Lenovo Yoga 500 là chiếc laptop “lai” tầm trung mới nhất vừa được hãng chính thức giới thiệu ra thị trường cách đây chưa lâu nhưng đã nhanh chóng nhận được sự chú ý mạnh mẽ từ giới truyền thông và người dùng nhờ mức giá hợp lý, cấu hình đủ sức đáp ứng nhu cầu sử dụng hằng ngày cũng như thiết kế bản lề đặc biệt cho phép gập màn hình lên đến 360 độ. Hiện nay Lenovo Yoga 500 đang được hãng bán chính thức tại các cửa hàng trên toàn quốc với mức giá khởi điểm chỉ từ 11.699.000 VNĐ.
Chiếc Lenovo Yoga 500 mình đang được cầm trên tay là phiên bản có cấu hình thấp nhất với màn hình 14 inch độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel), bộ vi xử lý Intel Core i3 4030U, card đồ hoạ onboard Intel HD Graphics 4400 cùng 4GB RAM và 500GB bộ nhớ trong. Trên thực tế có thể nói đây là một cấu hình tương đối thấp, nhưng liệu hiệu năng của máy có yếu như thông số kĩ thuật đã nêu lên?
Đầu tiên, mình sử dụng phần mềm Cinebench để đánh giá nhanh sức mạnh phần cứng của máy. Như các bạn có thể thấy dưới đây, Lenovo Yoga 500 cho kết quả nhìn vào thì có thể thấy là không ấn tượng lắm. Nhưng trên thực tế, với cấu hình này và mức giá này thì điểm số của phiên bản trên tay mình đã có thể nói là khá tốt so với nhiều thiết bị khác cùng phân khúc trên thị trường.
Phần đánh giá tiếp theo mình sử dụng phần mềm 3DMark với 4 bài kiểm tra gồm: Fire Strike Extreme, Fire Strike, Sky Driver và Cloud Gate. Trong quá trình thử nghiệm, ở bài kiểm tra Fire Strike Extreme, máy chạy khá lag, các khung hình chuyển động không được mượt mà cho lắm, còn ở phần thi thứ hai với Fire Strike, hầu hết mọi thứ đều được máy thể hiện khá mượt mà, tuy nhiên ở một vài phân đoạn chuyển cảnh với nhiều chi tiết đồ hoạ phức tạp thì hiện tượng lag nhẹ vẫn xảy ra. Ở bài kiểm tra cuối cùng là Sky Driver, lúc này Yoga 500 thể hiện mọi thứ đều cực kì mượt mà, các khung hình cũng như các hiệu ứng chuyển cảnh đều được thiết bị thể hiện rất tốt và không gặp hiện tượng lag. Kết quả nhận được tương tự cho bài kiểm tra Cloud Gate, tất cả mọi thứ đều được Yoga 500 thể hiện cực kì tuyệt vời. Dưới đây là điểm số nhận được từ phần mềm 3DMark.
Trong phần đánh giá cuối cùng, mình tập trung vào đối tượng người dùng phổ thông, nên mình sẽ sử dụng phần mềm PCMark với bài test Home accelerated, thời gian kiểm tra diễn ra trong vòng 46 phút 26 giây. Và bảng điểm dưới đây đã phần nào thể hiện được hiệu năng của thiết bị, không cao nhưng vượt trội so với hầu hết các thiết bị đang có mặt trên thị trường phân khúc tầm trung.
Pin là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất đối với người dùng laptop. Vì vậy mình lại tiếp tục sử dụng phần mềm PCMark với bài kiểm tra hỗn hợp để xem thời lượng pin của Yoga 500 có thể trụ được trong vòng bao lâu. Và kết quả khá bất ngờ, viên pin của máy cho thời lượng sử dụng lên đến 3 giờ 30 phút. Nhìn vào kết quả, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là kết quả quá bình thường, nhưng thực tế, Yoga 500 phải gánh 1 màn hình 14 inch có độ phân giải Full HD kết hợp cùng công nghệ cảm ứng nên đây là một kết quả phải nói là đáng kinh ngạc và vượt ngoài sự mong đợi.
Với những ưu điểm và hiệu năng mà Yoga 500 mang lại, có thể nói đây chính là một trong những chiếc laptop tầm trung đáng mua nhất trên thị trường hiện nay, đặc biệt là đối tượng học sinh – sinh viên đang cần một chiếc laptop tốt giá rẻ, tiện dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Lenovo Yoga 500 được dự đoán sẽ là chiếc máy tạo nên cơn bão trong thị trường laptop tầm trung nửa cuối 2015.