Vẻ đẹp sử thi của hình tượng rừng xà nu trong “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành

“Rừng xà nu” là một truyện ngắn nổi bật của nhà văn Nguyễn Trung Thành (bút danh Nguyên Ngọc). Với kết cấu truyện lồng truyện độc đáo, tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết nhất phân tích vẻ đẹp sử thi của hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm các bạn có thể tham khảo.

Nhà văn Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Người ta biết nhiều đến nhà văn và các sáng tác nghệ thuật của ông phần nhiều qua bút danh Nguyễn Trung Thành và Nguyên Ngọc. Trong chiến tranh, ông sống và gắn bó sâu sắc với vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng gió. Nơi đó, thiên nhiên, vẻ đẹp tâm hồn con người đã trở thành chất liệu nghệ thuật vun đắp cảm hứng sáng tác của nhà văn. Sau chiến tranh, ông là trí thức tâm huyết với sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn có rất nhiều tác phẩm đặc sắc, để lại nhiều dấu ấn trong trái tim bạn đọc như: “Đất nước đứng lên”, “Đường chúng ta đi”, “Có một đường mòn trên biển Đông”, “Bằng đôi chân trần”, “Tản mạn nhớ và quên”…Đặc biệt, nhà văn được xem là chuyên gia về Tây Nguyên, người có công lớn mở ra cánh cửa đến với Tây Nguyên đại ngàn với những tác phẩm văn chương gắn liền với đất rừng, con người Tây Nguyên. “Rừng xà nu” là một tác phẩm tiêu biểu ông viết về Tây Nguyên. Vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu là một yếu tố tạo dấu ấn đậm nét cho tác phẩm. Để bài viết ấn tượng, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu phân tích đầy đủ nhất vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu trong tác phẩm này. Chúc các bạn thành công!


ve-dep-su-thu-nhan-vat-tnu.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP SỬ THI CỦA HÌNH TƯỢNG RỪNG XÀ NU TRONG “RỪNG XÀ NU” – NGUYỄN TRUNG THÀNH
Nguyễn Đăng Mạnh từng nói rằng: “Nguyễn Trung Thành là nhà văn của những sử thi anh hùng. Trong cảm quan thẩm mĩ của ông, cái đẹp chính là cái hùng, cái cao cả”. Phải chăng bởi vậy mà văn chương ông viết rất sâu và đậm về đất nước, quê hương, về những con người mang vẻ đẹp kiêu hãnh, bất khuất. Vẻ đẹp sử thi của hình tượng rừng xà nu trong “Rừng xà nu” của nhà văn là một trong những khía cạnh khiến cho người đọc thêm ấn tượng ngòi bút và tâm hồn văn chương của ông hơn.

Nhận xét về nhà văn Nguyễn Trung Thành, với bút danh Nguyên Ngọc, ai đó đã từng nói: “Lần giở những trang sách của Nguyên Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ đến Tố Hữu và Phạm Tuyên. Cũng như thơ Tố Hữu, ca khúc Phạm Tuyên, Nguyên Ngọc viết bằng hồn mình và cái hồn ấy thuộc về Cách mạng. Ông bám sát những vấn đề lớn của chính trị, phục vụ trực tiếp các vấn đề của chính trị mà tác phẩm vẫn vượt qua được sự minh họa, vẫn thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh”. “Rừng xà nu” viết năm 1965 là một trong số đó. Truyện ngắn được viết trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ đưa quân đổ bộ miền Nam Việt Nam, cả dân tộc đứng trước những thử thách đầy ngặt nghèo. “Rừng xà nu” được coi như một thiên sử thi, một tiểu anh hùng ca thời kháng chiến chống Mĩ gian lao mà hào hùng.Kết cấu cốt truyện mang hình thức truyện lồng truyện độc đáo: lịch sử làng Xô – man được kể bằng lời người kể chuyện ngôi thứ ba và câu chuyện cuộc đời Tnu được kể bằng lời cụ Mết. Vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu là một điểm sáng trong tác phẩm này, góp phần tạo sức sống bền lâu cho tác phẩm và khẳng định tài năng, tâm huyết của người cầm bút.

Để định nghĩa về “vẻ đẹp sử thi”, mỗi người có một cách nghĩ, cách nói khác nhau, song tựu chung lại, ta có thể hiểu đó là vẻ đẹp lí tưởng, mang tầm vóc kì vĩ, lớn lao. Vẻ đẹp ấy tiêu biểu cho vẻ đẹp của cả một dân tộc, cộng đồng. Vẻ đẹp sử thi khi đi vào văn học thường được các nhà văn thể hiện qua ngôn từ tráng lệ, hào hùng, bằng giai điệu khẳng định, ngợi ca. Đọc “Rừng xà nu”, trước hết đó là vẻ đẹp được thể hiện bằng tính sử thi. Nguyễn Trung Thành viết: “Xà nu là một loài cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, tán lá vừa thanh mảnh, vừa rắn rỏi, mênh mông”. Tác giả đã viết về rừng xà nu bằng một cảm hứng say mê, ngợi ca nhiệt thành. Xà nu bởi vậy mà hiện lên như một hình tượng nổi bật xuyên suốt tác phẩm, là điểm tựa để nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước, của nhân dân. Hơn thế nữa, xà nu phải chăng còn là biểu tượng của cái hùng – đối tượng thẩm mĩ đặc trưng của ngòi bút Nguyễn Trung Thành. Cảm nhận từng câu văn, hình ảnh trong đoạn đầu và cuối tác phẩm, vẻ đẹp đó của rừng xà nu được tác giả thể hiện rõ nét nhất. Rừng xà nu phải chịu nhiều đau thương, mất mát dưới bom đạn của kẻ thù: “cả rừng xà nu hàng ngàn cây, không có cây nào không bị thương”, “có những cây bị chặt đứt ngang một nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, ở chỗ vết thương nhựa ứa ra rồi dần dần bầm lại…”.

Nhà văn còn phác họa ra hình ảnh rừng xà nu có sức sống mãnh liệt, luôn vươn mình về phía ánh sáng: “cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên…”, “ham ánh sáng, phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn tít tắp”. Đoạn văn mở đầu tác phẩm như một khúc tiền tấu phóng khoáng giúp ta hình dung rõ nét vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu. Đoạn kết của truyện ngắn lại như một khúc vĩ thanh trầm bổng, nhiều dư vang làm bật lên vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu mà nhà văn mong muốn gửi gắm. Đằng sau những mất mát, đau thương của rừng xà nu, tác giả như thầm muốn nhắc đến và trân trọng những hy sinh, mất mát của con người Tây Nguyên, con người Việt Nam trong chiến tranh. Những vết thương trên thân thể xà nu như biểu tượng cho những vết đau nhức nhối trên da thịt con người. Một Tây Nguyên hùng vĩ, một Tây Nguyên bi tráng mà kiêu hãnh, con người Tây Nguyên trong bom đạn khói lửa hiên ngang, mạnh mẽ, bất khuất…những hình ảnh đó hiện ra rõ nét trong hình dung, tưởng tượng của người đọc khi cảm nhận vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu.

Đâu chỉ được thể hiện bằng cảm hứng sử thi, vẻ đẹp rừng xà nu còn mang màu sắc sử thi đậm nét. Đó là vẻ đẹp bi tráng ngời lên trong đau thương, mất mát. Những thương tích in hằn trên thân cây xà nu cùng là đau thương của con người làng Xô – man, hay cả Tây Nguyên những ngày gồng mình chiến đấu. Cái chết của những cây xà nu gợi nhớ đến số phận các nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm: cái chết của những cây xà nu con gục ngã khi nhựa còn trong chính là cái chết của đứa con chưa đầy tuổi của Tnu và Mai; cái chết của những cây xà nu đã trưởng thành tựa như những con người đang tuổi thanh xuân bị “đại bác chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào…”. Cách nhân hóa hình tượng xà nu đã khiến cho loài cây này bỗng mang sinh mệnh con người và đau thương chính là cái nền làm nổi bật cái hào hùng, bi tráng. Đó còn là vẻ đẹp lý tưởng: biểu tượng cho phẩm chất cao quý và tốt đẹp của con người Tây Nguyên. Cùng với đó, xà nu còn biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, bất khuất, kiên cường của con người Tây Nguyên. Sức sống mãnh liệt ấy như chứng minh khả năng tự bảo tồn và khát vọng vượt lên trên bom đạn kẻ thù để chiến đấu bảo vệ quê hương, dân tộc mình. Khao khát ánh sáng của xà nu trong truyện như chính là khao khát tự do của con người Tây Nguyên vậy.

Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã sử dụng và phát huy tối đa được hiệu quả của phép ứng chiếu giữa thiên nhiên và con người khi miêu tả hình tượng rừng xà nu đang “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng”. Xà nu khiến người đọc cảm tưởng như đó cũng là một nhân vật quan trọng trong tác phẩm, một bức điêu khắc hùng vĩ về thế đứng kiêu hãnh của dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do. Thủ pháp này đã giúp cho nhà văn nâng tầm hình tượng, tạo màu sắc sử thi đậm nét trong tác phẩm của mình. Từ vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu, quan điểm, cách nhìn sự vật và hiện tượng cũng như tài năng, sự tinh tế ở ngòi bút Nguyễn Trung Thành càng được biểu lộ rõ nét, qua đó người đọc càng thêm yêu mến và trân trọng ông hơn.

Vẻ đẹp sử thi của rừng xà nu trong tác phẩm được nhà văn thể hiện bằng cảm hứng sử thi, mang đậm dấu ấn Nguyên Ngọc, một nhà văn của Tây Nguyên khao khát viết về đất nước, con người quê hương với vẻ đẹp kiêu hãnh, mạnh mẽ, bất khuất. Vẻ đẹp sử thi của hình tượng rừng xà nu được xem như một khía cạnh khiến cho tác phẩm có sức hút và giàu giá trị nghệ thuật hơn.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nhân vật tnu rừng xà nu
  • Top