> Mới đây thôi, khi tiếng ai còn ở nơi xa (“Tiếng ai tha thiết bên cồn”) mà đã khiến người đi ngập ngừng lưu luyến (“Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”) - cảnh tượng quen thuộc mà ta đã từng gặp của chinh phu, chinh phụ:
“Đưa chàng lòng dằng dặc buồn
……..
Bước đi một bước giây giây lại dừng”
- “Áo chàm đưa buổi phân li”
+ Hình ảnh “áo chàm” hoán dụ chỉ người, quen thuộc trong thơ xưa.
+ Nếu cuộc chia ly của Thúy Kiều và Thúc Sinh là: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” thì Tố Hữu không phải là “áo xông hương, áo bào” sang trọng mà là “áo chàm” bình dị quen thuộc của đồng bào dân tộc.
=> Lấy sắc áo mà nói sắc lòng, một sắc lòng thủy chung của đồng bào miền Bắc.
=> Đồng bào và chiến sĩ, miền ngược - miền xuôi hiểu nhau cả những điều không bao giờ cần nói thành lời.
- “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
+ “Cầm tay” - hình ảnh quen thuộc trong những buổi chia ly trong thơ ca dân tộc. Đó là cảnh của chinh phu, chinh phụ; trong thơ ca Cách mạng… Nhưng nếu trong những câu thơ ấy, cái cầm tay thể hiện đạo phu thê, thể hiện tình đồng chí thì trong thơ Tố Hữu lại khác, đó là nghĩa đồng bào. Vì không biết nói gì nên để tiếng lòng vô thanh lên tiếng.
+ Câu thơ kết thúc bằng dấu chấm lửng - khoảng vô ngôn mà rất đỗi dư tình.

II, Thiên nhiên Việt Bắc
1, Mùa đông
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”
- Người ta thường nói rằng xuân sinh, hạ trưởng, thu tàn, đông kết. Ấy vậy nhưng bức tranh thiên nhiên trong “Việt Bắc” lại bắt đầu từ mùa đông. Tố Hữu lại nói về mùa đông trước, biến sự kết thúc thành sự khởi đầu, miền lạnh lẽo thành ấm áp.
- Thiên nhiên:
+ Thơ trung đại: Thiên nhiên trong thơ là những vẻ đẹp kiêu sa nhất, là sương sa, là tuyết phủ…
+ Thơ Tố Hữu: Không còn là những hình ảnh tượng trưng kia nữa, mà là màu xanh của rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối. Màu xanh ấy là màu của sự sống, còn màu đỏ là sự ấm áp.
2, Mùa xuân
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng”
+ Thơ xưa: Nếu như thơ xưa, thiên nhiên khi xuân tới là hoa đào, hoa mai, hoa lê… - những loài hoa cao quý, sang trọng.
+ Thơ Tố Hữu: Lại là hình ảnh hoa mơ bình dị, quen thân. Ấy là linh hồn của núi rừng Việt Bắc. Hình ảnh “mơ nở trắng rừng” gợi ra một khu rừng như bật sáng, gợi một không gian tươi tắn, thanh lành.
3, Mùa hè
“Ve kêu rừng phách đổ vàng”
+ Thơ xưa: Tiếng ve cũng là một âm thanh quen thuộc, ấy nhưng trong thơ xưa, đặc biệt là thơ trung đại, tiếng ve ấy lại đài các, cao sang, đẹp nhưng xa xôi.
+ Thơ Tố Hữu: Tác giả đã trả tiếng ve trở về vẹn nguyên là nó giữa núi rừng, trời đất. Từ “đổ” gợi ra nguồn nội sinh tràn trề đầy sung lực, khiến âm thanh trở nên vang vọng khắp không gian, khiến khung cảnh không chỉ đẹp mà còn giàu sức sống.
4, Mùa thu
“Rừng thu trăng rọi Hòa Bình”
Câu thơ xuất hiện hình ảnh “trăng” - một hình ảnh quen thuộc trong các bài thơ.
+ Thơ xưa: Trăng gắn với túi thơ bầu rượu, cùng với thú thanh tao của nghệ nhân; gợi ra nỗi cô đơn, nỗi buồn nỗi sầu trong lòng người.
+ Thơ Tố Hữu: Ông đã đưa trăng trở về với thiên nhiên của nó. Từ “rọi” như gợi ra luồng sáng từ trên cao, mạnh và khỏe, đúng là ánh trăng thượng ngàn được khúc xạ qua cái nhìn của người chiến sĩ Cách mạng.

III, Đồng bào Việt Bắc
1, Trong lao động
- “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”:
+ Thơ trung đại: Con người thường xuất hiện nơi rừng sâu khe vắng, thường là những ẩn sĩ lánh đục về trong như là ngư ông, ngư phủ, tiều phu…
+ Thơ Tố Hữu: Con người trong khoảng sáng của ánh mặt trời, hiện lên thật tươi sáng, phi thường.
- “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”:
+ Thơ xưa: Ngày xuân là ngày của những lễ hội, đó là ngày hội ngộ của những tài tử, giai nhân.
+ Thơ Tố Hữu: Lại là hình ảnh của người đan nón - người lao động. Không chỉ thiên nhiên làm đẹp cho cuộc sống mà con người cũng vậy.
- “Nhớ cô em gái hái măng một mình”: Thơ Tố Hữu là hình ảnh “cô em gái”, cách gọi trẻ trung, gần gũi và đầy trìu mến. Dẫu rằng chỉ có một mình nhưng không gợi ra cái cô đơn, bơ vơ mà như gợi cho cảnh sắc thiên nhiên trẻ lại.
- “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”: Tố Hữu lúc này chỉ gợi hình ảnh con người thông qua tiếng hát. Đại từ phiếm chỉ “ai” khiến con người hiện lên rất mênh mang, không rõ nét, mờ ảo dưới ánh trăng nơi rừng cao.
2, Trong kháng chiến
- “Thương nhau, chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”: Kỉ niệm ở bên nhau, dẫu có gian khó cay khổ, dẫu có thiếu thốn ấy nhưng những con người của núi rừng ấy vẫn sẻ chia, cùng ta vượt qua gian khổ.
- “Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”: Tinh thần lạc quan, vui vẻ, lúc nào cũng hướng tới tương lai phía trước.
- Sống tình nghĩa, thủy chung, son sắt với tấm lòng đậm đà tình yêu.

B, CHẤT TÌNH CA
I, Khúc hành quân
- Nhịp thơ nhanh, dứt khoát; hơi thơ mạnh mẽ; nhiều động từ mạnh khiến giọng thơ khỏe khoắn, hào hùng, sảng khoái.
- Hình ảnh gợi ra không gian lớn lao kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ cùng với nghệ thuật liệt kê.
=> Sức mạnh toàn quân, toàn dân, tình đồng chí, nghĩa tình Cách mạng.
- Hình ảnh những đoàn quân ra trận:
“Những đường Việt Bắc của ta
……
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
+ Câu 1: Việt Bắc là căn cứ địa Cách mạng, là chiến khu, quê hương Cách mạng. Địa danh đi cùng với cụm từ “của ta” mang theo niềm tự hào được làm chủ non sông đất nước.
+ Câu 2: Những từ láy tượng thanh “rầm rập” cùng thời gian “đêm đêm” gợi ra cái bền bỉ gắng sức, sự kiên trì cùng quyết tâm của những con người ngày đêm mong mỏi độc lập tự do.
+ Câu 3: “Điệp điệp, trùng trùng” - từ láy vừa tượng hình, vừa tượng thanh khiến ý thơ hùng, điệu thơ tráng, câu thơ mạnh mẽ rất sử thi.
+ Câu 4: “Sao” vừa là hình ảnh thực: đó là ánh sao trời soi sáng đường cho chiến sĩ, gợi ra tâm hồn trẻ trung lãng mạn - hay cũng chính là tính cách lãng mạn của người chiến sĩ Cách mạng. Đó cũng là hình ảnh của ngôi sao trên mũ - ngôi sao của Cách mạng, của Đảng.
- Hình ảnh những đoàn dân công hỏa tiến:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
……..
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
+ Câu 1: Từ “đỏ đuốc” vẽ ra hình ảnh những ngọn đuốc trên tay người dân công, soi sáng giúp họ băng núi rừng để kịp thời tiếp lương tải đạo, tiếp lửa, tiếp sức cho chiến sĩ. Ánh sáng bập bùng giống như đêm hội hoa đăng, tấp nập và đông vui.
+ Câu 2: “Bước chân nát đá” - Hình ảnh mang tính sử thi. Đằng sau đoàn quân ra trận là những bóng dáng thấp thoáng của chàng Đăm Săn những người anh hùng ngày trước. Hai chữ “nát đá” làm ta liên tưởng đến câu “Chân cứng đá mềm” - một lời hi vọng, lời cầu chúc mong mỏi người ra đi có sức mạnh ý chí để vượt qua mọi khó khăn. Trong thơ Tố Hữu, không phải là hi vọng thôi nữa, nó đã trở thành hiện thực rồi.
+ Câu 3 và 4: Hai câu thơ nói đến tương lai phía trước, rằng khoảng thời gian kháng chiến gian khổ, những đêm nô lệ đã qua rồi (“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày”). Nghệ thuật so sánh “Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”, ánh sáng đèn pha như ánh sáng ngày mai, gợi ra vẻ rực rỡ, chói lọi vô cùng, đó là ánh sáng tương lai đất nước, của tự do.
=> Tố Hữu đã hữu hình hóa cái vô hình, gẫn gũi hóa cái xa xôi, hiện thực hóa cái chưa thành hình.

II, Khúc ca chiến thắng trở về
- Nghệ thuật liệt kê tên các địa danh trải dài từ Bắc đến Nam, từ xuôi đến ngược, từ xa đến gần, mở rộng không gian ra khắp chiều dài đất nước; kết hợp với điệp từ “vui” khiến niềm vui trong thơ rộng khắp muôn nơi, chẳng phải của riêng ai mà là niềm vui lớn, hội nghị non sông.
- Nhịp thơ nhanh, hồ hởi, ngập tràn niềm vui chiến thắng.
 
  • Chủ đề
    sơ đồ tư duy to huu việt bắc
  • Top