"Vợ nhặt" là một trong những áng văn tiêu biểu của người nghệ sĩ đồng quê Kim Lân. Truyện vừa phản ánh kiếp sống thê thảm, khổ cực của người dân trong nạn đói năm 1945, vừa thể hiện được tư tưởng mà nhà văn gửi gắm. Do đó, có ý kiến cho rằng: ""Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn".
Andecxen - cây bút viết truyện cổ tích tài hoa vào bậc nhất trên thế giới có lần đã nói: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích do chính cuộc sống viết ra." Văn học bắt nguồn từ đời sống như những hạt mầm vươn ra từ đất mẹ rồi lại mang trong đó chất nhụy của những tư tưởng sâu sắc mà tác giả gửi gắm. Đó như một vòng tròn bất diệt của văn chương nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là một cuộc trò chuyện độc thoại của thế giới hiện thực, nghệ thuật là tiếng nói đồng tâm, là mắt nhìn của tác giả và những suy tưởng sâu xa về cuộc đời và con người. Cho nên: "Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn". Hiện thực lồng ghép trong những lời nhà văn gửi gắm là cái đích mà văn chương chân chính hướng tới. Điều đó được thể hiện rõ nét qua "Vợ nhặt" - Kim Lân.
Đề bài chi tiết: Có ý kiến cho rằng: "Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn". Qua truyện ngắn "Vợ nhặt", hãy làm sáng tỏ
BÀI VIẾT CHỨNG MINH Ý KIẾN QUA TÁC PHẨM "VỢ NHẶT" - KIM LÂN
"Văn học là nhân học" - ý kiến của Gorki qua thời gian dường như trở thành định nghĩa chân chính của văn chương nghệ thuật. Văn học không chỉ là thế giới hiện thực mà còn là những suy nghĩ sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua những trang viết thấm hương đồng nội mà thoang thoảng triết lí sâu xa. Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng: "Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn". Điều đó được thể hiện rõ nét qua tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân.
Ý kiến đã nêu rõ mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. "Chuyện kể cuộc đời" ám chỉ thế giới hiện thực được tái hiện trong mỗi trang chữ, là những phản ánh, phát hiện của tác giả về thế giới đời sống xung quanh mình. Qua những con chữ, thế giới ấy hiện lên sống động và làm nền cho mỗi câu chuyện cuộc đời mà tác giả muốn tái hiện trong tác phẩm của mình. "Chuyện kể nhà văn" là những suy ngẫm, cách nhìn đời, cách khám phá của tác giả, thể hiện những suy nghĩ sâu sắc của bản thân người viết đối với câu chuyện đời sống mình đang có, từ đó làm nổi bật những thông điệp của chính nhà văn. Ý kiến đã khái quát một trong những đặc điểm nổi bật của tác phẩm truyện.
Câu chuyện đầu tiên mà tác phẩm truyện hướng tới chính là câu chuyện của cuộc đời. Cuộc sống với những thanh âm màu sắc chính là chất liệu nâng giấc cho mỗi trang truyện, trang thơ. Văn học bắt rễ từ đời sống và rồi cũng quay lại phục vụ đời sống. Tác giả phải là người trải nghiệm với hiện thực, tìm thấy ở đó những giá trị khái quát để mang vào những trang viết. Nghệ thuật xa rời thực tế rồi cũng chỉ là thứ văn chương tầm thường, sáo rỗng. Văn học phải đi liền với hiện thực, phản ánh chúng để tái hiện một cách đủ đầy, cho con người cái nhìn đời, nhìn việc toàn diện và sâu sắc nhất. Nhưng cuộc sống trong văn chương không phải hiện thực trần trụi, nhà văn không bê nguyên hiện thực vào trang văn để tránh cho nghệ thuật trở nên tầm thường, thô tục. Họ chắt lọc hiện thực để đem vào trang viết, để thế giới đời sống hiện lên chân thực mà điển hình, để người đọc có thể đau nỗi đau của nhân vật, xót thương cho số phận của họ, để nghệ thuật mãi mãi là nghệ thuật vị nhân sinh. Kim Lân đã thấu hiểu điều đó, ông tìm về với những người nông dân nơi xóm ngụ cư trong nạn đói 1945 để viết nên câu chuyện kể về cuộc đời. Câu chuyện mở ra với tình huống có phần kì lạ và éo le: anh cu Tràng nhặt được vợ. Dân gian ta từ xưa đã quan niệm cưới xin là việc quan trọng của cả đời người, phải có sính lễ, có ăn hỏi, dạm ngõ, nhưng ở đây không hề có một lễ rước dâu, không chẽ cau làm quà cưới, không tặng vật. Con người đã đến với nhau trong cái đói, cái khổ của những ngày tháng khốc liệt vì đói kém. Chỉ một chi tiết ấy thôi đã phần nào phô bày hiện thực đau đớn mà mỗi người dân đang phải gánh chịu: vì đói, vì khổ mà phó mặc số phận, nhắm mắt đưa thân cho một người lạ mặt, chẳng biết dòng trong hay bến đục đang chờ.
Hiện thực tàn khốc hiện lên trong mỗi trang viết của Kim Lân như những nhát dao đâm xé vào trái tim bạn đọc. Hình ảnh người vợ nhặt hiện lên thật tàn tạ và tội nghiệp: quần áo tả tơi như tổ đỉa, da mặt xám xịt, thân hình gầy guộc. Thị khác với hình ảnh của chính mình ngày trước, khi gặp Tràng lần đầu tiên lúc anh đang đi xe thóc, thậm chí Tràng khó có thể nhận ra. Cái đói đã len lỏi vào từng ngóc ngách của phố thị, khiến người phụ nữ ấy phải bám víu vào một nguồn sống duy nhất còn hi vọng lúc này. Theo không Tràng về làm vợ, thị khẽ nén một tiếng thở dài khi chứng kiến gia cảnh cũng nghèo nhà Tràng: một căn nhà lá sập sệ trên một khoảng đất trống, căn nhà bừa bộn vì theo Tràng thì: "Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy." Thị chấp nhận đánh mất lòng tự trọng của mình để kiếm tìm một chốn nương thân cho qua khỏi kiếp nạn này, rau cháo nuôi nhau, chẳng biết rồi gia đình có vượt qua khỏi cơ sự này hay không.
Bữa cơm ngày đói là minh chứng đủ đầy nhất cho bức tranh hiện thực khốn khổ của người dân lao động bấy giờ. Giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một niêu cháo lõng bõng, một đĩa muối. Nhưng không ai kêu than một tiếng, ai cũng cố húp cho no cái bụng. Nhưng hiện thực tàn khốc còn được đẩy lên hơn thế nữa khi bà cụ Tứ bưng nồi cám nấu chín lên và mời: "Chè khoán đây. Ngon đáo để cơ". Thoạt nhìn, người vợ nhặt sầm mặt lại nhưng rồi cũng cố ăn bát cháo cám đắng sít đó để no bụng, để vượt qua cái chết đang đến gần. Câu chuyện cuộc đời của những nhân vật đó gợi lại tình cảnh thảm thương của con người trong nạn đói năm 1945, không có ăn, không có mặc, họ phải tìm kiếm cả những thức ăn của loài vật để qua khỏi cơn đói cồn cào, tránh khỏi lưỡi hái của tử thần. Kim Lân đã sử dụng chất liệu hiện thực để kể một câu chuyện đời rất thực, tái hiện lại bức tranh thảm khốc mà nạn đói 1945 đã gây ra cho dân tộc ta.
Nhưng văn học không đơn thuần chỉ là bức tranh hiện thực. Hiện thực là mảnh đất màu mỡ để nhà văn cày sâu và khám phá, để từ đó gửi gắm những thông điệp quá giá. "Chuyện kể nhà văn" chính là những tư tưởng mà tác giả gửi gắm vào những trang viết. Nhà văn bám sát vào hiện thực để từ đó nêu lên một cái nhìn, một vấn đề nhân sinh sâu sắc, gửi gắm niềm tin, khát vọng sống cao đẹp, để cổ vũ con người vượt qua khốn khó để cùng nhau bước tới tương lai. "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người" (Nguyễn Minh Châu), văn học phải là thứ vũ khí thanh cao và đắc lực để đẩy lùi một thế giới giả dối và tàn ác, khiến lòng người thanh sạch và trong sáng hơn. Thấu hiểu điều đó, câu chuyện mà nhà văn Kim Lân gửi gắm chính là bài ca về sự sống, sự sống thắp lên từ những người lao động nghèo khổ nhưng chưa bao giờ thôi khát khao về một cuộc sống tốt đẹp. Người vợ nhặt đó đã lăn lóc bấy lâu ở chốn chợ đời, việc thị chấp nhận theo không Tràng về làm vợ cũng là vì thị muốn có một chốn dung thân, để được ăn - để được sống. Trong cái đói, cái nghèo hoành hành như thế, vẫn có những người sẵn lòng dang rộng vòng tay đối với thị, dù có người đã nói, lo thân mình còn chưa nổi, lại còn "đèo bòng". May mắn thay thị lại được bà cụ Tứ hết lòng thương yêu, coi như dâu con trong nhà. Bà mặc cảm vì mình không lo được cho con: "Chao ôi, người ta lấy vợ cho con lúc nhà ăn nên làm nổi, những mong con cái khỏe mạnh sau này. Còn mình thì...". Thương con, thương dâu, bà mặc cảm vì bản thân mình không lo nổi một buồng cau cúng tổ tiên để trình nàng dâu mới, không có của cải vật chất gì cho con khi chúng nên vợ thành chồng. Lòng nhân hậu của người mẹ chính là tình người trong khốn khó nguy nan. Trong mùi đốt đống rấm, mùi tử khí nồng nặc, tiếng khóc than ỉ ôi từ những nhà có người chết, vẫn ở đó lóe lên tình người nồng ấm, "thương người như thể thương thân" từ nhà mẹ con anh cu Tràng. Dẫu cuộc sống sau này có vất vả trăm bề, có phải ăn cháo cám trừ bữa thì tình người nồng ấm vẫn theo mãi con người để tồn tại, để sống qua khỏi kiếp nạn này.
Khát vọng sống thể hiện trong những lời nói của người mẹ nghèo: "Tràng ạ, khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà... Chả mấy chốc mà có cả đàn gà". Ước ao về một cuộc sống sung túc, con cháu đủ đầy thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của những người dân nghèo. Họ mơ về một cuộc sống đủ ăn, đủ no, gia đình sum vầy như một cách để nhen lên hi vọng sống trong thời buổi đói kém. Bà lão ấy nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này, trông gương mặt hốc hác đã rạng rỡ hẳn lên. Bà cùng các con cùng nhau gây dựng nên một cuộc sống mới, một căn nhà sáng hơn, một tương lai đáng sống hơn. Đó phải chăng là thông điệp mà nhà văn gửi gắm về khát vọng sống mãnh liệt của con người hay chăng?
Chi tiết người vợ nhặt nhắc về đoàn người phá kho thóc Nhật, chia cho người nghèo như một ẩn ý của tác giả về lá cờ cách mạng đang đến rất gần. Điều đó thể hiện những ngày lăn lóc ngoài chợ tỉnh không chỉ giúp thị no cái bụng mà còn sáng mắt, sáng lòng, cũng là chuẩn bị cho một cuộc cách mạng nổ ra. Khả năng tự giải phóng và sức mạnh tự thân của người nông dân được Kim Lân gửi gắm khéo léo qua chi tiết này. Ông tin rằng họ chính là lực lượng chủ chốt để từng bước đẩy lùi ngoại xâm, giành lại cuộc sống bình yên thuở nào. Những áng văn cách mạng vẫn luôn mang trong mình chất lửa trong đó, là lời cổ vũ con người hãy sẵn sàng giành lại quyền sống của mình, để đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.
Như vậy, một tác phẩm truyện phải đáp ứng đủ hai yêu cầu: đó là câu chuyện đời thực bước vào trang viết một cách tinh tế, cũng cần chứa đựng thông điệp sâu sắc mà tác giả gửi gắm. Người sáng tác phải luôn trau dồi vốn sống cho mình, hiểu biết về đời giúp cho những áng văn của anh có sức nặng, triết lí sâu sắc giúp tác phẩm của anh mang tầm ý nghĩa sâu xa. Người tiếp nhận cần đặt tác phẩm vào đời để thấu hiểu những dụng ý nghệ thuật nhà văn gửi gắm. Tác động qua lại của quá trình văn học này góp phần khiến một tác phẩm đi vào đời sống cũng như đi vào lòng bạn đọc muôn đời.
Câu chuyện viết văn của những nhà văn chân chính là một hành trình dài vất vả và khó nhọc như hành trình con ong đi kiếm mật, nhưng họ chính là những người mang vẻ đẹp cuộc sống vào những trang viết, để đấu tranh vì cái thiện, vì tự do, vì nhân sinh, vì con người. Đó vừa là niềm tự hào vừa là sứ mệnh của mỗi nhà văn.
-Minh Anh-vfo.vn
Andecxen - cây bút viết truyện cổ tích tài hoa vào bậc nhất trên thế giới có lần đã nói: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích do chính cuộc sống viết ra." Văn học bắt nguồn từ đời sống như những hạt mầm vươn ra từ đất mẹ rồi lại mang trong đó chất nhụy của những tư tưởng sâu sắc mà tác giả gửi gắm. Đó như một vòng tròn bất diệt của văn chương nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là một cuộc trò chuyện độc thoại của thế giới hiện thực, nghệ thuật là tiếng nói đồng tâm, là mắt nhìn của tác giả và những suy tưởng sâu xa về cuộc đời và con người. Cho nên: "Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn". Hiện thực lồng ghép trong những lời nhà văn gửi gắm là cái đích mà văn chương chân chính hướng tới. Điều đó được thể hiện rõ nét qua "Vợ nhặt" - Kim Lân.
Đề bài chi tiết: Có ý kiến cho rằng: "Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn". Qua truyện ngắn "Vợ nhặt", hãy làm sáng tỏ
BÀI VIẾT CHỨNG MINH Ý KIẾN QUA TÁC PHẨM "VỢ NHẶT" - KIM LÂN
"Văn học là nhân học" - ý kiến của Gorki qua thời gian dường như trở thành định nghĩa chân chính của văn chương nghệ thuật. Văn học không chỉ là thế giới hiện thực mà còn là những suy nghĩ sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua những trang viết thấm hương đồng nội mà thoang thoảng triết lí sâu xa. Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng: "Trong mỗi tác phẩm truyện bao giờ cũng có hai câu chuyện: một chuyện kể cuộc đời và một chuyện kể nhà văn". Điều đó được thể hiện rõ nét qua tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân.
Ý kiến đã nêu rõ mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. "Chuyện kể cuộc đời" ám chỉ thế giới hiện thực được tái hiện trong mỗi trang chữ, là những phản ánh, phát hiện của tác giả về thế giới đời sống xung quanh mình. Qua những con chữ, thế giới ấy hiện lên sống động và làm nền cho mỗi câu chuyện cuộc đời mà tác giả muốn tái hiện trong tác phẩm của mình. "Chuyện kể nhà văn" là những suy ngẫm, cách nhìn đời, cách khám phá của tác giả, thể hiện những suy nghĩ sâu sắc của bản thân người viết đối với câu chuyện đời sống mình đang có, từ đó làm nổi bật những thông điệp của chính nhà văn. Ý kiến đã khái quát một trong những đặc điểm nổi bật của tác phẩm truyện.
Câu chuyện đầu tiên mà tác phẩm truyện hướng tới chính là câu chuyện của cuộc đời. Cuộc sống với những thanh âm màu sắc chính là chất liệu nâng giấc cho mỗi trang truyện, trang thơ. Văn học bắt rễ từ đời sống và rồi cũng quay lại phục vụ đời sống. Tác giả phải là người trải nghiệm với hiện thực, tìm thấy ở đó những giá trị khái quát để mang vào những trang viết. Nghệ thuật xa rời thực tế rồi cũng chỉ là thứ văn chương tầm thường, sáo rỗng. Văn học phải đi liền với hiện thực, phản ánh chúng để tái hiện một cách đủ đầy, cho con người cái nhìn đời, nhìn việc toàn diện và sâu sắc nhất. Nhưng cuộc sống trong văn chương không phải hiện thực trần trụi, nhà văn không bê nguyên hiện thực vào trang văn để tránh cho nghệ thuật trở nên tầm thường, thô tục. Họ chắt lọc hiện thực để đem vào trang viết, để thế giới đời sống hiện lên chân thực mà điển hình, để người đọc có thể đau nỗi đau của nhân vật, xót thương cho số phận của họ, để nghệ thuật mãi mãi là nghệ thuật vị nhân sinh. Kim Lân đã thấu hiểu điều đó, ông tìm về với những người nông dân nơi xóm ngụ cư trong nạn đói 1945 để viết nên câu chuyện kể về cuộc đời. Câu chuyện mở ra với tình huống có phần kì lạ và éo le: anh cu Tràng nhặt được vợ. Dân gian ta từ xưa đã quan niệm cưới xin là việc quan trọng của cả đời người, phải có sính lễ, có ăn hỏi, dạm ngõ, nhưng ở đây không hề có một lễ rước dâu, không chẽ cau làm quà cưới, không tặng vật. Con người đã đến với nhau trong cái đói, cái khổ của những ngày tháng khốc liệt vì đói kém. Chỉ một chi tiết ấy thôi đã phần nào phô bày hiện thực đau đớn mà mỗi người dân đang phải gánh chịu: vì đói, vì khổ mà phó mặc số phận, nhắm mắt đưa thân cho một người lạ mặt, chẳng biết dòng trong hay bến đục đang chờ.
Hiện thực tàn khốc hiện lên trong mỗi trang viết của Kim Lân như những nhát dao đâm xé vào trái tim bạn đọc. Hình ảnh người vợ nhặt hiện lên thật tàn tạ và tội nghiệp: quần áo tả tơi như tổ đỉa, da mặt xám xịt, thân hình gầy guộc. Thị khác với hình ảnh của chính mình ngày trước, khi gặp Tràng lần đầu tiên lúc anh đang đi xe thóc, thậm chí Tràng khó có thể nhận ra. Cái đói đã len lỏi vào từng ngóc ngách của phố thị, khiến người phụ nữ ấy phải bám víu vào một nguồn sống duy nhất còn hi vọng lúc này. Theo không Tràng về làm vợ, thị khẽ nén một tiếng thở dài khi chứng kiến gia cảnh cũng nghèo nhà Tràng: một căn nhà lá sập sệ trên một khoảng đất trống, căn nhà bừa bộn vì theo Tràng thì: "Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy." Thị chấp nhận đánh mất lòng tự trọng của mình để kiếm tìm một chốn nương thân cho qua khỏi kiếp nạn này, rau cháo nuôi nhau, chẳng biết rồi gia đình có vượt qua khỏi cơ sự này hay không.
Bữa cơm ngày đói là minh chứng đủ đầy nhất cho bức tranh hiện thực khốn khổ của người dân lao động bấy giờ. Giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một niêu cháo lõng bõng, một đĩa muối. Nhưng không ai kêu than một tiếng, ai cũng cố húp cho no cái bụng. Nhưng hiện thực tàn khốc còn được đẩy lên hơn thế nữa khi bà cụ Tứ bưng nồi cám nấu chín lên và mời: "Chè khoán đây. Ngon đáo để cơ". Thoạt nhìn, người vợ nhặt sầm mặt lại nhưng rồi cũng cố ăn bát cháo cám đắng sít đó để no bụng, để vượt qua cái chết đang đến gần. Câu chuyện cuộc đời của những nhân vật đó gợi lại tình cảnh thảm thương của con người trong nạn đói năm 1945, không có ăn, không có mặc, họ phải tìm kiếm cả những thức ăn của loài vật để qua khỏi cơn đói cồn cào, tránh khỏi lưỡi hái của tử thần. Kim Lân đã sử dụng chất liệu hiện thực để kể một câu chuyện đời rất thực, tái hiện lại bức tranh thảm khốc mà nạn đói 1945 đã gây ra cho dân tộc ta.
Nhưng văn học không đơn thuần chỉ là bức tranh hiện thực. Hiện thực là mảnh đất màu mỡ để nhà văn cày sâu và khám phá, để từ đó gửi gắm những thông điệp quá giá. "Chuyện kể nhà văn" chính là những tư tưởng mà tác giả gửi gắm vào những trang viết. Nhà văn bám sát vào hiện thực để từ đó nêu lên một cái nhìn, một vấn đề nhân sinh sâu sắc, gửi gắm niềm tin, khát vọng sống cao đẹp, để cổ vũ con người vượt qua khốn khó để cùng nhau bước tới tương lai. "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người" (Nguyễn Minh Châu), văn học phải là thứ vũ khí thanh cao và đắc lực để đẩy lùi một thế giới giả dối và tàn ác, khiến lòng người thanh sạch và trong sáng hơn. Thấu hiểu điều đó, câu chuyện mà nhà văn Kim Lân gửi gắm chính là bài ca về sự sống, sự sống thắp lên từ những người lao động nghèo khổ nhưng chưa bao giờ thôi khát khao về một cuộc sống tốt đẹp. Người vợ nhặt đó đã lăn lóc bấy lâu ở chốn chợ đời, việc thị chấp nhận theo không Tràng về làm vợ cũng là vì thị muốn có một chốn dung thân, để được ăn - để được sống. Trong cái đói, cái nghèo hoành hành như thế, vẫn có những người sẵn lòng dang rộng vòng tay đối với thị, dù có người đã nói, lo thân mình còn chưa nổi, lại còn "đèo bòng". May mắn thay thị lại được bà cụ Tứ hết lòng thương yêu, coi như dâu con trong nhà. Bà mặc cảm vì mình không lo được cho con: "Chao ôi, người ta lấy vợ cho con lúc nhà ăn nên làm nổi, những mong con cái khỏe mạnh sau này. Còn mình thì...". Thương con, thương dâu, bà mặc cảm vì bản thân mình không lo nổi một buồng cau cúng tổ tiên để trình nàng dâu mới, không có của cải vật chất gì cho con khi chúng nên vợ thành chồng. Lòng nhân hậu của người mẹ chính là tình người trong khốn khó nguy nan. Trong mùi đốt đống rấm, mùi tử khí nồng nặc, tiếng khóc than ỉ ôi từ những nhà có người chết, vẫn ở đó lóe lên tình người nồng ấm, "thương người như thể thương thân" từ nhà mẹ con anh cu Tràng. Dẫu cuộc sống sau này có vất vả trăm bề, có phải ăn cháo cám trừ bữa thì tình người nồng ấm vẫn theo mãi con người để tồn tại, để sống qua khỏi kiếp nạn này.
Khát vọng sống thể hiện trong những lời nói của người mẹ nghèo: "Tràng ạ, khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà... Chả mấy chốc mà có cả đàn gà". Ước ao về một cuộc sống sung túc, con cháu đủ đầy thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của những người dân nghèo. Họ mơ về một cuộc sống đủ ăn, đủ no, gia đình sum vầy như một cách để nhen lên hi vọng sống trong thời buổi đói kém. Bà lão ấy nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này, trông gương mặt hốc hác đã rạng rỡ hẳn lên. Bà cùng các con cùng nhau gây dựng nên một cuộc sống mới, một căn nhà sáng hơn, một tương lai đáng sống hơn. Đó phải chăng là thông điệp mà nhà văn gửi gắm về khát vọng sống mãnh liệt của con người hay chăng?
Chi tiết người vợ nhặt nhắc về đoàn người phá kho thóc Nhật, chia cho người nghèo như một ẩn ý của tác giả về lá cờ cách mạng đang đến rất gần. Điều đó thể hiện những ngày lăn lóc ngoài chợ tỉnh không chỉ giúp thị no cái bụng mà còn sáng mắt, sáng lòng, cũng là chuẩn bị cho một cuộc cách mạng nổ ra. Khả năng tự giải phóng và sức mạnh tự thân của người nông dân được Kim Lân gửi gắm khéo léo qua chi tiết này. Ông tin rằng họ chính là lực lượng chủ chốt để từng bước đẩy lùi ngoại xâm, giành lại cuộc sống bình yên thuở nào. Những áng văn cách mạng vẫn luôn mang trong mình chất lửa trong đó, là lời cổ vũ con người hãy sẵn sàng giành lại quyền sống của mình, để đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.
Như vậy, một tác phẩm truyện phải đáp ứng đủ hai yêu cầu: đó là câu chuyện đời thực bước vào trang viết một cách tinh tế, cũng cần chứa đựng thông điệp sâu sắc mà tác giả gửi gắm. Người sáng tác phải luôn trau dồi vốn sống cho mình, hiểu biết về đời giúp cho những áng văn của anh có sức nặng, triết lí sâu sắc giúp tác phẩm của anh mang tầm ý nghĩa sâu xa. Người tiếp nhận cần đặt tác phẩm vào đời để thấu hiểu những dụng ý nghệ thuật nhà văn gửi gắm. Tác động qua lại của quá trình văn học này góp phần khiến một tác phẩm đi vào đời sống cũng như đi vào lòng bạn đọc muôn đời.
Câu chuyện viết văn của những nhà văn chân chính là một hành trình dài vất vả và khó nhọc như hành trình con ong đi kiếm mật, nhưng họ chính là những người mang vẻ đẹp cuộc sống vào những trang viết, để đấu tranh vì cái thiện, vì tự do, vì nhân sinh, vì con người. Đó vừa là niềm tự hào vừa là sứ mệnh của mỗi nhà văn.
-Minh Anh-vfo.vn