Ý nghĩa nhan đề bài thơ Ánh trăng - 2 đoạn văn phân tích

Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy được viết vào năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà tình nghĩa. Khi trở về phố thị xa hoa, nơi có nhà cao cửa rộng, có đầy đủ tiện nghi và cả ánh đèn đường sáng rực, chúng ta thường quen dần với sự đủ đầy để rồi quên bẵng đi những gian khó của quá khứ. Chính vì thế Nguyễn Duy đã viết bài thơ này, và không phải tự nhiên mà ông đặt tựa cho những vần thơ tình nghĩa này là “Ánh trăng”.Bài thơ là sự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, với đất nước bình dị, hiền hòa. Nhan đề “Ánh trăng” đã đánh thức truyền thống đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của quần chúng cách mạng. Những vần thơ thơm thảo ấy vẫn sống mãi với thời gian, sống mãi với con người để ngày đêm nhắc nhớ. Nhan đề thơ này quả thật rất giàu ý niệm, rất độc đáo và sáng tạo.Để hiểu rõ hơn về sự trăn trở của Nguyễn Duy khi đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình là Ánh trăng, chúng tôi sẽ đưa ra một đoạn văn ngắn phân tích ý nghĩa nhan đề của bài thơ “Ánh trăng” nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về một thời dễ quên ấy.

bai-tho-anh-trang.jpg


ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ ÁNH TRĂNG SỐ 1
Cuộc sống yên vui dễ khiến con người ta quên đi những năm tháng gian khổ, quên đi quần chúng cách mạng đã phải đổ xương máu để làm nên chiến thắng, quên đi những miếng cơm, manh áo đã giúp đỡ ta trong những ngày đói rét chiến tranh và quên cả ánh trăng tròn vành ngày đêm soi sáng. Chọn cái thời điểm con người ta dễ quên ấy, Nguyễn Duy đã viết bài thơ này với nhan đề là “Ánh trăng” như một lời nhắn nhủ sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ánh trăng không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên đất nước bình dị mà nó còn là một thứ ánh sáng diệu kì, ánh sáng ấy có thể len lỏi vào trong những góc khuất tối tăm nhất của tâm hồn con người và thức tỉnh họ nhận ra những điều sai trái, sửa chữa để hướng tới những giá trị sống cao đẹp – lẽ sống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đối với chủ thể trữ tình trong bài thơ, đó còn là tình nghĩa son sắt thủy chung của quá khứ. Ánh trăng vẫn cứ đứng im ở đấy, chờ đợi con người, dù người ta có quên nhưng trăng vẫn nhớ, trăng vẫn ở đó, không bao giờ quên. Đây là một nhan đề thấm đẫm giá trị nhân văn và hướng về nguồn cội, “ánh trăng” là một hình tượng nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm. Và đó cũng là ý nghĩa của bài thơ được Nguyễn Duy gửi gắm trong nhan đề thơ “Ánh trăng”.


ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH Ý NGHĨA NHAN ĐỀ BÀI THƠ ÁNH TRĂNG SỐ 2
Không biết từ bao giờ mà ánh trăng đã đi vào văn học như một ánh sáng soi rọi cả một thời quá khứ đen tối của bom đạn, một thời lầm than của chiến tranh. Ánh trăng ấy như ánh sáng chiếu rọi vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn và kí ức mỗi con người, không ngừng nhắc họ không được quên đi một thời chiến đấu gian khổ đó. Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy viết vào năm 1978 cũng không ngoại lệ. Ngay từ tên nhan đề, nhà thơ đã muốn nhắc chúng ta về truyền thống ân nghĩa thủy chung “Uống nước nhớ nguồn”. Trong những năm chiến tranh gian khổ mà anh dũng ấy, ánh trăng vẫn ở đó soi chiếu từng bước đường hành quân của chúng ta. Khi hòa bình lập lại, chúng ta trở về phố thị xa hoa với ánh đèn sáng rực che mờ cả ánh trăng, chúng ta dần dần quên đi cố nhân ấy. Chọn cái thời điểm dễ quên này, Nguyễn Duy viết bài thơ và đặt nhan đề là “Ánh trăng” nhằm nhắc nhở chúng ta phải nhớ một thời gian khổ đã làm nên chiến thắng hôm nay, phải nhớ ánh trăng rừng núi đã soi bước chúng ta dựng xây nên đất nước bây giờ.
 
  • Chủ đề
    bai tho anh trang ý nghĩa nhan đề
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,614
    Bài viết
    467,349
    Thành viên
    339,819
    Thành viên mới nhất
    I7Vinity
    Top