Viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ UPU 41| Van mau UPU 41
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Olympic Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 (năm 2011).
Chủ đề cuộc thi gắn với sự kiện Thế vận hội London 2012 được tổ chức tại London (Anh) từ ngày 27/7 – 12/8/2012, với chủ đề “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội có ý nghĩa gì đối với mình”.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU hàng năm dành cho các em học sinh do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức. Đây là cuộc thi mang nhiều ý nghĩa sâu sắc góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi; Giúp các em nâng cao hiểu biết, nhận thức về các vấn đề xã hội, toàn cầu; Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ; Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
Thông tin thêm về cuộc thi viết thư UPU lần thứ 41
THỂ LỆ
CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 41 ( 2012)
A. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:
Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Olympic Việt Nam.
B. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA :
Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi viết thư quốc tế dành cho trẻ em hàng năm, nhằm:
- Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi.
- Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.
- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
C. CHỦ ĐỀ :
Đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 (năm 2012) là: “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội (Olympic Games) có ý nghĩa gì đối với mình”.
(Tiếng Anh: “Write a letter to an athlete or sports figure you admire to explain what the Olympic Games mean to you”.
Chủ đề cuộc thi này được gắn với Thế vận hội London 2012 (London 2012 Olympic Games) sẽ tổ chức tại London (Anh) từ ngày 27/7 đến ngày 12/8/2012.
D. THỂ LỆ:
1. Điều kiện dự thi: Tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2011- 2012) đều được dự thi.
2. Quy định về bài thi:
- Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (hướng dẫn mã bưu chính gửi kèm theo) và gửi qua đường Bưu điện. Ngoài ra cần ghi rõ: Dự thi UPU 41-2012.
- Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.
- Các bài viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp phải có bản dịch sang tiếng Việt (Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt).
- Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trên bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính.
3. Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội.
4. Thời gian: Từ ngày 15-10-2011 đến 8-3-2012 (theo dấu Bưu điện).
5. Lưu ý: - Bài thi đoạt giải bản quyền thuộc về Ban Tổ chức.
- Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
E. GIẢI THƯỞNG:
1. Giải thưởng Quốc gia:
- Các thí sinh đoạt giải sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp.
- Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì được T.Ư Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
- Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba được Ủy ban Olympic Việt Nam tặng Bằng khen.
- Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba (kèm hai người thân: phụ huynh và nhà trường) về Hà Nội dự Lễ Tổng kết và Trao giải thưởng.
Giải cá nhân:
- 1 giải Nhất: 5.000.000đ
- 3 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ
- 5 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ
- 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000đ
Ngoài ra, còn có các giải phụ dành cho các thí sinh lọt vào vòng chung kết:
- Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: l.000.000đ;
- Giải dành cho thí sinh là người dân tộc: l.000.000đ;
- Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: l.000.000đ.
Giải tập thể:
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen cho các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và các đơn vị có phong trào tốt.
2. Giải thưởng Quốc tế:
Bức thư đoạt giải Nhất của Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự cuộc thi viết thư Quốc tế. Nếu đoạt giải, sẽ được tặng thưởng:
- Giải Nhất: 30 triệu đồng
- Giải Nhì: 20 triệu đồng
- Giải Ba: 15 triệu đồng
- Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tặng Bằng khen cho thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba Quốc tế. Ban Tổ chức sẽ đề nghị T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có hình thức khen thưởng phù hợp. UPU sẽ tổ chức trao giải Nhất Quốc tế cho thí sinh đoạt giải tại Trụ sở chính tại Bern (Thụy Sĩ).
F. BAN TỔ CHỨC:
Trưởng ban: Ông Nguyễn Thành Hưng- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phó trưởng ban:
- Ông Vũ Quang Vinh, Tổng Biên tập Báo TNTP (Phó Trưởng ban Thường trực).
- Bà Quản Duy Ngân Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Bà Lê Thị Kim Hà, Phó Tổng Giám đốc – Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.
- Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Ông Trần Văn Mạnh, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Ủy ban Olympic Việt Nam.
và 8 ủy viên.
G. BAN GIÁM KHẢO:
Trưởng ban: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Phó Trưởng ban: Nhà biên kịch Vũ Quang Vinh, Tổng Biên tập Báo TNTP.
Các ủy viên:
Nhà báo Phạm Thành Long, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Nguyễn Đức Quang, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà văn Phong Điệp, nhà báo Nguyễn Đoàn, cô Trần Thị Kim Dung (chuyên viên phụ trách bộ môn Ngữ văn, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT).
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI
Một số gợi ý về đề tài cuộc thi UPU 41 GIÚP CÁC EM LÀM TỐT BÀI THI
Nhằm giúp các em hiểu rõ ý nghĩa và có thêm kiến thức để làm tốt bài thi tham dự cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41, Ban Tổ chức có một số gợi ý như sau:
A. ĐÔI NÉT VỀ THẾ VẬN HỘI OLYMPIC
Thế vận hội Olympic là cuộc tranh tài trong nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Mục đích: Theo Hiến chương Olympic, mục đích của Phong trào Olympic là góp phần xây dựng một thế giới hoà bình và tốt đẹp hơn bằng cách giáo dục thế hệ trẻ thông qua tập luyện thể thao không có sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào theo tinh thần Olympic và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau theo tinh thần đoàn kết, hữu nghị và trung thực.
Triết lý Olympic: Theo Pierre de Coubertin, người sáng lập phong trào Olympic hiện đại, Thế vận hội Olympic không chỉ là các cuộc thi đấu thể thao mà còn thúc đẩy sự phát triển của con người và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn để tồn tại, sinh sống.
Tư tưởng Olympic là một triết lý về cuộc sống, đề cao và kết hợp một cách tổng hợp cân đối các tố chất của cơ thể, ý chí, tinh thần và thể lực. Kết hợp thể thao với văn hoá và giáo dục, tư tưởng Olympic mong muốn sáng tạo nên một phong cách sống dựa trên niềm vui và sự nỗ lực, giá trị giáo dục theo gương tốt và sự tôn trong các nguyên tắc đạo đức là nền móng có tính chất phổ biến và thống nhất.
Các tư tưởng này có thể tổng kết thành 6 mục tiêu sau:
- Sự xuất sắc cá nhân
- Xem thể thao như phương tiện giáo dục
- Sự trao đổi văn hoá
- Sự tham dự đông đảo và giao lưu
- Thi đấu cao thượng
- Sự hiểu biết quốc tế.
Thông điệp Olympic: “Điều quan trọng nhất trong các kỳ Thế vận hội Olympic không phải là việc giành chiến thắng mà là sự tham dự. Do đó, điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là sự thắng lợi mà là sự cố gắng nỗ lực. Điều cơ bản nhất không phải là giành được chiến thắng mà là chiến đấu hết mình”. Thông điệp này luôn luôn xuất hiện trên bảng điện tử tại các kỳ Thế vận hội Olympic.
Biểu tượng Olympic: Biểu tượng Olympic là 5 vòng tròn lồng vào nhau (một màu hoặc 5 màu); mỗi vòng tròn là một màu khác nhau bao gồm: 3 vòng màu xanh, đen, đỏ ở trên và 2 màu vàng, xanh lá cây ở dưới. Biểu tượng 5 vòng tròn Olympic do Coubertin thiết kế năm 1913. Vòng tròn Olympic là biểu tượng của Phong trào Olympic, là biểu tượng của sự đoàn kết giữa các châu lục và sự gặp gỡ của các vận động viên toàn thế giới tại Thế vận hội Olympic.
Lời thề Olympic: Tại Lễ khai mạc Thế vận hội, một vận động viên sẽ thay mặt toàn thể vận động viên đọc tuyên thệ như sau: “Thay mặt toàn thể vận động viên tôi xin thề, chúng tôi tham gia Thế vận hội này bằng cách tôn trọng và tuân thủ các luật lệ đã quy định, theo tinh thần thể thao, vì vinh quang của thể thao và danh dự các đội chúng tôi".
- Các môn thể thao Olympic: 28 môn gồm:
1.Điền kinh (Athletics); 2.Rowing; 3.Cầu lông (Badminton); 4.Golf; 5.Bóng rổ (Basketball); 6.Quyền anh (Boxing); 7. Canoeing; 8.Xe đạp (Xe đạp); 9.Đua ngựa (Equestrian); 10.Kiếm (Fencing); 11.Bóng đá (Football); 12.Thể dục (Gymnastics); 13.Cử tạ (Weightlifting); 14.Bóng ném (Handball); 15.Hockey; 16.Judo; 17.Vật (Wrestling); 18.Bơi (Swimming); 19. 5 môn phối hợp (Pentathlon); 20.Rugby; 21. Taekwondo; 22.Quần vợt (Tennis); 23.Bóng bàn (Table Tennis); 24.Bắn súng (Shooting); 25. Bắn cung (Archery); 26.Ba môn phối hợp (Triathlon); 27.Thuyền buồm (Sailing); 28.Bóng chuyền (Volleyball).
- Một số vận động viên nổi tiếng qua các kỳ Thế vận hội:
1. Michael Phelps (môn Bơi); 2. Ian Thorpe (môn Bơi); 3. Carl Lewis (môn Điền kinh); 4.Nadia Comaneci (môn Thể dục); 5. Mark Spitz (môn Bơi); 6. Rafael Nadal (Quần vợt); 7.Michael Johnson (môn Điền kinh); 8. Birgit Schmidt-Fischer (môn Canoeing); 9. Trần Hiếu Ngân (môn Taekwond)…
Thế vận hội (Olympic Games) 2012 sẽ diễn ra tại London từ 27 tháng 7 đến 12 tháng 8 năm 2012. Sẽ có 26 môn/28 môn thể thao sẽ được thi đấu tại Thế vận hội London 2012 (trừ môn golf và môn Rugby).
Địa chỉ tìm hiểu thông tin về Olympic: olympic.org/ - olympic.org hoặc voc.org.vn/ - voc.org.vn
B. HÃY VIẾT THƯ CHO MỘT VẬN ĐỘNG VIÊN HOẶC MỘT NHÂN VẬT THỂ THAO MÀ EM NGƯỠNG MỖ ĐỂ NÓI THẾ VẬN HỘI (OLYLMPIC GAMES CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI MÌNH”
- Chọn một vận động viên hoặc một nhân vật mà em ngưỡng mộ trong lĩnh vực thể thao (bóng đá, bơi lội, điền kinh, bóng chuyền, đẩy tạ…). Điều quan trọng những người này em phải nắm rõ cuộc sống, sự nghiệp (thành tích, thành đạt) và vì sao em lại ngưỡng mộ? Điều này liên quan tới lý do: Thế vận hội Olympic có ý nghĩa đối với em?
- Có thể lý do đó là sự vượt lên số phận (phân biệt chủng tộc, kỳ thị, hoàn cảnh cá nhân…) để đạt thành tích trong các môn thi đấu, mang lại niềm vinh quang cho cá nhân, đất nước, góp phần vào sự đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết giữa các dân tộc… Nêu bật được giá trị nhân văn cao cả của Olympic.
- Cũng có thể là sự ngưỡng mộ về nhân cách, cử chỉ, hành động, vẻ đẹp hình thể của cá nhân để nói lên rằng Olympic là đỉnh cao của ước mơ, khát vọng hoàn thiện con người cả về nhân cách, tình cảm cùng vóc dáng khỏe mạnh. Như câu cách ngôn Hy Lạp:“Một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng”.
- Lĩnh vực thể thao đòi hỏi khả năng, tố chất cũng như sự rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn (thời tiết, sức khỏe) để vươn lên đạt những kết quả nhất định. Ở đây còn có sự vươn lên của khát vọng, ý chí của mỗi người.
- Việc lựa chọn, viết thư cho một người nào đó vì vậy cần được các em tìm hiểu kỹ, cố gắng qua họ để giãi bày, trao đổi những suy nghĩ, mong muốn của mình về thế vận hội Olympic và điều ấy đã mang lại ý nghĩa gì cho cá nhân em.
C. ĐỂ VIẾT BỨC THƯ UPU ĐẠT KẾT QUẢ CAO EM CẦN LƯU Ý:
- Tìm hiểu kỹ đề tài để tránh viết lạc đề, lan man dài dòng.
- Bức thư đảm bảo trình tự của bài văn viết thư: mở bài, thân bài, kết luận. Mỗi phần viết ngắn gọn, đúng yêu cầu. Phần kết luận cố gắng “mở” vấn đề, tạo suy nghĩ cho người đọc.Lưu ý : Bức thư dự thi dài không quá 800 từ.
- Hạn chế lỗi sai chính tả, phụ âm s/x, ch/tr, vv…
- Nói tóm lại: Để bức thư hay, đặc sắc đòi hỏi các em suy nghĩ, chọn lọc được câu chuyện thật “đắt”, hợp lý nêu bật ý nghĩa của Thế vận hội Olympic với bản thân.
Chúc các em có bức thư tâm đắc, đoạt giải cao cuộc thi trong nước và quốc tế.
BAN GIÁM KHẢO
CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 41