Tình Ma - Người Khăn Trắng
(chuyện không kể lúc nữa đêm)
(chuyện không kể lúc nữa đêm)
Bà giáo Nhơn ngăn không cho cô con gái lớn gọi Thiện dậy:
- Hãy để cho nó ngủ nướng thêm chút nữa. Có mấy khi về nhà nghỉ hè mà bắt thức sớm như dân nhà quê tụi mình, tội nghiệp tụi nó.
Thoa, cô chị lớn chỉ mâm thức ăn đã dọn sẵn:
- Thức ăn nguội hết rồi kìa má. Thằng Thiện khoái ăn món trứng chiên với củ cải mặn, dặn con hễ sáng dậy là cho nó ăn liền. Má quên là tối qua tụi nó nhậu suốt, có ăn uống gì đâu.
- Ừ, thì để năm mười phút nữa.
Vừa chợt có tiếng của Thiện sau lưng:
- Nói xấu gì con đó!
Anh vươn vai sà lại chỗ mẹ, nhõng nhẽo:
- Phải cho con trai má ăn ngon à nghen, chị Hai!
Kim Thoa ganh tị:
- Má cưng con trai, cái gì cũng để cho thằng Thiện, dành cho thằng Thiện! Đúng là con trai rượu không bằng!
Thiện cười lớn:
- Người ta nói con gái rượu, chứ thuở đời làm gì có con trai rượu?
Thoa được dịp kể lể:
- Vậy mà bà già coi mày còn hơn là con trai rượu nữa! Bữa kia chính má nói với vợ chồng ông Cả Thì là má còn thằng con trai rượu, ai kêu gả con cách mấy cũng chưa nhận lời?
Thiện cười càng to hơn:
- Như vậy phen này thằng con trai má sẽ uống rượu mệt nghỉ, ai rắp ranh thì hãy nhào vô, rượu khui tràn bàn mới mong nói chuyện cưới xin nghe chưa!
Kim Thoa xỉ xỉ vào mặt em:
- Chưa gì đã lớn lối rồi, coi chừng ế dài ra đó nghe không cưng!
Cả nhà đúng là ai cũng cưng chiều, thương yêu Thiện, bởi anh là con trai độc nhất trong số năm người con của ông bà giáo Nhơn. Mà cũng phải thôi, bởi Thiện là người duy nhất của dòng họ, nếu không muốn nói là độc nhất của làng này có được bằng cấp tú tài, lại đang học tại Sài Gòn nữa. Khỏi phải nói cũng hiểu là Thiện được cả làng chú ý. Đã nhiều nhà ngắm nghía anh để nhằm gả con gái họ!
- Thằng Thiện chơi xấu bác ơi, hứa kêu tụi cháu dậy sớm ăn điểm tâm mà không kêu!
Hai người bạn của Thiện cùng về chơi kỳ hè này, họ là Bảo và Trung. Bảo còn nói:
- Bữa nay Thiện còn hứa dẫn tụi con đi chơi khắp vùng này nữa đó bác!
Bà giáo cười hiền hoà:
ở đây là vùng quê nghèo, sợ e tụi con mới đi một chút đã chán rồi!
Trung ra chiều thích thú:
- Ngoài ra, Thiện còn hứa là sẽ làm mai cho tụi con mấy cô nữa đó bác!
Kim Thoa nguýt yêu em trai mình:
- Thân nó còn chưa xong, làm tài lanh hứa hẹn với người khác!
Trung mau miệng:
- Nó đã có rồi, còn giấu đó chị Hai.
Thấy bạn tài lanh, Thiện lừ mắt:
- Ai mượn mày vậy, thằng khỉ gió!
Kim Thoa đâu chịu yên:
- Thật vậy hả Trung? Quá cỡ thằng này rồi má ơi, nó có bồ mà giấu!
Bà giáo cũng nhìn con, hỏi nghiêm túc:
- Phải không con?
Thiện xua tay lia lịa:
- Nó nói xàm mà má cũng tin! Cái thằng...
Thiện đuổi Trung chạy vòng vòng, cho đến khi Kim Thoa nhắc:
- Vào ăn đi kẻo thức ăn nguội hết kìa!
Món trứng chiên với củ cải mặn là đặc sản của nhà này, nó lạ miệng nên ba chàng trai ăn một hơi đã hết dĩa thức ăn lớn, mà còn đòi thêm:
- Còn không chị Hai, ngon quá!
Kim Thoa đã chuẩn bị sẵn một chảo nữa, nên đáp ứng được ngay cho ba cái tàu há mồm. Họ vừa ăn vừa hứng chí bàn chuyện bao đồng:
- Phải chi có mấy cô quen xứ này mình rủ cùng chơi cho vui há!
Trung bảo:
- Gái xứ này thì phải hỏi thằng Thiện.
Kim Thoa che miệng cười:
- Nó dám quen đứa nào tao cùi liền!
Bảo ngạc nhiên:
- Sao vậy chị Hai? Thằng Thiện nổi tiếng trong trường là đào hoa, cua gái bá phát bá trúng đó!
Bà giáo cười vui, thêm vào:
- Vậy mà về đây nó im re, không dám nói chuyện với đứa con gái nào hết!
- Tại vì nó có...
Bảo định nói, nhưng kịp ngừng lại với cái nhìn sắc như dao cạo của Thiện. Lần này chính bà giáo lên tiếng hỏi:
- Chuyện gì vậy con?
Thiện hơi ngập ngừng:
- Dạ... đâu có gì đâu má...
Chừng như để tránh lôi thôi, Thiện ngừng ngang bữa ăn, giục hai bạn:
- Mình đi cho sớm!
Cả ba chỉ mang theo mỗi người một chiếc nón rồi chạy bay ra ngoài. Kim Thoa phải gọi giật lại:
- Đem theo bình nước mà uống, ngoài đồng nước mặn, không uống được đâu!
Bảo nói với lại:
- Tụi con sẽ ghé nhà mấy cô gái uống nhờ!
- Không có nhà nào ngoài đó hết!
Thiện cũng biết vậy nên trở lại nhờ chị mình lấy cho bình nước mang theo. Kim Thoa dặn:
- Đi chơi nhớ trưa về ăn cơm.
Bà giáo cũng bảo:
- Ăn uống dọc đường nên coi chừng, bụng dạ con không tốt...
Thiện vừa chạy đi vừa nói với lại:
- Con má đã lớn rồi mà, có còn là thằng Thiện con nít nữa đâu.
Thoát ra khỏi nhà vừa hơn trăm bước thì Thiện đã nghe có người gọi tên mình:
- Thiện ơi, về hồi nào mà không báo cho anh em gì hết.
Quay lại, Thiện reo lên:
- Ô Tùng, Sanh, tụi bay lớn như người lớn rồi!
Hai người bạn quê của Thiện tuy bằng tuổi, nhưng do là nông dân nên tướng tá bặm trợn, to lớn. Họ nhìn mấy người bạn của Thiện có vẻ ngưỡng mộ. Thiện giới thiệu:
- Đây là Bảo và Trung, hai người bạn trên Sài Gòn của mình.
Sanh và Tùng hơi rụt rè khi bắt tay. Thiện phải phá tan sự e dè đó:
- Tụi bay có rảnh không, dẫn tụi này đi chơi xuồng với?
Sanh hào hứng ngay:
- Được liền! Tụi này cũng đang ra đồng, sẵn mình đi theo luôn!
Thích thú nhất là Bảo và Teung. Hai anh chàng lần đầu được về quê và đi xuồng len lỏi qua những rừng dừa nước, tha hồ nhìn ngắm những con cá lội tung tăng, những con chim dạn dĩ bay lượn ngay trước mũi xuồng.
Tùng đề nghị:
- Mình bơi xuồng qua bên cồn ông Hội đồng chơi. Bên đó có nhiều trứng rùa, mình đào trứng luộc ăn chơi!
Bảo nghe là khoái liền:
- Vụ này nghe đã à nghen!
Thiện hỏi:
- Bên đó vẫn còn cái nghĩa trang chớ?
Sanh nói:
- Thì cái cồn đó nằm trong đất của ông Hội Đồng nên ổng lấy nguyên cái cù lao rộng bằng chục cái sân banh làm nghĩa địa riêng cho dòng họ mình. Nghĩa trang nhà giàu nên cái mả nào cũng lát đá cẩm thạch lán bóng, ngôi mộ nào cũng khang trang, bề thế, chẳng khác nào nhà xây cho người sống ở!
Chỉ một lúc sau, họ đã có mặt ở cồn ông Hội đồng. Quả đúng như lời của bọn Sanh, Tùng kể, khung cảnh cồn thật thú vị, nó biệt lập và yên tĩnh một cách đáng ngạc nhiên. Khu nghĩa trang nhà ông Hội đồng đúng nghĩa trang của nhà giàu. Dù nhiều ngôi mộ đã chôn khá lâu, nhưng xem ta ngôi nào cũng mới và bóng như gương đến đỗi Trung phải buột miệng:
- Nghĩa trang này còn sạch hơn là khu nhà ở của tao nữa?
Sau khi đi một vòng giáp chung quanh cồn, chính Thiện đề nghị:
- Mình dọn sạch chỗ kia, ngồi nghỉ chân chơi!
Chỗ Thiện chọn là một khoảnh đất trống nằm dưới tàn một cây cổ thụ, mà vừa nhìn lên thấy có nhiều trái!
Bảo đã reo lên:
- Ồ, trái đầy hết, để tao leo lên hái xuống ăn!
Tùng nói:
- Đây là cây sabôchê lâu đời, trái ăn rất ngọt, nhưng có lẽ nằm hẻo lánh bên này nên hầu như chẳng ai hái trái. Nhưng...
Anh ta muốn ngăn không cho hái, tuy nhiên vừa lúc ấy Bảo đã nhanh chân phóng lên ôm chặt thân cây to.
Anh chàng còn khoe:
- Tôi là vô địch về leo cây mà!
Nhìn anh chàng thoăn thoắt leo lên, đến Sanh cũng phải khen:
- Anh bạn leo hay thật!
Nhưng lời khen chưa dứt thì đã thấy tự dưng Bảo buông tay rơi từ khoảng trên ba mét xuống! Thiện hốt hoảng, vừa nhảy tới đón ngay nơi Bảo rơi vừa la lớn:
- Trời ơi, Bảo!
Cũng may là Thiện lao tới kịp thời, cả thân người anh làm tấm đệm lót cho Bảo rơi xuống. Cả hai cùng ngã, nhưng xem ra Thiện bị đau hơn!
Cả bọn chạy ùa tới, lo lắng hỏi:
- Có sao không?
Bảo nhăn nhó bò dậy, trong lúc Thiện phải được đỡ lên. Anh càu nhàu:
- Thằng Bảo này nặng thấy cha luôn, chắc tao gãy mấy cái xương sườn rồi!
Nhưng cũng may, cả hai đều không hề hấn gì. Lúc ấy Bảo mới kể lại:
- Tôi đang leo ngon lành, bỗng như có ai dùng chân đạp mạnh vào mặt làm tôi đau điếng, phải buông tay ra ngay!
Sanh nói như vừa phát hiện ra điều gì:
- Phải rồi, giống y như năm ngoái thằng Tửng con chú Hía cũng bị như vậy, phải nằm nhà thương mấy tháng đó!
Thiện quan tâm, hỏi:
- Mày nói nghe coi, nó bị sao vậy?
- Thì nó cũng leo cây giống bạn này, lên tới nửa cây thì như bị ai xô, ngã nhào xuống, cắm đầu xuống đất bùn. Cũng may là đất mềm nên không chết, chứ độ cao đó thì khó mà sống được!
Thiện trách:
- Đã từng có chuyện như vậy sao lúc nãy mày không nói, để nó...
Tùng chêm vào:
- Thằng Tửng sau đó thuật lại rằng, nó đang leo thì có cảm giác như có ai đó dùng tay kéo nó. Mà bàn tay đó như tay con gái, vừa mềm vừa lạnh như băng!
Một dịp để cả bọn tán hươu tán vượn quanh chuyện đó. Trung là người luôn quan trọng hoá mọi chuyện, anh chàng bảo:
- Người ta nói những cây trồng trong nghĩa địa thường bị các hồn ma nhập, nên không dễ cho người ngoài leo lên!
Thiện đùa nhằm làm dịu đi câu chuyện đang đi vào huyền bí:
- Thay vì hái trái phá phách, bây giờ ta đem đồ ăn ra, trước khi ăn ta cúng vái thì chắc sẽ không ai quở trách gì...
Anh có mang theo mấy bịch bánh ngọt liền bày ra tờ giấy báo rồi bảo Sanh:
- Cậu coi có ngôi mộ nào còn sót lại nhang cúng không?
Thường thì người đi cúng mộ hay bỏ lại số nhang cúng thừa. Và quả Sanh tìm được hơn nửa ốp nhang, luôn cả cái hộp quẹt:
- Có sẵn đây!
Đích thân Thiện đốt nhang vái khá dài, nhưng không ai nghe được lời vái của anh. Bảo phải lên tiếng:
- Tao không biết vái, mày phải vái lớn lên để tao còn bắt chước nữa chứ!
Tùng chen vào:
- Một người đại diện cúng vái được rồi!
Một cách tự nhiên, sau cuộc cúng vái đó, không khí cuộc vui hơi chùng xuống. Bảo cứ thắc mắc mãi chuyện mình bị ngã, anh nói:
- Tôi leo cây từ lúc sáu tuổi, chưa bao giờ bị ngã, dẫu có nhiều cây còn cao và khó leo hơn cây này nhiều. Tôi có cảm giác như là...
Mặc dù không muốn nhắc lại hiện tượng huyền bí, nhưng đó là đề tài hấp dẫn, nên không hẹn mà mọi ý nghĩ đều tập trung vào một ý:
- Oan hồn thường bám trên cây lắm!
Đó là nhận xét của Tùng. Anh ta còn nói thêm:
- Sau vụ ngã của thằng Tửng năm ngoái, hầu như chẳng ai dám leo lên cây ở đây nữa. Mấy bồ không thấy người ta còn lập cái miếu thờ ở gốc cây bên kia sao?
Tùng đưa tay chỉ sang một gốc cây gần đó. Lúc này Bảo mới chợt rùng mình, anh nói khẽ với Thiện:
- Sao tao muốn nằm ngủ quá!
- Sao vậy?
- Chẳng sao hết, chỉ thấy buồn ngủ thôi có lẽ tại tối qua thằng Trung ngáy qua làm tao ngủ không được.
Rồi không đợi ai có ý kiến gì, Bảo đã xách một tờ báo chạy đi tìm một nơi mát mẻ, bằng phẳng, trải tờ báo và nằm ngủ một cách ngọn lành! Thiện nói:
- Kệ nó, thằng ấy dễ ngủ như vậy đó. Cứ để mặc cho nó ngủ một lát. Còn tụi mình bỏ chuyện kia đi, ta hát hò cho không khí vui lên, Sanh nảy ra một ý:
- Sao ta không kiếm chút gì cay cay cho vui?
Thiện lắc đầu:
- Tụi này không đem theo rượu. Vả lại...
Nhưng Sanh đã đứng lên nói:
- Mấy bồ ở đây, tôi bơi xuồng về bên nhà lấy chai rượu sang, có cả chùm khô sặt nữa, chơi hết ý nghen!
Dĩ nhiên không ai phản đối ý kiến đó, nên Sanh thực hiện ngay. Chỉ chưa đầy hai mươi phút sau, Sanh đã trở lại với chùm khô sặt rằn và chai rượu đế trên tay. Anh chàng còn khoe thêm:
- Có cả mấy trái xoài sống, tao lấy theo luôn!
Thế là đủ bộ ăn chi! Thiện phải nói:
- Lỡ rồi mình chơi luôn, chứ má tao mà biết mình uống rượu bả chửi chết!
Có rượu vào, không khí xôm tụ lên ngay. Tùng nhắc:
- Sao không kêu anh bạn kia dậy, chơi cho vui!
Chợt nhớ tới Bảo, Trung vừa định chạy đi kêu thì đã thấy Bảo vừa chạy về vừa hớt hải:
- Kỳ... kỳ quá tụi bay ơi! Tao... tao...
Mọi người ngạc nhiên:
- Gì nữa vậy?
Bảo lắp bắp:
- Tao đang ngủ thì... có... có ai đè lên tao!
Bọn họ cười rộ lên:
- Bị ma đè rồi!
Bảo nghiêm giọng:
- Tao bị đè thật. Người đè tao còn muốn bóp cổ tao nữa!
Tùng nhận xét:
- Đó là bị bóng đè thôi! Thường thì khi ngủ ở những nơi không bình thường hay chỗ lạ, người ta hay bị bóng đè, bóng có thể là ma hay cũng có thể là cái vía của mình yếu.
Mặc dù cách giải thích của Tùng không thuyết phục lắm, nhưng để cho Bảo bớt hoang mang, Thiện đã nói:
- Tại thằng Bảo hay mơ thấy người đẹp nên bây giờ người đẹp tìm nó đó!
Mọi người cùng phá lên cười, khiến Bảo đổ quạu:
- Tao nói thật mà tụi bay không tin, để chừng tụi bay bị thì biết!
Lít rượu đế chẳng mấy chốc đã cạn, hầu hết đều đã ngà say, ngoại trừ Bảo do bần thần trong người nên không uống và còn tỉnh, nhưng chỉ ngồi dựa gốc cây mà lim dim chớ không còn hoạt bát như lúc đầu. Riêng Thiện thì tuy có bừng bừng hơi men, nhưng anh vẫn còn tỉnh hơn các bạn, anh rủ Bảo:
- Mình đi một vòng quanh dây chơi đi.
Bảo xua tay:
- Tao chỉ muốn ngủ thôi.
Anh chàng lại như muốn ngủ, còn các bạn kia thì mạnh ai nấy nguẹo đầu vào nhau mà hát nhừa nhựa như dĩa hát bị rè. Thiện đứng dậy thả bộ về phía trước mặt.
Thật ra, anh đang đi sâu vào bên trong khu nghĩa địa không rộng lắm.
Dừng chân lại bên một ngôi mộ màu trắng toát, khác với những mộ chung quanh, Thiện đưa mắt nhìn lên mộ bia và giật mình, lẩm bẩm:
- Đẹp quá!
Anh đọc được dòng chữ ghi bên dưới bức chân dung cô gái thật đẹp: Lê Thị Anh Đào. Một lần nữa, Thiện lại buột miệng khen:
- Người đẹp mà cái tên cũng đẹp!
Có lẽ trong đời Thiện, đây là lần đầu anh nhìn thấy một cô gái có khuôn mặt vừa đẹp lại vừa phúc hậu như cô gái có ảnh chân dung trên ngôi mộ này! Nhìn ngắm có hơn mười phút, nhưng vừa định bỏ đi thì hai chân Thiện cứ như bị chôn chặt, anh lại tiếp tục nhìn. Đôi lúc Thiện có cảm giác như bức ảnh có sức hút gì kỳ lạ lắm!
- Thiện ơi, về thôi, trời sắp mưa rồi đó!
Tiếng kêu của Tùng khiến Thiện giật mình, anh phải đưa tay dụi mắt mấy lượt thì người mới tỉnh lại. Anh có cảm giác như mình vừa trong cơn mơ...
Quay bước đi mà Thiện không cưỡng được, cứ ngoắt lại nhìn...
- Về đi cha ơi, bộ khoái cảnh nghĩa địa sao chứ!
Sanh chạy tới chỉ vài ngôi mộ chung quanh nói:
- Mộ này ngôi nào cũng xây cách đây hơn chục năm. Chỉ có vài ngôi trong kia là mới.
Thiện hỏi đột ngột:
- Mộ đó là của ai vậy?
Sanh ngơ ngác:
- Mộ nào?
Chỉ tay vào trong, Thiện nói:
- Ngôi mộ trắng của cô gì đó.
Sanh tỏ ra rành rẽ:
- Đó là mộ cô con gái út ông Hội đồng, mới chết cách đây hơn ba năm.
- Có phải tên là Anh Đào không?
- Mày biết?
- Sao không biết. Hồi đó tao con học chung với nó nữa. Con nhỏ đẹp hết ý luôn vậy mà yểu mạng.
Thiện lại càng tò mò thêm:
- Năm nay nếu còn sống thì cô ấy bao nhiêu tuổi?
Sanh không cần suy nghĩ, đáp liền:
- Thì cỡ tuổi tụi mình. Mày không nhớ, chứ hồi tao, mày, Anh Đào có chơi chung với nhau.
Thiện cố nhớ nhưng lắc đầu:
- Lâu quá rồi tao không nhớ...
Sanh reo lên:
- Tao nhớ rồi, hồi tụi mình học lớp Tư, có bữa đứa con gái chơi chuyền chuyền thảy trái banh lên, đi ngang chụp lấy rồi đem giấu làm con nhỏ mất banh khóc mù trời. Mày nhớ sau đó mày phải đem trái trả rồi con phải xin lỗi nó, và còn phải đưa cái khăn của mày cho nó lau nước mắt...
Thiện cũng leo lên:
- Đúng rồi! Sau đó tao đi lên Sài Gòn học luôn không kịp lấy lại cái khăn tay!
- Rồi, mày nhớ ra rồi. Con nhỏ đó đó. Hồi nhỏ cũng bình thường, nhưng càng lớn càng đẹp. Đẹp não nùng luôn, làm cho bao nhiêu trai tráng xứ này phải hồn lạc phách xiêu vì nó! Vậy mà con nhỏ không thèm tới ai cả, thế mới lạ!
- Chắc tại cô ấy có người nào khác...
Sanh quả quyết:
- Chắc chắn là không! Tao dám nói chắc như vậy vì ngày nó chết không có ai tới đưa tiễn cả!
Thiện nhớ lại gương mặt như tiên nga trong bức ảnh, anh lẩm bẩm:
- Hồng nhan bạc phận!
Sanh nghe không rõ, hỏi lại:
- Mày nói ai?
- Cô Anh Đào! Một người đẹp như thế mà lại chết trẻ, có phải trời bất công lắm không?
Nghe giọng điệu hơi lạ của bạn, Sanh ngạc nhiên nhưng không hỏi lại, anh ta giục:
- Thôi, mau về đi, trời sắp mưa rồi!
Đi được vài bước, Sanh bỗng hỏi:
- Mày có vợ chưa Thiện?
Thiện cười, nhún vai:
- Học trò nghèo như tao thì làm sao lấy được vợ như ý trong thời buổi này!
Sanh kề tai bạn nói nhỏ:
- Phải mày còn ở xứ này mấy năm trước thì dám tụi bay là cặp đôi của nhau lắm à.
- Mày nói cặp đôi với ai?
- Thì con Anh Đào! Con nhỏ con nhà giàu mà lại không thích đám công tử con nhà quyền quý. Đã có biết bao nhiêu đám tới dạm hỏi mà đều bị nó khước từ. Thậm chí nó nói thẳng là chỉ ai học giỏi nó mới ưng! Mà học giỏi thì xứ này e rằng chỉ có mày thôi!
Suốt gần hai mươi phút ngồi xuồng trở về, hầu như lúc nào trong đầu Thiện cũng ẩn hiện gương mặt thanh tú ấy. Có lúc mải mê theo đuổi ý nghĩ riêng tư mà Thiện quên cả trả lời câu hỏi của mấy người bạn. Bảo phải lên tiếng:
- Mày sao vậy Thiện?
Thiện giật mình quay lại, đáp chẳng ăn nhập gì câu hỏi của bạn:
- Trời đêm nay mưa lớn phải biết!
Trung phải cảnh báo:
- Hết thằng Bảo rồi lại tới thằng Thiện tụi bay giống mấy đứa bị ma bắt hồn quá!
Sanh và Tùng đều cười và phụ hoạ:
- Coi chừng tụi nó ma nữ về nhập hồn cũng không chừng! Ai bảo tụi bay đẹp trai lại học giỏi làm chi!
Bảo nhún vai:
- Ma không dám bắt được hồn tao đâu, chỉ có tao đi tìm hồn chúng để bắt đấy!
Thiện lừ mắt nhìn bạn:
- Mày giỏi tài nói tào lao!
Cả bọn về tới nhà đã bị một trận rầy nên thân. Bà giáo nhìn thấy Thiện và hai người bạn đều ngà ngà say nên càng la dữ:
- Từ ngày mai tao cấm mấy đứa đi chơi mà uống rượu nghe chưa!
Thiện biết lỗi nên sau khi tắm rửa đã rút vô phòng nằm im re.
Nửa đêm hôm đó, bỗng nghe Kim Thoa la to:
- Thằng Thiện sao vậy má ơi!
Bà giáo chạy vào phòng thì thấy Thíện nằm im, người sốt thật cao! Tri hô lên, nhiều người chạy tới thì hầu như Thiện không còn biết gì nữa...
° ° °
Một cô gái lạ vừa xuống xe đò ở ngã ba Thầy Cai thì đã gây chú ý tới mọi người. Bởi cách ăn mặc của cô nàng nổi bật giữa mọi người bình dị xứ này. Cô chưa lên tiếng hỏi thì một anh chàng đạp xe lôi đã lên tiếng hỏi ngay: - Cô Hai về đâu vậy?
- Xóm nhà máy xay.
- Đi bộ thì hơi xa, còn nếu cô Hai lên xe tôi sẽ đạp chỉ hai hơi là tới liền! Mà cô Hai kiếm nhà ai ở đó?
Cô gái phải lật cuốn sổ tay ra thì mới hỏi đúng người cần tìm:
- Nhà bà giáo Nhơn, anh biết không?
Anh chàng đạp xe reo lên:
- Tưởng ai chứ nhà bà giáo thì tôi rành sáu câu! Nhà đó có cậu con trai đi học Sài Gòn mới về phải không?
Cô gái mừng vui ra mặt:
- Vậy là đúng rồi! Anh làm ơn đưa tới đó giùm.
Được đạp xe cho người đẹp nên anh chàng có vẻ hứng chí lắm, vừa đạp nhanh vừa huýt sáo vang đường. Vừa qua khỏi ngã ba thì có người đi ngược chiều hỏi lớn:
- Mày có đi vào xóm nhà máy xay thì lượt về chở người trong nhà bà giáo Nhơn ra bến xe, họ chờ nãy giờ mà chưa có xe đó.
Nghe tới tên bà giáo Nhơn, cô gái hỏi liền:
- Có phải bà giáo mà tôi vừa hỏi anh không?
Anh chàng đáp ngay:
- Đúng rồi, ở đây chỉ có mỗi bà giáo Nhơn đó chẳng hiểu sao nhà đó từ hôm qua đến nay có khách liên tục, giống như sắp đám cưới vậy!
Cô gái như bị điện giật:
- Đám cưới? Mà cưới ai vậy?
- Tôi cũng không rõ. Nhà đó chỉ có hai người con một là cô Thoa con gái lớn năm nay đã lỡ thời rồi, chắc là không phải cưới cô ấy. Chỉ còn cậu con trai, cậu Thiện học Sài Gòn, nghe nói được nhiều con gái xứ này mê lắm. Không chừng là đám cưới cậu ta cũng nên!
Cô gái thấp thỏm không yên:
- Anh đạp nhanh nhanh giùm!
Anh chàng đạp xe vốn nhiều chuyện, thích tò mò nên hỏi:
- Cô quen với nhà bà giáo sao vậy? Về việc đám cưới phải không?
Đang sốt ruột, lại bị hỏi lung tung, cô gái đâm quạu:
- Anh đạp nhanh giùm, hỏi hoài tôi mệt quá!
Bị cụt hứng, anh chàng chẳng những không giận mà trái lại còn muốn chọc quê:
- Nghĩ làm con trai học giỏi, đẹp trai cũng sướng, hết con gái quê thương lại tới con gái thành thị. Gặp tôi, tôi quơ hết.
Không nghe cô gái nói gì, anh chàng lại thêm:
- Mà coi bộ anh chàng Thiện đó không ngon lành gì đâu nghen, bữa mới về đi chơi với đám bạn bè rồi bị sao đó phải gọi thấy thuốc tới cấp cứu!
Quả anh ta đánh đúng sự quan tâm của cô gái:
- Anh ấy bây giờ sao rồi?
- Mà cô là gì của anh chàng Thiện đó mới được?
- Là... là gì... mà anh hỏi chi vậy. Tôi chỉ...
Cũng may, lúc đó đã tới nơi. Tấp vào lề trước ngôi nhà ngói xưa, anh chàng nói nịnh câu cuối cùng:
- Nghĩ cũng lạ, cùng tạng người, chắc là cùng cân lượng, nhưng chở người đẹp thì đạp xe nhẹ tênh. Mình cứ mong được đạp hoài thì lại mau tới!
Nở cho anh ta một nụ cười, cô gái đưa tờ giấy bạc chẵn mà không cần thối lại. Vừa bước vào cổng, cô ta lên tiếng ngay:
- Bác giáo ơi, cháu là Mỹ Lan, bạn anh Thiện từ Sài Gòn về...
Từ trong nhà, Kim Thoa bước ra, chào cô gái rồi quay vào trong gọi lớn:
- Có bạn thằng Thiện về nè má!
Rồi cô quay sang anh chàng đạp xe bảo:
- Sẵn cậu đạp xe đưa ông thầy thuốc ra bến xe giùm!
Ông thầy thuốc khá già, vừa leo lên xe vừa dặn lại:
- Nhớ cho cậu ấy uống đủ mấy thang thuốc tôi để lại nếu bớt thì cứ ra nhà thuốc mà hốt thêm, còn nếu...
Ông nói chưa hết lời thì anh chàng đạp xe đã ấn bàn đạp, vừa chen vào:
- Không hết thì lo hậu sự!
May là anh ta nói không để chủ nhà nghe. Trong khi ấy thì bà giáo Nhơn đang ra đón người khách mới. Bà ngỡ ngàng trước cô gái:
- Cháu đây là...
- Dạ cháu Ìa Mỹ Lan, bạn gái của anh Thiện.
- Cháu từ Sài Gòn về ?
- Dạ!
Kim Thoa xen vào hỏi:
- Em nghe tin thằng Thiện nên về hay sao?
Mỹ Lan ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy chị? Chẳng lẽ ảnh... cưới vợ?
Bà giáo bỗng oà khóc khiến Mỹ Lan càng hốt hoảng:
- Kìa bác, anh Thiện sao vậy?
Cả Thoa cũng khóc. Trong nhà lúc ấy còn có vài người nữa xem chừng là bà con, một người nói:
- Bệnh nó càng lúc càng nặng hơn, có lẽ phải chở đi bệnh viện thôi.
Bà giáo nức nở:
- Gần chục ông thầy rồi mà có thấy bớt chút nào đâu!
Kim Thoa quay sang Mỹ Lan:
- Thằng Thiện bị sốt rồi mê man suốt ba ngày nay, thuốc thang đủ hết mà không thấy bớt.
Mỹ Lan nói liền:
- Em học trường y, em có mang theo dụng cụ khám, để em vào xem anh ấy bị gì.
Vừa trông thấy Thiện nằm thoi thóp, Mỹ Lan chạnh lòng, cô gọi khẽ:
- Thiện, em đây. Mỹ Lan đây?
Nhưng Thiện vẫn mê man không biết gì. Sờ tay lên trán, Mỹ Lan phải giật mình rụt tay về. Nhiệt độ trong người của Thiện khiến cho tay người sờ vào cảm giác như muốn phỏng! Mỹ Lan lo lắng:
- Nhiệt độ như thế này là nguy lắm! Chuyển đi bệnh viện lúc này e cũng không kịp.
Câu nói của cô nàng làm cho bà giáo càng khóc lớn. Bà nắm tay Mỹ Lan lắc mạnh:
- Làm cách nào cứu nó cháu ơi!
Mỹ Lan đo mạch xong thì lại càng ngạc nhiên:
- Sốt cao như vậy mà mạch lại bình thường, kỳ lạ thật!
Cô cầm lòng bàn tay của Thiện và thật bất ngờ, bàn tay Thiện siết chặt lại. Bàn tay lạnh như băng!
Mỹ Lan hốt hoảng:
- Kỳ lạ lắm bác ơi!
Sự nóng lạnh khác thường giữa trán và lòng bàn tay như trường hợp này là lần đầu tiên Mỹ Lan gặp được trong nghề y.
- Anh Đào!
Tiếng phát ra từ miệng của Thiện tuy nhỏ nhưng Mỹ Lan vẫn nghe rất rõ. Cô quá đỗi ngạc nhiên:
- Thiện, anh gọi ai?
Bà giáo thấy con mình lên tiếng được thì mừng lắm, bà nhào tới liền, chụp lấy con:
- Thiện, con tỉnh rồi phải không?
- Anh Đào! Anh Đào...
Giọng của Thiện lạc hẳn đi, nhưng hai tiếng Anh Đào anh gọi vẫn rõ...
Kim Thoa đứng bên cạnh chợt lên tiếng:
- Hai hôm trước nó cũng kêu mấy tiếng như vậy rồi mê luôn tới bữa nay!
Bà giáo cũng ngạc nhiên:
- Anh Đào là ai? Có phải cháu không?
Bà quay sang Mỹ Lan hỏi, cô nàng giãy nảy:
- Con là Mỹ Lan mà.
Trung và Bảo từ ngoài bước vào, Trung lên tiếng:
- Anh Đào là tên của...
Bảo đứng bên bạn vội thúc cùi chỏ vào hông Trung:
- Nói tầm phào!
Nhưng Mỹ Lan đâu để yên:
- Là ai anh Trung?
Giữa Mỹ Lan và hai người vốn đã quen nhau, nên Trung sau một lúc lúng túng, đã phải nói ra:
- Anh Đào là tên cô gái có hình trên mộ bia ngoài nghĩa địa!
Sự hoảng hốt của bà giáo lên tới tột độ:
- Thánh thần ơi, con trai tôi...
Bà lảo đảo suýt ngã, Kim Thoa phải đỡ mẹ mình lại, cô hỏi Trung:
- Sao thằng Thiện có liên quan gì tới cô Anh Đào đó?
Bảo đáp thay bạn:
- Bữa hôm trước tụi này đi chơi qua cồn ông Hội đồng, ngồi nhậu ở đó, rồi thằng Thiện tình cờ đi vào nghĩa địa và gặp.
Thoa la lên:
- Vậy mà mấy bữa nay không nói! Trời ơi, thằng Thiện gặp tà ma rồi má ơi!
Bà giáo Nhơn thất thần:
- Con ơi là con!
Mỹ Lan lay tay Thiện:
- Anh Thiện, em Mỹ Lan đây! Anh tỉnh lại đi, chỉ có Mỹ Lan thôi!
Bảo bước đến gần Kim Thoa, nói khẽ:
- Mỹ Lan là người yêu của thằng Thiện ở Sài Gòn. Bữa trước em giấu chị!
Bỗng Mỹ Lan kêu lên:
- Bây giờ bàn tay của anh ấy lại nóng!
Cô sờ lên trán thì một lần nữa hốt hoảng:
- Trán bây giờ lạnh như bàn tay lúc nãy!
Trong lúc miệng của Thiện vẫn mấp máy:
- Anh Đào! Anh....
Lúc ấy có một người bước vào, Trung leo lên:
- Anh này rành chuyện cô Anh Đào lắm!
Sanh và Tùng đâu lạ gì gia đình Thiện, nên vừa thấy mặt họ Kim Thoa đã lên tiếng:
- Tụi bay dẫn nó đi đâu mà ra nông nỗi như thế này hả Sanh, Tùng?
Bảo hỏi Sanh:
- Anh biết về cô Anh Đào thì nói cho mọi người biết đi chứ!
Sanh nhìn sang Mỹ Lan rồi nói:
- Cô ấy còn đẹp hơn cô này nữa!
Kim Thoa quá sốt ruột:
- Nhưng nó là đứa nào?
- Là con gái út ông Hội đồng, chị Thoa quên rồi sao?
- Con nhỏ chết năm kia hả?
- Đúng rồi. Chết trẻ nên linh lắm...
- Nhưng sao lại liên quan tới thằng Thiện? Lúc Thiện đi học Sài Gòn nhiều năm liền về đây đâu có gặp con ấy. Vả lại, có thời gian nhiều năm nó theo mẹ qua sống ở Cần Thơ, vậy sao Thiện biết nó?
- Thằng Thiện chỉ mới biết con Anh Đào cách đây hơn mấy ngày!
Bà giáo đang khóc cũng phải ngừng lại, ngẩng lên hỏi:
- Mày nói gặp là sao? Chẳng lẽ con ấy hiện hồn về.
Tùng phải nói chen vào:
- Dạ không phải. Chẳng là thằng Thiện cùng bọn cháu qua cồn Hội đồng chơi, Thiện vô tình nhìn thấy ảnh của con Anh Đào trên mộ bia, rồi chẳng hiểu sao nó lại như vậy.
Kim Thoa là người rất nhạy cảm với chuyện này, cô run giọng nói:
- Không xong rồi. Thằng Thiện nó bị...
Cô không dám nói tiếp, nhưng Mỹ Lan đã giục:
- Chị nói xem, anh Thiện bị sao?
Sanh là dân quê mùa, nên ăn nói đâu biết giữ ý:
- Chị nói nó bị ma nhập hả? Mà cũng lạ, nó với con Anh Đào đâu có quan hệ gì...?
Chợt Tùng kêu lên:
- Đúng rồi mày ơi, con Anh Đào vốn chỉ thích những người học giỏi như thằng Thiện thôi!
Mỹ Lan không nhịn được, phải lên tiếng:
- Thích gì khi người ta đã có... người yêu rồi!
Bà giáo Nhơn giục Thoa:
- Mày đi mua liền cho má nải chuối và một con gà, rồi ghé rước ông thầy Tám qua đây cúng cho nó.
Mỹ Lan nãy giờ đã rất khó chịu khi nghe chuyện Thiện để ý tới một cô gái khác, dù đó là người trong mộ, giờ nghe bà giáo và Thoa sắp cúng tà ma, cô lên tiếng:
- Theo con thì bác và chị không nên rước thầy bà cúng vái chi cho mất công. Chuyện này có lẽ anh Thiện bị ám ảnh, cộng với bị khí hậu ẩm thấp nơi nghĩa địa làm cho cảm gió thôi, để con cho toa ra chợ mua thuốc về uống ắt khỏi thôi!
Rồi cô quay sang mấy thanh niên đứng gần đó, nói như cố tình muốn cho họ nghe:
- Ma quỷ, oan hồn là chuyện xưa rồi, sao có người còn tin cũng lạ!
Bà giáo Nhơn nghe thì phật ý, nhưng do mới biết Mỹ Lan, nên bà im lặng không nói gì, bà ra dấu cho Bảo bước ra nhà sau, hỏi:
- Con nhỏ này là thế nào với thằng Thiện?
- Thì cô ta vừa xưng đó, là bạn gái của Thiện. Cô ta tấn công Thiện, muốn lấy Thiện từ mấy năm trước mà thằng Thiện còn lưỡng lự...
Bà giáo trề môi:
- Con tôi muốn cưới hỏi phải có ý kiến của tôi chứ! Đồ con gái...
Bà định nói nặng, nhưng kịp nghĩ nên dừng lại. Bà nói với Bảo:
- Cháu tìm cách rủ nó ra nhà bên chơi đi, chỉ cho nó căn phòng còn trống, bảo ở tạm đó, chờ coi bệnh tình thằng Thiện...
Bà lại ngừng nói vì Mỹ Lan đã bước ra, Cô chủ động nói trước ý của mình:
- Cháu xin phép bác để đưa anh Thiện lên Sài Gòn. Cháu sẽ bao nguyên một chiếc xe vào tận đây.
Bà giáo phản đối liền:
- Không được! Bệnh tà ma này mà đi khác nào giết con tôi.
Mỹ Lan rất cực đoan:
- Cháu không thể chiều theo ý bác đâu. Cháu phải...
Bà giáo không còn nể nang nữa, bà gắt lên:
- Cô là mẹ nó hay là tôi?
Lúc này Mỹ Lan mới xuống giọng:
- Con năn nỉ bác, hãy vì tính mạng của Thiện, bác hãy để cháu đưa anh ấy đi, kẻo không còn kịp nữa.
Bà giáo vẫn cương quyết:
- Không bao giờ có chuyện đó! Cô là bạn nó, đã đến đây rồi thì cứ ở đó chơi, cầu mong cho nó mau bình phục là tốt rồi. Mọi việc để tôi lo.
Biết có nói cách mấy cũng không thuyết phục được bà già. Mỹ Lan tranh thủ nói với Trung ở nhà ngoài:
- Sao anh không giải thích với bà già, nếu cứ để tin bùa chú thì không sớm thì muộn cũng...
Vừa khi ấy, bỗng phía sau lưng họ có tiếng chân chạy rất nhanh và một tiếng quát khá quen thuộc:
- Anh Đào, chờ với!
Họ quay lại thì thấy Thiện với quần áo xốc xếch đang chạy bay tới! Mỹ Lan chưa kịp có phản ứng gì đã bị Thiện ôm chầm lấy:
- Anh Đào!
Mỹ Lan cảm nhận nhiệt độ cơ thể của Thiện lúc ấy bình thường như mọi người, chỉ có sắc mặt thì đờ ra, hai mắt long lên rất khác thường! Cô phải nhẹ giọng gì sát vào tai người yêu:
- Em là Mỹ Lan nè! Em về tìm anh...
Nhưng Thiện hầu như không nhận ra, vẫn luôn mồm gọi:
- Anh Đào, hãy đợi với!
Rồi anh vùng chạy nhanh ra cửa. Cũng may Ìa Trung đứng gần đó đã chụp lại kịp. Có thêm Mỹ Lan và cả Bảo cũng chạy vào hợp sức mới giữ Thiện lại được. Lúc này Thiện gần như kiệt sức, anh ngả đầu vào vòng tay của Mỹ Lan, da mặt xanh ngắt khiến bà giáo nhìn thấy đã phát hoảng:
- Thiện ơi, con làm cho má sợ quá? Tỉnh lại đi con.
Bà giằng Thiện ra khỏi tay Mỹ Lan, vừa gọi liên hồi. Cũng may là sau đó thì Thiện có vẻ tỉnh lại, anh mở mắt nhìn mẹ, hình như nhận ra, nhưng không nói gì. Tuyệt nhiên anh không chút cảm nhận gì khi Mỹ Lan đến gần. Trái lại, mỗi khi Mỹ Lan lên tiếng thì anh lại nhắm nghiền đôi mắt lại, như cố tình ngủ thiếp đi...
Mỹ Lan nghe đau nhói trong lòng trước thái độ của bà mẹ và cả Thiện nữa. Là thầy thuốc nhưng trước bệnh trạng của Thiện cô cũng có chút gì đó ngờ ngợ...
- Chị Thoa rước thầy về kìa!
Mỹ Lan nhìn ra cửa, thấy Thoa đi vào với một ông thầy mà vừa thoạt trông điệu bộ cô đã phát sợ. Biết mình có lên tiếng can thiệp thì trong nhà cũng chẳng ai nghe, mà ở lại chứng kiến cảnh làm bùa phép thì Lan không thể, nên cô đứng lên ra dấu cho Bảo bước ra theo. Cô hỏi Bảo:
- Anh ngủ ở đâu?
Bảo chỉ tay vào căn phòng trống mà gia đình dành cho khách:
- Mẹ Thiện muốn Lan ngủ ở đây. Theo mình thì Lan cũng đừng can thiệp vào việc nhà của họ, tình hình này chắc là Thiện không sao, để mai rồi hẵng hay.
Mỹ Lan lẳng lặng đi theo Bảo vào phòng được dành cho khách. Tuy không hài lòng lắm, nhưng cũng tạm thư giãn đầu óc. Đến lúc này cô mới thấm mệt. thấy cần một giấc ngủ vô cùng.
Lúc đầu lắng tai nghe động tĩnh bên ngoài, nhưng chỉ một lát sau thì cơn buồn ngủ đã khiến Lan hầu như không còn nghe thấy gì nữa. Cô tiểu thư chốn thị thành đã đi vào giấc ngủ một cách ngon lành...
Có lẽ đã khá khuya thì Mỹ Lan choàng tỉnh dậy. Cô nhìn đồng hồ tay và giật mình:
- 12 giờ rồi sao?
Thì ra cô nàng đã ngủ một giấc đến hơn 6 giờ liền! Bên ngoài lúc ấy đã im lìm, hình như mọi người cũng đã đi ngủ.
Thấy một cây đèn dầu ai đó đốt và đặt ở đầu bàn, Mỹ Lan đoán là lúc mình ngủ chắc chị của Thiện đã vào đây. Lại có cả một mâm cơm dọn sẵn, đậy lồng bàn để cạnh ngọn đèn. Bước lại xem thấy cơm còn hơi nóng, sẵn bụng đói Mỹ Lan định ngồi xuống ăn đại, nhưng kịp nghĩ, cô bước ra cửa và đảo mắt tìm ai đó trong nhà, ít ra cũng nói với họ một tiếng về lý do ngủ quên của mình.
Nhưng đi thẳng lên nhà trên, trở xuống nhà dưới cũng chẳng thấy một ai. Trong phòng của Thiện đèn còn sáng, nhưng im phăng phắc. Sau khi lưỡng lự một vài giây, Mỹ Lan bước trở về phòng của mình. Và cô khựng lại!
Trước mặt cô mâm cơm còn nguyên lúc nãy giờ đã hết sạch, giống như ai đó vừa ăn!
- Ai vậy?
Vừa tự hỏi, Mỹ Lan vừa nhìn chung quanh, không thấy ai, cô nghĩ tới con chó hay mèo gì đó nhân lúc cô đi ra ngoài đã ăn vụng. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại thì cách ăn là của con người chớ không phải con vật. Đũa, chén không hề xô lệch và phần thức ăn thừa đã được tém gọn gàng chớ không vung vãi như chó mèo ăn!
Dẫu chưa từng biết sợ chuyện ma quỷ, nhưng trước hiện tượng kỳ lạ này tự dưng Mỹ Lan bắt rùng mình! Cô ngồi thừ người ra một lúc rồi đành để bụng đói, trở lại giường tiếp tục ngủ. Vừa đặt mình nằm xuống, bàn tay trái của Mỹ Lan đã chạm vào một người nằm sẵn trên giường!
Trong bóng tối không nhìn thấy rõ, nhưng qua cảm nhận Lan biết chắc người nằm đó là một phụ nữ! Bởi làn da mát mịn và quần áo mặc của người ấy là loại lụa mỏng, láng.
Có muốn kêu lên thì lúc ấy Lan cũng không làm được Mà người nọ cũng không nói gì, từ từ siết chặt lấy tay của Mỹ Lan và nhẹ người quay sang đưa tay còn lại đặt lên miệng Lan, như muốn ra lệnh không được kêu la!
Rồi chậm rãi hơn, người ấy bật ngồi dậy và nhẹ nhàng cởi bỏ y phục của Mỹ Lan!
Trong đời, có lẽ đây là giây phút mà Mỹ Lan kinh hoàng nhất, nhưng cô không làm sao phản ứng được gì bởi tay chân và miệng hầu như bị tê liệt.
Chỉ một lúc sau thì toàn thân Mỹ Lan không còn một mảnh vải, cô run rẩy chờ cơn ác mộng ập tới! Tuy nhiên xem ra người nọ không hề muốn xâm phạm tới Lan, mà lại nhẹ nhàng bước khỏi giường.
Khoảng hơn năm phút sau thì Mỹ Lan mới cử động được, cô thử kêu lên:
- Bớ...
Thì mới biết là mình đã hoàn toàn thoát khỏi trạng thái lúc nãy. Cô định kêu rõ hơn để cầu cứu, nhưng chợt nhớ là mình còn đang tênh hênh nên vội sờ bên cạnh để tìm y phục.
- Trời ơi!
Lan kêu khẽ với sự kinh ngạc. Bởi quần áo bị cởi ra của cô đã không còn ở đó.
Theo bản năng, Mỹ Lan cố sức tìm kiếm, nhưng đúng là con người lúc nãy đã cố tình lấy đi hết quần áo, mà lúc này dù cho Lan có muốn lấy quần áo khác để mặc cũng không có, bởi lúc chiều khi vào phòng vội, cô chưa kịp lấy giỏ quần áo để ở phòng khách!
Nhìn ra bên ngoài thấy trời bắt đầu rạng sáng, Mỹ Lan càng run hơn, cô quơ vội chiếc mền bên cạnh quấn vào người rồi thu hết can đảm la lên:
- Bảo ơi. Trung ơi, giúp mình với!
Phòng của hai người ở gần bên, nên chỉ gọi lần thứ hai là đã nghe tiếng chân chạy sang. Tiếng của Trung:
- Gì vậy Lan?
- Mình... mình...
Lại có tiếng của Bảo:
- Lan, sao lại..
Lúc ấy Mỹ Lan nghe rõ bên ngoài là cuộc đối thoại giữa Bảo và Trung:
- Mày cầm quần áo của ai vậy?
Câu hỏi của Trung và Bảo đáp khá lúng túng:
- Là... là của... Mỹ Lan.
- Sao mày giữ quần áo của cô ấy? Bộ đồ này tao thấy cô ấy mặc lúc tới đây mà?
Bảo lại càng lúng túng hơn:
- Tao... tao thấy nó... ở trong phòng.
Trung la lớn:
- Mày với Mỹ Lan! Thật vậy sao Bảo?
Bảo gần như líu lưỡi lại:
- Bậy... bậy nè! Tao... tao chỉ...
Vừa lúc ấy, có cả tiếng của Kim Thoa:
- Chuyện gì ồn ào vậy hai cậu?
Bảo nhanh trí hơn, anh chàng gọi nhanh vào phòng:
- Bị sao vậy Lan?
Mỹ Lan cũng ứng phó khá nhạy:
- Mình bị... trúng gió! Làm ơn lấy cái giỏ mình để ở ngoài phòng khách đưa vào đây giùm!
Trung chạy đi rất nhanh, vừa đưa mắt ra hiệu cho Bảo. Anh chàng bị hàm oan này hiểu ý nên vội ném bộ đồ trên tay vào phòng, vừa nói:
- Quần áo đó, còn cái giỏ thì chờ thằng Trung một chút!
Ngay lúc đó, có giọng hớt hải của Trung:
- Đâu có thấy giỏ nào đâu?
Bên trong Mỹ Lan đã mặc lại đồ, cô nói vọng ra:
- Em để ở góc phòng khách, chỗ gần cái bàn lớn đó! Không thấy!
Mỹ Lan bước ra nét mặt vẫn còn sợ hãi nhưng trước mặt Kim Thoa cô phải làm ra vẻ tỉnh táo:
- Để em đi lấy.
Đi ngang qua chỗ Kim Thoa đứng, Lan lễ phép nói:
- Em cám ơn chị về mâm cơm tối qua.
Kim Thoa ngạc nhiên:
- Mâm cơm gì? Chị thức chờ em dậy để dọn cơm cho ăn mà thấy em vẫn ngủ say rồi nên chị cũng ngủ quên luôn.
Mỹ Lan khựng lại trố mắt nhìn, vừa lẩm bẩm:
- Vậy thì ai đã...
Cô nghĩ có thể là bà mẹ của Thiện hoặc người làm trong nhà, nhưng vừa khi ấy Kim Thoa lại nói rõ:
- Má chị bị bệnh nằm liệt từ chiều qua, còn đứa em bà con thì đã về quê từ mấy hôm rồi, nên nhà không có ai cả...
Mỹ Lan muốn thuật lại chuyện đêm qua nhưng kịp nghĩ lại nên thôi, lẳng lặng đi tìm giỏ đồ của mình. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau cô đã chạy trở lại, hốt hoảng:
- Cái giỏ đồ của tôi...
Kim Thoa lên tiếng ngay:
- Sao mất được? Nhà này không có ai khác ngoài chúng tôi nên không thể có chuyện mất đồ đạc trong nhà! Cô xem lại đi.
Thoa có vẻ giận dỗi, cô quay bước bỏ đi khiến cho Mỹ Lan không kịp đính chính lời nói không khéo của mình. Nhưng cô vẫn quay sang Bảo và Trung, hỏi:
- Hai anh có thấy giỏ đồ của em không?
Trung chỉ sang Bảo:
- Nó chỉ có giữ mỗi bộ đồ của em mặc hôm qua, có lẽ lúc em qua phòng nó...
Bảo lao tới bụm ngay miệng của Trung lại:
- Đừng có nói bậy? Tao với Mỹ Lan đâu có.
Mỹ Lan nhớ lại bộ đồ lúc nãy, liền hỏi:
- Sao anh có được bộ đồ này? Em bị mất nó bởi...
- Anh cũng không biết, lúc ngủ dậy đã thấy nó ở đầu giường. Anh tưởng em...
Mỹ Lan ngượng đỏ mặt:
- Em làm sao dám làm chuyện ấy! Vả lại, anh và anh Trung ngủ chung mà!
Trung nói nghiêm túc:
- Nãy giờ đùa vậy thôi, mình cũng đang tự hỏi sao bộ đồ của Lan lại ở bên phòng của bọn mình. Việc này ắt có điều gì đó.
Định giấu luôn chuyện xảy ra đêm qua, nhưng nghe Trung hỏi vậy, Mỹ Lan phải kể lại đầu đuôi. Kể xong, cô hỏi:
- Phải chăng đó là ma?
Bảo nhớ lại chuyện mình bị bóng đè hôm ngủ ngoài nghĩa địa, liền nói:
- Giống y như mình bữa đó! Cũng là con ma nữ...
Trung có tính hay bông đùa nên pha trò:
- Thằng Bảo là nam thì thấy bóng ma nữ dè, còn Mỹ Lan thì đáng lý ra phải là ma nam chứ!
- Em cảm nhận rất rõ, đó là một cô gái. Tuy không thấy mặt, nhưng em có thể tưởng tượng rằng đó là một người rất đẹp, ăn mặc sang trọng nữa...
Tự dưng Bảo buột miệng:
- Anh Đào!
Mỹ Lan nghe lạnh sống lưng:
- Cô ấy linh đến như vậy sao?
Bảo tiết lộ điều mà từ hôm đó tới nay chưa nói với ai:
- Đêm hôm đó, khi từ nghĩa địa về mình còn thấy cô ấy một lần nữa! Cô ta đòi mình phải làm rể phụ trong lễ cưới của cô ta!
Mỹ Lan nghe rung động tinh thần:
- Cưới ai?
Bảo lắc đầu:
Cô ấy không nói lễ cưới ai, nhưng sao mình có cảm giác như là...
- Bảo bỏ lửng câu nói càng làm cho Mỹ Lan tò mò thêm:
- Anh nói xem, ai vậy?
- Mình không dám chắc, nhưng người đó giống như Thiện!
Tiếng kêu của Mỹ Lan cũng vừa lúc từ phòng bên kia có một tiếng thét thật to:
- Anh Đào!
Tiếp theo là giọng thảng thốt của bà giáo Nhơn:
- Thiện, má đây con! Đừng làm má sợ.
Khi Mỹ Lan và mấy người bạn chạy sang thì ngạc nhiên vô cùng khi thấy Thiện đang ôm một bộ áo cưới trong lòng. Anh nói trong niềm hoan lạc:
- Tối nay là ngày con cưới vợ, sao má chưa sửa soạn nhà cửa cho đẹp? Phải kết hoa, giăng đèn chớ!
Mỹ Lan kêu lên:
- Thiện! Em đây mà...
Nhưng Thiện chừng như không nhận ra, anh nói theo ý của mình:
- Cô và anh bạn này là phụ dâu, phụ rể. Phải mặc quần áo đẹp nhé!
Rồi anh lại ôm bộ áo cưới và hát nghêu ngao bài tình ca mà trong các lễ cưới người ta hay hát. Bảo đưa mắt nhìn Mỹ Lan, ái ngại:
- Nó nói giống như trong giấc mơ mà mình thấy. Cũng chiếc áo cưới này.
Bà giáo ngạc nhiên hỏi:
- Con mơ thấy gì?
- Dạ, thấy Anh Đào!
Bà giáo thất thần:
- Lại con Anh Đào đó nữa! Vậy mà ông thầy Tám nói là đã trục được nó đi rồi!
Bà đang nói thì con Luyến, đứa bé thường bưng bánh bông lan đi bán dạo quanh xóm, nó từ ngoài cửa chạy vào và la lớn:
- Ông thầy Tám bị hộc máu chết rồi bà giáo ơi!
Mọí người sững sờ, riêng Kim Thoa thì chạy thẳng ra cửa. Lát sau cô về và thất thần nói:
- Ông thầy Tám chết chật rồi. Ông ấy từ nhà mình về thì bị sốt cao, có lúc lạnh toàn thân, nằm ngủ từ tối hôm qua không dậy, lúc đó người nhà vào coi thì thấy ông đã chết trong vũng máu. Hộc máu tươi ra một đống!
Bảo là người nhạy cảm với câu chuyện vừa nghe hơn ai hết, anh lẩm bẩm:
- Lại là Anh Đào...
Rồi như con thú bị thương, Bảo rút vào một góc ngồi im, vừa run rẩy...
Trong khi đó, Thiện vẫn nghêu ngao hát và hầu như chẳng chú ý đến ai chung quanh. Mỹ Lan gần muốn phát khóc trước cảnh đó. Cô mím chặt môi, đứng lặng người đi một lúc lâu, rồi thất thểu trở về phòng của mình.
Nhưng vừa bước vào phòng thì đã phải khựng lại và rụng rời tay chân. Trước mắt cô, ở giữa phòng là một người phụ nữ toàn thân nguyên vẹn, chỉ có cái mặt là trơ xương. Một chiếc đầu lâu trên thân người!
Như thân cây bị đốn ngã. Mỹ Lan ngã sấp ngay dưới chân bóng ma...
° ° °
Rầu rĩ chuyện con trai lâm vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh nên bà giáo Nhơn năng đi chùa. Ngoài mục đích cầu nguyện cho bệnh trạng của con, bà còn van vái vong hồn của Anh Đào, mong cô đừng quấy phá... Ngôi chùa Thiện An có vị hoà thượng Chơn Tánh là người lâu nay bà giáo rất sùng bái. Nhân việc này, bà tới viếng và trình bày với ông mọi chuyện đang xảy ra trong nhà mình.
Nghe xong, ông chau mày một lúc rồi gọi chú tiểu vào trai phòng lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ. Mở hộp ra, ông lấy đưa cho bà giáo xem một xâu chuỗi hạt huyền, vừa bảo:
- Đây là vật mà người đem ký gửi cho bần tăng đã nói rằng của chính con gái bà ấy. Tôi thấy xâu chuỗi đẹp nên hỏi bà ấy mua ở đâu, thì bà cho biết là không hề mua, mà chính con gái bà trước khi chết đã nhặt được nó trong một chuyến đi chơi. Xâu chuỗi đen tuyền, đúng là bằng hạt huyền nguyên chất, nhưng càng quý hơn là trên mỗi hạt đều nổi lên chữ Thiện rõ như cầm bút viết. Bần đạo đã nhìn thật kỹ, chữ Thiện này không phải do bàn tay con người tạo nên. Nó tự nhiên mà có!
Bà giáo nhìn kỹ và dù không biết chữ Hán, nhưng cũng thấy được trên mỗi hạt huyền đều hiện lên một chữ giống nhau, khi ẩn khi hiện. Bà giật mình nói:
- Sao nó giống với chỗ mỏ ác của thằng con nhà này, lúc nó vừa sinh ra thì ở mỏ ác cũng nổi lên một chữ giống như vậy. Ba nó thấy vậy nên đặt cho nó tên là Thiện, ổng nói tên ấy trùng với chữ trên mỏ ác!
Sư Chơn Tánh cũng ngạc nhiên:
- Sao lại có chuyện trùng hợp lạ kỳ như thế này?
Người đem gửi xâu chuỗi này cũng kể chuyện gần giống như vậy. Bà ấy bảo rằng trên mỏ ác con gái bà lúc mới sinh ra cũng có một chữ Thiện như thế!
Bà giáo chưa thể tin có chuyện trùng hợp như thế, nên hỏi lại:
- Người đem gửi xâu chuỗi là ai vậy, thưa thầy?
Nhà sư không giấu:
- Là bà Hội đồng ở làng mình.
Bà giáo kinh hãi kêu lên:
- Con gái đã chết của bà là Anh Đào!
- Thì ra bà cũng biết mẹ con họ. Tội nghiệp, cô con gái còn trẻ quá mà đã yểu mạng. Nhưng có chuyện này. Ông lấy ra một quyển sách cũ, lật vài trang rồi ngẩng lên bảo:
- Theo sách thì trên đời này nếu hai người có cùng đặc điểm giống nhau thì sẽ không cùng gần nhau được. Cũng may giữa con trai bà và cô gái cùng làng này không có quan hệ gì với nhau, nên...
Vừa nói tới đó, ông chợt nhớ ra, nên vội bảo:
- Mà không phải, giữa họ có dính tới nhau đấy chứ? Theo lời bà kể thì hiện cô Anh Đào và cậu con bà gặp nhau...
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp:
- Theo sách thần toán thì nếu một cặp giống đặc điểm với nhau mà một trong họ chết thì mọi việc coi như đã được hoá giải. Ở đây người nữ đã thác rồi...
Bà giáo thở dài:
- Vậy mà vong hồn của con nhỏ đang ám thằng con nhà này. Thầy xem có cách nào chỉ giúp con với.
Sư Chơn Tánh bộc bạch:
- Người tu hành không tin tà ma, cũng không đối đầu với chúng. Nhưng trong chuyện này, do tình cờ bần tăng được ký thác xâu chuỗi có liên quan tới vong linh người nữ tên Anh Đào, cho nên bần tăng cứ tạm gửi cho bà xâu chuỗi. Bà thử đem xâu chuỗi này về, đưa cho cậu nhà giữ trong mình coi có tác dụng gì không?
Bà giáo phấn khởi hẳn lên:
- Xin tạ ơn thầy, ngàn lần tạ ơn thầy!
Bà lấy xâu chuỗi và bọc nó trong chiếc khăn đội đầu một cách cẩn thận, chẳng khác gì giữ một báu vật. Sư Chơn Tánh còn dặn:
- Thầy cũng không dám chắc có kết quả gì, nhưng sau khi thử để cậu nhà giữ trong ba hôm, thì đem lên đây trả lại cho ta.
- Dạ, con xin hứa!
Bà rời khỏi chùa một đoạn thì chợt có người gọi phía sau:
- Bác ơi!
Quay lại thì bà giáo vô cùng ngạc nhiên khi thấy Mỹ Lan với gương mặt tiều tuỵ, thất thểu bước một mình.
- Cháu đi đâu vậy?
Lan bỗng khóc oà:
- Con khổ quá bác ơi. Anh Thiện vừa rồi đuổi con đi, anh ấy nói con không thể ở trong nhà được, bởi tối nay anh ấy cưới vợ!
Vẫn không ưa cô gái này, tuy nhiên khi thấy tình cảnh Mỹ Lan như vậy, bà giáo cũng phải an ủi:
- Cháu cứ về với bác, mọi việc rồi để bác lo.
Mỹ Lan lắc đầu:
- Cảm ơn bác. Cháu muốn vào chùa một chút, bác cứ về trước.
Với xâu chuỗi hạt huyền trong tay, bà giáo cũng không không muốn giữ Lan lại, bà bước đi nhanh, bỏ lại cô gái ở đó. Mỹ Lan lững thững bước vào chùa.
Đang đi, bỗng có ai đó nắm tay Lan kéo lại. Bực mình, vừa định lên tiếng thì chợt một giọng nói vừa đủ cho cô nghe:
- Cô đang "dơ mình" thì làm sao vào chùa được!
Mỹ Lan giật mình khi bị nói đúng tình trạng cơ thể mình, cô quay lại nhìn thì suýt kêu thét lên, bởi đang đứng trước mặt cô lúc ấy là... cô gái với cái đầu lâu hôm trước!
- Cô... cô...
Hôm đó ở trong phòng khi vừa nhìn thấy con người này, Mỹ Lan đã ngất xỉu. Hôm nay có lẽ do đã gặp một lần, nên Lan chỉ run rẩy, định bước lùi lại, thì đã nghe một giọng nói tuy nhẹ nhàng, nhưng hàm ý như ra lệnh:
- Bước ra góc sân kia vắng vẻ, dễ nói chuyện hơn.
Như bị thôi miên, Mỹ Lan bước theo. Cô gái kia đi nhẹ nhàng, nhưng lại bước rất nhanh. Dẫu cố gắng, nhưng Lan không tài nào theo kịp. Khi bước tới cuối sân chùa phía sau, thì đã thấy cô nàng nọ ngồi sẵn trên một ghế đá, quay lưng lại như chờ đợi.
Bước tới sát bên, nhưng Mỹ Lan không dám ngồi xuống, phải đợi nhắc:
- Ngồi xuống đi!
Mỹ Lan vừa ngồi xuống thì bất thần người ấy quay lại Lần này Mỹ Lan không sửng sốt nữa, mà đúng hơn là sững sờ trước gương mặt đẹp như tranh vẽ của cô ta!
- Cô... cô...
Cô gái cười rất tươi:
- Sao cô Mỹ Lan có vẻ ngạc nhiên vậy? Vẫn là tôi đây thôi. Cô có muốn biết tên tôi không? Tôi là...
Chẳng hiểu ai xúi giục mà Mỹ Lan đã buột miệng:
- Anh Đào!
Một tiếng cười trong trẻo phát ra từ đôi môi Anh Đào:
- Cô khá thông minh. Bởi vậy sự quan tâm của tôi với cô không phải là chuyện thừa.
Mỹ Lan muốn nhìn thẳng vào mặt người đối diện, nhưng mỗi khi liếc mắt nhìn thì cô có cảm giác như ánh mắt ấy đang muốn nuốt chửng mình, bởi vậy cô vừa cúi mặt vừa nói:
- Vừa rồi cô...
Ý Mỹ Lan muốn nhắc tới gương mặt ghê sợ lúc nãy, nhưng chưa kịp nói thì đã bị chặn ngang:
- Cô muốn tôi với gương mặt quỷ ấy lắm sao? Tôi vốn là người như thế này và bây giờ tôi vãn như vậy, ngoại trừ...
Nàng vừa nói vừa đứng lên, và bất thần vung tay lên cao. Khi hạ tay xuống thì nàng ta vụt biến mất!
Mỹ Lan rung động thật sự, cô lắp bắp:
- Tôi... tôi...
Lần đầu tiên biết chắc mình đang gặp ma, nên phải mất mấy chục giây sau cô mới hoàn hồn. Tuy nhiên, phải một lúc lâu sau Mỹ Lan mới có thể đứng dậy và lảo đảo bước đi.
Chợt có ai đó nói một cách vô tình ngay phía sau:
- Mới rồi tôi nhìn thấy đứa con gái nào ngồi ở băng đá kia giống hệt như con Anh Đào con ông Hội đồng!
Một người khác nói thêm:
- Con nhỏ chết trẻ, lại bất đắc kỳ tử nên linh lắm, nghe nói nó cứ hiện hồn về hoài. Mày lạng quạng mà gặp phải nó thì có mà toi mạng!
Hai người nọ đi rồi mà Mỹ Lan vẫn còn bàng hoàng. Cô nhìn lại cánh tay mình, nơi cô vừa bị Anh Đào nắm, dường như cảm giác lạnh và tê rần đang lan ra... Nỗi sợ hãi càng lúc càng lớn, cuối cùng thay vì trở lại nhà của Thiện, Mỹ Lan quyết định đi luôn ra bến xe đò. Cách tốt nhất lúc này đối với Lan là phải rời khỏi chốn này. Mất Thiện dẫu đau lòng, nhưng mạng sống của mình, Mỹ Lan nghĩ, không thể để mất trong tay một hồn ma được!
Mỹ Lan bước lên xe đò lúc ấy là hai giờ chiều...
° ° °
Chiếc xe nhà ngừng ngay cửa khiến cho bà giáo ngạc nhiên nhìn ra. Do mắc kém nên chưa nhận ra ai, bà bảo Kim Thoa: - Con ra coi ai vậy?
Thoa vừa bước ra đã quay trở vào liền, giọng hớt hải:
- Bà Hội đồng má ơi!
Từ nào đến giờ tuy là ở chung làng, nhà cũng không cách nhau xa lắm, nhưng bà giáo Nhơn chưa một lần gặp gỡ với con người mang tiếng là giàu có và quyền uy nhất vùng này. Bởi vậy nghe bà ta ghé lại nhà mình thì bà giáo ngạc nhiên, chưa biết phải làm sao. Vừa khi Kim Thoa nhắc:
- Bà ấy là má con Anh Đào đó!
Chi tiết này làm bà giáo nhớ lại chuyện thực tại của con trai mình, bà vội đứng lên. Nhưng bà chưa kịp ra cửa đón khách, thì khách đã bước vào phòng ngoài rồi.
Chính cô con gái lớn bà Hội đồng là Vân Anh dìu mẹ mình đi. Thay vì thái độ hách dịch như xưa kia nhưng bây giờ bà Hội đồng rất dịu dàng, bà lên tiếng:
- Tôi muốn gặp bà giáo Nhơn.
Bà giáo mau mắn:
- Dạ, tôi là vợ giáo Nhơn đây.
Bà Hội đồng chụp ngay tay chủ nhà và siết chặt như người thân lâu năm mới gặp lại, bà ríu rít:
- May mắn cho tôi. Cứ tưởng không gặp được bà!
Rồi không đợi chủ nhà mời, bà đã ngồi ngay xuống ghế trường kỷ, dúi nhanh vào tay bà giáo một gói bọc nhung đỏ, vừa nói nhanh:
- Bà cứ giữ lấy, coi như đây là của hồi môn tôi cho tụi nó làm ăn!
Bà giáo ngơ ngác:
- Chuyện gì vậy bà Hội đồng?
Kim Thoa phải bước tới giúp mẹ mình mở bọc nhung ra, cả hai mẹ con đều sững sờ trước nhiều món nữ trang sáng loá!
- Cái... cái này...
Trong lúc bà giáo lúng túng thì bà Hội đồng đã bình tĩnh nói:
- Con gái tôi nó bắt phải đem qua đây cho bằng được. Nói bảo rằng nhà chồng nó không có sẵn, mà đám cưới thì phải có nữ trang để mẹ chồng trao cho cô dâu trong lễ lạy xuất giá. Đây là chút thành ý của gia đình chúng tôi, cũng là ý nguyện của con gái tôi nữa, xin chị đừng từ hỏi. Bởi nếu không...
Vân Anh bây giờ mới lên tiếng:
- Suốt đêm qua, con Anh Đào hiện hồn về cứ đòi má tôi phải đi qua đây ngay, má tôi bảo để sáng tính lại thì nó quậy tưng bừng, làm cả nhà không ai
ngủ nghê gì được! Con nhỏ này ngang bướng, nó mà muốn chuyện gì thì đố ai cản được. Bởi vậy, bác và chị đây nên làm theo ý nó.
Bà Hội đồng nói thêm:
- Vong của nó về bảo rằng nó có duyên với thằng Thiện nhà này, duyên tiền kiếp chứ không phải mới đây, nên bằng giá nào chúng cũng phải lấy nhau.
Bà giáo ngập ngừng:
- Nhưng mà... tụi nó làm sao ăn ở với nhau được?
Vân Anh quả quyết:
- Anh Đào đoan chắc là nếu chúng ta cử hành hôn lễ cho đúng với nghi thức. thì nhất định hai đứa nó sẽ ăn đời ở kiếp với nhau được!
Kim Thoa nói nhỏ bên tai mẹ:
- Thì cũng giống như thằng Thiện, nó cũng nói vậy...
Bà giáo dịu giọng:
- Tôi cũng đâu biết làm sao khác...
Bà Hội đồng mừng rỡ:
- Như vậy được rồi! Chúng ta tiến hành hôn lễ cho chúng nó ngay đi. Chính con Anh Đào chọn ngày, tối hôm nay là lễ đưa dâu...
Kim Thoa buột miệng:
- Sao được! Ai lại rước dâu vào ban đêm?
Vân Anh giải thích:
- Nó là hồn ma thì làm sao đi ban ngày được. Vả lại hôm nay là ngày giờ tốt, con Anh Đào bảo ở cõi âm chuyện ngày giờ là quan trọng lắm, không thể làm khác được.
- Đón dâu ngay tối nay được chứ sao không, má.
Câu nói bất ngờ khiến mọi người quay lại. Thiện bước ra với chiếc áo cưới trong tay. Trông anh tỉnh táo hơn mấy ngày qua. Bà Hội đồng vừa trông thấy đã reo lên:
- Con ơi, giúp má với.
Thiện hầu như đã trở lại bình thường, anh nhìn mẹ và nói:
- Đây là duyên nợ của tụi con má à, má nên làm theo ý má vợ con. Đó cũng là ý của Anh Đào...
Thấy con mình đã bình thường, bà giáo mừng lắm, nhưng còn rất khó xử với chuyện cưới xin, bà nhìn sang con gái như nhờ sự góp ý thì Kim Thoa lại gật đầu:
- Cứ làm thế đi má.
Thiện đưa lại cho bà Hội đồng cái hộp gỗ đựng xâu chuỗi huyền:
- Con tạm giữ vật này, gởi trả lại cho má, để má đưa cho Anh Đào. Cũng chính nhờ nó mà con trở lại bình thường. Con cảm ơn má, cảm ơn Anh Đào.
Kim Thoa cũng mừng khôn xiết:
- Thằng Thiện đâu còn gì phải lo nữa má! Hay là...
Hiểu ý chị mình, chính Thiện nói liền:
- Với Anh Đào thì một là một, không cãi lời cô ấy được đâu. Mà tại sao lại làm khác, khi con và cô ấy có duyên nợ với nhau.
Hai mẹ con bà giáo im lặng. Trong lúc bà Hội đồng lại giục:
- Không còn thì giờ nữa đâu, bây giờ tôi phải trở về lo chuyện hôn lễ.
Bà giáo vẫn còn lúng túng:
- Nhưng... nhà cửa tôi như vậy, làm sao đây?
Thiện trấn an:
- Đâu phải đám cưới bình thường dâu mà má phải lo. Cứ để con.
Anh đứng lên đi về phía góc nhà, rồi xách tới một chiếc vali mà vừa nhìn thấy Kim Thoa đã reo lên:
- Vali quần áo của con Mỹ Lan, nó bị mất...
Thiện mở vali ra trước sự kinh ngạc của mọi người. Trong đó chứa một bộ áo dài khăn đóng của nam và một bộ áo gối thêu rồng phượng bằng lụa rất đẹp!
Vân Anh là người lên tiếng đầu tiên:
- Hôm qua mấy thứ này còn bên nhà, ai đem qua đây hồi nào vậy?
Rồi cô kể:
- Chính bởi những vật này mà ba năm trước con Anh Đào tự tử! Nó phản đối cuộc hôn nhân do ba má tôi ép nó. Khi nó chết rồi, tôi tiếc của nên xếp mấy thứ này vào tủ cất, hôm nay tự nhiên thấy nó xuất hiện trên giường Anh Đào, rồi bây giờ lại ở đây.
Thiện nói một cách tự nhiên:
- Mọi vật đều có chủ, mà phải đúng là chủ nó thì mới hưởng được lâu bền. Cái này là dành cho em.
Anh ướm thử bộ đồ và reo lên:
- Đồ này sắm là để cho con đây chứ!
Nhìn con mình trong bộ đồ lễ, bà giáo xúc động nói:
- Con tôi!
Bộ đồ vừa vặn đến kinh ngạc! Đến Vân Anh cũng phải kêu lên:
- Như đo cắt cho cậu Thiện vậy!
Kim Thoa thấy bên dưới bộ đồ cưới còn có vài thứ nữa, nhìn kỹ cô kêu lên mà quên sự có mặt của hai người khách:
- Quần áo của Mỹ Lan!
Quả đúng như vậy. Đây rõ ràng là vali của Mỹ Lan bị mất hôm qua.
- Chị Hai giúp em đem cất vali này vào phòng.
Nhớ chuyện mình giận Mỹ Lan về chuyện mất chiếc vali này, Kim Thoa hơi hối hận. Lúc này cô mới chợt nhớ ra là Mỹ Lan đã không có ở nhà từ trưa hôm qua đến giờ. Cô gọi Bảo và Trung hỏi:
- Mấy đứa có thấy Mỹ Lan đâu không?
Bảo đưa ra mảnh giấy nhỏ:
- Lan về Sài Gòn rồi. Giấy này em cũng không phải nhận trực tiếp từ cô ấy, mà do thằng Sanh bạn của Thiện đưa lại.
Thoa lẩm bẩm:
- Cũng tại chị...
Trong đầu Thoa đang hiện lên một hình ảnh rắc rối mới. Chuyện tình cảm của Thiện và Mỹ Lan sẽ ra sao đây khi Thiện làm đám cưới, mặc dù là đám cưới với... hồn ma. Xem ra Mỹ Lan yêu Thiện thật lòng và chắc bây giờ cô ta đau khổ lắm...
Trung chép miệng:
- Yêu đương làm gì cho rắc rối!
Bảo chống nạnh nhìn bạn:
- Để rồi coi.
Rồi anh ta hỏi khẽ Kim Thoa:
- Bộ để cho thằng Thiện lấy... hồn ma thật hả chị?
Thoa nhẹ thở dài:
- Chứ biết sao bây giờ. Hai đứa không thấy sao, nếu không cho nó cưới thì bệnh tình thằng Thiện biết chữa thế nào đây?
Bảo rùng mình:
- Chắc em không dám ở lại dự lễ cưới này quá!
Trung trừng mắt nhìn bạn:
- Bạn bè vậy đó hả?
- Ngoài ra còn Mỹ Lan nữa...
Ý Bảo muốn nói rằng dẫu sao giữa họ và Mỹ Lan là bạn lâu năm, giờ đây chẳng lẽ đứng nhìn bạn mình phản bội?
Hiểu ý, nên Kim Thoa nhẹ giọng bảo:
- Hai đứa cũng không nhất thiết phải ở lại...
Tuy nhiên Trung đã quyết định:
- Bọn này sẽ ở lại. Và cũng chính bọn này sẽ về giải thích lại cho Lan hiểu.
Lúc này đã xế chiều. Mẹ con bà Hội đồng cũng đã lên xe về. Còn lại toàn người nhà, bà giáo mới lo lắng hỏi Thiện:
- Con chấp nhận lấy con Anh Đào, con không nhớ nó là...?
Thiện hào hứng:
- Con không thấy có gì trở ngại cả! Mấy ngày qua trong cơn mê con đã biết thế nào là sống với một người cõi âm, nên con có cảm giác như giữa chúng con không có gì khác biệt. Vả lại, Anh Đào nói với con rằng cô ấy sẽ dành cho con một sự ngạc nhiên lớn. Con tin cô ấy.
Bà Hội đồng chỉ biết lắc đầu, thở dài...
° ° °
Chiếc xe hơi quen thuộc của bà Hội đang đi trước, theo sau là hai chiếc nữa. Họ lặng lẽ ngừng ngay trước cổng nhà. Trong này, bà giáo Nhơn cũng đã chuẩn bị sẵn, nên giục Kim Thoa: - Đưa má ra ngoài đón người ta!
Vừa bước ra tới cửa, mẹ con bà giáo đã sững sờ đứng khựng lại! Trước mặt họ là bà Hội đồng đi cùng cô con gái lớn và bốn năm người lớn tuổi nữa, có lẽ là trong thân tộc. Đặc biệt hơn là... có cả cô dâu đi kèm!
Kim Thoa bắt đầu run:
- Sao... sao hồn ma mà cũng... cũng hiện hình giữa ban ngày được?
Bà giáo cũng không hơn gì, giọng bà run còn hơn con gái:
- Vịn giùm má, má thấy chóng mặt...
Nhóm người nhà bà Hội đồng bước thẳng vào nhà một cách rất tự nhiên. Vân Anh là người đại diện cho nhà gái, lên tiếng:
- Thưa bác giáo, giữ đúng lời giao ước, nay giờ lành, ngày lành tháng tốt, má con và bà con họ nhà gái, xin đưa dâu về nhà chồng. Đúng ra lẽ này phải khác
đi, nhưng bác giáo thông cảm cho, hoàn cảnh không cho phép, nên tạm cử hành như thế này. Mời chú rể ra đón cô dâu vào nhà để lạy gia tiên luôn!
Thiện từ trong bước ra, anh hơi khựng lại một chút khi nhìn thấy cô dâu đang trùm kín mặt. Rồi anh cũng tiến tới cúi chào nhà gái, xong đưa tay nắm lấy bàn tay cô dâu. Họ sóng đôi bước vào nhà trong. Tuy nhà không trang hoàng gì, nhưng do mới sơn phết hồi Tết, tường còn mới, lại được tăng cường đốt mấy ngọn đèn manchon nên cũng rực rỡ, sáng choang.
Trước khi bắt đầu lạy bàn thờ, một người trong thân tộc nhà gái nhắc:
- Cô dâu phải giở khăn trùm ra rồi hãy lạy!
Chiếc khăn được chính Thiện giở ra từ từ... Và anh sững sờ khi gương mặt cô dâu hiện ra! Đó là... Mỹ Lan?
- Hả!
Thiện hơi lùi lại nửa bước, nhưng liền lúc đó anh nghe một giọng nói thật khẽ, chỉ đủ cho mình anh nghe:
- Bình tĩnh. Cứ làm như những gì em đã dặn!
Giọng nói không phải là của Mỹ Lan! Giọng này Thiện đã nghe quen trong suốt mấy ngày hôn mê... Đó là giọng của Anh Đào!
Buổi lễ gia tiên diễn ra êm thấm trước con mắt kinh ngạc của mẹ con bà giáo và cả hai người bạn của Thiện đứng ngoài cửa! Bảo nói khẽ với Trung:
- Tao không thể hiểu nổi...
Trung cũng lắc đầu:
- Để lát nữa gặp Mỹ Lan tao hỏi xem.
Khi cuộc lễ chấm dứt thì Thiện xin phép hai bà mẹ được đưa vợ vào phòng riêng. Vừa vào tới trong, anh nhận được một câu nói rót vào tai:
- Ban ngày anh sẽ sống với em bằng gương mặt này, còn ban đêm thì em sẽ là Anh Đào trọn vẹn!
Trong lúc quyện chặt lấy nhau trên giường, giọng nàng tha thiết hơn:
- Em đã thương lượng với Mỹ Lan rồi, cô ấy cũng đồng tình với cuộc sống này. Bọn em phải hy sinh nhiều lắm đó. Chỉ có anh là sướng thôi, được một lúc đến... hai vợ!
Thiện có lẽ quá bất ngờ nên nhất thời anh không không thốt được thành lời. Mà cần gì phải nói, khi trong tay anh đã có được một cuộc tình không thể có trường hợp thứ hai trong cõi đời này!