Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, xét đến cùng là thích một con người - Sóng

Đề bài: Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, xét đến cùng là thích một con người”. Làm sáng tỏ ý kiến qua đoạn thơ: “Con sóng dưới lòng sâu… Cả trong mơ còn thức”

Trong các nhà thơ nữ Việt Nạm, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu nhưng có lẽ Sóng là bài thơ đặc sắc hơn cả. Dưới đây là bài văn mẫu cho đề bài Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, xét đến cùng là thích một con người”. Làm sáng tỏ ý kiến qua đoạn thơ: “Con sóng dưới lòng sâu… Cả trong mơ còn thức”

Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt của một trái tim tuổi trẻ. Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và khát khao dâng hiến cho tình yêu, một Nguyễn Bính mơ màng tìm về tình yêu đồng nội, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái… nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh, cái khát vọng rất đỗi đời thường của con người đó mới được bộc bạch, mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ vậy: một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, đang khao khát yêu đương. Qua bài thơ “sóng” của Xuân Quỳnh ta thấy được tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường. Và trong chương trình ngữ văn lớp 12 ta bắt gặp đề bài Nguyễn Đình Thi cho rằng: "Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, xét đến cùng là thích một con người". Ở đề bài này, trước hết các bạn cần đảm bảo cấu trúc của một bài văn gồm mở bài, thân bài, kết bài và bên cạnh đó các bạn cần vận dụng các thao tác như so sánh, phân tích, liện hệ… Và sau đây là bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn thành công!

thich-mot-bai-tho-la-thich-mot-cach-nhin-nguyen-dinh-thi.jpg


BÀI VĂN MẪU SỐ 1 ĐỀ BÀI NGUYỄN ĐÌNH THI CHO RẰNG “THÍCH MỘT BÀI THƠ LÀ THÍCH MỘT CÁCH NHÌN, CÁCH CẢM, CÁCH NGHĨ, XÉT ĐẾN CÙNG LÀ THÍCH MỘT CON NGƯỜI”. LÀM SÁNG TỎ Ý KIẾN TRÊN QUA ĐOẠN THƠ “CON SÓNG DƯỚI LÒNG SÂU...CẢ TRONG MƠ CÒN THỨC”
“Thơ với cuộc sống cũng như người con gái đối với gia đình, cái để làm quen là nhan sắc nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Cũng vì vậy, mà đến với thơ, ta như đi gặp và sống cùng một con người: “ Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, xét đến cùng là thích một con người”. Qua đoạn thơ sau, ta sẽ hiểu hơn về ý kiến trên :
  • “ Con sóng dưới lòng sâu
  • Con sóng trên mặt nước
  • Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được
  • Lòng em nhớ đến anh
  • Cả trong mơ còn thức”.

Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn, âu lo trong cuộc sống đời thường. Thơ Xuân Quỳnh vừa táo bạo mãnh liệt, lại vừa dịu dàng, vừa hồn nhiên trực cảm, vừa sâu lắng suy tư. “Sóng” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền Thái Bình Xuân Quỳnh đã sáng tác bài thơ. Khi đó Xuân Quỳnh đã nếm đủ ngọt ngào và cay đắng trong tình yêu đã vun đắp và trải nghiệm sự tan vỡ. Thế nhưng, tình yêu trong Sóng vẫn tràn đầy khao khát và khát vọng. Bài thơ là những vần thơ tươi xanh viết về tình yêu trong thời kì lửa cháy của chiến tranh cách mạng.

Đoạn thơ là khổ thơ thứ 5 của tác phẩm. Ở đó, nhà thơ viết về nỗi nhớ của người con gái trong tình yêu. Đến với đoạn thơ, ta sẽ đến gần hơn với những quan niệm của Xuân Quỳnh, về tình yêu. Xuân Quỳnh đã sử dụng phép nhân hóa để biến những con sóng trở thành chủ thể của một trái tim yêu nồng nàn. Điệp từ “sóng” xuất hiện liên tiếp trong 3 dòng thơ vừa gợi hình những con sóng nhớ thương dâng lên dào dạt hết lớp này đến lớp khác trong trái tim yêu của người phụ nữ, vừa gợi ra cái dào dạt sôi trào miên man sâu lắng của nỗi nhớ thương. Sự tương phản giữa các cụm từ “ngày- đêm”, “ dưới lòng sâu- trên mặt nước” khiến nỗi nhớ bao trùm các chiều thời gian không gian từ tầng sâu lên mặt nước. Các biện pháp tu từ được sử dụng ở đây khiến người đọc hình dung trái tim người phụ nữ đang yêu giống như một đại dương mênh mông không phút nào yên lặng với con sóng của nỗi nhớ nhung. Nữ sĩ mượn sóng đến nói lời tình yêu nhưng sóng cũng không nói hết được chiều sâu và sự mãnh liệt của nỗi nhớ. Nên nhân vật trữ tình đã xuất hiện trực tiếp để bày tỏ: “lòng em nhớ đến anh Cả Trong Mơ còn thức” Hai câu thơ giống như con sóng xuyên qua cả cõi thực và cõi mộng. Nỗi nhớ không chỉ xuyên qua ở tầng ý thức mà còn ăn sâu vào tiềm thức để ẩn hiện trong mỗi giấc mơ. Nếu còn một cõi nào khác nữa thì người phụ nữ ấy cũng sẽ dành trọn cho tình yêu. Cả cuộc đời là nỗi trăn trở lớn! Đã không ngủ trong cõi thực lại thao thức cả trong cõi mộng để nâng niu, chắt chiu từng khoảng khắc hạnh phúc. Ngỡ như chỉ cần chợp mắt trong giây lát thế là một khoảng khắc đã trôi qua uổng phí, không kịp tận hưởng. Chẳng phải khi yêu, người ta cũng thường phấp phỏng, lo âu vì nỗi sợ mất nhau? Cơ hồ chỉ cần chợp mắt một chút thôi, thì e rằng, vì một lí do nào đó, người mình yêu bỗng nhiên tan biến. Cái hạnh phúc mình đang cầm nắm sẽ tuột khỏi lòng tay! “Cả trong mơ còn thức", lời thơ thật phi lí mà khát khao thật cảm động Cái dào dạt sôi trào, cái da diết sâu nặng của nỗi nhớ thương đã khiến cảm xúc tràn bờ, tăng dung lượng từ 4 lên 6 dòng thơ để biểu đạt sự tận cùng của nỗi nhớ. Với những dòng thơ này Xuân Quỳnh đã phá vỡ các giới hạn, dẫn được độc giả vào cõi vô biên của tâm hồn con người. Nỗi nhớ tưởng như chết đi rồi thể hiện cá tính đậm nét của Xuân Quỳnh trong thơ cũng như trong đời sống, mãnh liệt mà đằm thắm, táo bạo nhưng vẫn giàu nữ tính. Xuân Quỳnh bao giờ cũng dám sống thật với mình, sống thật vớii những cảm xúc của mình. Vì vậy, tình yêu trong Sóng trở thành tiếng nói nhân bản của con người lúc bấy giờ.

Đoạn thơ với việc sử dụng những từ ngữ gợi cảm, thể thơ 5 chữ, giọng thơ tha thiết yêu thương... đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ của ngươic con gái trong tình yêu. Đó là nỗi nhớ thương da diết, theo cả vào trong giấc mơ. Cách nhìn, cách cảm cùng cách nghĩ của Xuân Quỳnh là biểu trưng cho trái tim bừng yêu thương và khao khát yêu thương. Đoạn thơ chính là minh chứng rõ nét cho ý kiến. Đoạn thơ khép lại mà nỗi nhớ vẫn còn vương vấn. Thích Sóng, chính là ta thích những quan niệm, tâm tư tình cảm của Xuân Quỳnh trong tình yêu.

thich-mot-bai-tho-la-thich-mot-cach-nhin-song-xuan-quynh.jpg



BÀI VIẾT SỐ 2 NGUYỄN ĐÌNH THI CHO RẰNG “ THÍCH MỘT BÀI THƠ LÀ THÍCH MỘT CÁCH NHÌN, CÁCH CẢM, CÁCH NGHĨ, XÉT ĐẾN CÙNG LÀ THÍCH MỘT CON NGƯỜI”, LÀM SÁNG TỎ Ý KIẾN TRÊN QUA ĐOẠN THƠ : “ CON SÓNG DƯỚI LÒNG SÂU…. CẢ TRONG MƠ CÒN THỨC”
Schedrin từng nói: “ Tác phẩm văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không chấp nhận cái chết”. Vậy điều gì tạo nên sức sống bất diệt của thơ văn trong lòng độc giả? Nếu tác phẩm đó không đề cập tới một cách nhìn, cách cảm mới như Nguyễn Đình Thi cho rằng: “ Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, xét đến cùng là thích một con người”. Tiếng thơ Xuân Quỳnh cũng vượt lên cái chết bởi chạm vào chiều sâu tâm hồn con người. Đoạn thơ “ Con sóng dưới lòng sâu…Cả trong mơ còn thức” trích trong bài thơ “ Sóng” kết tinh vẻ đẹp thẳm sâu ấy.

Thơ nói riêng, văn học nói chung phản ánh lăng kính chủ quan của nghệ sĩ nên nó ghi lại “ cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm” của tác giả về khía cạnh cuộc sống. Văn chương muôn đời hướng tới đối tượng là con người nên “ xét đến cùng là thích một con người”, bởi nhà thơ cho ta góc nhìn khác mang tính thẩm mỹ mới lạ về đối tượng trữ tình. Nhận định của Nguyễn Đình Thi đậm tô tính sáng tạo của nhà thơ trong sáng tác nghệ thuật truyền tải tư tưởng, những thông điệp ý nghĩa đến người đọc bằng cách nhìn, cách cảm mới về những chuyện mà ai cũng biết cả rồi.

Văn học xuất phát từ cuộc đời rồi trở lại phục vụ thời đại mà nó sinh ra. Bởi vậy, “ Sóng” là thành quả nhà thơ Xuân Quỳnh sau chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền, lấy cảm hứng nghệ thuật từ những con sóng đại dương nối đuôi nhau bất tận. Nhà thơ mượn sóng thể hiện tâm tư người con gái trong tình yêu. Giữa những năm tháng kháng chiến ác liệt, tiếng thơ “ Sóng” của tác giả như một bông hoa lạ. Vì lẽ, thơ văn dù viết về đề tài nào cũng là phương tiện dọn đường cho tình yêu Tổ Quốc. Nhà thơ lách ngòi bút khám phá sợi tơ lòng của cô gái hay đang tự thức tỉnh về bản thân trong tình yêu lứa đôi khi trẻ tuổi, trẻ lòng.

Trong tình yêu, trái tim ngân lên muôn vàn giai điệu, nếu khổ thơ trên là dòng tự thức sâu sa của “ em” về tâm hồn mình, cùng sóng đi tìm cội nguồn tình yêu, thì đến đây, ngân lên tiếng lòng của nhân vật trữ tình thổn thức trong niềm tương tư:
  • “ Con sóng dưới lòng sâu
  • Con sóng trên mặt nước
  • Ôi con sóng nhớ bờ
  • Ngày đêm không ngủ được
  • Lòng em nhớ đến anh
  • Cả trong mơ còn thức”

Nỗi nhớ là thứ tâm bệnh của đôi lứa ngàn đời. Ta gặp gỡ người con gái trong ca dao gửi niềm thương trong ngọn đèn, khăn tay. Tương tư biến bao trái tim thành mộng mị:
  • “ Lá này là lá xoan đào
  • Tương tự gọi nó thế nào hả em?”

Thơ ca trung đại biết bao người cũng tha thiết nhân tình qua nỗi nhớ:
  • “ Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
  • Xếp tàn y lại để dành hơi” ( Tự Đức)

Xuân Quỳnh mang nét riêng khi sử dụng thể thơ năm tiếng cùng điệp từ “ con sóng”, nhịp thơ nhanh gợi nỗi lòng cuộn trào lớp lớp, khôn nguôi. Không gian vô cùng “ dưới lòng sâu, trên mặt nước”, kết hợp với khoảng thời gian vô biên “ ngày, đêm”, khơi dậy nỗi nhớ bờ luôn thường trực của con sóng dù ở đâu chăng nữa. Nỗi niềm đó đồng điệu với niềm tương tư của “ em” luôn mong nhớ tới “ anh” dù ở phương trời nao, luôn hướng về phương “anh” dù trước bốn phương tám hướng.

Trước Xuân Quỳnh, nỗi nhớ của người con gái thường gắn với không gian hẹp: khuê phòng, bờ ao, đầu đình, thời gian thường vào đêm khuya canh vắng. Đến Xuân Quỳnh, có lẽ là người đầu tiên lấy chiều kích của đại dương, nhịp đi của vũ trụ biểu hiện tâm trạng. Khổ thơ mở rộng biên cương bờ cõi, “ em” trực tiếp lên tiếng, cất lên nỗi nhớ đong đầy, chiếm trọn người con gái cả trong tiềm thức, vô thức: “ cả trong mơ còn thức”. Nhà thơ giúp ta cảm nhận trái tim yêu nồng nàn, mãnh liệt, mang theo thuộc tính của lòng thủy chung nhất nhất, trước sau như một. Khổ thơ giúp ta thấu cảm bản đàn tâm hồn đa cung nhiều bậc của người con gái trong tình yêu lứa đôi, làm đầy trong ta nguồn mĩ cảm đẹp đẽ bởi ngôn từ mộc mạc, chân tình.

Khổ thơ thứ năm mang đến trong bạn đọc cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ mới về tâm hồn người con gái trong tình yêu với nỗi nhớ thương tha thiết. Nhận định của Nguyễn Đình Thi giúp người đọc định hướng khi tiếp nhận tác phẩm văn học, tiếp cận với điều tốt đẹp, mới mẻ từ góc nhìn của nhà văn . “Sóng” của Xuân Quỳnh còn lưu lại nhịp vỗ ngàn đời bởi đề cập tới vẻ đẹp mang tính nhân bản của con người: khát vọng tình yêu đôi lứa nồng nàn vừa mang tính cổ điển vừa mang màu sắc hiện đại.

- Thu Hường-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nguyễn đình thi song xuân quỳnh
  • Thống kê

    Chủ đề
    102,787
    Bài viết
    470,614
    Thành viên
    340,594
    Thành viên mới nhất
    RaymondUG
    Top