3 bài văn Phân tích nhân vật Tràng để làm rõ sự thay đổi của nhân vật trong Vợ Nhặt của Kim Lân

“Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề với cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Đó là những chia sẻ của Kim Lân về “Vợ nhặt”. Suy nghĩ đó đã thôi thúc nhà văn xây dựng nhân vật Tràng có sự thay đổi vô cùng tích cực, để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm sâu xa.

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Sự giản dị, thuần hậu cùng nét tài hoa, hóm hỉnh ở người nghệ sĩ này được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bút danh Kim Lân của ông được lấy từ tên nhân vật Đổng Kim Lân, một nhân vật trong vở “Tuồng Sơn Hậu” – vai diễn tâm đắc nhà văn từng đảm nhiệm. Nhà văn được công chúng quan tâm chú ý đến nhiều hơn khi bắt đầu khai thác những đề tài độc đáo như sinh hoạt văn hóa ở thôn quê để qua đó gửi gắm nét đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945 – những con người khổ cực, nghèo đói nhưng vẫn khát khao cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Có người đánh giá “là cây bút viết truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng”. Đọc truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn ta càng thấm thía hơn lời nhận xét trên. Với tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” – bản thảo bị thất lạc sau Cách mạng, năm 1954 khi hòa bình lập lại, nhà văn đã dựa trên cốt truyện cũ ấy để sáng tác nên “Vợ nhặt”. Hình ảnh nhân vật Tràng trong truyện được nhà văn khắc họa rất đậm nét. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích nhân vật Tràng để từ đó thấy sự thay đổi của nhân vật sau khi lấy vợ các bạn có thể tham khảo để bài viết đủ ý hơn. Chúc các bạn thành công!

nhan-vat-trang.jpg


BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRÀNG ĐỂ LÀM RÕ SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT LỚP 12 TRONG TRUYỆN VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN
Là một nhà văn dành cả cuộc đời để “đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”, Kim Lân đã để lại cho kho tàng văn học rất nhiều tác phẩm đặc sắc viết về đề tài cuộc sống nông thôn cũng như những người nông dân. Trong đó, ta không thể không nhắc đến truyện ngắn “Vợ nhặt” được nhà văn viết năm 1954. Nhân vật chính trong truyện – Tràng, đã có những sự thay đổi mạnh mẽ sau khi đưa người vợ nhặt về làm vợ. Những nét tính cách, phẩm chất nhân vật, sự thay đổi thú vị…tất cả đã thể hiện sự tinh tế và sâu sắc trong tâm hồn, trong tài năng nghệ thuật của nhà văn Kim Lân.

Tràng là một người nông dân nghèo khổ với cuộc sống bấp bênh, trang trải mưu sinh từng ngày bằng nghề kéo xe bò. Vẻ bề ngoài của hắn thì xấu xí, thô kệch. Tính cách lại ngờ nghệch, vụng về, vừa đi vừa lảm nhảm những ý nghĩ xuất hiện trong đầu. Nhưng đằng sau những vẻ ngoài và tính cách ấy, nhà văn Kim Lân lại gửi gắm sự chất phác, lương thiện và một tâm hồn giàu khát vọng ở nhân vật. Khi cái đói khát đẩy con người vào đường cùng, miếng ăn hàng ngày chính là sự sống thì Tràng vẫn sẵn sàng sẻ chia sự sống ấy cho một người đàn bà xa lạ chỉ sau hai lần gặp trên chợ tỉnh, người đàn bà thậm chí mình còn không hề biết tên, lai lịch, không rõ tính nết, cách ăn ở, đối nhân xử thế như nào. Ở thời điểm đói khát đó, việc “nhặt vợ” được xem như rước nợ vào nhà, nhưng Tràng vẫn tặc lưỡi: “chậc, kệ” và quyết định dẫn người vợ nhặt về nhà giới thiệu cho mẹ mình. Lòng tốt của con người, sự sẻ chia, cưu mang ấy đã chiến thắng cái khắc nghiệt của nạn đói.

Trên đường dẫn người vợ nhặt về nhà, Tràng cứ tủm tỉm cười một mình. Gương mặt, ánh mắt lộ rõ niềm vui sướng, hạnh phúc. Khi thấy bọn trẻ con trong xóm trêu đùa làm người vợ nhặt bối rối, hắn nghiêm mặt lại như để bảo vệ, che chở cho người phụ nữ của mình. Khi vào đến nhà thì sự bối rối, ngượng ngùng lại khiến Tràng không biết nói gì với người vợ mới, hắn hết chạy ra ngõ rồi lại nhìn vào nhà, băn khoăn trước nét mặt bần thần của người vợ nhặt. Khi bà cụ Tứ về, Tràng đã giới thiệu người vợ nhặt với mẹ bằng lời lẽ trân trọng đầy yêu thương: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả…”. Dưới ngòi bút Kim Lân, phẩm chất của nhân vật được thức dậy một cách rất tự nhiên và chân thực.

Sau khi lấy vợ, nhân vật Tràng có rất nhiều sự đổi thay thú vị. Sự thay đổi ấy được nhà văn Kim Lân thể hiện rõ nét qua từng suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật vào buổi sáng hôm sau ngày đưa người vợ nhặt về nhà. Từ một gã trai ngờ nghệch, vụng về trước đây, Tràng bây giờ đã chín chắn và trưởng thành hơn rất nhiều. Những niềm hạnh phúc mới mẻ tràn ngập trong tâm hồn Tràng. Tràng cảm thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Với Tràng, việc mình có vợ đến hôm nay vẫn còn thấy “ngỡ ngàng như không phải”. Niềm hạnh phúc, vui sướng trong tâm hồn tiếp tục lan tỏa ra bên ngoài, tràn ngập khắp không gian, đất trời cảnh vật xung quanh, “mọi thứ xung quanh như có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”. Trước mắt Tràng, cuộc sống hiện lên thật đẹp với những gam màu tươi sáng: “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch”.

Việc lấy được vợ như mở ra những trang đời mới, tươi sáng và hạnh phúc hơn với Tràng và gia đình. Cảm xúc vui sướng ngập tràn ấy dẫn tâm trí Tràng nghĩ về trách nhiệm, bổn phận của mình trong gia đình – một người đàn ông duy nhất gánh vác những lo toan, nặng nhọc để cùng vợ vun đắp một tổ ấm hạnh phúc, bình yên. Không những ý thức được trách nhiệm của bản thân, Tràng còn nhận thức về con đường sống, con đường hướng đến tương lai của gia đình mình. Trong bữa cơm, Tràng và mọi người có trò chuyện về tiếng trống thúc thuế, rồi “Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi, cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm…hắn nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật”. Trong suy nghĩ Tràng bỗng vụt hiện ra “cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đàng trước có lá cờ đỏ to lắm”. Những hình ảnh đó gợi trong Tràng những dự cảm về không khí Cách mạng, về tương lai phía trước.

Sự thay đổi của nhân vật Tràng đã lưu lại trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng, từ đó cũng gieo niềm tin, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn của nhân vật, hay xa hơn là của những người lao động bần cùng trong nạn đói thời đó. Qua hình tượng nhân vật Tràng, người đọc càng thêm yêu mến nhà văn Kim Lân, yêu những tác phẩm nghệ thuật của ông hơn, đặc biệt là những tác phẩm viết về người nông dân thời đó.

-Nem-vfo.vn vfo.vn

nhan-vat-trang-vo-nhat.jpg


BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRÀNG ĐỂ LÀM RÕ SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT HAY NHẤT
Nếu Nguyễn Tuân là văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái lạ; Nguyên Ngọc là nhà văn của cái hùng, cái cao cả thì Kim Lân chỉ đơn giản là người “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Con người trong những tác phẩm của ông như từ đời thực mà bước vào trong văn. Những sự thay đổi, mới xem tưởng như “bất thường” nhưng lại nói lên những thứ rất bình thường. Như sự thay đổi mà nhân vật Tràng đã làm qua truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Truyện ngắn “Vợ nhặt” được Kim Lân viết văn 1962, tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Mang theo ý thức sâu sắc về nghề cầm bút, Kim Lân luôn trăn trở: “Viết về cái đói, người ta thường hướng đến sự khốn cùng bi thảm, về cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, cận kề cái chết, con người vẫn luôn hướng về sự sống và sống cho ra người. Đó cũng chính là điều làm nên giá trị sâu sắc của tác phẩm”. Đó chính là tiền đề để tác giả có thể tạo lên một tác phẩm: “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu). Toàn bộ câu chuyện và diễn biến đều xoay quanh sự kiện chính: nhân vật Tràng nhặt được vợ ngay trong hoàn cảnh nạn đói đang đe dọa tới mạng sống của mỗi con người. Mọi thay đổi và suy nghĩ đều gợi ra từ đó.

Tràng là một người nông dân xóm ngụ cư nghèo khổ, cuộc sống bấp bênh, mưu sinh bằng nghề kéo xe bò thuê. Ngoại hình Tràng thì xấu xí, thô kệch; tính cách lại vụng về, ngờ ngệch. Tràng thường trêu đùa với trẻ con trong xóm ngụ cư, vừa đi vừa làm nhảm những ý nghĩ xuất hiện trong đầu. Nhưng phía sau tính cách ấy, ta có thể cảm nhận được sự chất phát của con người lương thiện và giàu khát vọng: Trong lúc đói khát đang đẩy con người vào đường cùng, miếng ăn hằng ngày là sự sống thì Tràng vẫn sẵn sàng chia sẻ điều đó với một người đàn bà xa lạ. Trong khi mọi người coi việc nhặt vợ trong hoàn cảnh đói khát là rước của nợ về, bản thân Tràng cũng sợ: “Thóc gạo này đến cái thân mình không biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”, nhưng cuối cùng lại quyết định bằng cái tặc lưỡi: “Chậc, kệ” cũng hành động đưa người phụ nữ kia về. Đó không phải là hành động liều lĩnh hay buông xuôi mà chính là sự chiến thắng của khao khát trước những đói khát.

Từ đó, trong bản thân Tràng đã có sự thay đổi. Trên đường về xóm ngụ cư, gương mặt Tràng “phớn phở” khác thường, “hai con mắt sáng lên lấp lánh”, còn “tủm tỉm cười một mình”.Từ gương mặt đến ánh mắt đều phản chiếu niềm vui, niềm hạnh phúc ra bên ngoài. Tràng còn “nghiêm nét mặt” khi bọn trẻ con trong xóm trêu đùa. Chi tiết nhỏ này đã thể hiện sự thay đổi ban đầu của Tràng: muốn bảo vệ và che chở có người phụ nữ bên cạnh mình. Khi vào đến nhà, Tràng có cảm giác bối rối, ngại ngùng không biết nói gì với người vợ mới: hắn hết chạy ra ngoài rồi chạy vào nhà, nhìn vẻ mặt người người vợ nhặt. Chàng trai ngờ nghệch bỗng trở nên nhạy cảm. Rồi khi thấy bà cụ Tứ về, Tràng giới thiệu về sự xuất hiện của ôngười vợ nhặt bằng sự trân trọng, yêu thương: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là số cả...” Nhân vật đã trút bỏ lớp vỏ của sự ngờ nghệch vụng về và trở thành người một đàn ông chững chạc, tinh tế.

Đến sáng hôm sau, hắn thức dậy, “trong lòng êm ái, lửng lơ như từ giấc mơ ra”. Tràng đã cảm nhận được niềm hạnh phúc mới mẻ lan tỏa trong tâm hồn mình. Hạnh phúc ấy vừa ngọt ngào, vừa nồng nàn như men rượu khiến tâm hồn nhân vật bay bổng, thăng hoa. Khung cảnh xung quanh như bừng dậy trong một luồng sinh khó mới: nhà cửa, vườn tược, sân vườn được dọn dẹp, quét tước sạch sẽ, ngoài vườn thì người mẹ dang lúi húi dẫy mấy búi cỏ, trong sân thì người vợ đang quét tước, dọn dẹp. Cảnh tượng giản dị mà khiến Tràng cảm động. Tất cả trở nên lấp lánh dưới ánh nắng hè buổi sớm mai. Nhân vật thấy đời mình như bước sang một trang mới: Tràng ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình. Với Tràng, nhà bây giờ không chỉ là nơi trú ngụ để che mưa, che nắng nữa mà là tổ ấm. Vì vậy, “hắn thấy yêu thương và gắn bó với nhà của hắn”, hắn cảm thấy hắn nên người và có trách nhiệm chăm lo, lo lắng cho vợ con sau này.

Như vậy, Kim Lân đã chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong để miêu tả tinh tế những thay đổi bên trong tâm hồn nhân vật. Dưới ngòi bút Kim Lân, yêu thương và hạnh phúc giống như một cây đũa thần có khả năng phục sinh tâm hồn, biến một gã vụng về, ngờ nghệch thành một người đàn ông trưởng thành, tinh tế và sâu sắc. Từ hành động yêu thương nhưng vẫn còn đầy âu lo, cuộc đời nhân vật đã tươi sáng và tràn đầy hi vọng. “Vợ nhặt” đã khiến nhà văn Nguyễn Khải thốt lên: “Tôi không tin Nguyễn Tuân có thể viết “Chữ người tử tù” cũng như Kim Lân có thể viết “Vợ nhặt”. Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết”. Điều đó chắc chắn được làm nên không chỉ bởi ngòi bút kể chuyện tài hoa mà còn là một tâm hồn luôn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy”, một cái nhìn đôn hậu, hóm hình và đầy thấu hiểu với người nông dân và thứ ngôn ngữ đậm chất Kinh Bắc.

Đúng là “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” (An-đéc-xen). Những nhân vật và trang văn của Kim Lân đã sống trong lòng người đọc bằng những áng văn “trung thực và giản dị về con người” (Hemingway) như thế.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRÀNG ĐỂ LÀM RÕ SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT
Thay đổi là quy luật tất yếu của một xã hội trên đà phát triển. Thay đổi càng là yêu cầu đặc biệt đối với những cảnh ngộ lầm than, khốn đốn để hướng đến một cuộc sống tươi sáng hơn. Đó cũng là cái hồn riêng của văn học Cách mạng Việt Nam, thời mà thế giới văn chương phú cho con người những số phận đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ thung lung đau thương ra cánh đồng vui. Nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” của Kim Lân cũng là một nhân vật như thế.

Sinh ở trên đời là một anh nông dân khờ khạo, từ cái tên “Tràng” nôm na mách qué đến xuất thân là dân ngụ cư, làm cái nghề kéo xe bò nặng nhọc… Huống hồ thời thế thế thời, cảnh đói khổ và “người chết như ngả rạ” đã tràn về khắp các thôn cùng ngõ hẻm, Tràng sao tránh khỏi cảnh cơ cực, bần hàn? Thế nhưng, người vợ nhặt theo Tràng về làm vợ đã xuất hiện giữa buổi đói kém, trong lúc “không biết có nuôi nổi thân mình không lại còn đèo bòng”, đã trở thành bước ngoặt lớn của câu chuyện cũng như cuộc đời Tràng. Từ một cậu trai ế vợ, ngờ nghệch, Tràng đã có một gia đình, đã xây dựng gia đình, yên bề gia thất.

Trong cái buổi sáng hôm sau, dường như Tràng đã trở thành một con người khác vậy. Tràng bước ra sân, thấy “êm ái lửng lơ như đi từ giấc mơ ra”, vẫn còn ngỡ ngàng như không phải đối với việc mình đã có vợ. Mọi thứ đối với Tràng lúc này đều mới mẻ, mới mẻ chính là biểu hiện của sự thay đổi. Từng là một chàng trai vô tâm vô tính bao nhiêu, nay Tràng lại quan tâm tới gia đình nhiều hơn, Mọi sự thay đổi xung quanh, Tràng đều đã thu vào tầm mắt. Những cảnh tượng rất đỗi thân thuộc, bình dị, chỉ là những công việc hàng ngày nhưng đối với Tràng lại mới lạ, như cái cách mà Chí Phèo cảm nhận về khung cảnh xung quanh mình trong buổi sáng hôm sau sau khi ăn nằm với Thị Nở - khung cảnh mà ngày nào cũng có nhưng chỉ có lúc ấy hắn mới cảm nhận được. Tràng xúc động với những khung cảnh giản dị: mẹ lúi húi rẫy cỏ ngoài vườn, vợ quét sân cùng “”tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”. Những gì ẩm mốc, hoang hoải đều đã được dọn đi hay đem ra phơi, những gì hao khuyết cũng đã được đổ đầy. Chính những khung cảnh gia đình quang quẻ hơn đã trở thành chất xúc tác cho tâm hồn đang lâng lâng của Tràng được đà thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tràng tự cảm thấy mình gắn bó với gia đình, nghĩ nhiều hơn đến gia đình: “Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”. Thì ra có vợ khiến con người ta trưởng thành, khiến Tràng thấy mình là một con người hoàn toàn. Trưởng thành là khi hắn nhận ra trách nhiệm và bổn phận của bản thân đối với gia đình, từ nhận thức đi đến hành động “xăm xăm chạy ra giữa sân, cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa căn nhà”. Mọi sự thay đổi tích cực đều hướng về phía sự sống, chính là bắt nguồn từ khát vọng sống, nhu cầu hạnh phúc của chàng trai trẻ. Mọi sự thay đổi tích cực đều hướng về phía tương lai, chính là bắt nguồn từ niềm hy vọng và lạc quan tin tưởng. Từ một nạn nhân hứng chịu cái đói nghèo của thời thế, Tràng trở thành chủ nhân nắm trong tay vận mệnh của chính mình bằng chính nhận thức về sự sống trong hiện tại. Xuất thân và gia cảnh có thể trói chân Tràng trong vận mệnh nghèo khó về vật chất, nhưng không ngăn nổi Tràng đến với những giá trị tinh thần, không ngăn nổi Tràng kiếm tìm niềm vui trong tâm hồn cho bản thân.

Đặc biệt, từ việc làm chủ cuộc đời mình, trong ý thức xã hội của Tràng đã hướng đến một xu hướng nghĩ về đoàn thể. Đó là khi nghe người vợ nhặt kể chuyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang không chịu đóng thuế mà đi phá kho thóc Nhật thì Tràng sửng sốt hỏi lại: “Việt Minh hử?” Trong đầu Tràng thấy tiếc vẩn vơ khi chưa kịp tham gia, nhưng đọng lại trong tâm trí Tràng vẫn là lá cờ đỏ sao vàng của đoàn người trên đê Sộp. Những bước đầu của việc thức tỉnh và giác ngộ về Cách mạng, đã hứa hẹn một ngày mai không xa, người nông dân tham gia vào Cách mạng, hăng hái và quyết liệt, không những làm chủ cuộc đời mình mà còn góp phần làm chủ vận mệnh của dân tộc mình.

Sự thay đổi này là khuynh hướng vận động tất yếu của mạch truyện trong văn học Cách mạng, nhưng cũng là sự sáng tạo mang tính cá thể hóa của Kim Lân bằng vốn ngôn ngữ đậm đà màu sắc nông thôn, đặt nhân vật trong những tình huống rất riêng, rất độc đáo và éo le cần phải lựa chọn…Người ta thường nói: “Đời thay đổi khi ta thay đổi”, chỉ có chủ động nắm bắt lấy cơ hội của bản thân, chủ động làm mới chính mình mới có thể hướng đến tương lai tốt đẹp!

-tranggskyy-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    kim lân nhân vật tràng vợ nhặt
  • Top