Tả con lợn lớp 4, bài văn tả con heo nhà em ngắn gọn hay nhất

Hướng dẫn làm bài văn ngắn gọn miêu tả con lợn nhà em nuôi hoặc miêu tả con heo. Từ hàng ngàn năm qua, con người đã biết thuần hóa nhiều loài vật hoang dã làm vật nuôi để cung cấp thịt ăn hằng ngày. Tiêu biểu nhất phải kể đến loài lợn. Lợn là vật nuôi đã quá đỗi quen thuộc với cuộc sống của chúng ta phải không nào? Ngay cả bữa cơm hằng ngày, thịt lợn cũng là món chủ chốt của mọi gia đình. Lợn có thể được nuôi riêng lẻ, nuôi theo đàn, hoặc nuôi thành trang trại. Có khá nhiều giống lợn khác nhau: lợn rừng, lợn đê, lợn Móng Cái, lợn Ỉ,... Hoặc chia theo công dụng của lợn như lợn giống, lợn sề, lợn nái,... Tuy nhiên dù là giống lợn nào, khi miêu tả đều cần miêu tả từ chung đến riêng. Có thể các em chưa từng được tận mắt trông thấy một chú lợn ngoài đời, nhưng có thể xem ở sách báo, ti vi,... Khi tả lợn, chúng ta sẽ tả từ hình dáng bên ngoài đến từng bộ phận tách biệt, kết hợp tả tiếng kêu của lợn, một số hoạt động thường thấy của chúng. Dưới đây chúng tôi xin phép đưa ra hai bài văn ngắn để các em tham khảo.

BÀI VĂN TẢ CON LỢN SỐ 1
Nhà dì em nuôi một trang trại lợn, mỗi lần về quê chơi em lại tranh thủ đến trang trại xem dì làm việc. Trong trang trại có hàng trăm chú lợn, nhưng em thích nhất là ngắm nhìn chuồng nuôi toàn lợn con của dì. Chuồng này có 7 chú lợn con, trong số đó em đặc biệt chú ý đến chú lợn mũm mĩm nhất bầy.

Chú lợn này không có làn da thuần màu hồng hay trắng như chúng bạn mà có vài khoang đen lớn ở đầu và phần lưng. Cả người chú dài ngang một quả bí và béo tròn ục ịch. Lớp lông trên người chú lưa thưa, mềm mại, chưa thô cứng như lợn trưởng thành. Cái lưng ngắn võng xuống vì sức nặng của cái bụng như mo cau úp. Nhìn chú em lại liên tưởng đến đòn gánh nặng trĩu mà ngày trước bà ngoại vẫn hay gánh trên vai.

Đầu chú to ngang nắm tay người lớn, mặt lúc nào cũng xệ xuống trông như đang buồn ngủ rất buồn cười. Hai tai nhỏ màu hồng phấn như hai cái nấm mèo lúc nào cũng dựng lên ra chiều thích thú, thỉnh thoảng lại động đậy như đang nghe ngóng điều gì. Hai mắt to tròn như hòn bi ve lúng liếc nhìn em mới đáng yêu làm sao! Thấy em cứ đứng ngắm mãi, chú lại ủi cái mõm dài vào tường rồi kêu lên vài tiếng “ụt ịt” vui tai. Đuôi của chú ngắn tủn chưa được nửa gang tay, lại xoăn tít như sợi mì tôm vậy.

Đúng lúc đến giờ cho ăn, dì em vừa gõ gõ cái xoong báo hiệu, cả trang trại lợn đã ầm ĩ bài ca “éc éc”, con nào con nấy chõ mõm lên thành chuồng hau háu nhìn về phía dì. Chuồng lợn con này cũng không ngoại lệ, nhất là chú lợn ú nu nhất mà em vẫn chú ý. Có lẽ chú rất phàm ăn, lúc cám được đổ vào máng, bằng tốc độ nhanh nhất, bốn chiếc chân ngắn tủn lon ton dẫn đầu đàn lợn chạy đến vục mõm hì hục ăn lấy ăn để. Cả đàn lợn con dạng chân chen chúc nhau ngấu nghiến cả cám gạo và rau lẫn lộn, vừa ăn vừa phát ra tiếng sùn sụt ngộ nghĩnh.

Nhìn chúng ăn chừng một lúc, dì em gọi vào ăn cơm trưa, lúc đó em mới quyến luyến rời khỏi chú lợn con dễ thương. Mặc dù lợn không thể trông nhà như chó hay bắt chuột như mèo, nhưng chúng có thể mang lại nguồn thu về kinh tế cho nhà chủ. Em hi vọng cả trang trại lợn sẽ mập mạp khỏe mạnh để dì em được hưởng thành quả bấy lâu.

BÀI VĂN TẢ CON LỢN SỐ 2
Nhà em ở nông thôn nên từ bé em đã quá quen thuộc với hình ảnh một đàn gà cục tác gọi nhau ở góc sân, chó sủa inh tai mỗi khi khách đến, tiếng vịt quạc quạc thi nhau nhảy xuống ao. Đặc biệt nhất đối với em, mà có lẽ sau này lớn lên em vẫn sẽ nhớ lại chính là chú lợn đê duy nhất được nuôi sau vườn.

Chú lợn này không phải do nhà em mua về, mà là một người họ hàng xa từ miền ngược mang đến cho từ khi nó còn bé xíu. Bởi vì là giống lợn nguyên gốc của người đồng bào nuôi, chú không quá mức ục ịch mà có thân hình khá thon gọn. Thú vị nữa là chú không có chiếc áo hồng hào hay khoang đen trắng mà lại đen trũi một màu. Chú dài độ khoảng gần 1 mét, cao nửa mét. Phủ trên người là những chiếc lông ngắn và thô cứng, mọc lởm chởm nhìn rất đáng yêu.

Đầu chú to như quả đu đủ, cái mõm dài lúc nào cũng ủi đất đến lấm lem. Hai tai nhòn nhọn đen nhánh thỉnh thoảng lại ve vẩy đuổi ruồi. Chú có đôi mắt to tròn, đen láy, nhiều lúc trong bóng đêm em cũng không thể nhận dạng được chú ở vị trí nào nữa. Miệng chú khá rộng, bất cứ thứ gì ném vào đều xồng xộc nhai gọn ghẽ. Ba em không cho chú ăn cám nhiều, chủ yếu ăn rau và lúa, bắp. Mỗi lần có đồ ăn, cái miệng đầy răng sắc nhọn ấy lại hoạt động hết công suất, nhai rau ráu ngon lành.

Đến bây giờ chú đã hơn gần 1 tuổi và vẫn được ba em thả rông cho tự do chạy trong một góc vườn lớn đã quây lưới lại. Ba em bảo giống lợn này không giống như lợn ăn cám cò ở đây nên phải thả ra như thế thịt mới chắc, nhốt lại sẽ tích mỡ chứ không tạo thịt được. Thảo nào mà bốn chân chú không ngắn như lợn thường, đùi cũng săn chắc hơn hẳn. Không những vậy, chú cũng rất khôn. Đến giờ ăn mà ba mẹ em bận rộn quên mất, chú liền ngoác cái miệng rộng kêu lên “éc éc” inh ỏi khắp vườn để gây sự chú ý. Một sở thích của chú là lăn lộn trên bãi đất. Hễ ăn xong là chú lại nằm ườn ra lăn qua lăn lại chơi đùa làm đất cát dính cả vào bộ lông.

Chú lợn này đã gắn bó với em suốt thời gian qua, dần dần trở thành một người bạn đáng yêu mà mỗi khi rảnh rỗi em lại chạy ra ngắm nhìn. Mỗi ngày em sẽ phụ giúp ba mẹ chăm sóc chú đều đặn để chú đẫy đà hơn nữa.
 
  • Chủ đề
    bài văn tả con lợn tả con heo tả con lợn
  • Top