Vợt cầu lông Lining N9 II: Sự lựa chọn hoàn hảo cho đánh đôi

Ngay khi xem các trận đấu đôi nam nội dung Cầu Lông trong Olympic 2016, tôi đặc biệt chú ý đến cây vợt cầu lông mà tay vợt Fu Hai Feng sử dụng để dành HCV. Một cây vợt màu đen có điểm chút hoa văn khác màu, với bản tính tò mò tôi sục sạo khắp các trang web nhưng vẫn bặt vô âm tín. Điều này lại làm tôi nhớ đến Lin Dan trong Đại hội thể thao châu Á ASIAD năm 2014 tại Incheon – Hàn Quốc đã sử dụng cây vợt cầu lông Yonex ZF2 màu đen hoàn toàn vì lý do chưa hết hạn hợp đồng quảng cáo với Li Ning, có chăng, búa máy Fu đã về với ngôi nhà Yonex? Sau khi Olympic kết thúc được 1 vài tháng thì trên các trang web của Trung Quốc mới cho đăng tải hình ảnh đầu tiên về cây vợt mà Fu Hai Feng đã sử dụng trong giải đấu vừa qua, đó là cây Li Ning N9 II, bản nâng cấp mới của Li Ning N9 mà Fu Hai Feng đã sử dụng trong suốt nhiều năm và được đông đảo người hâm mộ tay vợt búa máy này tìm kiếm để trải nghiệm.
danh-gia-lining-n9-ii-4-200x300.jpg
Vợt cầu lông Lining N9 II

Thiết kế vợt cầu lông Lining N9 II

Cây vợt cầu lông Li Ning N9 II có tông màu chủ đạo là đen, nước sơn đen mờ, kết hợp với các họa tiết màu hồng, xanh nước biển và các gạch xám tạo cho cây vợt có một sức hấp dẫn và mạnh mẽ không thể tả. Li Ning từ trước đến nay luôn có những thiết kế thảm họa như các dòng vợt N90, N55 phải nói là xấu một cách không thể chấp nhận. Nhưng chắc trong thời gian gần đây đã thay đổi giảm đốc thiết kế nên bộ mặt các cây vợt của Li Ning được đưa lên một tầm cao mới.
Lớp sơn đen mờ trên thân vợt tạo cho người dùng cảm giác cứng cáp, các chi tiết nhỏ lại từng chút lại làm cho vợt có những sự thay đổi đáng kể, phần tem vợt được hoàn thiện rất tốt, cầm qua 3 cây vợt mà tôi không thấy có sự khác biệt ở các vị trí của tem vợt, không như một số dòng vợt của Yonex khi các phần của ten vợt được in khá lệch nhau.
Trải nghiệm thực tế

Li Ning N9 II chỉ có một phiên bản 3UG5, nhưng so với G5 của N9 bản trước đây thì nó phải to như kiểu G4 ấy, không biết nhà máy sản xuất có thừa gỗ không nữa ^^
Để các bạn dễ hình dung bản nâng cấp N9 II này có gì khác biệt với bản N9 cũ, tôi xin điểm qua một số thay đổi đáng kể: Thân vợt cứng hơn, nếu so sánh với các dòng vợt cầu lông Yonex thì nó tương đương độ cứng stiff, trong khi độ cứng của bản N9 cũng là stiff nhưng kém n9 II một chút, vành nhỏ lại 1 tí, cán vợt lớn hơn 1 tí , đũa vợt nhỏ lại 1 tí. Những cái 1 tí này và độ cứng thay đổi khiến cho tôi có cảm giác đây là một bản nâng cấp đáng giá, phù hợp với nhiều lối chơi và người chơi so với bản N9 trước đây.
Cảm giác ban đầu khi cầm một cây vợt 3UG5 này là thấy nó đầm, cảm giác đầm nó khác hẳn so với ZF2 của Yonex, bạn nào đã từng dùng qua Yonex Duora 10 (không phải bản LCW) đâu nhé, thì cảm giác nó sẽ tương tự như vậy, tuy nhiên càng đánh thì vợt có xu hướng nhẹ đi, chính bản thân tôi cũng không rõ vì sao.
Phông cầu

danh-gia-lining-n9-ii-6-200x300.jpg
phông cầu Lining N9 II

Sau khi lấy vợt, tôi thử test với cước Yonex BG 66U căng 11.5kg. Cảm giác ban đầu là khá cứng, bởi với lực tay của tôi cùng với thân vợt cứng thì đường cầu hơi khó điều chỉnh. Tuy nhiên sau một thời gian đánh, áng chừng cước chỉ còn mức căng trên 11kg thì cầu đi rất chuẩn, lực phát ra cùng độ nặng đầu vừa phải khiến tôi không mất nhiều sức để đưa quả cầu tới cuối sân và đôi lúc là ra cả ngoài vạch, điều này rất lợi thế trong nhưng trận đánh đơn cần những quả phông cầu cao sâu và rõ nét.
Đập cầu – Smash

Một cây vợt dành cho Fu Hai Feng, một búa máy thực sự thì chắc chắn sẽ đập cầu tốt rồi. Thân vợt khá cứng kết hợp với cảm giác hơi nặng đầu sẽ cho bạn những cú đập rất có lực và rất cắm. Vành vợt vát kiểu Aero Frame làm cho lực cản không khí xuống mức thấp nhất có thể, giúp cho tốc độ vung vợt rất nhanh. Nếu tôi chọn cây Vợt cầu lông Yonex Duora10 làm mốc so sánh tương đương về độ đầm của vợt thì tốc độ vung vợt của N9 II có phần nhỉnh hơn và dễ dàng cảm nhận được.
Cắt cầu, bỏ nhỏ

Thân vợt cứng giúp những quả bỏ nhỏ và cắt cầu trên lưới chính xác hơn rất nhiều so với bản N9 trước đây, khi cùng cầm 2 cây vợt và cùng căng cước BG66U – loại cước cho điểm số kiểm soát (control) rất cao thì cảm giác chính xác trong những pha bỏ nhỏ được tăng lên rõ rệt.
Đua cầu, tạt cầu

Độ nặng đầu của Lining N9 II chính là rào cản linh hoạt để người chơi chiếm được thế chủ động trong những pha đôi công trên mép lưới, bởi sức mạnh tấn công và sự linh hoạt không bao giờ có thể song hành cùng nhau được, có chăng, việc làm thân vợt cứng hơn sẽ làm những quả tạt cầu có điểm rơi chính xác hơn so với bản N9 trước đây.
Hướng đối tượng

Với cấu trúc vợt, độ cứng của đũa vợt và độ nặng đầu thì cây vợt hướng đến được nhiều đối tượng, từ đánh đôi đến đánh đơn, phải nói N9 II là một cây vợt đánh đơn tốt, hơn rất nhiều so với bản N9 trước đây. Còn đánh đôi, chắc tôi cũng không cần nói nhiều, bởi phong cách của những người sở hữu cây vợt này chắc cũng tương đồng với cách đánh Fu Hai Feng – một búa máy huyền thoại với phong cách đánh luôn hừng hực khí thế tấn công.
Lining N9 II không dành cho những người tay yếu, nếu tay bạn yếu mới đầu bạn sẽ thích nó nhưng sau một thời gian thì bạn cảm giác như cơ thể mình mất dần sinh lực. Và cảm giác đau ê ẩm bả vai. Đó là những dấu hiệu cho thấy nó quá tải với bạn.
theo yeucaulong.com​
 

Thống kê

Chủ đề
100,844
Bài viết
467,738
Thành viên
339,893
Thành viên mới nhất
Gia dụng Việt Anㅤ
Top