3 bài văn Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài - Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất

“Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách văn chương của Nguyễn Minh Châu thời hậu chiến. Nhân vật người đàn bà hàng chài là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Dưới đây là bài viết chi tiết phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài.

Để nắm bắt cuộc sống, con người phải chọn cho mình nhiều góc nhìn. Để tái hiện cuộc sống, nhà văn phải sống với cuộc sông đó. Cuộc sống vốn dĩ là đa thanh đa sắc, nhà văn phải lấy hiện thực cuộc sống làm chất liệu cho văn chương, đó là những điều mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Đó đã trở thành quan niệm văn chương của nhà văn, khiến Nguyễn Minh Châu thành ngòi bút sáng giá trong thời kì văn học Việt Nam đổi mới. Hóa thân thành anh nhiếp ảnh gia Phùng, gặp gỡ một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, lắng nghe câu chuyện từ một người xa lạ để rồi vỡ lẽ ra những quy luật cuộc sống, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm thật nhiều thông điệp sống ý nghĩa. Nhân vật người đàn bà hàng chài xuất hiện như một bước ngoặt, làm thay đổi cái nhìn của Phùng để anh nghiệm ra những chân lý cuộc sống. Nhân vật người đàn bà là hình tượng nghệ thuật mà nhà văn xây dựng để truyền tải đầy đủ và trọn vẹn thông điệp sống cho người đọc và cũng là sự hiện diện của cái tâm và cái tài Nguyễn Minh Châu. Bài viết sau đây sẽ tìm hiểu và phân tích chi tiết nhân vật này. Chúc các bạn thành công !

nguoi-dan-ba-hang-chai.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI TRONG TRUYỆN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Viết văn là đi tìm hạt ngọc ẩn giấu sâu trong tâm hồn con người.”. Quan niệm văn chương ấy đi vào từng sáng tác của ông, làm sáng ngời lên những ánh ngọc của những phận người dù là đăng cay, tủi nhục. Nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là một trong hạt ngọc mà nhà văn đã tìm thấy giữa cuộc đời bôn ba rộng lớn, là hình tượng nghệ thuật để lại nhiều ấn tượng và suy ngẫm cho người đọc.

“Nguyễn Minh Châu thuộc vào trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng” nhất của thời kì văn học đổi mới (Nguyễn Trung Thành). Quan niệm làm văn của ông được thể hiện rất rõ trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, sáng tác năm 1983, khi ông hóa thân thành anh nhiếp ảnh Phùng để qua ống kính máy ảnh và đôi mắt để nhìn và thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu nghệ thuật. Nhân vật người đàn bà là nhân vật chính của tác phẩm và tập trung bút lực khắc họa của nhà văn.

Người đàn bà hiện lên đầu tiên với những nét vẽ ngoại hình. Người đàn bà mang thân hình cao lớn, thô kệch quen thuộc của đàn bà vùng biển, bó chặt trong tấm áo “bạc phếch và rách rưới”. Người đàn bà “rỗ mặt”, khuôn mặt “mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Dường như thân hình, gương mặt đã tiên đoán được số phận cay cực của người đàn bà. Mụ là nạn nhân của đói nghèo, lạc hậu lại phải gánh trên lưng những khó nhọc của áo cơm gì sát đất khi nuôi một đàn con đông. Xót xa hơn, người đàn bà còn là nạn nhân của bạo lực gia đình: “bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”, bị lão chồng trút khổ bằng những trận đòn “như lửa cháy” và bằng những lời nguyền rủa đớn đau. Người đàn bà là hiện thân của đời sống lam lũ, nhọc nhằn, là hình ảnh của đời thường với những nét thô kệch, xấu xí.

Tuy mang vẻ bề ngoài và số phận cơ cực nhưng ở người đàn bà lại sáng lên ánh ngọc của một tâm hồn cao đẹp. Mang tư cách là một người mẹ nên người đàn bà rất giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Người đàn bà luôn giữ cho mình niềm tin đơn giản nhưng bền vững vào thiên chức của người mẹ: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”. Vì niềm tin không thể từ bỏ đó mà người đàn bà luôn nén mình chịu những đau đớn từ người chồng để tránh cho con bị tổn thương, để gia đình có người đàn ông chèo chống qua bão táp. Vì không muốn con chứng kiến cảnh bạo lực nên khi con lớn rồi, người đàn bà xin lão chồng lên bờ đánh. Đức tin ấy còn làm người đàn bà hóa đá trước những trận đòn roi, coi nó như cơm bữa mà nhẫn nại. Thế nhưng khi chứng kiến đứa con trai lao vào đánh bố để bảo vệ mẹ, người đàn bà lại bật khóc “cảm thấy đau đớn - vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Đâu đó ta còn thấy ánh lên tia sáng của lòng tự trọng, người đàn bà không muốn con chứng kiến cảnh bị đánh, thấy nhục nhã xấu hổ dường như một phần cũng là tự giữ lại cho mình một ít tự trọng.

Nét đẹp trong tâm hồn người đàn bà còn được thể hiện qua sự từng trải, sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời. Nếu Đẩu, Phùng và bé Phát chỉ nhìn gã đàn ông như kẻ vũ phu với cái nhìn căm giận; thì với người đàn bà, lão chồng vừa là nạn nhân lại vừa là ân nhân của đời mình. Với người đàn bà, người chồng ấy cũng phải chịu nhiều cơ cực của gánh nặng mưu sinh, là nạn nhân của chiến tranh. Điều mà người đàn bà mang ơn người chồng là bởi hắn đã lấy người đàn bà dù mụ xấu, thậm chí khi đó mụ còn có mang với người khác. Người đàn bà không căm phẫn oán trách mà còn tỏ ra thấu hiểu, cảm thông, thương xót khi thấy hoàn cảnh khốn đốn của gã trai hiền lành trở thành một người đàn ông tàn bạo. Những ngày tháng lênh đênh trên biển, chịu đủ đau thương và vui buồn đã khiến những suy nghĩ của người đàn bà trở nên dày dặn, người đàn bà nhìn thấy nỗi đau thực sự của người chồng, thấu hiểu quy luật cuộc sống nên đã mở tấm lòng bao dung để gắn bó và thứ tha. Người đàn bà đã từ chối lời đề nghị li dị của Phùng và Đẩu. Con thuyền gia đình vẫn cần người chèo lái, đó chỉ có thể là người chồng. Những đứa con thơ vẫn cần người bố để tựa vào, và con vẫn khỏe mạnh thì niềm vui “lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...” trong người đàn bà vẫn tràn đầy. Những góp nhặt, chắt chiu hạnh phúc đã đưa tâm hồn người đàn bà qua mọi cơn bão tố. Lựa chọn tiếp tục gắn bó không còn là quyết định nhu nhược nữa mà nó trở thành quyết định sáng suốt xuất phát từ suy nghĩ thấu đáo và bằng sự thấu hiểu lẽ đời.

Nhân vật người đàn bà là hình tượng nghệ thuật mang nhiều thông điệp nhân văn. Số phận đắng cay ấy của người đàn bà cũng là số phận của nhiều người phụ nữ trên những con thuyền khác: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu” và cũng là phận người nhỏ bé trước gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vai. Những nghịch lý ở người đàn bà là hiện thân của một cuộc sống đa thanh đa âm. Hậu chiến, xã hội không đơn thuần vận động theo một chiều nữa mà bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn, trở lại là bản chất vốn có của nó. Là con người, một phần tử của xã hội, chúng ta buộc phải học cách thích nghi, chấp nhận những nghịch lí ấy và biết thấu hiểu cho những bất đồng tồn tại ở những phận người quanh ta.

Xây dựng thành công nhân vật người đàn bà, nhà văn không chỉ lồng ghép vào trang văn cái tâm khám phá, thấu hiểu mà còn thể hiện cái tài sáng tạo văn chương. Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình huống đặc biệt để thông qua đó, tính cách nhân vật được nổi hình nổi dạng và thông điệp gửi gắm được truyền tải đầy đủ và trọn vẹn. Nhân vật được miêu tả bằng cái nhìn đa chiều, qua đó mang đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về số phận con người, về sự đa dạng của đời sống và nhắn nhủ bài học sáng tạo cho những ngòi bút đang sống và làm việc với nghệ thuật.

Với nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đi tìm hạt ngọc trong tâm hồn người. Nhà văn đã nhìn thật sâu, nhìn thật gần để thấy bên trong dáng vẻ lam lũ, thô kệch là vẻ đẹp sâu sa của nhân hậu và thấu hiểu lẽ đời.

-QP-vfo.vn

nguoi-dan-ba-hang-chai-chiec-thuyen-ngoai-xa.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI LỚP 12 HAY
Nghệ thuật, khi sống vị nghệ thuật, nó đơn giản chỉ là những con chữ. Nhưng khi nghệ thuật sống vị nhân sinh, nó mang sự sống và có giá trị thức tỉnh. Người nghệ sĩ là người suốt đời cần mẫn trên con đường “điều chế thuốc giảm đau”, để cứu vớt những người khỏi “cùng đường tuyệt lộ”. Cả cuộc đời cầm bút của Nguyễn Minh Châu cũng là vì điều ấy. Với nhân vật người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, ông đã phân nào hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Sự thay đổi về hoàn cảnh lịch sử đất nước: từ tình trạng chiến tranh chuyển sang thời bình nhờ đại thắng mùa xuân năm 1975 cùng với yêu cầu đổi mới toàn diện của Đảng khiến người cầm bút cũng cảm thấy “không thể viết như trước được nữa”. Nhận thức trước được điều đó, Nguyễn Minh Châu đã có những bước đi đầu tiên, táo bạo và thành thực để đổi mới cách nhìn hiện thực, con người cùng cách thể hiện. “Chiến thuyền ngoài xa” năm 1983 là một trong những bước đi khác của ông. Truyện chồng lấp hai câu chuyện, cuộc gặp gỡ của Phùng với cuộc sống thực bao trái ngang và câu chuyện bi kịch của người đàn bà Hàng Chài. Phùng đến bờ biển miền Trung để chụp một bức ảnh về cảnh biển trong sương sớm, không ngờ sau những khao khát Nhưng bình diện nổi lên hơn cả lại là câu chuyện về sự vỡ lẽ, những khoảnh khắc bừng sáng trong tâm thức của người nghệ sĩ khi phát hiện thấy chân lí đời sống không đơn màu như bức ảnh anh ta chụp được. Nhân vật người đàn bà hàng chài chính là nhân tố quan quan trọng đem đến cái nhìn mới cho người nghệ sĩ và người đọc.

Người đàn bà hàng chài không có được tên tuổi cụ thể, chỉ được gọi bằng những danh xưng như: “người đàn bà hàng chài”, “mụ”. Hình ảnh người đàn bà ấy chỉ là một trong vô số những người đàn bà vùng biển, không được nhắc đến, có thể là số phận của biết bao con người ngoài kia nữa.

Hình ảnh người đàn bà xuất hiện đầu tiên qua cái nhìn của nghệ sĩ Phùng: Thân hình thô kệch, cao lớn, bó chặt trong tấm áo bạc phếch, rách rưới. Khuôn mặt thì đầy rẫy những nết rỗ mệt mỏi và tái ngắt sau một đêm kéo lưới. Ngay từ vẻ bề ngoài, ta đã thấy ở người đàn bà hàng chài những gánh nặng cơ cực của cuộc sống mưu sinh đang đè nặng lên số phận.

Người đàn bà hiện lên như là một nạn nhân của số phận và cuộc đời. Đó là nạn nhân của sự bất hạnh từ khi sinh ra: vì bị rỗ mà bà không lấy được chồng. Đó là nạn nhân của đói nghèo lạc hậu: niềm vui của bà chỉ là khi đàn con đông đúc được ăn no – niềm vui bé nhỏ tội nghiệp. Đó còn là nạn nhân của bạo lực gia đình: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, bị lão chồng vũ phu trút cơn giận như lửa cháy: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Hình ảnh người đàn bà hàng chài chính là hiện thân của những lam lũ nhọc nhằn, cũng là hình ảnh của đời thường với những lam lũ, với những nét thô kệch xấu xí, một đời thường nếu cận cảnh sẽ mang gương mặt thô kệch đầy những nốt rỗ, chứa đựng nỗi đau của những con người nhỏ bé.

Khổ đau nhưng ngời sáng, phía sau bề ngoài xấu xí, thô kệch ấy là một tấm lòng yêu thương, là đức hi sinh và một con mắt thấu trải lẽ đời. Ngay cả trong ý nghĩ, người phụ nữ ấy chỉ dám cất cho mình niền tin đơn giản nhưng bền vững vào thiên chức của người mẹ: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con”. Trong hành động, bà luôn một mình chịu đựng những đau đớn để tránh cho con sự tổn thương nên con lớn và biết nhận thức, bà đã xin chồng đưa bà lên bờ để đánh. Bà đã hóa đá trước những trận đòn của chồng nhưng tâm hồn như bật máu khi thấy đứa con trai lao vào đánh bố bảo vệ mẹ. Tiếng gọi mếu máo phát Phác con ơi và hành động vái lấy vái để đứa con con cùng vời cảnh tượng đứa lặng lẽ đưa tay khẽ sờ trên khuôn mặt mẹ như muốn lau đi giọt nước mắt đọng lại trên những nốt rỗ -giọt nước mắt của niềm xúc động hay nỗi xót xa? Hình ảnh người bạn hiện lên trọn vẹn với tất cả những cay đắng, ê chề nhưng cũng cao cả, thánh thiện.

Đó là người phụ nữ từng trải sắc sảo thấu hiểu lẽ đời. Một cái nhìn sâu sắc: Nếu đẩu và Phùng, Phác nhìn người đàn ông hàng chài với cái nhìn vũ phu, tàn bạo thì người đàn bà hàng chài nhìn hắn như một nạn nhân: nạn nhân của đói khổ. Trong sâu thẳm còn là một ân nhân, không một chút oán trách mà là thấu hieur, cảm động, thậm chí xót thương khi hoàn cảnh cùng quẫn đã khiến một gã trai hiền lành cục tính thành hung dữ, tàn bạo. Với bản tính nhân hậu, bà vị tha, bao dung với cả cái ác của chồng. Lựa chọn sáng suốt: bà từ chối li dị gã chồng vũ phu vì con thuyền gia đình bà vẫn cần bàn tay chèo chống của người chồng để đi qua phong ba bão táp, qua bao cơ cực bà vẫn chắt chiu để nuôi nấng đứa con khôn lớn. Chính người đàn bà đã giúp Phùng và Đẩu ngộ ra chân lí đời sống: cuộc đời vốn không đơn giản ngay trong cuộc sống đời thường vẫn luôn xuất hiện những nghịch lí phức tạp và con người nên biết chấp nhận những nghịch lí ấy.

Nhà văn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đi tìm hạt ngọc ẩn giấu sâu trong tâm hồn con người. Nhìn thật gần, thật sâu để thấy bên trong dáng vẻ thô kệch kia là vẻ đẹp giản dị, thầm lặng, sâu xa như chính đời sống của người phụ nữ nhân hậu và thấu hiểu. Để làm điều đó, nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống nghịch lí đời thường, qua đó vừa khắc họa số phận bi kịch con người trong cuộc sống thường nhật vừa khẳng định vẻ đẹp khuất lấp bí ẩn phía sao của con người. Nguyễn Minh Châu đã theo quy luật hội tụ ánh sáng để miêu tả nhân vật bằng cái nhìn đa chiều. Nhà văn không chú trọng xây dựng và khắc họa tính cách mà chú trọng ở phương diện nhân cách. Qua đó mà thể hiện những quan điểm, quan hoài thường trực về số phận của những con người xung quanh mình. Đó chính là những đổi mới mang tính tiên phong của Nguyễn Minh Châu để thoát ra khỏi bức tường thời đại cũ mà đến với thế giới.

Cho đến khi con người ta thôi khổ đau vì không nhận thức đúng đắn được thế giới và chính mình, khi ấy, “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu vẫn còn nguyên đó giá trị.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn

chiec-thuyen-ngoai-xa.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI CHI TIẾT LỚP 12
Sau năm 1975, nền văn học nước ta đã thực sự bước vào giai đoạn đổi mới và Nguyễn Minh Châu chính là “người mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Giờ đây, ông đoạn tuyệt lối viết sử thi, lối viết được tráng bởi một lớp men trữ tính trước kia và bắt đầu tiếp cận, khám phá đời sâu ở “bề sâu”, “bề sau”, “bề xa”( Chế Lan Viên). Tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác thời kì đổi mới của ông là “ Chiếc thuyền ngoài xa”. Mà với hình ảnh người đàn bà hàng chài, nhà văn đã thể hiện rõ sự tiếp cận đời sống của mình và những tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng nhân sinh của ông.

Tác phẩm viết năm 1983, thể hiện rõ phong cách tự sự triết lý của Nguyễn và những trăn trở của ông về nghệ thuật, về cuộc đời. Đó là quan điểm rằng nhà văn vẫn là bạn của những con người cùng đường, tuyệt lộ, viết văn là hành trình đi tìm “hạt ngọc” ẩn sâu trong con người. Chỉ có điều, con người ấy không còn là con người sử thi mà là con người đời tư, cá nhân, con người trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn, gian khổ.

Người đàn bà hàng chài xuất hiện trước con mắt của Phùng với mọi chi tiết rõ nét: một người đàn bà không tên, chỉ được gọi bằng “ người đàn bà hàng chài” hay đó cũng chính là số phận nhỏ bé, vô danh? Đó là người đàn bà “cao lớn với những đường nét thô kệch”, “khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ” và Phùng bắt gặp khi người đàn bà ấy bị chồng đánh. Vậy là ngay từ những chi tiết nhỏ, nhà văn đã phần nào hé mở về một số phận nhỏ bé và bất hạnh.

Người đàn bà hàng chái- hiện thân của những khổ đau và bất hạnh. Đó là khổ vì cuộc sống nghèo đói, cơ cực. Ngay từ khi còn trẻ, mụ ta là “đứa con gái xấu, lại rỗ mặt”. Vì vậy “trong phố không có ai lấy tôi” và khi lấy người chồng hiện tại, từ cuộc sống khá giả với mẹ cha, người đàn bà ấy xuống thuyền ở. Mà xuống thuyền ở, nghĩa là bước vào cuộc sống đầy lạc hậu. Cuộc sống mưu sinh cho gia đình nhỏ bắt đầu từ đây. Sống ở nơi song nước, con người thường phải phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn, để rồi “ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rộng luộc chấm muối”.

Đó là khổ vì cuộc sống lạc hậu. Lạc hậu là nguyên nhân dẫn việc gia đình chị ta có đến tám, chín miệng ăn và tất cả tạo thành vòng xoáy quẩn quanh đến nỗi chị ta nhận thức được mà không thể thoát ra được.

Đó là khổ vì là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nguyễn Minh Châu đã dành cả trang sách để miêu tả cảnh bạo hành đó. Cảnh bạo hành diễn ra ngay tại nơi bão biển đẹp, thơ mộng như một nghịch lý của cuộc sống. Cảnh bạo hành thường xuyên diễn ra “ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Không chỉ khổ về thân xác, người đàn bà ấy còn khổ về tinh thần bởi không bảo vệ được tâm hồn con trẻ trước cảnh bạo hành. Đau đớn hơn, khi được pháp luật bảo vệ, chị ta vẫn phải cắn răng chịu đựng…

Để rồi, qua nỗi khổ của người đàn bà hàng chài, chúng ta mới thấm thía hơn về số phận của con người sau năm 1975: đất nước hoà bình, vấn đề của dân tộc đã được giải quyết nhưng số phận của mỗi cá nhân thì thế nào? Số phận con người vẫn còn đầy câu hỏi chưa kiếm tìm được câu trả lời, vẫn còn đầy những góc khuất. Từ đó, nhà văn cảnh tỉnh rằng: đừng nhìn cuộc sống chỉ ở bề ngoài của nó, khi cuộc chiến này đi qua thì một cuộc chiến khác sẽ xuất hiện và chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến số phận cá nhân.

Với quan điểm viết văn là hành trình đi tìm “hạt ngọc” ẩn sâu trong tâm hồn con người, nhà văn đã khám phá rằng người đàn bà hàng chài ấy, vẫn có những vẻ đẹp riêng.

Người đàn bà ấy không mang vẻ đẹp sử thi như những Lãm, những Nguyệt,..của giai đoạn trước mà đẹp ở khía cạnh đời tư. Đó là người mẹ hết mực thương yêu những đứa con của mình. Tình thương con giúp người mẹ ấy hiểu rằng: đàn bà sinh con để đẻ con, sinh con và đẻ con. Những đứa con ấy cũng chính là động lực giúp người phụ nữ ấy vượt qua muôn vàn khó khan để bám trụ lại cuộc đời. Không chỉ vậy, người mẹ ấy còn làm tất cả vì con: vì con mà sẵn sang chịu những đòn roi của chồng để níu giữ hạnh phúc gia đình, vì con mà xin chồng lên đánh ở bờ…

Đó là người vợ rất bao dung. Người vợ ấy luôn biết ơn chồng vì nhờ người chồng ấy, chị ta mới được làm mẹ, làm vợ- những thiên chức mà mọi người phụ nữ đều khát khao, mong muốn. Người vợ ấy cũng hiểu rằng tính tình của chồng đều vì hoàn cảnh mà ra. Yêu con, hiểu chồng, đây chính là những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữa Việt Nam…

Đó là người đàn bà sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời. Chị ta dù ít học, không phải là những người có học như Phùng, như Đẩu nhưng lại rất thấu hiểu lẽ đời: hiểu về mình rằng mình là người xấu, hiểu về chồng về tính nết, hiểu người rằng Phùng và Đẩu “ Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn”.

Người đàn bà ấy nâng niu, trân trọng mọi hạnh phúc đời thường. Phùng và Đẩu- những người nhân danh công lý thấy cuộc đời chị ta đầy rẫy những bi kịch nhưng chị ta thấy “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”…

Sự sắc sảo của người đàn bà toát lên ngay từ cách nói, cách suy nghĩ: kể câu chuyện của mình có quan điểm, có lập trường rõ rang, khiến cho Phùng và Đẩu còn cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng, khiến trong đầu vị Bao Công “vỡ” ra nhận thưuc về con người, về cuộc sống.

Khám phá người đàn bà hàng chài với những vẻ đẹp khuất lấp, người “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” thể hiện rõ tư tưởng của mình: con người dù nhỏ bé nhưng vẫn phong phú, phức tạp, là hiện thân của các giá trị trong đời sống. Và người cầm bút, phải gắng đào sâu để kiếm tìm những chân giá trị trong con người…

Để khắc hoạ hình tượng người đàn bà hàng chái, nhà văn ắt phải sử dụng một hình thức nghệ thuật độc đáo. Hình thức ấy là gì nếu không phải là chọn điểm nhìn ở ngôi kể thứ nhất ( nghệ sĩ Phùng), là cách đặt con người trong tình huống nghịch lý, là ngôn ngữ, giọng điệu đầy triết lý, suy tư,…

“ Chiếc thuyền ngoài xa” có lẽ đã thể hiện thành công tư tưởng nghệ thuật cùng tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Minh Châu. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn đã thực sự “quấy rầy” ta để ta không ngừng suy nghĩ về số phận cá nhân, số phận con người sau 1975!

-Tống Thùy Nga-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chiếc thuyền ngoài xa người đàn bà hàng chài nguyễn minh châu
  • Top