Xác định bản Dạ Cổ Hoài Lang chuẩn

Xác định bản Dạ cổ hoài lang chuẩn




Bản Dạ cổ hoài lang (nay là bản vọng cổ) do nghệ nhân Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 tại Bạc Liêu. Không bao lâu, bản Dạ cổ hoài lang trở thành điệu thức chính trong âm nhạc tài tử Nam bộ, thay cho vị trí tứ đại oán trước đó. Chính tính độc đáo đó mà các nghệ sĩ, nghệ nhân trong giới đã cải biến từ nhịp 2 đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và nhịp 32, là bản vọng cổ thông dụng. Chính bản vọng cổ đã giúp cho nhiều nghệ sĩ thành danh như: NSƯT Út Trà Ôn, Tiến sĩ NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Kim Huệ... Bản vọng cổ đã chấp cánh cho sân khấu cải lương suốt mấy mươi thập kỷ qua càng bay cao, bay xa hơn, bởi “Không vọng cổ bất thành cải lương”.

P5-513-1.jpg




Bản Dạ cổ hoài lang chiếm lĩnh được lòng yêu mến của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nên trong những thập niên đầu, sau khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời, một số nghệ sĩ, nghệ nhân thêm hoặc bớt ca từ sao cho phù hợp với chất giọng. Tính đến nay, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu đã sưu tầm được 7 bản Dạ cổ hoài lang dị bản, không kể 1 bản in trong sách Ca nhạc cổ điển của tác giả Trịnh Thiên Tư, xuất bản năm 1962 (có nhạc và lời), có xác nhận của nghệ nhân Cao Văn Lầu và 1 bản do nghệ nhân Cao Văn Lầu viết tay năm 1973 (có lời, không có nhạc). Các dị bản gồm:

- Bản do cô Ba Vàm Lẽo (Bạc Liêu) ca năm 1921
- Bản của Nhà xuất bản Đĩa hát Việt Nam - Hà Hội, thập niên 1950
- Bản in trong Nguyệt san Bách khoa, số 62, ngày 13.8.1950, của tác giả Nguyễn Tử Quang.
- Bản in trong Đặc san Quý Dậu năm 1993 của Hội Ái hữu Bạc Liêu tại bang Califonia, Hoa Kỳ.
- Bản do nghệ sĩ Hương Lan ca ở hải ngoại và trong nước.
- Bản của GS, TS Trần Văn Khê đưa ra tại cuộc hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang”, ngày 29.7.2009.
- Bản do thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh cung cấp. Còn nhiều dị bản nữa, chưa sưu tầm hết.
Nhìn chung các dị bản trên chỉ khác nhau đôi chút về ca từ, nhưng âm nhạc hoàn toàn không thay đổi. Vẫn giữ được cái hồn, không pha tạp, không lai căng, không mất gốc.
Năm 1989, UBND tỉnh Minh Hải đã tổ chức cuộc Hội thảo “Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhân 70 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang”. Và năm 2009, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “90 năm, bản Dạ cổ hoài lang”. Hai cuộc hội thảo trên đều khẳng định bản Dạ cổ hoài lang là bản nhạc lòng bất hủ của nghệ nhân Cao Văn Lầu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân Việt trong nước và đang sinh sống ở nước ngoài, nó tồn tại và đang trong xu hướng phát triển mãnh liệt hòa cùng dòng chảy của âm nhạc truyền thống Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, qua hai lần hội thảo trên, đã phát hiện “Bản Dạ cổ hoài lang có rất nhiều dị bản, cần phải tìm bản Dạ cổ hoài lang chuẩn”. Chính vì vậy UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cho Sở VH-TT&DL Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM và Văn phòng đại diện Bộ VH-TT&DL tại TP.HCM tổ chức cuộc tọa đàm vào ngày 16.8 vừa qua. Tham dự tọa đàm có hơn 10 nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu am hiểu sâu về âm nhạc truyền thống, sân khấu cải lương, tài tử Nam Bộ, đặc biệt là hiểu sâu và tâm huyết với bản Dạ cổ hoài lang, ở TP.HCM, Bạc Liêu và Cà Mau.
Qua hơn 10 lượt ý kiến trao đổi, tranh luận trong buổi tọa đàm đi đến ý kiến thống nhất chung là: Chọn 2 bản Dạ cổ hoài lang được in trong sách của nghệ sĩ Trịnh Thiên Tư năm 1962 và bản Dạ cổ hoài lang do chính tay nghệ nhân Cao Văn Lầu viết năm 1973 để điều chỉnh bổ sung cho nhau. Những ca từ khác nhau thì nên chọn ca từ nào hay và có ý nghĩa phù hợp để điều chỉnh bổ sung, nhằm có được bản Dạ cổ hoài lang chuẩn.
Là người nhiều năm nghiên cứu âm nhạc tài tử Nam bộ và bản Dạ cổ hoài lang, tôi xin đưa ra phương án “Bản Dạ cổ hoài lang chuẩn”, nhịp hai như sau:
BẢN DẠ CỔ HOÀI LANG CHUẨN
1. Từ là từ phu tướng
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhạn
4. Năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin chàng
6. Ôi gan vàng thêm đau
7. Đường dầu xa, ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Đêm luống trông tin nhạn
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai.
17. Là nguyện cho chàng
18. Hai chữ an - bình an
19. Trở lại gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.


Đó tâm huyết của tôi sau khi dự buổi tọa đàm, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác khi lựa chọn ca từ so với hai bản Dạ cổ hoài lang được coi như bản gốc. Rất hy vọng được đón nhận ý kiến góp ý từ các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu để chúng ta cùng góp phần với quê hương Bạc Liêu xác định cho được bản Dạ cổ hoài lang chuẩn.

THẠC SĨ: HUỲNH KHÁNH



Nguồn: baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_detail.php?nid=12047​
 
Bạn ơi! Bạn có nguyên bài DẠ CỔ HOÀI LANG của ca sĩ trên hát không cho mình tải về nghe với...đang nghe hay mà tới phần bình luận làm mất hết 1 đoạn. Mình nghe rất nhiều ca sĩ hát mà thấy ưng nhất ca sĩ ở trên hát. Cãm ơn bạn!
 
Top