Văn lớp 11: Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Hạnh phúc một tang gia

Hướng dẫn làm bài giải thích ý nghĩa nhan đề đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” có bài viết tham khảo

Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930- 1945, văn học hiện thực phê phán là một trào lưu nở rộ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam nửa thực dân nửa phong kiến những năm đầu thế kỉ 20, các nhà văn hiện thực phê phán đã lách sâu ngòi bút của mình vào từng giai tầng, từng hạng người để vạch trần và tố cáo những cái ác, cái giả dối, cái đày đọa con người trong xã hội ấy. Nếu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan hay Nam Cao thường hướng ngòi bút của mình vào đề tài người nông dân, đi sâu phân tích những bất hạnh, đau khổ của họ cả về vật chất lẫn tinh thần thì Vũ Trọng Phụng lại nổi bật ở sự phê phán sâu cay tầng lớp tư sản, thượng lưu thời bấy giờ. Đối với ông, “tiểu thuyết phải là sự thật ở đời”, cho nên ông không ngần ngại phản ánh những cái gì được cho là xấu xa, trần trụi nhất. “Số đỏ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của bậc thầy trào phúng. Một trong những điểm hấp dẫn của tác phẩm đến từ chính cách đặt tiêu đề của tác giả mà “Hạnh phúc một tang gia” là một ví dụ tiêu biểu. Dưới đây là bài làm giải thích ý nghĩa nhan đề “Hạnh phúc một tang gia”

BÀI LÀM GIẢI THÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ “HẠNH PHÚC MỘT TANG GIA”
Vũ Trọng Phụng là một cây bút hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930- 1945. Ông được mệnh danh là bậc thầy trào phúng hay ông vua phóng sự đất Bắc. “Số đỏ” là một trong những tiểu thuyết trào phúng tiêu biểu của ông. Thông qua tác phẩm, nhà văn đã lên án và đả kích mạnh mẽ cái xã hội tư sản thành thị và tầng lớp thượng lưu mải chạy theo những phong trào văn minh âu hóa. Bút pháp trào phúng của nhà văn trở nên thành công và hấp dẫn một phần nhờ cách đặt tiêu đề chứa nhiều dụng ý. “Hạnh phúc một tang gia” cũng là một nhan đề mâu thuẫn gây nhiều tò mò và hứng thú cho người đọc.

Đọc nhan đề, ta dễ dàng nhận thấy hai từ mang ý nghĩa trái ngược nhau nhưng lại được đặt cạnh nhau. Theo lẽ thường, tang gia thể hiện sự đau buồn, mất mát, người ở lại khóc thương, nuối tiếc người ra đi. Trạng thái hạnh phúc không thể nào xuất hiện trong một hoàn cảnh như vậy được. Lẽ nào người ta lại hạnh phúc, vui mừng, thỏa mãn trước sự ra đi của kẻ khác, chứ chưa nói đến ở đây lại là người thân của mình. Vậy mà, trong đoạn trích, tang gia lại đem đến niềm hạnh phúc, có phải là quá trớ trêu? Sự kết hợp giữa hạnh phúc và tang gia đã làm cho tác phẩm toát lên ý vị trào phúng đầy cay độc. Chỉ 6 chữ thôi nhưng đã hàm chứa tất cả ý nghĩa phê phán, tố cáo xã hội thối nát, băng hoại đạo đức đương thời. Qua nhan đề, ta nhận ra một sự thật đầy đau đớn và tàn nhẫn: con cháu của gia đình này vô cùng sung sướng và vui mừng khi cụ cố tổ chết. Và tự những hành động lố lăng, kệch cỡm của họ đã vạch trần hết bộ mặt, bản chất con người họ, với tất cả những gì trái với luân thường đạo lí. Đám ma trở thành dịp để cho đám con cháu khoe mẽ, thể hiện lòng hiếu thảo giả tạo: cụ cố Hồng mơ màng nghĩ đến cảnhh mình mặc đồ xô gai chống gậy ho lụ khụ để thiên hạ bình phẩm ngợi khen, cô Tuyết có dịp khoe thân thể nõn nà, mặc bộ cánh ngây thơ để thể hiện mình còn trong trắng, bà Văn Minh thì sốt ruột vì chưa được mặc những đồ xô gai tân thời, những người đến đưa tang thì có dịp để khoe khoang địa vị và phê bình đủ kiểu... Những người tham dự đám ma không đến vì mục đích tiễn đưa người đã khuất mà chỉ vì lợi ích riêng của mình, họ che đậy sự bất hiếu bằng bộ áo hiếu thảo và lòng xót thương giả tạo. Qua đó, tác giả bộc lộ thái độ khinh ghét, căm phẩm trước hiện thực đau lòng và sự băng hoại đạo đức truyền thống. Đồng tiền lên ngôi, tình người xuống giá. Nhà văn mỉa mai thói sống đạo đức giả thích phô trương nhưng bên trong lại trống rỗng. Đám ma trở thành một ngày hội tưng bừng với tất cả những hành động kệch cỡm, “một đám ma gương mẫu”, đầy đủ tất cả mọi thứ nhưng chỉ thiếu một thứ quan trọng nhất đó chỉ là tình người. Quả thực, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên một tấn bi hài kịch thật đặc sắc. Ẩn sau những hành động kệch cỡm, lố lăng của đám con cháu chính là lòng đau xót cho sự băng hoại tình người và những giá trị đạo đức truyền thống. Nhan đề tác phẩm đã gói gọn mọi cái bi, cái hài cùng thái độ mỉa mai và căm phẫn của tác giả.

Vũ Trọng Phụng đã rất sáng tạo và dụng công trong việc đặt nhan đề “Hạnh phúc một tang gia”. Qua nhan đề ấy, người đọc phần nào hiểu được ý đồ nghệ thuật của tác giả trong việc truyền tải thông điệp nội dung tác phẩm.
 
  • Chủ đề
    hạnh phúc một tang gia ý nghĩa nhan đề
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,608
    Bài viết
    467,339
    Thành viên
    339,816
    Thành viên mới nhất
    maychucongnghe
    Top