Sơ đồ tư duy Vợ nhặt chi tiết đầy đủ nhất: nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, vợ Tràng

“Vợ nhặt” là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Kim Lân và được đưa vào trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 để các bạn học sinh được hiểu hơn về văn xuôi Cách mạng, hiện thực đời sống cùng nét đặc biết rất riêng trong văn chương của Kim Lân. Bởi vậy có thể nói, một câu chuyện nhặt vợ giữa ngày đói, với vài nhân vật nhỏ bé trong cảnh nghèo khổ nhưng qua đó lại mang đến vô vàn những giá trị sâu sắc cùng kiến thức cho ta về văn học nghệ thuật. Việc nắm vững bài học không chỉ là giúp ta có thêm hiểu biết, mà cũng là một cách để ta phát triển tư duy sáng tạo trong các bài thi, bài kiểm tra. Để có thể nắm chắc kiến thức, các bạn nên chia bài học ra thành các phần kiến thức trọng tâm để đọc và học cho rõ ràng dễ hiểu thay vì đọc phần phân tích trơn xuyên toàn bộ tác phẩm. Dưới đây là phần sơ đồ thống kê toàn bộ kiến thức của tác phẩm “Vợ nhặt” để các bạn hình dung rõ hơn về bài học cũng như nhận thấy được ưu điểm lớn của cách thống kê này. Chúc các bạn thành công trong học tập.

SƠ ĐỒ TƯ DUY TRUYỆN VỢ NHẶT

A, NHÂN VẬT TRÀNG
I, Hoàn cảnh
1. Gia cảnh

  • Là một nông dân trong xóm ngụ cư nghèo khổ.
  • Sống bằng nghề kéo xe bò thuê, cuộc sống hết sức bấp bênh.
2. Ngoại hình

  • Xấu xí, thô kệch.
  • “Cái đầu trọc nhẵn”; “cái lưng to rộng như lưng gấu”; “thân hình to lớn, vập vạp”; “hai con mắt nhỏ tí, gà gà” lúc nào cũng đắm vào bóng chiều.
3. Tính cách

  • Vụng về ngờ nghệch: Tràng thường hay trêu đùa với bọn trẻ con trong xóm, vừa đi vừa lẩm bẩm những gì mình nghĩ trong đầu.

  • Chất phác, tốt tính: Trong lúc cuộc sống tối sầm lại vì những đói khát, miếng ăn chính là sự sống, Tràng vẫn chia sẻ sự sống của mình cho một người đàn bà xa lạ.

  • Khao khát mãnh liệt được hạnh phúc: Giữa lúc đói khát, bản thân Tràng ý‎ thức rất rõ thóc gạo này không biết có nuôi nổi cái thân mình không mà còn đèo bòng thêm. Nhưng Tràng vẫn quyết định đưa người đàn bà về nhà. Cái chậc lưỡi không phải là sự liều lĩnh mà là sự lên tiếng khao khát hạnh phúc gia đình.
=> Đối lập giữa hoàn cảnh bản thân và tính cách, Kim Lân đã lột tả bản chất tốt đẹp của người nông dân, địa vị thấp kém nhưng luôn có những ước mơ cao đẹp, cuộc sống tăm tối nhưng luôn có những khát khao tươi sáng.
II, Diễn biến tâm trạng
1. Buổi chiều và tối hôm trước
a. Trên đường về nhà

  • “Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh.” Khuôn mặt ấy là phản chiếu niềm vui, niềm hạnh phúc.

  • Khi thấy mấy đứa trẻ con ùa ra xem, Tràng “vội vàng nghiêm mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng” để nhắc nhở chúng không được trêu đùa như mọi khi. Ấy là ‎ý thức chở che người phụ nữ đi bên cạnh mình của Tràng, hay cũng chính là chở che bảo hộ người vợ, người nhà của mình.
b. Khi về nhà

  • Có cảm giác bối rối ngượng ngùng, không biết nói gì với người vợ mới. Hết đi ra rồi lại đi vào, chạy ra ngõ đứng đợi ngóng.

  • Tràng cảm thấy băn khoăn khó hiểu trước nét mặt bần thần của người vợ nhặt, cứ tự hỏi trong lòng không biết tại sao.

  • Khi người mẹ trở về, Tràng lật đật chạy ra đón rồi như là sốt ruột mà hơi trách mẹ về muộn. Hắn giới thiệu với bà người vợ mình bằng thái độ vừa trân trọng, vừa yêu thương: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!”. Sự nhiệt tình, vội vã giới thiệu của Tràng phần nào thể hiện nó niềm hạnh phúc đang trào dâng trong hắn.
=> Nhạy cảm, biết quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Nhà văn đã để cho những vẻ đẹp sâu bên trong tâm hồn nhân vật thức dậy rất tự nhiên.
2. Buổi sáng hôm sau

  • Tràng cảm thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra” vậy. Đó là tâm tràn của một người được đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào và nồng nàn như men rượu. Đó cũng là cảm giác bay bổng và thăng hoa của một tâm hồn con người vừa được yêu thương chắp cánh.

  • Tràng còn cảm nhận được luồng sinh khí mới đang bừng lên dưới ánh sáng lấp lóa của buổi sớm mùa hè trong quang cảnh sạch sẽ của ngôi nhà vừa được dọn dẹp. Hắn cũng cảm động trước cảnh người mẹ đang lúi húi dọn cỏ, người vợ đang chăm chú quét dọn.

  • Ý thức trách nhiệm và bổn phận thức dậy trong tâm tri của Tràng. Hắn ý thức được rằng ngôi nhà chính là tổ ấm, thấy yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn cảm thấy hắn nên người, có trách nhiệm và bổn phận lo lắng cho vợ con sau này.
=> Nhà văn đã dịch chuyển điểm nhìn vào bên trong, miêu tả tinh tế những biến chuyển logic và biện chứng trong tâm hồn nhân vật. Hạnh phúc và yêu thương giống như cây đũa thần trong cổ tích, có khả năng phục sinh con người, biến Tràng từ gã trai ngờ nghệch thành người đàn ông nhạy cảm, sâu sắc. Thật đúng như lời Andecsen đã từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc đời viết nên.”

B. NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ
I, Hoàn cảnh
Người mẹ nghèo khổ, không đủ tiền cưới vợ cho con. Bởi vậy bà rơi vào thế bị động và rất bất ngờ trước sự kiện quan trọng của con trai mình.
II, Diễn biến tâm trạng
1. Tối hôm trước
a. Khi bước vào nhà: Ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ ở trong nhà. Sự ngạc nhiên ấy được biểu thị bằng một loạt những câu hỏi. Bà không tin vào mắt mình mà hấp háy cặp mắt cho đỡ nhòe.
b. Khi hiểu ra cơ sự: Lòng người mẹ dâng lên những xúc cảm trái chiều.

  • Vừa mừng vừa tủi: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…” Mừng vì con trai lấy được vợ, còn tủi vì làm mẹ mà không lo được việc lớn cho con. Nỗi tủi hờn chứa đựng trong dấu ba chấm, không cất được thành lời.

  • Vừa yêu thương vừa xót xa: Thương con trai vì nhờ đói khát mới có cơ hội được chạm tay tới hạnh phúc. Xót xa cho người con dâu vì đói khát mà theo không, bám víu lấy con trai mình. Trong lòng bà không gợi chút nào cảm giác coi thường, trái lại, tình yêu thương thấm đẫm trong từng câu chữ. “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…” Nếu bằng lòng là chấp nhận thì “mừng lòng” là đón nhận, trân trọng, trả lại danh dự cho người vợ, câu chuyện nhặt vợ trở thành câu chuyện duyên kiếp lứa đôi. Người vợ bước vào gia đình bằng sự nhân hậu vị tha của người mẹ, bằng sự trân trọng yêu thương.

  • Vừa lo âu vừa hi vọng: Là người từng trải, bà cụ Tứ hiểu rõ cái bóng tối của đói khát đang bủa vây lấy các con mình. Cái nỗi đau của người mẹ hiện ra, đau đáu. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.”; “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...” Rồi bà hướng các con đến tương lai bằng những lời động viên ấm lòng người: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời?...”
2. Sáng hôm sau

  • Gương mặt: “Tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên.”

  • Hành động: Dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị một nồi chè khoán rồi đon đả múc vào bát cho các con, bàn bạc với con về công việc gia đình, chuyện làm ăn tương lai. Người mẹ không chỉ chăm lo vun vén cho hạnh phúc gia đình của các con mà còn hướng các con đến tương lai bằng niềm tin trong sáng và khỏe khoắn.
=> Thông qua bà cụ Tứ, Kim Lân cho ta thấy: trong thảm vực của đói khát, những người dân nghèo vẫn nhen nhóm và giữ ngọn lửa hi vọng, vẫn tin yêu cuộc sống. Dưới ngòi bút tinh tế của tác giả, những chồi xanh hi vọng được nảy mầm từ những gốc cây già, sự sống nảy mầm lên từ đói khát, hi vọng bừng lên từ những con người tưởng như đã cạn kiệt sức sống.


C, NHÂN VẬT NGƯỜI VỢ NHẶT
I, Giới thiệu

  • Nhân vật người vợ xuất hiện không hề có lai lịch, không hành trang.

  • Nhà văn gọi nhân vật bằng các đại từ “thị, người đàn bà”, tạo ấn tượng về người vô danh bé nhỏ, phải tha hương kiếm sống. Đó là hình ảnh điển hình của những phận người khốn cùng trong đói khát.
II, Diễn biến tâm trạng

  1. Trước khi về làm vợ Tràng

  • Ngoại hình: Tiều tụy xơ xác, kiệt quệ. Quần áo tả tơi, gương mặt lưỡi cày xám xịt.

  • Ngôn ngữ: Cong cớn, chao chát, trỏng lỏn. “Điêu! Người thế mà điêu!”; “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.”; “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.” ….

  • Hành động: Vô duyên, sấn sổ, bất chấp: ton ton ra đẩy xe bò cho Tràng; sưng xỉa đến trước mặt Tràng đòi ăn; cúi đầu ăn một chập 4 bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì. Không chỉ vậy, thị còn cố tính biến lời nói đùa thành thật, theo không một người đàn ông xa lạ.
=> Thị đã bị cái đói làm cho biến dạng hình hài lẫn nhân cách, sẵn sàng bất chấp thể diện vì cái ăn.
2. Sau khi về làm vợ Tràng

  • Trên đường về xóm ngụ cư: Thị cúi mặt, có vẻ rón rén e thẹn. Hành động chứa đựng một chút xấu hổ của một cô dâu mới và cái tủi hổ của một người vợ theo không.

  • Khi vào nhà: Nhìn khung cảnh chung quanh mà nén một tiếng thở dài rồi ngồi mớm xuống mép giường, nét mặt bần thần. Đằng sau các chi tiết, người ta thấy hình ảnh người đàn bà chao chát được thay bằng hình ảnh về một người phụ nữ tế nhị, ‎ý tứ và đầy ý thức về bản thân. Vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật dần dần được lộ diện.

  • Buổi sáng hôm sau: Dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, ngoan ngoãn đáp lời bà cụ Tứ. Sự xuất hiện của người vợ nhặt đã tạo nên một luồng sinh khí mới mẻ. Dưới cái nhìn đồng cảm của Kim Lân thì hành động theo không về làm vợ Tràng cũng không hẳn là vì đói khát mà đó là hành động bám riết lấy sự sống, đồi lại sự sống của một con người khao khát sống và khao khát hạnh phúc mái ấm gia đình. Trong bữa cơm ngày đói, thị điềm nhiên và miếng cháo cám đắng chát rồi nuốt xuống, điều đó thể hiện sự chấp nhận gia đình và người chồng, thể hiện ý thức đối diện và vượt lên trên hiện thực để vun đắp hạnh phúc. Thị thực sự đã trở thành một người đàn bà đúng mực.
=> Bằng các chi tiết nghệ thuật tinh tế, Kim Lân đã phát hiện và khẳng định vẻ đẹp nữ tính, khát vọng sống tiềm ẩn bên trong nhân vật người vợ nhặt.
 
  • Chủ đề
    sơ đồ tư duy vợ nhặt
  • Top