Đã từ lâu, sân bay quốc tế Heathrow được coi là một trong những biểu tượng về sức mạnh kiến trúc, kinh tế và du lịch của thủ đô London nói riêng và nước Anh nói chung. Kỳ này, mình xin giới thiệu đến các bạn những bức ảnh cùng với thông tin về cảng hàng không hiện đại và đông đúc bậc nhất thế giới này.
Trước tiên, hãy cùng điểm qua một số nét sơ lược về sân bay quốc tế Heathrow. Heathrow đi vào vận hành lần đầu vào năm 1929 dưới danh nghĩa một sân bay quy mô nhỏ ở phía Tây Nam thủ đô London. Ngày nay với tổng diện tích 12.14 km vuông, 2 đường băng cùng 5 nhà ga, Heathrow đã trở thành cảng hàng không bận rộn nhất nước Anh và trên cả quy mô châu Âu. Theo thống kê năm 2014 thì sân bay này đã tiếp đón tổng cộng 73.4 triệu lượt khách, tăng 1.4% so với năm 2013, đưa nó lên trở thành sân bay bận rộn thứ 3 thế giới, lần lượt đứng sau sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc và Atlanta, Mỹ.
Bức hình trên được mình chụp tại cổng vào ở nhà ga số 3 của sân bay Heathrow. Hiện nay có đến hơn 90 hãng hàng không đang sử dụng sân bay này để bay đến 185 địa điểm ở 84 quốc gia trên toàn thế giới. Trong số 73.4 triệu hành khách của Heathrow năm 2014, thì 93% là khách quốc tế và chỉ có 7% là khách nội địa.
Hình trên là công tác hậu cần phía sau các chuyến bay tại Heathrow. Trong số các địa điểm trên toàn cầu từ sân bay này, thì đứng đầu trong danh sách đó là New York, Dubai, Dublin, Hồng Kông và Frankfurt.
Có rất nhiều cách để di chuyển đến sân bay Heathrow và giữa các nhà ga của sân bay này. Về mặt phương tiện công cộng, hành khách có thể sử dụng tàu điện ngầm, tàu Heathrow Express, xe buýt hoặc xe khách từ cả các địa điểm tại London và các địa điểm trên toàn nước Anh. Ngoài ra việc sử dụng xe taxi, ô tô cá nhân hay xe đạp cũng đều khả thi.
Một điểm khác biệt giữa sân bay của Việt Nam và nhiều sân bay trên thế giới nằm ở bãi đỗ xe ô tô. Sân bay Heathrow được trang bị khả năng đỗ xe ô tô rất lớn và bãi đỗ xe ở đây được thiết kế dưới dạng nhiều tầng. Người sử dụng có thể hoàn toàn đỗ xe ở đây để bay đến một đất nước nào đó và quay lại lấy xe khi trở về Anh vài ngày sau đó. Mức giá đỗ xe tùy thuộc vào số giờ mà bạn muốn sử dụng dịch vụ này và Heathrow quản lý rất chặt việc đỗ xe và đón trả khách.
Chắc hẳn nhiều độc giả đang tự hỏi sân bay Heathrow to và bận rộn như thế nào? Nếu con số 12.14 km vuông chưa giúp bạn tìm hiểu câu trả lời, thì hãy nhìn vào các thống kê sau đây: Mỗi ngày tại Heathrow bán 26 nghìn cốc trà, 35 nghìn cốc cà phê, đón 1.4 nghìn chuyến bay (tương đương cứ mỗi 45 giây lại có một chuyến bay cất hoặc hạ cánh). Heathrow thuê tổng cộng 76 nghìn nhân viên, có 6.5 nghìn camera an ninh và 65 người phụ trách kiểm soát không lưu. Trung bình thời gian đi từ nhà ga số 3 đến nhà ga số 4 của Heathrow là 20 phút.
Trung bình thì 70% hành khách tại Heathrow sử dụng dịch vụ bay vì mục đích vui chơi, giải trí, chỉ 30% còn lại sử dụng để đi công tác, làm việc. Heathrow đã phát triển website và nhiều trang mạng xã hội để cung cấp những thông tin hữu ích đến người dùng như lịch sử hình thành và phát triển, lịch bay, các dịch vụ và thay đổi bất thường.
Hình trên là khu vực check-in tại sân bay Heathrow. Một số hãng hàng không lớn có bàn check-in tại Heathrow bao gồm Air Canada, Air China, EVA Air, Singapore Airlines, Turkish Airlines hay Thai. Ngoài các bàn check-in truyền thống thì tại Heathrow đã phát triển rất nhiều các máy check-in tự động để đẩy nhanh quá trình làm thủ tục cho hành khách.
Bức ảnh trên được mình chụp khi các hành khách quốc tế vừa đặt chân xuống thủ đô nước Anh. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã chuyển từ khai thác tại sân bay Gatwick sang Heathrow, kết nối với 2 thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Sự kiện này cũng đánh dấu việc Vietnam Airlines mới sắm dòng máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Hiện tại mỗi tuần, chuyến bay thẳng từ London về Hà Nội diễn ra vào thứ 3 và thứ 6, trong khi chuyến bay về Hồ Chí Minh diễn ra vào thứ 4 và thứ 7. Vietnam Airlines cũng đã cử một đội ngũ nhân viên sang London với nhiệm vụ trở thành đại diện cho hãng hàng không này.
Nhiều dịch vụ và cửa hàng ăn uống đang hoạt động tại sân bay Heathrow. Trong số các cửa hàng phải kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như Cafe Nero, Boots hay WHSmith. Các dịch vụ và tiện ích khác bao gồm đổi ngoại tệ, cho thuê xe, các tuyến tàu đến trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều sân bay khác thì ở Heathrow có trang bị một số khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Ngoài British Airways, hãng hàng không hàng đầu nước Anh, thì Virgin Atlantic và Delta cũng là hai hãng hàng không lớn có trụ sở đại diện ở Heathrow.
Một điều tối quan trọng đối với tất cả các sân bay đó chính là bảng chỉ dẫn. Với những siêu sân bay như Heathrow thì những bảng chỉ dẫn này đã giúp hành khách rất nhiều trong việc tìm vị trí nhà ga, khu vực check-in, dịch vụ ăn uống, cửa lên tàu bay hay khu vực đón người nhà và kết nối với giao thông.
Heathrow cũng có một hệ thống an ninh hiện đại và hết sức nghiêm ngặt. Đội ngũ hải quan và cảnh sát luôn túc trực 24/24h và được huấn luyện bài bản. Đặc biệt trước nhiều vụ tấn công khủng bố tại Mỹ, châu Âu và Trung Đông thì Heathrow đã tăng cường thêm nhiều lực lượng an ninh. Chính sự cảnh giác này đã giúp Heathrow ngăn chặn được nhiều vụ tấn công bạo lực và phát hiện ra nhiều loại hàng cấm như ma túy.
Bên trong khu vực sảnh chờ tại Heathrow, người dùng có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ mua sắm, ăn uống cũng như dịch vụ dành cho khách hạng thương gia. Tuy nhiên vào những ngày đông đúc thì việc chờ đợi ở đây lại không dễ chịu tí nào do số lượng hành khách quá đông. Bù lại, Wi-Fi được phát sóng ở toàn bộ tất cả các khu vực của Heathrow và có chất lượng kết nối tốt. Một khi bạn đã đăng ký sử dụng dịch vụ Wi-Fi thì lần sau khi bạn quay lại Heathrow, bạn không cần bỏ thời gian ra đăng ký nữa.
Khi nhập cảnh vào Anh tại Heathrow cũng như những sân bay khác, hành khách sẽ phải đi qua một cổng có tên UK Border (tạm dịch là Biên giới nước Anh). Tại đây hành khách quốc tế sẽ phải trình hộ chiếu, các giấy tờ cần thiết và phải quét dấu vân tay để xác nhận danh tính. Người dân bản địa và thuộc khối EU có thể sử dụng máy quét hộ chiếu tự động rất nhanh gọn và thuận tiện. Bản thân mình khi nhập cảnh vào Anh thấy 2 điều khá bất công. Một là các bàn nhập cảnh cho người quốc tế ít hơn nhiều các bàn cho dân bản địa và khối EU. Hai là người nước ngoài thường bị hỏi rất nhiều câu hỏi như tên tuổi, nghề nghiệp, mục đích đến nước Anh hay ngày về. Tuy vậy những biện pháp này cũng chỉ để đảm bảo an ninh mà thôi.
Những vụ việc không mong muốn
Tất nhiên, sân bay Heathrow không phải là một cảng hàng không hoàn hảo. Trong lịch sử của sân bay này đã có nhiều tai nạn xảy ra, nhiều trường hợp khủng bố hay đe dọa về anh ninh. Ngày 3/3/1948, tai nạn máy bay đã cướp đi sinh mạng của 3 thành viên phi hành đoàn và 22 hành khách. Ngày 27/10/1965, một máy bay khác từ Edinburgh, Scotland đã gặp nạn trong lúc hạ cánh và cướp đi sinh mạng của tổng cộng 30 hành khách cùng 6 thành viên phi hành đoàn. 7 năm sau đó, một chuyến bay khác đã gặp nạn 2 phút sau khi cất cánh và tổng cộng 118 người đã chết.
Ngày 8/6/1968, James Earl Ray, kẻ được coi là đã ám sát nhà hoạt động chính trị lừng danh nước Mỹ, ngài Martin Luther King, đã bị bắt tại Heathrow khi đang cố gắng dùng một cuốn hộ chiếu giả của Canada để rời nước Anh. Vào ngày 21/12/1988, một chuyến bay từ Heathrow đi New York đã phát nổ trên bầu trời Scotland khiến 259 người trên máy bay và 11 người trên mặt đất thiệt mạng. Lần lượt vào các năm 1974 và 1986, bom và các chất nổ nguy hiểm đã được phát hiện tại sân bay Heathrow.
Mới đây nhất thì vào ngày 13/7/2015, 13 nhà hoạt động xã hội vì môi trường đã bẻ tường rào để trèo vào trong đường băng tại Heathrow, gây cản trở hàng trăm chuyến bay. Tất cả sau đó đã bị bắt, tuy nhiên sự việc này là một trong những ví dụ điển hình về mâu thuẫn trong xã hội Anh liên quan đến việc mở rộng sân bay Heathrow. Các doanh nghiệp và nhà thi công, tất nhiên, luôn khẳng định rằng kế hoạch mở rộng Heathrow sẽ đem về những lợi ích kinh tế lớn lao cho xứ sở sương mù, còn người dân London và nước Anh lại cho rằng việc này sẽ phá hủy môi trường và cuộc sống của chính họ.
Vậy còn các sân bay tại Việt Nam?
Các sân bay của nước ta thì lại có một lịch sử cực kỳ tốt đẹp về những vấn đề về an ninh, khủng bố hay bạo loạn, mặc dù đã có nhiều vụ phát hiện hàng cấm như ma túy, ngà voi, vũ khí dân dụng. Tuy nhiên chúng lại có những vấn đề khác.
Mặc dù với sự mở rộng nhà ga T2 ở cả Tân Sân Nhất và Nội Bài, trong quá khứ và cả gần đây, 2 sân bay này đã được liệt vào danh sách các sân bay tệ nhất trên thế giới. Cơ sở hạ tầng yếu kém, không có đủ chỗ nghỉ ngơi, nhân viên có thái độ không lịch sự, tình trạng chậm hủy chuyến (đặc biệt là vì một số lý do rất nực cười) là một trong những lý do cho vị trí thấp như vậy.
Nói đi cũng phải nói lại, Tân Sân Nhất và Nội Bài không phải là những sân bay duy nhất trên thế giới chứng kiến những vấn đề như trên. Bản thân mình đã đến các sân bay ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và nhận ra rằng các hãng hàng không cũng chậm chuyến rất nhiều, thậm chí nhiều hãng nổi tiếng chậm đến vài tiếng. Các cơ quan hàng không của nước ta cũng đã vào cuộc mạnh tay để thay đổi bộ mặt của hàng không Việt Nam trên sân chơi quốc tế. Nhiều dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi mới đã được xây dựng và những trường hợp nhân viên hàng không xúc phạm hành khách đều được nhìn nhận và kỷ luật nghiêm khắc. Một vài dự án sân bay mới ở các tỉnh miền Trung hay dự án sân bay Long Thành là những điểm sáng giúp cho ngành hàng không Việt Nam tăng cường khả năng hoạt động và cạnh tranh trên khu vực và thế giới.
Dù sao đi nữa, trong tương lai không xa khi mà thu nhập của người Việt Nam tăng lên cùng với sự hội nhập kinh tế của nước ta thông qua các hiệp định như TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN, nhu cầu về hàng không cũng vì thế mã sẽ cao hơn rất nhiều. Hy vọng rằng các sân bay của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa về số lượng cũng như chất lượng, để đóng góp vào thành tựu kinh tế xã hội của đất nước cũng như nâng cao đời sống của chính những người dân trên mảnh đất hình chữ S.
Nguyễn Mai Đức