Nền độc lập của Nam Sudan bắt đầu sau nhiều thập kỷ xung đột với miền bắc trong cuộc nội chiến làm khoảng 1,5 triệu người thiệt mạng. Lễ lập quốc ở quốc gia châu Phi này mở màn lúc nửa đêm theo giờ địa phương và tất cả dõi theo chiếc đồng hồ đếm ngược đặt tại trung tâm Juba. Khi đồng hồ điểm đến số 0, quốc thiều mới của Nam Sudan vang lên trên sóng truyền hình.
Người dân Nam Sudan đổ ra đường vẫy quốc kỳ mới để ăn mừng từ nửa đêm. Họ đánh trống và hô vang tên của Tổng thống Salva Kiir Mayardit. Đỉnh điểm của lễ lập quốc diễn ra vào trưa nay khi Nam Sudan tổ chức nghi lễ ra mắt chính thức với thế giới. Chủ tịch Quốc hội Nam Sudan James Wani Igga đọc bản tuyên ngôn độc lập và cờ của Sudan sẽ được hạ xuống để thay bằng quốc kỳ Nam Sudan.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cùng nhiều quan chức quốc tế có mặt tham dự lễ lập quốc của Nam Sudan tại thủ đô của nước này là Juba. Trong số đó có cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice và tư lệnh sở chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ, tướng Carter Ham.
Quốc gia mới ở châu Phi có trữ lượng dầu mỏ phong phú nhưng lại là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, nơi cứ 7 trẻ em có một em qua đời trước 5 tuổi. Tỷ lệ mù chữ của nước này cũng đặc biệt cao và phần lớn trẻ em dưới 13 tuổi không được đến trường. Có 84% phụ nữ Nam Sudan không biết đọc
Những bất đồng chưa được giải quyết giữa hai miền nam bắc Sudan, đặc biệt là đường biên giới, cũng có khả năng gây ra các cuộc xung đột trong tương lai. Ngoài ra còn có ít nhất 7 nhóm phiến quân đang hoạt động tại Nam Sudan, có thể đe doạ đến sự bất ổn của quốc gia non trẻ này bất cứ lúc nào.
Trước đó, nước anh em Sudan đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận láng giềng mới. Nam Sudan là quốc gia độc lập thứ 193 trên thế giới được Liên Hợp Quốc công nhận. Cuộc trưng cầu dân ý về việc tách Nam Sudan khỏi Sudan thành quốc gia độc lập đã nhận được sự ủng hộ của 99% người bỏ phiếu.
BBC cho biết, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir nhấn mạnh rằng nước ông "sẵn sàng làm việc với người anh em miền nam" và giúp họ lập quốc để đất nước này ổn định và phát triển. Tuy nhiên, hai miền Sudan vẫn chưa giải quyết xong hai điểm tranh chấp biên giới tại Abyei và South Kordofan khiến hàng trăm nghìn người vẫn phải đi sơ tán.
Hai miền còn phải bàn thảo để quyết định hàng loạt vấn đề như phân chia các khoản nợ cũng như lợi ích từ dầu mỏ. Tư cách công dân cũng là vấn đề chưa đi đến thống nhất cuối cùng. Một điều luật mới của quốc hội Sudan vừa phê chuẩn đã rút quyền công dân Sudan của tất cả những người miền nam.
Theo VnExpress