ICTnews - Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết cần nghiên cứu vấn đề kéo dài dầu số di động cũ từ 10 số lên 11 số vì đang gặp nhiều bất cập, đồng thời thu hồi những đầu số 11 số đã được cấp ra.
Trong buổi làm việc với Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới mới đây, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết Việt Nam đang nghiên cứu kéo dài đầu số, thay vì cấp đầu số mới cho các mạng di động ở Việt Nam. Như vậy, Bộ TT&TT sẽ thu hồi lại các đầu số 11 số đã được cấp cho các mạng di động.
Trong trường hợp Bộ TT&TT quyết định phương án tăng độ dài số di động cũ từ 10 số lên 11 số thì các mạng di động sẽ giữ được đầu số cũ của mình. Theo đó, Viettel sẽ sử dụng đầu 098, MobiFone sẽ dùng đầu số 090, VinaPhone sẽ dùng đầu số 091 nhưng tất cả các đầu số này sẽ phải chèn thêm 1 số, và có độ dài 11 số.
Nhiều mạng di động cho biết, họ mệt mỏi với việc phải nhớ các đầu số nào thuộc mạng nào. Thậm chí một cán bộ kinh doanh của mạng di động lớn khẳng định với báo Bưu điện Việt Nam rằng không thể nhận ra được mạng di động nào nếu chỉ nhìn vào đầu số 01 hiện nay. Trước đây, khi các mạng di động tung ra đầu số 01 thường tung ra các chương trình marketing cho các đầu số mới. Giờ đây các mạng di động không còn mặn mà với việc marketing này bởi chuyện đó gần như không còn giá trị. Không chỉ có nhà mạng, nhiều khách hàng than phiền họ không biết đầu số nào của mạng nào để sử dụng chính sách cước rẻ khi gọi nội mạng, đặc biệt là đầu số 012 của MobiFone và VinaPhone. Trong khi đó, họ chỉ nhớ được đầu số được cung cấp đầu tiên cho các mạng như 090, 091 và 098.
Bắt đầu từ năm 2007, lần đầu tiên vấn đề tăng độ dài thuê bao hay thêm mã mạng được đặt ra sau khi 3 mạng di động lớn cho rằng họ sắp “cháy số”. Thời điểm đó, Viettel đề xuất tăng độ dài số thuê bao di động lên 11 số thay vì thêm mã mạng mới. Viettel cho rằng, mỗi người có vài số thuê bao di động là chuyện bình thường. Vì vậy, kho số cần sử dụng không phải là 80 triệu thuê bao theo dân số mà là gấp đôi hoặc gấp 3 lần số đó. Thời điểm đó, VinaPhone cũng đưa ra quan điểm nên tăng độ dài số để các doanh nghiệp dễ marketing và để cho khách hàng dễ nhận biết các mạng di động vì hiện tâm lý khách hàng mặc định đầu 09 là di động, nếu thêm đầu 01 sẽ khó marketing cho khách hàng.
Thế nhưng, các mạng di động nhỏ lại phản đối quan điểm này và cho rằng, nếu kéo dài số thuê bao lên 11 số sẽ làm cho khách hàng phải đổi số thêm một lần nữa gây phiền hà cho khách hàng và sẽ khó nhớ số. Trước nhiều ý kiến trái ngược nhau, cơ quan quản lý nhà nước đã ra quyết định cuối cùng là thêm mã mạng mới thay vì cho việc kéo dài số.
Sau 4 năm vấn đề này được giải quyết, đầu năm 2010 các mạng di động lớn lại đặt ra vấn đề tăng độ dài thuê bao chứ không thêm mã mạng. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là việc kéo dài đầu số 09x này sẽ tạo sự thông thoáng hơn trong việc phát triển dịch vụ, tránh phải xin cấp thêm các đầu số mới và dễ dàng phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Viettel đã đề nghị Bộ TT&TT cho phép kéo dài các đầu số 09x thay vì xin cấp thêm các đầu số mới. Viettel giải thích, kéo dài các đầu số 09x để phục vụ cho việc phát triển các dịch vụ 2G, 3G và truy cập Internet trên laptop.
Phía MobiFone cũng cho rằng, việc nhiều đầu số sẽ khiến cho nhà mạng gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Chẳng hạn khách hàng không thể nhận ra đâu là mạng MobiFone với đầu số 01. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước nên cho phép kéo dài đầu 09x. Với phương án này, lập tức mỗi mạng di động sẽ có 100 triệu số và sẽ giải được bài toán “cháy số” và liên tục xin đầu số mới. Trước đó, một lãnh đạo của MobiFone cho rằng, việc nhiều đầu số sẽ khiến nhà mạng gặp khó khăn trong kinh doanh. Chẳng hạn khách hàng không thể nhận ra đâu là mạng MobiFone với đầu số 01. Vì vậy, nhiều khả năng cơ quan quản lý nhà nước sẽ cho phép kéo dài đầu 09x. Với phương án này, lập tức mỗi mạng di động sẽ có 100 triệu số và sẽ giải được bài toán liên tục xin đầu số mới.
Trong khi đó, các mạng di động nhỏ vẫn lên tiếng phản đối việc kéo dài số thuê bao bởi như vậy sẽ mất đi lợi thế của họ.
Sau khi các mạng di động lên tiếng về vấn đề này, theo Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT), lý do chính khiến Bộ quyết định chưa kéo dài đầu số hiện nay là mạng viễn thông di động của Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết khoảng 1/3 kho số. Hiện Việt Nam có 7 mạng di động. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ cấp phép thêm cho các mạng di động ảo tham gia thị trường này với số lượng không hạn chế. Vì vậy, không thể tránh khỏi việc sử dụng thêm các mã mạng di động mới.
Theo quy hoạch của Bộ TT&TT, tổng số đầu số hiện có khoảng 800 triệu số, thế nhưng Bộ mới cấp ra khoảng hơn 200 triệu số. Trong khi đó, nếu kéo dài thêm đầu số 09x, sẽ gây xáo trộn và lãng phí không cần thiết cho người sử dụng và gây phiền phức cho không ít các thuê bao trong số này.
NT
Cấp phép 3G đúng thời điểm
Ngày 11/8/2010, Bộ TT&TT đã hoàn thành cấp 4 giấy phép 3G cho Viettel, VinaPhone, MobiFone và liên danh Hanoi Telecom - EVN Telecom. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cấp phép theo hình thức thi tuyển trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế.
Theo báo cáo Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai 3G của các doanh nghiệp diễn ra ngày 20/7, thời điểm cấp phép 3G phù hợp với tình hình phát triển của các doanh nghiệp khi giá thiết bị mạng lưới và công nghệ 3G đã hoàn thiện và thấp hơn hàng chục lần so với thời kỳ đầu năm 2000 - thời điểm công nghệ 3G bùng nổ trên toàn thế giới; Thiết bị đầu cuối rất đa dạng và phong phú gồm thiết bị đầu cuối thoại 3G, USB 3G, máy tính bảng, điện thoại thông minh tạo điều kiện cho việc sử dụng, ứng dụng phong phú các dịch vụ trên mạng 3G. Ngoài ra, doanh nghiệp 2G cũng đã tích luỹ được nguồn tài chính đủ đầu tư mạng 3G hiện đại và phù hợp.
VinaPhone trở thành mạng di động tiên phong cung cấp các dịch vụ trên nền 3G vào ngày 12/10/2010 và nhà mạng cuối cùng khai trương dịch vụ 3G là liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom ngày 9/11/2010. Tại thời điểm khai trương dịch vụ, các doanh nghiệp đều đã thực hiện đầy đủ và vượt mức cam kết của mình như: Tổng số trạm BTS 3G trên toàn quốc, tổng số BTS 3G chia sẻ vị trí với BTS mạng 2G, tốc độ truy nhập Internet di động, tỷ lệ cuộc gọi.
Sau 18 tháng triển khai dịch vụ, các doanh nghiệp đã có 30.334 trạm BTS 3G trên toàn quốc, thậm chí một số doanh nghiệp đã triển khai vượt mức cam kết tại thời điểm 3 năm sau khi cấp phép. Vùng phủ sóng 3G theo dân số và diện tích lãnh thổ trên toàn quốc đạt từ 54,71% đến 93,68%. Các doanh nghiệp sử dụng lại 100% hạ tầng trạm BTS 2G có sẵn để triển khai trạm BTS 3G. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng 3G trung bình mỗi tháng đối với các dịch vụ dữ liệu (data) từ 5,4% đến 34,32%.
Về dịch vụ, tổng số thuê bao 3G đạt trên 8 triệu thuê bao với tốc độ truy nhập mạng lên đến 7,2Mb/s và tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt trên 98%.
Tính đến thời điểm 31/12/2010, tổng số vốn đầu tư vào mạng 3G sau một năm triển khai giấy phép đạt trên 1700 tỷ đồng với thời gian dự kiến hoàn vốn từ 3,21 đến 5,63 năm; Tổng doanh thu của dịch vụ 3G, trong đó tỷ lệ phần trăm doanh thu dịch vụ thoại và dịch vụ truyền dữ liệu trên tổng doanh thu xấp xỉ 3.6000 tỷ đồng.
Việc sử dụng USB 3G để truy nhập Internet đã nhanh chóng đưa dịch vụ đến vùng sâu vùng xa với mức cước cạnh tranh với dịch vụ ADSL góp phần thực hiện xoá khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp khả năng tiếp cận thông tin ở vùng nông thôn được nâng cao.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Vụ phó Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT), nếu như giai đoạn đầu chất lượng mạng 3G còn chưa tốt, hay bị rớt mạng, ngắt quãng kết nối do các doanh nghiệp cần thời gian để tối ưu, vận hành mạng 3G thì đến nay, chất lượng dịch vụ đã tốt hơn dù vẫn còn chưa đồng đều giữa các khu vực cũng như các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các dịch vụ nội dung còn chưa được tích hợp phong phú và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tăng cường hội tụ cho 3G, phải triển khai cung cấp đa dạng các dịch vụ nội dung để tăng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong kinh doanh (thương mại điện tử, e-Banking, thương mại trực tuyến...), trong việc tổ chức xây dựng các ứng dụng Chính phủ điện tử, đào tạo từ xa, các chương trình quảng bá phát thanh truyền hình....
Chậm nhất năm 2015 sẽ cung cấp dịch vụ 4G
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Giám đốc MobiFone cho biết, về mạng thế hệ 4G, theo lộ trình công nghệ, những mạng di động nào đã có 2G, 3G thì tiếp tục triển khai lên mạng 4G, đó là xu thế mang lại hiệu quả kinh tế nhất do đã đầu tư mạng lõi. Dù MobiFone đã sẵn sàng hạ tầng cho mạng 4G nhưng theo ông Nguyên việc triển khai 4G còn phải tính đến hiệu quả đầu tư nên hiện chỉ nên cho tiến hành thử nghiệm để tiếp cận công nghệ mới cũng như có điều kiện phát triển ứng dụng trước khi chính thức đặt vấn đề về mạng 4G vào năm 2012-1013.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, lộ trình phát triển 4G phụ thuộc rất lớn vào thiết bị đầu cuối, xu thế vận động của thế giới và năng lực tài chính các doanh nghiệp cũng như cung cầu dịch vụ người dùng. "Thời điểm thích hợp để triển khai mạng 4G không thể trước năm 2013 và chậm nhất sẽ vào năm 2015", Bộ trưởng khẳng định.
Ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho rằng, việc phát triển mạng 4G hiện nay chủ yếu để truyền tải dữ liệu tốc độ cao do chưa có phần thoại. Vì thế, thay vì triển khai mạng 4G, chúng ta có thể áp dụng những công nghệ 3G mới, như HSPA+ mà Viettel áp dụng ở khu vực Hà Nội và Nha Trang với tốc độ lên đến 42 Mb/s.
Cùng quan điểm với ông Thắng, theo ông Nguyễn Hải Hà, Phó Giám đốc Công ty EVN Telecom, hiện tại chưa phải lúc triển khai mạng 4G khi các doanh nghiệp chưa khai thác hết hiệu quả của mạng 3G và mới chỉ đạt tốc độ 7,2 Mb/s. "Chúng ta hoàn toàn có thể nâng tiếp lên 14,4 Mb/s hay 21 Mb/s", ông Hà nóii.
Nhà mạng đồng loạt muốn rút tiền cọc 3G
Tại Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai 3G, đại diện các nhà mạng đều mong muốn Bộ TT&TT cho rút số tiền đặt cọc thi tuyển 3G còn lại đề đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ bởi đây là nguồn vốn rất tốt để các doanh nghiệp phát triển trong thời buổi khó khăn hiện nay. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã đề nghị Vụ Kế hoạch tài chính đẩy nhanh tốc độ và có cơ chế giải ngân bám sát doanh nghiệp hơn để có thể có lợi cho doanh nghiệp thay vì “có lợi cho các ngân hàng”.
TP