Văn lớp 7: Cảm nghĩ về bài Sông Núi nước Nam

Hướng dẫn làm bài văn phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận về bài Sông Núi nước Nam lớp 7 hay nhất. Theo dòng chảy lịch sử , dân tộc ta đã trải qua bao thăng trầm, lúc cận kề bờ vực thẳm, lúc vui mừng với chiến thắng, tự do. Để góp phần tạo ra những giá trị của trang sử vàng của 4000 năm văn hiến, biết bao anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn, vì giang sơn bờ cõi. Họ không ngại hiểm nguy để xông pha trận mạc như : Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng,... Chính những nhân vật ấy đã từng bước đưa đất nước chúng ta dành được chủ quyền. Xưa kia từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời xây nền độc lập, cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương. Như vậy ông cha ta xưa đã ý thức sâu sắc được về chủ quyền dân tộc. Và ta không thể bỏ qua vị tướng Lí Thường Kiệt, người viết nên "bản tuyên ngôn độc lập" đầu tiên cho dân tộc. Trong chương trình ngữ văn lớp 7, các bạn học sinh được học rất nhiều các bài thơ qua các thời đại khác nhau. Trong đó có tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà của Lí Thường Kiệt. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh khác đặc biệt vào thời nhà Lí, ngay sau khi Lí Thường Kiệt đánh bại quân Tống trên sông Như Nguyệt- một dòng sông đã nhuộm đỏ máu quân thù. Dưới đây là bài làm chi tiết hướng dẫn phân tích bài thơ Sông Núi Nước Nam hay nhất để các bạn tham khảo nhé.

song-nui-nuoc-nam.jpg

Sông núi nước Việt Nam



BÀI LÀM 1 PHÂN TÍCH BÀI THƠ SÔNG NÚI NƯỚC NAM LỚP 7 HAY NHẤT
Đâu đây văng vẳng tiếng thơ trên bia đá chùa Linh Xứng:
"Lí công nước Việt
Noi dấu tiền nhân
Cầm quân tất thắng
Trị nước yên dân
Danh lừng trung hạ
Tiếng nức gần xa"
Bài thơ ca ngợi Lí Công tức Lí Thường Kiệt, một vị anh hùng lừng danh và cũng là tác giả bài thơ Nam Quốc Sơn Hà ( sông núi nước Nam)- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất Việt ta:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư

Dịch rằng:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ xở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt quen thuộc được sáng tác sau khi Lí Thường Kiệt dẹp tan quân Tống, nó mang hào khí vang dội. Mở đầu bài thơ tác giả khẳng đỉnh chủ quyền , danh giới lãnh thổ của nước Nam với hai câu:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Xưa kia nước Nam là đất của ta, phía Bắc là đất giặc thù. Vì chúng luôn lăm le xâm lược nước ta nhưng nhiều lần thất bại. Luôn là chân lí sáng mãi: nước Nam là của vua Nam, cớ sao vua Bắc lại xâm phạm? Theo bối cảnh thời đại lúc bấy giờ thì vua là người có quyền hành cao nhất, nắm giữ triều chính, cai trị đất nước. Mà một nước chỉ có một vua, một nước luôn có chủ quyền độc lập, không những thế nó còn được phân chia rõ ràng trong bản đồ và trong cả "sách trời" và đã "vằng vặc". Câu thơ thứ hai một lần nữa như nhấn mạnh lại chân lí, một điều hiển nhiên và khẳng định tinh thần, nhận thức của nhân dân ta vêd chủ quyền lãnh thổ. Chỉ cần có giặc ngoài, tinh thần ấy sẽ được đẩy lên cao độ kết thành một sức mạnh to lớn để bảo vệ mảnh đất đã được định sẵn trong thiên thư.

Sau khi khẳng định một chân lí về chủ quyền độc lập, vị tướng Lí Thường Kiệt đanh thép lên án lũ giặc từ phương Bắc đang tràn xuống đất Nam ta:
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?

Một câu hỏi tu từ vang lên, đó cũng là lời lên án sâu sắc quân cướp nước. Hai chữ " giặc dữ" đã thể hiện hết thảy sự ngoan độc bạo tàn của chúng, những tên nhăm nhe cướp bóc, đàn áp chúng dân, mũi gươm của chúng đã vướng bao nhiêu máu những người dân vô tội, chúng nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con nhỏ xuống hầm tai họa. Những hành động đáng phỉ báng của chúng đã làm cho bao kiếp lầm than. Vậy ta hỏi chúng là ai , có tư cách gì để làm những việc hung bạo như thế? Khiến bao người anh dũng quả cảm như Lí Thường Kiệt phải oán giận căm hờn cất lên câu hỏi vang khắp bốn phương. Câu thơ mặc dù mang hình thức câu hỏi nhưng thực chất tác giả đã khẳng định tính chất phi lí của sự xâm lược ấy. Và tất nhiên, những việc làm phi nghĩa và tàn bạo ấy sẽ phải trả giá rất đắt:

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Câu thơ cuối khép lại bài thơ tư tuyệt với một lời khẳng định chắc nịch về hậu quả mà quân Tống phải gánh chịu khi gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa. Khi chúng làm trái với sách trời, đi ngược lại với chân lí từ thuở khai thiên lập địa thì ắt sẽ tự chuốc lấy thất bại, tan rã và nhục nhã ê chề.

Như vậy, Sông Núi Nước Nam là bài thơ quan trọng trong lịch sử, đánh dấu chiến thắng vang dội của dân ta và làm cho quân Tống khắc ghi giờ phút bại trận trên sông Như Nguyệt. Nó là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên và đánh dấu chủ quyền, dấu mốc lịch sử của dân tộc hào hùng.

BÀI LÀM 2 CẢM NGHĨ VỀ BÀI SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã không ít lần phải đối đầu với quân xâm lược bạo tàn hung hãn nhưng chưa một lần nào nhân dân ta khuất phục trước kẻ thù. Phải chăng, trong trái tim mỗi người đều thấu hiểu sâu sắc quyền và nghĩa vụ của bản thân đối với vùng lãnh thổ của cha ông bao đời. Chính bởi vì thế, có những tác phẩm viết ra từ máu tim của con dân Đại Việt để thể hiện sâu sắc ý thức dân tộc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Mà tiểu biểu là bài thơ: “Nam Quốc Sơn Hà” được cho là của Lý Thường Kiệt, đây cũng được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Đọc những câu thơ, ta cảm thấy trong mình bao la là tự hào, tin tưởng lạ kì. Mới chỉ ở câu mở đầu, tác giả đã khẳng định:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
(Sông núi nước Nam vua Nam ở)
Một câu thơ nhưng mang nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, tác giả đã khẳng định rằng nước Nam ta có tên, có vua mà một vùng lãnh thổ có vua thì tức là một quốc gia, hoàn toàn không phải là một nước chư hầu bé nhỏ vô danh. Bởi thế, vùng lãnh thổ này đã có chủ và quyền sở hữu của nó thuộc về “vị vua” trị vì đất nước bấy lâu nay. Muốn khẳng định đây không phải là lời nói suông, tác giả đưa ra dẫn chứng:
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
(Vằng vặc sách trời chia xứ sở)
Dùng từ “tiệt nhiên” có ý biểu thị một nội dung theo lẽ vô cùng tự nhiên, mà điều tự nhiên ấy lại là việc mà đã nói ở câu trên được sách trời ghi lại. Ta hiểu rằng ranh giới lãnh thố ta đã được sách trời bao nhiêu đời nay định sẵn, sông núi nước Nam phải là của vua nước Nam, lãnh thổ nước Nam không ai có quyền xâm lấn, định đoạt ngoại trừ vị vua Nam trị vì.
Nếu hai câu đầu tiên, tác giả dùng để nói về sự hiển nhiên về quyền của vua, hay nhân dân nước Nam đối với sống núi nước mình thì hai câu sau, tác giả lại để dành cho quân thù:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Giặc dữ cớ sao phạm đến đây,
Chúng mày nhất định phải tan vỡ)

Việc nước Nam là của vua Nam đã rõ ràng “tại Thiên Thư”, chỉ khi công nhận điều này thì mới hợp lẽ, hợp thiên ý còn chống lại điều này chính là kháng ý, trái ý trời. Quân xâm lược phương Bắc đã ngang nhiên xâm lược bờ cõi còn nô bộc dân ta, gọi ta là nước chư hầu, không công nhận độc lập của ta cũng như muốn tước đoạt vùng lãnh thổ của ta, chúng chính là đã phạm tội lớn, làm trái thiên ý. Và như một hệ quả tất yếu của luật đất trời, đối với những việc làm trái ý trời thì sớm muộn chúng cũng thất bại. Chúng thất bại vì ta là chính nghĩa còn chính là phi nghĩa, thất bại bởi chúng là những quân xấu xa muốn chà đạp lên quyền sống, quyền tự do của nhân dân ta.

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt không quá kĩ thuật nhưng mang nhiều nội lực, không chỉ là liều thuốc tinh thần, cổ vũ quân và dân trong những đêm trường chiến đấu mà còn là những viên đạn vô hình làm hao mòn sức lực quân địch, góp một phần không nhỏ vào chiến thắng quân Tống sau này.

Không đồ sộ như “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cũng không đầy lí lẽ sắc bén như “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, “Nam Quốc Sơn Hà” vẫn tự hào xếp ngang hàng với những áng văn tuyên ngôn ấy khi lần đầu tiên nêu cao lá cờ chủ quyền dân tộc để khẳng định quyền làm chủ của nước Nam. Những câu thơ tuy không nhiều dụng công nhưng âm vang mãi trong lòng mỗi con dân nước Việt.
 
  • Chủ đề
    cam nghi cam nhan sông núi nước nam
  • Top