Sơ đồ tư duy Vợ chồng A Phủ chi tiết đầy đủ nhất lớp 12: nhân vật Mị, A Phủ,

“Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 12 của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm còn là một trong số những văn bản được sử dụng, xuất hiện nhiều lần trong các bài kiểm tra, đề thi. Bởi vậy, học sinh càng cần phải nắm chắc kiến thức của bài. Và cách tốt nhất chính là làm sơ đồ tư duy. Tuy nhiên việc làm sơ đồ tư duy không phải ai cũng có thể làm được. Vì vậy, với mong muốn có thể giúp đỡ các bạn học sinh một phần nào trong quá trình học tập, chúng tôi đã dẫn ra dưới đây một sơ đồ tư duy văn bản “Vợ chồng A Phủ”, đây là một sơ đồ tư duy vô cùng cụ thể, rõ ràng và chi tiết. Hi vọng rằng nó sẽ có ích với các bạn.

so-do-tu-duy-vo-chong-a-phu.jpg

SƠ ĐỒ TƯ DUY BÀI VỢ CHỒNG A PHỦ
A, NHÂN VẬT MỊ
I, Giới thiệu nhân vật
- Mị là một cô gái lúc nào cũng cúi đầu nhẫn nhục, “mặt buồn rười rượi”. lúc nào cũng buồn, như hòa lẫn vào với những vật vô tri vô giác.
- Hình ảnh ấy trái ngược với cuộc sống giàu sang của Pá Tra => Báo hiệu một cuộc đời lao động vất vả, gợi mở về một người phụ nữ bất hạnh, một số phận không bằng phẳng, có lẽ là 1 bi kịch của cõi nhân thế nơi vùng cao Tây Bắc.
=> Hóa ra rằng cô ấy không phải con gái Pá Tra, mà là con dâu nhà thống lí, vợ A Sử. Khi biết rồi, người ta không còn ngạc nhiên nữa, thấy đó là điều đương nhiên bởi “Làm dâu nhà giàu mà sướng là suy nghĩ của người Kinh, còn với những cô gái vùng cao là cả nỗi kinh hoàng.” (Tô Hoài)

II, Cơ hội – Thực tế
1, Cơ hội
- Mị hoàn toàn có đủ điều kiện để được hưởng hạnh phúc: là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, thổi sáo giỏi; là tâm điểm sự chú ý của những chàng trai.
- Mị là một cô con gái hiếu thảo, rất có ý thức về bản thân, giàu lòng tự trọng. Mị sẵn sàng lao động không quản ngại khó khăn.
- Mị yêu đời, yêu tự do, không ham giàu sang. Khi bị ép về nhà thống lí, Mị đã định ăn lá ngón tự tử, đêm nào cũng khóc.
=> Mị là một hình tượng đẹp về người thiếu nữ Tây Bắc, ở cô có vẻ đẹp tự nhiên, giản dị, thẳm sâu như thiên nhiên núi rừng.
2, Thực tế
* Đó là từ khi Mị về làm dâu nhà thống lí.
* Nguyên nhân: Vì món nợ truyền kiếp trong hôn nhân của cha mẹ mình, không trả nổi nên Mị bị bắt gả trả nợ. Mỗi năm phải trả một nương ngô, đến khi người mẹ qua đời vẫn không hết.
=> Đó chính là cách bóc lột sức lao động nặng nề của chúa đất, chúa rừng. Người lao động phải trả một giá rất đắt cho cái gia đình hạnh phúc nhỏ nhoi của mình, phải cam chịu mà chấp nhận, rằng “Không thể làm khác được rồi!”
=> Phía sau đó là sự bất công vô lí, là hủ tục của người Mèo. Ngẫm lại thì Mị vừa là con dâu vừa là con nợ. Nếu là con nợ thì Mị vẫn còn hi vọng một ngày nào đó trả hết nợ để được tự do. Nhưng đây là con dâu, bị cướp về bởi uy lực của cường quyền, “cúng trình ma” - hủ tục mê tín của người miền núi. Linh hồn Mị đã bị con ma ấy cai quản, dù có trả hết nợ thì con ma đó sẽ không tha. Như vậy, món nợ ấy không chỉ là truyền đời mà còn là mãn kiếp.
* Quãng đời làm dâu của Mị
- Mấy tháng đầu đêm nào Mị cũng khóc, tính chuyện tìm lá ngón, trốn về nhà mắt đỏ hoe. Khóc là biểu hiện của sự đau khổ, bế tắc, sự phản kháng của hoàn cảnh. Đỉnh điểm của bi kịch đau khổ này là Mị sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thực sự được sống như một con người. Nhưng vì lòng hiếu thảo, Mị đành nén nỗi đau riêng, giấu đi khát khao được sống, được hạnh phúc để quay trở lại nhà thống lí. Nếu Mị chết, Mị sẽ làm liên lụy đến cha mình, nên Mị quyết không chết nữa, đồng nghĩa với việc Mị chấp nhận cuộc sống khổ đau, cũng làm nổi bật vẻ đẹp của Mị.
- Những ngày sau đó là chuỗi ngày làm dâu khổ ải của Mị.
+ Mị bị vắt kiệt sức lao động, đọa đày thể xác, làm việc quần quật không ngơi tay bất kể lúc nào. Với Mị, phận là dâu nhưng thân là con ở, kiếp là kiếp tôi đòi nô lệ, thậm chí còn không được bằng con hầu bởi con hầu con ở còn có công xá, còn dâu gạt nợ thì là con ở không công muôn đời, bị đặt vào núi những công việc. Thậm chí, Mị còn nghĩ mình không bằng con trâu con ngựa.
+A Sử và Mị không có lòng với nhau nhưng vẫn phải ở với nhau. A Sử đối với Mị chẳng khác nào chủ nhà với con ở: trong đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi nhưng A Sử đã phũ phàng trói Mị ở góc cột, thậm chí còn quấn luôn tóc Mị vào cột, không quay không nghiêng được - ở nhà này đã từng có người phụ nữ bị trói đứng mà chết rồi. A Sử đi chơi bị đánh, Mị phải ra rừng đi lấy thuốc cho chồng, trong lúc mệt quá mà thiếp đi, Mị bị A Sử đạp xuống giường. Những đêm đông dài, nhìn thấy Mị ngồi hơ lửa, A Sử đá Mị ngã…
+ Không gian Mị ở: Một căn buồng nhỏ giống như ngục thất giam cầm tù nhân, căn phòng kín mít, chỉ có một ô cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Trong căn phòng ấy, Mị dần mất đi khái niệm thời gian.
+ “Ở lâu trong cái khổ Mị cũng quen khổ rồi.” Mị sa vào bi kịch của người không thiết sống mà phải sống, dần dần tê liệt, chai sạm mọi cảm xúc. Nhiều khi tưởng mình lẫn vào trong những đồ vật vô tri vô giác, Mị “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, lặng lẽ và cô độc. Với Mị, cuộc sống chẳng còn sắc màu, âm thanh chẳng còn ngắn dài, ngày đêm.
=> Từ một cô gái trẻ trung mơn mởn tuổi xuân, Mị trở thành một loài thảo mộc không còn biết rung rinh trước gió, bị ràng buộc bởi cái suy nghĩ bố con nó đã cúng trình ma mình rồi… Sự mê tín thần quyền đã giúp tay cho giai cấp thống trị. Mị đã bị tha hóa, thay đổi, trở thành nô lệ.

III, Sức sống mãnh liệt tiềm tàng và sự phản kháng
1, Đêm tình mùa xuân
- Tác động của ngoại cảnh:
+ Thời gian: Những ngày cuối cùng, đặc điểm là đêm tình mùa xuân trên núi cao để khơi dậy sức sống trong tâm hồn của Mị. Mùa xuân là mùa của lộc biếc… Tô Hoài đã mượn cái thanh xuân của đất trời để khơi dậy thanh xuân của lòng người.
+ Không gian: Ở Hồng Ngài khoác lên những gam màu rực rỡ, trẻ trung. Những âm thanh vui tươi, trong trẻo, tiếng cười nói vô tư của lũ trẻ con, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha bồi hồi làm lòng người náo nức.
+ Không khí: Ấm áp, cay nồng của hơi lửa đốt lều canh nương, hương rượu nồng nàn…
=> Một bức tranh mùa xuân tươi vui được khắc họa, chính nó đã trở thành phông nền được dùng để lộ diện chân dung tâm hồn từng bước được hồi sinh của người con gái Tây Bắc.
+ Tiếng sáo gọi bạn: Âm thanh quen thuộc của cuộc sống tâm hồn của người dân vùng cao, mộc mạc, giản dị. Gửi vào đó còn là tiếng ca của hạnh phúc, của tình yêu lứa đôi. Chính nó đã vọng vào sâu thẳm trong cuộc đời của Mị. Đó là một thời thanh xuân của Mị.
+ “Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Khi buồn, tìm đến rượu. Men rượu khiến người ta quên đi cái cay đắng của thực tại. Chính men rượu là một tác nhân giúp Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, có thể dẫn Mị đến với hành động liều lĩnh và nổi loạn mà bình thường khó có thể thực hiện.
- Diễn biến tâm lí của Mị:
+ Hồi sinh giác quan: Thị giác, thính giác, cảm giác dần được quay trở lại. Ánh mắt quen cái sắc mờ nay đã nhận ra sắc rộn rã của cuộc đời. Đôi tai đã biết lắng nghe những cung bậc của đêm tình mùa xuân…
+ Hồi sinh tiềm thức: Mị cất tiếng sau bao ngày câm lặng, cất lên bản tình ca của đôi lứa yêu nhau. Đó là sự trở lại của người con gái yêu đời, cái vẻ đẹp đó chẳng bao giờ bị hủy diệt nổi.
+ Hồi sinh kí ức: Mị sống về ngày trước, là những ngày Mị còn trẻ, Mị còn thổi sáo, thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt thành, say mê. Sự hồi sinh đó để lại bao tiếc nuối về một thời quá khứ đã qua. Cách uống rượu của Mị khiến cho người ta ngạc nhiên nhưng không hề vô lí: “uống ực từng bát”. Tựa như uống để say, để dìm đi những nuối tiếc khát khao, phẫn uất vừa đột ngột bừng cháy trong lòng. Đó là giây phút Mị bị kích động mạnh. Nó đã giúp Mị vượt ra khỏi trạng thái thờ ơ.
+ Hồi sinh nhận thức: Mị từ từ đi vào buồng như một thói quen cố hữu. Khi vào buồng rồi, Mị thấy phơi phới trở lại. Mị còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi. Đây là sự hồi sinh những nhận thức về giá trị của bản thân. Mị thấy mình cũng có quyền được sống, được đi chơi như bao người khác, đó cũng là lúc Mị nhận thức được thực tại trớ trêu của mình. Niềm vui nho nhỏ vừa bừng thức không đủ để Mị vượt qua. Mị muốn chết, chính suy nghĩ ấy đã kéo ý thức sống của Mị trỗi dậy sau bao nhiêu năm.
+ Hồi sinh khát khao, hành động: Những sục sôi trong tâm hồn đã thôi thúc Mị có những hành động táo bạo: lấy thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, với tay lấy cái váy qua… Mị thắp là thắp cho căn phòng đỡ tối hay là thắp ánh sáng cho cuộc đời của mình. Mị quên hẳn đi sự có mặt của A Sử hành động như một con người tự do.
=> Sự hồi sinh này bị vùi dập nhanh chóng. A Sử trói Mị vào cột nhà, lấy tóc để trói người, bỏ lại mình Mị trong bóng tối.
- Khi bị trói đứng:
+ Những ảo giác về tuổi trẻ, tình yêu vẫn đưa hồn Mị theo tiếng sáo, quên hẳn những đau đớn về thể xác. Nó như một thứ ma lực mạnh mẽ nâng hồn Mị vượt lên hoàn cảnh. Nó là tiếng thổn thức của tâm hồn Mị, khiến cho Mị vùng bước đi nhưng Mị bừng tỉnh bởi sợi dây cứa vào chân đau đớn. Mị không nghe thấy tiếng sáo nữa, mà là tiếng ngựa nhai cỏ - đó là âm thanh của thực tại. Nó kéo Mị trở về kiếp sống không bằng một con ngựa.
2, Đêm đông khi thấy A Phủ bị trói đứng
- Sau đêm tình mùa xuân, thái độ và vẻ ngoài của Mị lại trở về như lúc trước: nhẫn nhục, vô cảm. Nhưng sức sống một khi đã trỗi dậy sẽ trở về trong một đêm ở Hồng Ngài.
+ Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng mấy ngày đêm Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Hành động này là hiển nhiên bởi cảnh này ở nhà thống lí vô cùng quen thuộc. Không chỉ vô cảm với chính A Phủ, mà Mị cũng vô cảm với chính mình. Đó là biểu hiện của sự tê liệt cảm xúc. Cái dửng dưng là hậu quả của những ngày sống không ra sống, chết không ra chết.
+ Một cái gì chưa chết hẳn trong Mị bỗng thức dậy khi ngẫu nhiên Mị quay sang và nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ. Hình ảnh ấy khiến cho Mị thức tỉnh ra. Một chàng trai mạnh mẽ, khỏe khoắn là thế mà giờ đây đứng khóc một mình khi bị trói đứng, hai má sạm đen lại. Hình ảnh ấy tác động mạnh mẽ vào tâm trí của Mị, khiến Mị nhớ lại cảnh mình bị trói như này. Vì thương mình nên mới giúp Mị đồng cảm với A Phủ.
+ Rồi Mị lại nhớ câu chuyện về người đàn bà, của A Phủ sắp tới và tưởng tượng ra tình cảnh mình chết nếu cứ bị trói đứng như thế. Sau sự liên tưởng ấy, Mị thức nhận rằng tất cả sự chết ấy đều có nguyên nhân từ cha con nhà thống lí. Mị đã liều lĩnh hành động, rón rén cắt đứt dây mây. Đến khi xong, Mị lại hốt hoảng, đó là biểu hiện tâm lí tất yếu, nỗi lo sợ tất yếu cố hữu lại hiện về.
+ Sau khi A Phủ đi rồi, Mị lặng đi trong suy nghĩ, chợt hiểu ra mình cần phải làm gì: phía sau lưng là cuộc sống nô lệ mỏi mòn - phía trước là sự hối thúc và giục giã của ánh sáng tự do. Chỉ một thời khắc nhưng đủ để cho Mị hiểu rằng chỉ có một giải pháp ấy thôi, cứu thoát mình ra khỏi cuộc sống bế tắc. Quyết định này tuy đột ngột nhưng hợp lí vô cùng, bởi lẽ khi giải thoát cho A Phủ, trái tim nhân hậu hồi sinh, khát vọng sống cũng hồi sinh.
+ Mị chạy đi. Những hành động liên tiếp được miêu tả trong câu văn ngắn, mạnh mẽ, dứt khoát. Hành động của Mị đi nhanh hơn cả lí trí, hành động ấy là bị xui khiến bởi khát vọng sống. Người đàn bà vô cảm lặng câm tưởng như tượng đá đang cất tiếng xin được giải thoát, khát khao được sống. Tô Hoài đã miêu tả những diễn biến tâm lí nhân vật tự nhiên, sống động và chân thật.

B, NHÂN VẬT A PHỦ
I, Giới thiệu nhân vật
- Là nhân vật chính thứ hai của truyện.
- Số phận và vẻ đẹp của A Phủ luôn song song với vẻ đẹp và số phận của Mị.
- Đường đời của A Phủ được xây dựng có phần giống với Mị, chỉ khác nhau trong biện pháp khắc họa, thể hiện.

II, Vẻ đẹp và phẩm chất
* Khỏe khoắn về thể chất => Vẻ đẹp của đứa con của núi rừng tự do
* Hồn nhiên trong sáng: Dù chẳng có quần áo mới, gia đình hạnh phúc nhưng A Phủ vẫn cứ mang sáo đi chơi ngày Tết.
* Ngay thẳng, trung thực: Việc A Phủ đánh A Sử không phải vì trả thù mà vì A Sử phá cuộc chơi. A Phủ đã đứng về lẽ phải. Khi bị bắt về, bị đánh, A Phủ không nói một lời, đầy bản lĩnh dám làm dám chịu. A Phủ như dòng suối nơi núi rừng.
* Niềm yêu sống, khát sống và yêu tự do
- Khi còn nhỏ bị bắn, A Phủ đã bỏ trốn lên núi cao, yêu tự do đến mức không quan tâm đến hậu quả việc mình làm.
- Khi trở thành con ở gạt nợ, A Phủ vẫn sống tự do như trước đây. Tuy nhiên nó bị trói buộc bởi sức mạnh thần quyền. Một chàng trai không biết sợ cái uy của ai mà lại sợ “con ma” nhà thống lí.
- Trong đêm bị trói, A Phủ muốn nhai đứt dây mây để trốn thoát và khóc. Giọt nước mắt ấy là khát vọng tự do của con người có lòng ham sống mãnh liệt đang phải đứng trên bờ vực của cái chết. Để rồi khi được Mị cởi trói, dù khuỵu xuống nhưng A Phủ vẫn vùng lên bỏ chạy, băng mình đến vùng đất tự do. Cuộc chạy trốn đó không chỉ giải thoát cho A Phủ mà còn nâng đỡ một con người là Mị.

III, Số phận
* Từ nhỏ A Phủ đã mồ côi cha mẹ, không thân thích, sống sót qua bệnh dịch, người làng đem A Phủ bán => thời thơ ấu của A Phủ sớm chịu cảnh màn trời chiếu đất. Là trẻ thơ nhưng đánh mất tuổi thơ.
* Lớn lên trở thành một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, chăm chỉ, con gái trong bản ai cũng thích mê => Nỗi khổ không buông bỏ anh mà ngày càng thắt chặt cuộc sống của anh: không nhà cửa, không nương rẫy… Dẫu có là nhiều người ao ước chăng nữa, A Phủ cũng không lấy được vợ. Cơ hội chạm tay đến hạnh phúc thật xa vời, như một giấc mộng khiến ta nghĩ đến mong ước của anh chàng Chí Phèo một đời chẳng thể nào thể hiện được. A Phủ là hiện thân của cuộc sống nghèo khổ, hủ tục thần quyền của người miền cao.
* Vì sự kiện đánh nhau với con trai nhà thống lí, A Phủ trở thành con ở gạt nợ:
- Nguyên nhân, A Phủ đánh A Sử do chơi xấu , phá lệ làng. Việc A Phủ đánh A Sử là đúng. Nhưng trớ trêu là người bảo vệ cái đúng lại thành kẻ có tội. Bản án cho A Phủ là mãn kiếp tàn đời.
- Nỗi khổ của A Phủ được thể hiện qua phiên xử và cuộc sống:
+ Chịu hình phạt nặng nề và vô lí qua vụ xử kiện oan uổng, A Phủ bị nhà thống lí khiêng mang về, trói và ném giữa nhà không khác gì đối xử với con vật. Phiên tòa được tiến hành một cách man rợ, kì bí. Tiếng mắng chửi, khói thuốc phiện hòa vào nhau…, cứ xong một đợt thuốc phiện lại đánh A Phủ.

+ Bị cáo không được thanh minh, xét xử bằng hành động đánh, chửi bới. Cứ thế đến sáng hôm sau mới được nghe tuyên án. Lí do A Phủ bị phạt vạ là vì A Phủ đánh con quan lớn, đúng lẽ phải chết nhưng vì khoan hồng nên chỉ bị phạt vạ. Phiên toàn thể hiện rõ sự bóc lột vô lí, và A Phủ phải vay 100 đồng bạc trắng để nộp phạt. Lần đầu tiên A Phủ thấy nhiều tiền đến vậy, cũng là lần cuối cùng để được chạm tới tự do. Thống lí đã biến A Phủ từ một chàng trai tự do thành một con nợ.
+ Sau khi thành con ở, A Phủ bị đày đọa thân xác, làm những việc mệt nhọc nguy hiểm, những việc luôn luôn phải ra nơi bìa rừng. Thế nhưng nó cũng cho A Phủ một cuộc sống bình thường.

+ Sau khi làm mất bò, A Phủ bị trói vào cột nhà đến khi nào tìm được con bò sống thì thôi. Trong con mắt của giai cấp thống trị, tài sản cao hơn mạng sống của một con người. Hắn mắng A Phủ là quân ăn cướp, bắt A Phủ tự tay đào hố chôn cọc, tìm dây mây để trói mình lại. Sự tủi nhục của nhân dân bị áp bức cho thấy sự vô nhân đạo của giai cấp thống trị.
 
  • Chủ đề
    sơ đồ tư duy tô hoài vợ chồng a phủ
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,620
    Bài viết
    467,360
    Thành viên
    339,821
    Thành viên mới nhất
    TrangDoji
    Top