Vào ngày 2/11/2000, tên lửa Soyuz của Nga đã được phóng lên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Con tàu với tên gọi Expedition 1 này mang theo cùng nó 3 phi hành gia, bao gồm William Shepherd Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev. Expedition 1 cũng là con tàu đầu tiên đưa con người lên sinh sống ngoài không gian, bước đầu tiên trong quá trình khám phá những hành tinh khác như sao Hỏa.
Expedition 1 có vận tốc 8km một giây. Tổng cộng thì các phi hành gia đã dành một lượng thời gian là 136 ngày, 17 giờ và 9 phút trên con tàu này.
Đối với những độc giả chưa biết, thì ISS là một môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp nơi mà những thành viên phi hành đoàn thực hiện các thí nghiệm liên quan đến sinh học, vật lý học, thiên văn học, khí tượng học và nhiều lĩnh vực khác.
Vào đầu tuần vừa rồi khi mà ISS mừng sinh nhật lần thứ 15 của mình, các phi hành gia trên chuyến tàu mang số hiệu Expedition 45 đã chát trực tiếp với mặt đất thông qua camera. Hai người trong số họ, Scott Kelly và Mikhail Kornienko, đang thực hiện sứ mệnh sống 1 năm trên ISS để tìm hiểu ảnh hưởng của việc sống ngoài không gian trong một thời gian dài lên sức khỏe con người.
Kích cỡ
ISS là kết quả của sự hợp tác xây dựng giữa 16 quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga, Brazil, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh.
ISS nặng gần 454 tấn và có kích cỡ gần bằng một sân bóng đá chuyên nghiệp. Ngoài ra độ rộng bên trong của ISS cũng không thua kém gì một chiếc máy bay thương mại Boeing 747 hay một căn nhà với 6 phòng ngủ.
Trước khi Expedition được phóng lên ISS, thì một tên lửa Proton do Nga sản xuất đã được phóng lên quỹ đạo vào năm 1998 để chuẩn bị chào đón 3 phi hành gia.
Tốc độ
Cứ mỗi 90 phút thì ISS lại quay một vòng quanh Trái đất. Với tốc độ như vậy thì các phi hành gia trên ISS sẽ có cơ hội ngắm mặt trời mọc và mặt trời lặn vào mỗi 45 phút.
Thành tựu khoa học
Ngoài con tàu chính thì trên ISS còn có 3 mô-đun khác, một đến từ Mỹ, một đến từ Liên minh châu Âu và chiếc còn lại do Nhật Bản sản xuất.
Ngoài việc thực hiện các khám phá về thiên văn học, trong vòng 15 năm qua các thành viên của ISS đã sáng tạo ra rất nhiều phát minh giúp cải thiện cuộc sống của hơn 7 tỷ người trên Trái đất. Ví dụ hệ thống lọc nước trên ISS đã được áp dụng để giúp người dân trên thế giới tiếp cận với nước sạch, trong khi những con rô-bốt tự động trên ISS được con người ứng dụng vào quá trình phẫu thuật trong y học. Ngoài ra những khám phá trên ISS đã giúp ích rất nhiều cho việc phát triển của công nghệ in 3D và chữa trị bệnh trên Trái đất.
Những điều bất ngờ
Vào tháng 8 năm 2003, hai phi hành gia và cũng là một cặp đôi, Yuri Malenchenko và Ekaterina Dmitriev đã tổ chức hôn lễ trên ISS. Vào năm 2007, thì các phi hành gia đã chào đón một vị khách tham quan, ông Charles Simonyi, người đi cùng các phi hành gia của chuyến tàu Expedition 15. Ông đã ở trên ISS 12 ngày và trở về trái đất cùng các thành viên của Expedition 14.
Vào tháng 6 năm 2007, hệ thống máy tính quản lý khí ô xy và quỹ đạo của con tàu đã bị hỏng. Nhưng sau đó vấn đề này đã được sửa chữa và không có thiệt hại nào về người.
Mặc dù trên Trái Đất đã từng xảy ra nhiều bất đồng chính trị, đặc biệt là căng thẳng giữa Nga và Mỹ, nhưng hợp tác song phương liên quan đến việc duy trì hoạt động của ISS vẫn diễn ra liên tục và không bị ảnh hưởng.
Những con số thống kê thú vị khác
Các phi hành gia hiện tại trên chuyến tàu mang số hiệu Expedition 45
- Các con tàu của ISS đã thực hiện 87.6 nghìn lần đi vòng quanh Trái đất
- Tổng cộng các phi hành gia đã ăn 26.5 nghìn bữa ăn trên ISS
- 122 phi hành gia từ 9 quốc gia đã thực hiện 189 lần đi ra khỏi những con tàu để duy trì hoạt động của ISS
- 37 chuyến bay từ Trái đất đã được thực hiện để cung cấp cho ISS những phụ kiện kỹ thuật và đồ tiếp tế cần thiết
- Số lượng mã tin học để vận hành ISS lên đến 3.3 triệu
Vào năm 2024, ngân sách tài chính để hỗ trợ hoạt động cho ISS sẽ hết. Liệu rằng thế hệ ISS thứ 2 sẽ được xây dựng vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên Nga và Mỹ đã bày tỏ mong muốn hợp tác trong việc phát triển một thế hệ thứ 2 của trạm vũ trụ quốc tế.
ISS sẽ giúp các nhà khoa học đáng kể trong việc khám phá và đưa con người lên sao Hỏa. Những chuyến tàu đầu tiên đưa con người lên hành tinh đỏ sẽ khởi hành từ năm 2017. Được biết trong số các dự án đưa con người lên sao Hỏa, Mars One là một cái tên nổi bật. Từ khi được giới thiệu vào tháng 4/2013 thì Mars One đã thu hút được hơn 200 nghìn hồ sơ đăng ký từ công dân của mọi quốc gia trên thế giới, không phân biệt màu da, tôn giáo hay trình độ học vấn. Sau khi vòng tuyển chọn thứ 2 kết thúc, 100 người cuối cùng được lựa chọn trong đó có Vũ Quốc Anh, người Việt Nam duy nhất trong danh sách này. Tất nhiên là cuộc đua còn dài và ban tổ chức sẽ chỉ chọn 4 người cho chuyến đi “một đi không trở lại” này, nhưng hy vọng rằng anh chàng 32 tuổi của chúng ta sẽ dành được thắng lợi để lên sao Hỏa và làm rạng danh mảnh đất hình chữ S trên trường quốc tế!
Nguyễn Mai Đức (Tổng hợp)