Sống khỏe với thể thao chuyên nghiệp

TTCT - Có thể nói đã qua rồi thời vận động viên các môn thể thao cá nhân sống chật vật với số tiền ít ỏi từ cơ quan chủ quản. Nếu thật sự có tài năng cùng một chút may mắn, các ngôi sao thể thao vẫn có thể làm giàu từ sự lựa chọn của mình.
ImageView.aspx


Lê Quang Liêm “săn” khá nhiều giải thưởng ở nước ngoài thời gian gần đây - Ảnh: Trung Dân
Ngày 20-10, Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã có mặt tại Pháp để tham dự Giải cờ vua nhanh quốc tế Cap d’Agde lần 9-2010 theo lời mời của tạp chí cờ vua Europe Echecs. Cơ hội tranh tài với các đối thủ hàng đầu thế giới còn là dịp để hai kỳ thủ này kiếm thêm thu nhập, bởi giải có tổng tiền thưởng 48.000 euro, trong đó chức vô địch được 16.000 euro.
“Vua” săn giải thưởng
Danh hiệu này được giới thể thao dành tặng Lê Quang Liêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong mười tháng đầu năm 2010 kỳ thủ 19 tuổi này đã kiếm được hơn 1 tỉ đồng tiền thưởng từ các giải đấu quốc gia và quốc tế. Cụ thể với chức vô địch Giải Aeroflot mở rộng tại Nga - giải được xem là danh giá nhất châu Âu với 160 kỳ thủ tham dự, Quang Liêm đã nhận được 21.000 euro tiền thưởng (gần 530 triệu đồng).
Trước đó, khi tham dự Giải Matxcơva mở rộng, anh có được 8.000 euro cho danh hiệu HCĐ. Ngoài ra, danh hiệu á quân Giải các siêu đại kiện tướng quốc tế ở Dortmund (Đức) cũng giúp kỳ thủ này có thêm 7.000 euro.
Gần đây nhất là đồng đoạt chức vô địch Giải cờ vua tưởng niệm cố chủ tịch Fide - Florencio Campomanes tại Philippines đã bổ sung vào tài khoản của Quang Liêm 9.500 USD tiền thưởng. Chưa kể tại Giải vô địch cờ vua quốc gia 2010 - sân chơi rất ít tiền thưởng, Quang Liêm bỏ túi 4.000 USD tiền thưởng từ nhà tài trợ Công ty Phương Trang.
Tuy nhiên để có được số tiền “khủng” đó, đổi lại Lê Quang Liêm đã mất nhiều thứ, trong đó kể cả việc phải bảo lưu chuyện học văn hóa tại Trường ĐH Sài Gòn để tập trung theo nghiệp cờ. Quang Liêm cho biết mỗi ngày anh dành khoảng bốn giờ tập luyện cờ và thời gian nhiều hơn trước các giải đấu lớn. Cụ thể như chuẩn bị Giải các siêu đại kiện tướng quốc tế vừa qua, Quang Liêm tập luyện khoảng 10 giờ/ngày.
ImageView.aspx


Từ thành tích ban đầu ở các giải trong nước, Tiến Minh tiến thẳng ra đấu trường khu vực và thế giới - Ảnh: Tr.D.
Và “vua” nhận tài trợ
Nếu Quang Liêm dẫn đầu về việc săn giải thưởng thì Nguyễn Tiến Minh là VĐV số 1 về nhận tài trợ. Cách đây khoảng năm năm, khi một mình mò mẫm cầm vợt bước ra sân chơi quốc tế, Tiến Minh chỉ đặt mục tiêu học hỏi chuyên môn. Nhưng kể từ khi thăng tiến trong nghề nghiệp và có mặt trong top 10 thế giới, cuộc sống của Tiến Minh đã thay đổi.
Cụ thể với chiến tích vươn lên xếp hạng 7 thế giới, kể từ ngày 1-10-2009 Tiến Minh đã được tưởng thưởng xứng đáng khi Công ty Becamex Bình Dương đồng ý nâng mức tài trợ cho anh từ 20 triệu lên 50 triệu đồng/tháng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tổng thu nhập hằng tháng của Tiến Minh từ nhà tài trợ Becamex Bình Dương, Công ty dụng cụ thể thao Victor và các khoản lương, trợ cấp khác từ đơn vị chủ quản TP.HCM tròm trèm 100 triệu đồng.
Ngoài ra, tiền thưởng ở giải đấu Grand Prix Gold và Super Series... cũng giúp Tiến Minh có thêm điều kiện theo đuổi con đường cầu lông chuyên nghiệp. Đơn cử, chức vô địch Giải cầu lông Đài Loan Grand Prix Gold 2009 mang về cho Tiến Minh gần 13.000 USD tiền thưởng. Ngoài ra, trong mười tháng đầu năm 2010 anh nhận được khoảng 20.000 USD tiền thưởng từ chức vô địch Giải cầu lông Grand Prix Thái Lan, chức vô địch Giải cầu lông Grand Prix Úc và một số giải đấu khác trong hệ thống Super Series.
Để đạt được thành tích như trên là chuyện khó, song giữ được thành tích còn khó hơn rất nhiều. Tiến Minh cho biết hiện nay ngoài cầu lông, hầu như anh chẳng có thời gian quan tâm những việc khác. Mỗi ngày Tiến Minh dành trung bình 6-8 giờ tập luyện, thời gian còn lại để nghỉ ngơi hồi phục, đồng thời nghiên cứu các đối thủ qua băng đĩa.
Về chuyên môn, Tiến Minh cho rằng từ khi có chuyên gia Asep (Indonesia) kèm cặp, anh đã cải thiện khá nhiều về kỹ thuật, chiến thuật. Tuy nhiên, tay vợt số 1 VN thẳng thắn nhìn nhận những thành tích anh gặt hái được thời gian qua đều có phần may mắn. Anh tâm sự: “Các tay vợt hàng đầu thế giới được đào tạo bài bản, đồng thời có sự hỗ trợ tối đa từ các công cụ khoa học, y học... trong khi ở VN, mình chủ yếu là tự thân vận động”.
ImageView.aspx


Đài Trang quyết tâm tìm hướng đi cho sự nghiệp ở các giải trong khu vực - Ảnh: Tr.D.
Những VĐV trẻ tìm hướng đi riêng
Có thể nói câu chuyện thu nhập của Quang Liêm và Tiến Minh đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng tích cực cho thể thao VN. Trường hợp VĐV quần vợt 15 tuổi Nguyễn Hoàng Thiên được gia đình sẵn sàng đầu tư 1 triệu USD để quyết chí trở thành tay vợt chuyên nghiệp là một minh chứng.
Tuy còn quá sớm để trông chờ Thiên sẽ gặt hái thành công như đàn anh Quang Liêm hay Tiến Minh, nhưng thành tích ấn tượng thời gian gần đây như hai lần đoạt chức vô địch nhóm 5 lứa tuổi U-18 ITF, vào bán kết Giải vô địch quốc gia 2010... phần nào cho thấy sự lựa chọn của gia đình Thiên là có cơ sở. Gia đình Hoàng Thiên cho biết vừa qua Công ty sản xuất, kinh doanh dụng cụ thể thao Yonex đã nhận lời tài trợ cho Hoàng Thiên 10.000 USD/năm (thời hạn ba năm).
Ngoài khoản tài trợ bằng tiền mặt đó, Hoàng Thiên còn được cung cấp vợt, trang phục... của Yonex. Tại Á vận hội 2010 diễn ra vào tháng 11 tới ở Bắc Kinh, Thiên là một trong các vận động viên trẻ nhất của VN được vinh dự khoác áo đội tuyển quốc gia tranh tài.
Tương tự là trường hợp Huỳnh Phương Đài Trang, tân vô địch đơn nữ quần vợt quốc gia. Quyết tâm đưa con trở thành tay vợt nhà nghề, thời gian qua ba mẹ của Đài Trang đã đầu tư không ít tiền của, thậm chí chấp nhận bán căn nhà để lo cho con. Khi bài báo này đến với bạn đọc, có lẽ cô gái 17 tuổi Huỳnh Phương Đài Trang cùng mẹ đã dừng chân tại Thái Lan hoặc Đài Loan trong hành trình tham dự các giải thuộc hệ thống Women’s Circuit.
Dù xuất phát điểm của các vận động viên có khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là làm giàu chính đáng bằng mồ hôi, sức lao động và tài năng của mình.
ImageView.aspx


Nguyễn Hoàng Thiên thi đấu giao lưu tại Giải Heineken Stars đầu tháng 10-2010 - Ảnh: Tr.D.
TRUNG DÂN
Thể thao VN cũng được nhờ
“Nếu xem tài trợ cho thể thao là một thị trường, thì việc các vận động viên (VĐV) thời gian qua nhận được những hợp đồng tài trợ giá trị, cụ thể là tay vợt Nguyễn Tiến Minh, đã chứng minh một điều: tài năng đó đã được thị trường thừa nhận. Mà thị trường thì rất công bằng, không phải vô cớ nhà tài trợ bỏ ra nhiều tiền nếu không mang lại lợi ích cho họ.
Ngày càng có nhiều nhà tài trợ tham gia, không chỉ tăng cường nguồn tài chính giúp những VĐV tài năng có điều kiện cải thiện cuộc sống, qua đó còn góp phần kích thích các VĐV trẻ phấn đấu. Chuyện các VĐV được mời xuất ngoại thi đấu đồng thời đoạt giải thưởng không chỉ có lợi cho bản thân VĐV mà thể thao VN cũng được tự hào và vinh dự chung.
Từ trước đến nay, quan điểm nhất quán của thể thao TP.HCM là luôn ủng hộ và khuyến khích VĐV xuất ngoại thi đấu để đoạt giải thưởng quốc tế chứ không chỉ quanh quẩn các giải trong nước”.
Ông MAI BÁ HÙNG
(phó giám đốc phụ trách thể thao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM)
Theo TTO
 
  • Chủ đề
    cách dẫn đầu ngôi sao nhất thế giới
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,752
    Bài viết
    467,583
    Thành viên
    339,851
    Thành viên mới nhất
    Đông Âu
    Top